Thưa các bạn, tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Từ Sơn giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, mảnh đất sinh ra Hoàng đế Lý Công Uẩn, người khởi lập Vương triều Lý vẻ vang suốt 216 năm trị vì, bảo vệ và dựng xây đất nước. Thời đại Hồ Chí Minh, Từ Sơn quê tôi còn sản sinh ra những lãnh tụ tiền bối như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, cùng biết bao người con ưu tú, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Quê tôi có những con người cần cù, chịu thương chịu khó, sống với nhau bằng cả tấm lòng, lấy hạnh phúc gia đình, sự phát triển phồn thịnh của quê hương, đất nước làm nguồn vui, nguồn động lực để hết mình phấn đấu. Quê tôi còn có phong cảnh đẹp như mơ, với dòng sông Ngũ Huyện Khê mềm như dải lụa, đã bao đời ôm ấp, che chở cho những thôn làng, phố thị, lặng lẽ dâng dòng nước phù xa tưới mát cho những cánh đồng, những vườn cây lá tốt tươi, bốn mùa hoa thơm trái ngọt…
Từ Sơn quê tôi hôm nay đã đẹp và phát triển lên gấp nhiều lần, với những con đường mới mở thênh thang, những làng nghề, khu công nghiệp, những công viên, công trình phúc lợi, những cửa hàng, siêu thị... mọc lên ở khắp nơi nơi, hiển hiện sức sống của một thành phố trẻ đang từng ngày phát triển, đi lên cùng đất nước...
Nhưng với tôi, đã từ lâu lắm rồi, cảnh đẹp nên thơ trữ tình, sự phát triển của quê hương chỉ còn đọng lại trong ký ức hoặc nghe truyền lại, ngay cả khuôn mặt của bạn bè, những người thân yêu... tôi cũng chỉ hình dung theo tưởng tượng, bởi suốt gần 40 năm qua tôi đã không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vĩnh viễn làm bạn với màn đêm tăm tối.
Tôi còn nhớ như in những ngày cách đây gần 40 năm về trước, ở tuổi lên 10, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thì ánh sáng của đôi mắt cứ mờ dần, mờ dần rồi tắt hẳn. Bố mẹ tôi lo lắng đến tận cùng, đôn đáo đưa tôi đi nhiều bệnh viện nhưng tới đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tôi chịu cảnh mù lòa từ đấy. Chẳng cần nói mọi người cũng hình dung ngày ấy tôi buồn bã, suy sụp đến mức nào. Mỗi khi nghe tiếng các bạn ríu rít rủ nhau đến trường là trong lòng như thắt lại. Tôi đóng chặt cửa, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà mà những giọt nước mắt cứ âm thầm lặng lẽ tuôn rơi, cùng biết bao suy nghĩ ngổn ngang, vò xé trong lòng. Liệu có phép màu nào sẽ đến với tôi, liệu tôi sẽ còn tìm được chút ánh sáng dù chỉ nhỏ nhoi thôi, để tôi được nhìn thấy gương mặt của bố mẹ, của các em và bè bạn, để tôi lại được thỏa sức tung tăng bay nhảy, được cắp sách tới trường...
Ngày ấy, vì còn nhỏ nên tôi chưa nghĩ được về tương lai của mình nhiều lắm, lớn lên một chút thì tôi mới nhận ra, đôi mắt là tất cả, ánh sáng của đôi mắt sẽ là hành trang đưa ta đi đến hết cuộc đời. Tôi đau buồn, hụt hẫng và tuyệt vọng, tôi lầm lũi, quanh quẩn lần sờ trong căn nhà tối om mà tưởng tượng cuộc đời mình rồi sẽ tăm tối như đôi mắt vậy. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện quyên sinh vì chẳng còn thiết sống làm gì. Nhưng tôi đã lầm, những suy nghĩ vẩn vơ ấy đã chút nữa làm hỏng cuộc đời. Hóa ra, con đường mình đi không nhất thiết phải nhờ vào ánh sáng của đôi mắt, mà còn có con đường sáng từ trái tim, từ khối óc của mình.
Ngày ấy, tôi luôn ấp ủ một ước mơ, rồi nền y học hiện đại sẽ chữa được đôi mắt cho mình, nên cứ lặng lẽ sống và chờ đợi. Thời gian chờ đợi dài đằng đẵng ấy đối với tôi chính là những thử thách lớn lao, củng cố thêm nghị lực của mình để sống. Và niềm hy vọng của tôi đã trở thành sự thật! Năm 23 tuổi, sau 13 năm làm bạn với màn đêm tăm tối, tôi đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời. Không có bệnh viện nào, không có phép màu nào chữa lành đôi mắt cho tôi cả, mà chính là Hội Người mù đã cho tôi ánh sáng! Năm 1998, sau một thời gian dài đắn đo suy nghĩ, tôi đã xin vào Hội Người mù của huyện, và coi đây là bước ngoặt của cuộc đời. Được trở thành hội viên Hội Người mù tôi vui lắm, tôi được hòa mình vào cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ, được san sẻ yêu thương, động viên khích lệ, được học hát, học chữ, học nghề. Và trên hết, tôi đã trở thành người có ích cho bản thân, tự nuôi sống mình để bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi hăm hở, tích cực tham gia công tác Hội, không bỏ một buổi học, một buổi sinh hoạt nào, động viên mình luôn cố gắng, xóa đi mặc cảm, tự ti để hòa nhập với cộng đồng.
