Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

MANG "HỒN DÂN TỘC" RA THẾ GIỚI
16:24 | 18/01/2023

 

 

 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh (xã Song Hồ, Thuận Thành) là cá nhân điển hình tiêu biểu duy nhất của tỉnh Bắc Ninh được tôn vinh tại chương trình Giao lưu điển hình tiên tiến tiêu biểu toàn quốc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2022. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với những cống hiến và đóng góp tiêu biểu của nữ Nghệ nhân Ưu tú làng tranh Đông Hồ trong gìn giữ, phát triển, quảng bá văn hóa, bản sắc Việt ra thế giới. 

Trọn tình yêu với "nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa"

Là con gái làng tranh dân gian Đông Hồ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề lâu đời, 10 tuổi, bà Oanh đã theo mẹ đến hợp tác xã vẽ tranh. Sau đó bà Oanh được bố chồng là cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tận tình chỉ bảo, truyền dạy. Bản tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, lại có óc sáng tạo, bà Oanh đã sớm thành thục và nắm chắc mọi kỹ thuật, quy trình sản xuất cùng những bí quyết gia truyền của nghề tranh. Theo năm tháng, tình yêu và niềm đam mê của bà Oanh với dòng tranh quý cứ lớn dần qua từng mảng màu, nét bút...

Trong bối cảnh người dân làng tranh đua nhau bỏ ván khắc chuyển sang sản xuất hàng mã, nghề tranh thoi thóp đối mặt với bao khó khăn, thị trường thu hẹp, thì với niềm đam mê và nghị lực vượt khó, bà Oanh cùng gia đình vẫn chắt chiu sưu tầm từng mảnh ván khắc, kiên trì nối nghiệp cha ông. Hàng ngày, giữa không khí hối hả, tấp nập của hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ mã, thì ở một góc làng ven đê có người phụ nữ nhỏ nhắn vẫn bình thản và thầm lặng, kiên định và bền bỉ giữ trọn tình yêu với "nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa"... 

Vừa sưu tầm, sản xuất các mẫu tranh truyền thống, bà Oanh còn miệt mài sáng tạo mẫu tranh mới, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ đương đại để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Trong số hơn 50 mẫu tranh mới do nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh sáng tác đã có nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi sản phầm làng nghề tiêu biểu như: Giải thưởng dành cho sản phẩm được nhiều người yêu thích nhất tại Triển lãm làng nghề năm Du lịch quốc gia Đồng Bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013; Huy chương Vàng cho sản phẩm làng nghề tiêu biểu tại Festival Bắc Ninh năm 2014; đạt giải A trưng bày sản phẩm làng nghề do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức năm 2015; đạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch Bắc Ninh năm 2019...

Ghi nhận tinh thần cống hiến và những đóng góp tiêu biểu cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nữ nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước tôn vinh, tặng thưởng các danh hiệu cao quý; được các bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành phố tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương, Giấy chứng nhận... Năm 2020, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và trở thành nữ NNƯT của Bắc Ninh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Đưa "tranh gà, lợn" ra Quốc tế

Với sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ngày càng được đông đảo người dân trong nước và quốc tế biết đến. Trong đó có sự đóng góp rất lớn về công sức, trí tuệ và sự bền bỉ bám trụ với nghề của một số ít gia đình nghệ nhân, mà gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh là một đại diện tiêu biểu.

Ngoài hoạt động sản xuất, NNƯT Nguyễn Thị Oanh không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian. Nữ nghệ nhân làng tranh Đông Hồ vinh dự được tham gia trình diễn nghề trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Hội nghị APEC năm 2006; sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU- 132; trưng bày, trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trong chương trình giao lưu văn hóa với các nữ Đại sứ và phu nhân Đại sứ tại Tiên Du, Bắc Ninh năm 2015; trưng bày, trình diễn nghề làm tranh tại Festival Quảng Nam lần thứ V với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới; dự triển lãm Quốc tế các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN... 

Tự hào khi được góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra khắp thế giới, NNƯT Nguyễn Thị Oanh tâm sự: Thấy bà con người Việt ở trong nước, kiều bào ở nước ngoài và du khách quốc tế trầm trồ yêu thích, trân trọng những tờ tranh điệp, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Đó cũng là nguồn động lực thôi thúc, khích lệ rất lớn để những người làm nghề thủ công truyền thống chúng tôi tiếp tục đam mê, tâm huyết gắn bó với nghề. 

Ngay trong những ngày chuyển giao giữa năm 2021 sang năm 2022 tại EXPO 2020 DUBAI, những bức tranh gà đàn, lợn đàn rực rỡ, phóng khoáng, tượng trưng cho sự may mắn, đại cát, thịnh vượng đã trở thành điểm nhấn ấn tượng, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách quốc tế. Dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của NNƯT Nguyễn Thị Oanh, du khách Quốc tế trầm trồ, ngưỡng mộ trước một dòng tranh dân gian đặc sắc, quý giá của người Việt với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, mang phong cách sáng tạo độc đáo, không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Không những vậy, du khách còn được trải nghiệm in tranh, tìm hiểu sâu hơn về vẻ đẹp, phong tục văn hóa truyền thống cùng những ước mơ, khát vọng, triết lý sống của người Việt Nam thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc trên nền giấy dó lấp lánh sắc điệp của tranh Đông Hồ.

Tháng 10/2022, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, NNƯT Nguyễn Thị Oanh lại khăn gói đồ nghề, ván khắc, giấy dó cùng hàng trăm bức tranh mang sang Hàn Quốc để trình diễn, giới thiệu Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Lễ hội du lịch văn hóa Việt Nam tổ chức ở Thủ đô Seoul. Đến trung tuần tháng 12 vừa qua, NNƯT Nguyễn Thị Oanh lại được tỉnh Bắc Ninh cử tham gia chương trình quảng bá, giới thiệu làm nổi bật những nét đặc sắc nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trong chương trình Ngày Việt Nam tại Thủ đô New Delhi - Ấn Độ do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ...

Suốt nửa thế kỷ miệt mài sản xuất, cần mẫn sáng tạo, bền bỉ bám nghề, NNƯT Nguyễn Thị Oanh đã nỗ lực không mệt mỏi với các hoạt động trình diễn, quảng bá để đưa dòng tranh làng Mái đến với công chúng trong nước và quốc tế. Ở tuổi 63 nhưng hàng ngày bà Oanh vẫn chăm chỉ tô vẽ, sáng tạo, trao truyền, cùng con cháu gìn giữ, phát huy kho báu di sản mà cha ông để lại với ước nguyện giữ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sống mãi, để sắc màu dân tộc, tinh hoa văn hóa của đất nước và tâm hồn người Việt ngày càng tỏa sáng với thế giới...

 

                                                                                                                                                                                                                 THUẬN CẨM