Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH GIÀU TÌNH THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM
15:32 | 23/09/2021

 

 

 

 

 

Từ lâu, tôi đã nghe kể về Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ, quê ở thôn Đại Vi, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, người suốt nhiều năm qua đã luôn thể hiện ý thức trách nhiệm, tình cảm “tương thân tương ái”, ủng hộ hàng tỷ đồng giúp địa phương xây dựng cơ sở vật chất các trường học, đường giao thông, cùng nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhân dân; Mỗi năm tặng hàng trăm suất quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, người khiếm thị, các gia đình và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn… giúp họ có động lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Để hiểu hơn về người Cựu chiến binh (CCB) có trái tim dạt dào tình yêu thương và trách nhiệm này, vào một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi đã có dịp về thăm ông tại gia đình. Ông Ngọ có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền và đôi mắt sáng. Khi tiếp xúc với anh em bè bạn thì chân tình, cởi mở… khác xa hình ảnh của một vị tướng mà tôi đã hình dung trước khi gặp mặt. Mặc dù ông không muốn nói về mình, nhưng qua những việc ông làm, những lời ông kể, dẫu còn rất khiêm tốn và dè dặt, nhưng được tiếp xúc qua nhiều người, cũng đủ để tôi thêm mến yêu một con người có trái tim nhân hậu, luôn sống hết mình vì mọi người, vì cộng đồng xã hội.

CCB Nguyễn Duy Ngọ sinh năm 1956, năm 1974 lên đường ngập ngũ rồi vào Nam chiến đấu. Sau ngày giải phóng, ông được chuyển sang đơn vị làm kinh tế quốc phòng. Năm 1985, Binh đoàn 15 được thành lập, có nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế bằng việc quản lý hàng ngàn ha đất rừng Tây Nguyên để trồng cao su, cà phê… vừa sẵn sàng chiến đấu, và đã trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển mạnh và làm ăn hiệu quả nhất trong toàn quân. Không chỉ hoàn thành và vượt chỉ tiêu nộp ngân sách cho nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho bộ đội, còn giúp bà con các dân tộc Tây Nguyên có việc làm ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Trải qua 42 năm sống trong quân ngũ, người lính Nguyễn Duy Ngọ đã trưởng thành về mọi mặt. Bằng năng lực và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ông đã trở thành Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 715, rồi Trưởng ban Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Phó Tư lệnh chính trị, Chính ủy Binh đoàn 15. Năm 2016, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ được nghỉ hưu, hành trang của ông trở về quê hương là những tấm Huân, Huy chương cao quý được trao tặng, cùng nhiều kỷ vật lưu lại một thời đã sống, chiến đấu và công tác.

Ông Ngọ tâm sự: “Ngày còn đang tại ngũ, mỗi khi về thăm quê, hay khi nghỉ hưu về sống tại quê nhà, được chứng kiến các trường học, hệ thống giao thông, các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân bị xuống cấp, đời sống của cựu chiến binh, người khiếm thị và không ít hộ dân còn gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi bàn với vợ gom góp mỗi lần một ít lấy kinh phí ủng hộ, với mong muốn phần nào giảm bớt khó khăn của địa phương và gia đình họ”.

Ông Nguyễn Đức Hành, Chủ tịch Hội CCB xã Đại Đồng cho biết: “Nhiều năm qua, bằng cái tâm trong sáng, ý thức trách nhiệm và tình cảm tương thân tương ái, CCB Nguyễn Duy Ngọ đã tự nguyện ủng hộ hàng tỷ đồng giúp địa phương làm đường giao thông; tu bổ trường mầm non, trường tiểu học xã Đại Đồng và trường cấp III Tiên Du; xây dựng cảnh quan UBND xã; sửa chữa và xây mới các Nhà văn hóa, cùng hệ thống đình, chùa, nghè… phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Mỗi năm vào dịp tết Nguyên đán, ông Ngọ còn ủng hộ kinh phí mua hàng trăm suất quà, mỗi suất từ 500 đến 1 triệu đồng, tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, hội viên Hội Người mù, nạn nhân chất độc da cam, các hộ nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa, các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ngoài ra, ông còn ủng hộ 50 triệu đồng cho Hội Người cao tuổi lấy kinh phí hoạt động; hỗ trợ bạn đồng ngũ tổ chức gặp mặt và CCB thăm lại chiến trường xưa. Biết tin một đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, ông đã giúp 100 triệu đồng xây lại căn nhà dột nát… Việc làm đầy ý nghĩa, giàu tình thương và trách nhiệm của CCB Nguyễn Duy Ngọ đã được cán bộ và nhân dân địa phương đánh giá cao và hết lòng khen ngợi.”.

