Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI CHÉP SỬ Ở PHÙ LÃNG
14:23 | 17/11/2022

 Đại tá Bùi Hồng Phương ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh về nghỉ hưu sau hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ. Ngày ra quân, ông khoác về làng chiếc ba lô và một hòm tôn nặng, thêm cái tivi đen trắng. Ngày ấy tivi là hàng độc. Vợ ông mở hòm ra xem. Mấy bộ đồ chơi cho cháu, một ít tư trang và nhiều cuốn sổ tay ghi chép. Có cuốn đã ố vàng, nhòe chữ.  Vợ kêu anh tích làm gì cái của này? Ông bảo vợ:

- Nghiệp binh của anh ở cả trong ấy đấy.

Ông quý những cuốn sổ như vàng. Thỉnh thoảng lại mở ra đọc lại. Ôi cái ngày xưa và những người đồng đội. “Ngày 10 tháng 12 năm 1958. Sáng nay bàn giao công việc, Phòng Giáo dục huyện tổ chức liên hoan nhẹ, có ấm chè, ít bánh kẹo và thuốc lá để chia tay tôi. Các anh trong phòng ai cũng chúc mừng “Anh bộ đội”… 

Về qua Đông Du, mua cho con Mai cái xe mây có 4 bánh để con tập đi, gọi là quà của bố”. Đó là những ngày cuối êm đềm trước khi ông vào bộ đội. Nhưng lại là trang đầu tiên của bộ tràng thiên nhật ký. Huấn luyện. Được gặp Bác Hồ trước Lễ duyệt binh mừng 15 năm lập Nước. Lên Tây Bắc. Sang Lào… Ôi, mùa mưa năm 1969 ở Lào. Cái mùa cực đại gian khổ và ác liệt của bộ đội Cánh đồng Chum. Mưa như trút nước suốt tuần. Vừa hoe tưởng nắng, bất chợt lại mưa xối xả. Trời sa sầm trước mắt, mưa tầm tã ngày đêm. Các đơn vị của ta ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng rút về nước để củng cố, chỉ để lại một số đơn vị trực thuộc bảo vệ vùng giải phóng. Lợi dụng trời mưa và tình thế ấy, địch cho trực thăng đổ quân để bao vây, tiêu diệt quân ta. Quân ta chạy giặc dưới mưa, áo quần ướt sũng, giầy tất rách tươm. Cái lạnh, cái đói càng làm tăng thêm nỗi vất vả, khó khăn. Cái gì vất được thì vất, để làm nhẹ đi 1 gam thôi cũng vất. Quần áo cắt ngắn đi, dây dợ trên ba lô lúc ấy không cần thiết, cắt bỏ. Ngoài súng đạn và cái xẻng, dao găm, bình tông nước, trong ba lô chỉ còn bộ quần áo và cái tăng cái võng. Quần áo để mặc, cái tăng che mưa và để bó xác lỡ hy sinh. Cái võng để nằm ngủ và còn để cáng lỡ bị thương. Không thể vất đi quần áo, tăng võng được. Chạy giặc suốt ngày không có gì ăn. Đại đội cử 3 chiến sĩ đi kiếm gạo. Không có gạo nhưng gặp thứ gì ăn sống người thì cứ khuân về. Tiền trảm hậu tấu. Ba người đi cả buổi vẫn tay không. Trên đường về đi qua nương cũ của dân, may sao còn sót lại 2 quả bí non. Định ăn sống một ít cho đỡ đói, nhưng nghĩ còn bao nhiêu cái miệng đợi ở “nhà”. Hai quả bí ấy, anh nuôi băm với rau rừng, cả đại đội cùng ăn. Đó là bữa ăn ông chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Thế rồi những ngày sau đó, kiếm được gì ăn nấy. Bữa hoa củ quả, lúc rau rừng. Có hôm may, trinh sát thấy củ mài. Củ mài mọc sâu cũng phải cố đào cho được. Lính ham đào, đến khi đói và mệt quá mà bị ngất. Đơn vị đi tìm thì thấy người nằm trên bờ hố củ mài đang khoét dở. Hết củ, hết rau thì đào củ nâu luộc lên cho bớt nhựa, nấu với thịt hộp. Chát! Chà chà, chát! Tắc cổ, nuốt không trôi. Bộ đội lấy ống bơ thịt hộp, đục lỗ làm cái nạo. Sợi củ nâu đem ngâm nước suối hai ba ngày cho hết nhựa. Vẫn chát. Nhưng đói, nhắm mắt mà ăn. Để có chết cũng không làm ma đói. Nhưng cái miệng làm khổ cái thân rồi. Hôm sau và mấy hôm sau, đại đội mỗi người một góc rừng, ngồi cả buổi không đi được. Y tá đâu, phải làm thế nào chứ để bụng dạ rực lên cả thế này thì không ổn. Nó chỉ ổn khi mọi người chổng mông để ngoáy cho nhau. Rụng ra khỏi hậu môn, những viên bi thâm khô rơi xuống nhẹ người… Lại có việc chỉ xảy ra có một lần mà suốt đời ông vẫn nhớ. Như trận đơn vị đánh địch ở điểm cao 1622 Bản Na, Thẩm Lừng. Bộ đội vào vị trí sẵn sàng. Đúng giờ G, tất cả đồng loạt nổ súng. Địch cố thủ trong công sự ngoan cố chống trả. Đang phát triển vào tung thâm, chiến sĩ Toán quê Nghĩa Hưng, Nam Hà, nhập ngũ tháng 6 năm 1970, cắp trung liên chạy lên bỗng tụt ngay xuống cửa hầm của địch, bị chúng bắn hy sinh. Cậu Thưởng liên lạc, nhảy xuống cứu Toán lại bị bắn trọng thương. Đồng đội nhanh chóng tiêu diệt bọn địch ở bên trong hầm rồi đưa Toán và Thưởng lên. Thưởng nhìn ông, giọng nói nghe rất yếu:

- Chính trị viên ơi! Chính trị viên đừng bỏ em ở bên này.