Bằng nỗ lực của mình, năm 1999, chỉ sau một năm tham gia sinh hoạt Hội, tôi đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), năm 2007, được bầu là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Từ Sơn, được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, lao động sản xuất và tạo việc làm cho hội viên. Cũng trong năm 2007, nhằm nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu công tác Hội, tôi đã theo học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở Hà Nội. Sau 3 năm học tập, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều cả về nhận thức xã hội và kỹ năng nghề nghiệp, cùng BCH Hội mở lớp và vận động hội viên tích cực học chữ, học nghề, thường xuyên tổ chức cho anh chị em nghe các băng thời sự, tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện, của tỉnh và các địa phương trong cả nước. Chúng tôi còn tổ chức được hàng chục cuộc giao lưu văn nghệ, tham quan nghỉ mát, nâng cao đời sống tinh thần của hội viên. Đầu năm 2022, Hội Người mù Từ Sơn còn đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị thành lập Câu lạc bộ hát Xẩm với 15 thành viên, trở thành Hội Người mù duy nhất trong tỉnh thành lập được Câu lạc bộ hát Xẩm, chuẩn bị tham gia hội diễn toàn quốc trong thời gian tới.
Tôi nhớ lắm những ngày chẳng quản nắng mưa, cùng BCH Hội đi vận động ủng hộ kinh phí mua gạo gói bánh chưng, cùng hàng trăm phần quà tặng hội viên trong những dịp tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn trong năm. Tôi nhớ lắm những ngày đi tới các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố, nhờ họ mua tăm giúp, lấy chút lãi làm kinh phí hoạt động. Chỉ 10 năm trở lại đây, nhờ tích cực vận động, Hội Người mù Từ Sơn đã được UBND thành phố, các nhà hảo tâm, các địa phương ủng hộ kinh phí tặng quà cho 100% hội viên, mỗi năm số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ ngày tái lập huyện đến nay, BCH Hội còn lo kinh phí, tự mình trực tiếp hướng dẫn và nhờ giáo viên mở được 30 lớp phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề cho trên 400 lượt hội viên. Năm 2007, Thường trực Hội đã mạnh dạn đầu tư mở một cơ sở tẩm quất và giao cho tôi quản lý, tạo việc làm cho 5 hội viên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng một người/ tháng. Đến nay, đã có hơn 60% hội viên có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học. Hộ nghèo ở Hội Người mù Từ Sơn hiện chỉ còn 7,3%, cận nghèo 4,9%. 90% hội viên đã đọc thông viết thạo chữ nổi Brai, hơn 40 lượt hội viên và trẻ em mù được gửi đi học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội; 4 người có bằng đại học, tôi và 2 bạn khác cũng chuẩn bị tốt nghiệp đại học trong thời gian tới. Nhiều người trong chúng tôi đã biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh phục vụ cho cuộc sống.
Hôm nay, tôi rất vui khi được thấy hội viên của mình luôn luôn phấn khởi, hòa đồng, cuộc sống mỗi ngày được nâng lên, không mắc các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội, cùng gia đình thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bằng nỗ lực của BCH và toàn thể hội viên, có sự định hướng, ủng hộ hết mình của Tỉnh Hội, của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm ở địa phương, Hội Người mù Từ Sơn đã gặt hái được những thành tích rất đáng tự hào. Nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Từ Sơn trao tặng cho tập thể, cá nhân, chính là nguồn động viên, khích lệ to lớn để 155 hội viên Hội Người mù Từ Sơn không ngừng phấn đấu, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc.
Tôi rất ngại và chưa bao giờ nói về mình, kể về nghị lực vươn lên, về những đóng góp của mình cho Hội và những người cùng cảnh ngộ. Chỉ tiếc là sức lực và điều kiện của mình có hạn, không thể làm được nhiều việc có ích cho mọi người nhiều hơn nữa. Hôm nay, tôi mạnh dạn chia sẻ những điều này chính là để nói về quá trình phấn đấu, những kết quả, thành tích đạt được của Hội Người mù quê tôi, cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố Từ Sơn, cùng biết bao tấm lòng yêu thương của những người thân yêu và bè bạn xa gần, suốt mấy chục năm qua đã đồng hành, động viên khích lệ, dành cho người mù Từ Sơn chúng tôi biết bao tình cảm yêu thương, trở thành động lực để chúng tôi lạc quan sống và trở thành người có ích.
Tôi cũng là qua đây gửi tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cùng cảnh ngộ một thông điệp: Mù lòa không làm cho cuộc sống của chúng ta khép lại, không làm cho cuộc đời ta tăm tối, mà phía trước vẫn còn vô vàn ánh sáng, đó là ánh sáng từ trái tim, con đường sáng từ trái tim mình, đưa ta đi hết cuộc đời.
Một lần nữa xin được cảm ơn tất cả!
HOÀNG NGỌC BÍNH
Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Từ Sơn