Ông Ngọ chia sẻ: “Tôi có may mắn được hưởng mức lương và tiền thưởng đối với một sỹ quan cao cấp trong một đơn vị làm kinh tế, lại có thu nhập đáng kể từ trang trại trồng cà phê, mà cả gia đình đã vất vả nắng mưa suốt nhiều năm, nên cũng tích lũy được ít nhiều. Vợ chồng tôi thường động viên nhau: Chia sẻ một phần vật chất với nơi mình được sinh ra, khôn lớn và trưởng thành, không chỉ là tình cảm, còn là trách nhiệm của mỗi người. Và có lẽ, nếu có điều kiện ai cũng sẽ làm như thế. Chỉ tiếc là nay tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều, nên không thể đóng góp được nhiều hơn…” 

Nói về những việc làm tình nghĩa của CCB Nguyễn Duy Ngọ, mà không kể đến niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của ông, suốt mấy chục năm qua đã dày công sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn kỷ vật, để hôm nay trở thành “bảo tàng” nhỏ của gia đình, giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, về cuộc sống của nhân dân ta một thời gian khó… thì vẫn còn thiếu sót.

Được biết, thời gian đầu ông Ngọ chỉ có ý định sưu tầm một số kỷ vật của người lính để làm kỷ niệm, cũng là để mọi người và thế hệ mai sau luôn nhớ về một thời cha anh đã sống và chiến đấu. Từ ngày được đóng quân và tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ông đã sớm “phải lòng” với những nét đẹp văn hóa đặc sắc ở nơi đây, thế là “bộ sưu tập” lại có thêm những hiện vật mới. Biết ông mê sưu tầm kỷ vật, đồng đội, rồi bà con các dân tộc như Ja rai, Ba na, Ê đê… ai có gì đem cho nấy, thành thử, mỗi chuyến về phép của ông đều lỉnh kỉnh những hộp lớn, hộp bé, toàn những thứ chẳng giúp được gì cho vợ, cho con. Khi được nghỉ hưu, ông quyết định trưng bày các kỷ vật để mọi người cùng chiêm ngưỡng, rồi bỏ rất nhiều thời gian và công sức sưu tầm hàng trăm dụng cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt của nông dân Đồng bằng Bắc Bộ cách đây đã 5 - 6 chục năm. Với mong muốn mọi người và lớp trẻ hôm nay hiểu hơn, trân trọng hơn cuộc sống lao động và sinh hoạt của nhân dân ta một thời gian khó.

Mặc dù không gian chưa đủ rộng, nhưng CCB Nguyễn Duy Ngọ vẫn khéo xếp đặt các hiện vật theo các chủ đề, bao gồm khu trưng bày các dụng cụ phục vụ sinh hoạt, lao động và sản xuất xưa cũ của nông dân Đồng bằng Bắc Bộ, gồm các hiện vật như cối xay lúa, cối giã gạo, xe đạp thồ, cày, bừa, nơm, dậm, đó, đụt… đánh bắt cá, cùng rất nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt và đời sống. Tiếp đó là khu trưng bày những kỷ vật của người lính trong chiến tranh và hòa bình, gồm bi đông đựng nước, ăng gô, la bàn, hộp thuốc cá nhân, túi đựng cơm, bao tượng đựng gạo, võng kép, các loại mũ, quân hàm, quân hiệu của các binh chủng trong toàn quân. Người xem còn được chiêm ngưỡng những hiện vật phục vụ lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như biểu tượng nhà rông, trang phục, dụng cụ sản xuất, cùng một số nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, đàn KLong Put… Bên cạnh đó, ông Ngọ còn trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm, gồm một cặp ly bằng đồng, một cặp ly bằng đá của Vua Bảo Đại, cùng rất nhiều bình hoa, đĩa, bát, ấm chén… hầu hết đều là sứ tráng men với những họa tiết tinh xảo, được sản xuất từ hàng trăm năm trước.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, trong cuộc sống, điều gì tốt đẹp, nhân văn đều có sức lan tỏa rộng lớn, được đông đảo mọi người đón nhận và trân trọng. Biết tin ở một làng quê người dân quanh năm chỉ biết gắn bó với đồng ruộng, nhưng có một CCB đã đứng ra xây dựng “bảo tàng” của gia đình, với nhiều hiện vật vừa mang giá trị văn hóa truyền thống, vừa gần gũi với nhân dân lao động, nên đã có hàng nghìn lượt khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng. Phòng trưng bày của ông còn được Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Ninh dành một chương trình giới thiệu với khán giả xa gần.

Thiếu tướng, CCB Nguyễn Duy Ngọ tâm sự: “Tôi rất vui vì đã được chia sẻ một phần nhỏ bé của mình với quê hương, đồng đội và những hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng rất vui vì khu trưng bày kỷ vật của gia đình đã được cán bộ và nhân dân địa phương, bè bạn xa gần, các cháu thanh thiếu niên và học sinh… đến thăm quan, khen ngợi. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ to lớn để tôi cùng các thành viên trong gia đình tiếp tục có nhiều việc làm ý nghĩa, đem nguồn vui nhiều hơn đến với mọi người!”

                                                                                                                                                                                                                         HOÀNG NGỌC BÍNH