 Ông nắm bàn tay Thưởng. Cậu liên lạc nhìn ông. Ánh mắt như cầu khẩn, như níu kéo. Ánh mắt ấy như găm vào lòng, ám ảnh ông mãi về sau. Sau giải phóng ông có về quê Thưởng ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, vẫn thấy ánh mắt ấy nhìn ông ở giữa ban thờ. Lúc ấy lòng ông không tài nào kìm được… Những chuyện như thế ông cẩn thận ghi chép lại. Khi về hưu ông sắp xếp rồi đóng quyển. Ông đặt tên chung cho bộ nhật ký là “Ghi chép dọc đường”, gồm 6 tập. Ông bảo “Ghi chép dọc đường” không ngoài mục đích ghi lại dấu ấn cuộc đời từng trải, để những ngày về sống đời thường ở gia đình, quê hương thỉnh thoảng xem lại để nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc mà mình được trực tiếp tham gia. Đó là những năm tháng oai hùng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. “Ghi chép dọc đường” còn là những tư liệu để lại cho con cháu. Chúng đọc và sẽ tự hào về cha ông thời được làm “Anh bộ đội Cụ Hồ” - thời gian lao mà anh dũng. Thời gian đã gần 40 năm, các quyển sổ ghi chép nhiều trang giấy đã ố vàng, chữ đã phai màu mực, đôi chỗ bị nhòe. Ông cho vi tính lại. 

- Để dễ đọc với lại để đem cất bản viết tay đi, mong giữ được lâu dài cho con cháu, coi như một “di sản văn hóa” của gia đình.

Ông nói như vậy khi các lãnh đạo xã tới thăm ông. Các anh trân trọng lần giở từng tập sách. Bỗng anh Bí thư nói làm ông thấy bất ngờ. Là vì nó chẳng liên quan gì đến cuốn nhật ký của ông:

- Dạ, báo cáo ông, anh em chúng con đến, trước thăm ông và sau muốn nhờ ông giúp cho một việc.

Đó là việc chấp bút cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phù Lãng. 

Theo ông đó là việc rất nên làm. Xã Phù Lãng có truyền thống rất vẻ vang. Thời kỳ tiền khởi nghĩa Đảng cử cán bộ về gây dựng phong trào ở huyện Quế Dương (nay là Quế Võ), lấy cơ sở là xã Châu Phong, Ngọc Xá, sau phát triển sang Phù Lãng. Trong chống Pháp, Phù Lãng là căn cứ của vùng Ba Xã. Du kích Đức Long, Châu Phong bị mất chỗ đứng chân cũng chạy sang đây. Chống Mỹ, xã cũng có nhiều đóng góp cả sức người, sức của. Lịch sử đã đi một chặng đường dài, nhưng đến giờ vẫn không có người chấp bút. Để lâu tránh sao khỏi sự mai một. Mà cũng là không phải với tiền nhân. Nên việc này làm càng sớm sẽ càng hay. Nhưng đây là việc hệ trọng, không thể chỉ giao cho một vài người. Ông không ngại khó, chỉ ngại xa quê đã lâu, nhiều việc không tường tận. Vừa rồi lại nhận chân Chủ tịch Hội quân tình nguyện Việt - Lào của huyện, ôm đồm nhiều sợ không được toàn tâm. Với lại trong người cũng đang có bệnh… Nhưng các anh nói mãi thì đâm nể. Tự nghĩ lãnh đạo gặp mình nghĩa là cần mình. Xa quê mấy chục năm chưa làm gì được cho quê. Nay về quê, giúp được việc gì cho quê cũng quý. Viết sử là việc hệ trọng. Nó không đơn thuần là sự sắp xếp con chữ mà mỗi trang sử đều mang hồn cốt của cha ông. Chép sử có thể thiếu, nhưng không được làm sai. Lịch sử không chấp nhận sự xuyên tạc. Hồi viết sử Sư đoàn đã cho ông nhiều kinh nghiệm. Cuốn lịch sử thực sự là một công trình khoa học. Nó phải có đề cương để làm sườn, có nguyên liệu để xây đắp. 

Sau bốn năm lao tâm khổ tứ, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phù Lãng đã hoàn thành. Cuốn sách đã nêu bật công trạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phù Lãng suốt mấy chục năm chiến đấu dưới lá cờ của Đảng. Căn cứ vào đó, địa phương đã đề nghị cấp trên khen thưởng. Ngày 11 tháng 6 năm 1999, Chủ tịch Nước đã phong tặng Nhân dân và Lực lượng vũ trang xã Phù Lãng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Bùi Hồng Phương rất vui và tự hào về điều đó./.

                                                                                                                                                                                                                   LÊ KHANH