Đó là lời tâm sự như được chắt ra từ gan ruột của một nghệ sỹ Tuồng nay đã bước sang tuổi 63. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, hiện đang sinh sống tại khu phố Tiến Bào, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn.Tôi và Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai biết nhau đã gần 20 năm, lại cùng sinh hoạt tại phân hội VHNT thành phố Từ Sơn nhưng tôi không hiểu về ông nhiều lắm. Chỉ đến dịp vừa qua, khi được Trung tâm Văn hóa thành phố Từ Sơn nhờ viết kịch bản và đạo diễn tiểu phẩm tham dự “Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh Bắc Ninh năm 2022”, tôi mới có dịp gần gũi, làm việc và tâm sự để hiểu về ông hơn.
Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai hóa trang trong một vai diễn Tuồng truyền thống
Để tham dự cuộc thi, Trung tâm Văn hóa thành phố phải nhờ tuyên truyền viên ở các địa phương, tất cả đều là diễn viên nghiệp dư chính hiệu. Tôi có chút lo lắng vì ở các cuộc thi trước, hầu hết diễn viên đều là nông dân, có người cả đời chưa lên sân khấu bao giờ, thời gian luyện tập thường vào các buổi tối, vì ban ngày người thì lo việc đồng áng, người đi làm công ty, người đi bảo vệ… bởi thế mà chất lượng luyện tập và biểu diễn không cao. Thế nhưng sự lo lắng của tôi hóa ra thừa, dàn diễn viên tham gia đợt này tuy là nghiệp dư nhưng rất có kinh nghiệm biểu diễn và tâm huyết. Ngoài tốp múa phụ họa gồm 7 cô giáo mầm non, vừa trẻ trung xinh đẹp, vừa đã trải qua đào tạo múa hát bài bản trong nhà trường, còn có 5 diễn viên kịch, nhưng có tới 2 người là Nghệ nhân Ưu tú, đã từng có 40-50 năm biểu diễn trên sân khấu, đã từng nhận hàng chục huy chương vàng, bạc, tại các hội diễn sân khấu toàn quốc và của tỉnh, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai.
Như thường lệ, mỗi buổi tập tôi thường đến rất sớm để lo công tác chuẩn bị. Đêm cuối năm, hôm ấy trời bỗng trở lạnh, mang theo những hạt mưa rả rích nên tiết trời càng trở lên tê buốt, cũng vì thế mọi người đến rất muộn, chỉ có tôi và nghệ sỹ Đàm Oai ngồi chờ đợi. Ngoài kia, trời vẫn mua rả rích, từng cơn gió ùa về đập vào mái che bay lên phần phật. Bên ấm trà nóng, chúng tôi ngồi tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, kể cho nhau nghe về những năm tháng đã qua, những gì mình đã trải. Để hôm nay trong số báo Xuân này, tôi sẽ dành cảm xúc và sự trân trọng của mình để viết về ông, một con người đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật Tuồng truyền thống.
Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai sinh năm 1960, năm 1978, khi vừa tròn 18 tuổi ông tạm biệt quê hương và những người thân yêu lên đường cầm súng bảo vệ biên cương tổ quốc. Sau 5 năm trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và ác liệt trên những mặt trận tại vùng cao biên giới, Đàm Oai được phục viên trở lại quê hương. Ngày ấy, CLB Tuồng Tiến Bào quê ông vừa được tái lập sau một thời gian dài gián đoạn nên mọi người vui lắm. Và chàng trai trẻ Đàm Oai cũng vui với niềm vui ấy, vừa chân ướt chân ráo về quê ông đã xung phong gia nhập CLB.
Nghệ sỹ Đàm Oai kể lại, quê ông có truyền thống biểu diễn Tuồng cách đây cả trăm năm trước, nhưng phát triển mạnh nhất là từ năm 1954, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Năm 1956, theo chủ trương của Ủy ban hành chính huyện, mỗi địa phương thành lập một đội văn nghệ, CLB Tuồng Tiến Bào ra đời từ đấy, chỉ đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn quyết liệt, việc tập luyện và biểu diễn mới đành phải gác lại. Hầu hết diễn viên là trai tráng trong làng đều lên đường cầm súng, người ở lại vừa hăng say lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Cũng nhờ những tháng năm hoạt động của CLB, đã gieo vào lòng cậu bé Đàm Oai niềm đam mê hát Tuồng từ những ngày còn cắp sách đến trường. Mỗi khi CLB luyện tập hay biểu diễn, Đàm Oai không vắng mặt buổi nào, khi nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống, tiếng hát Tuồng vang lên ở sân đình hay sân kho HTX là trong người cứ xốn xang, rạo rực, nhiều hôm quên cả ăn để đến xem. Đàm Oai ao ước, sau này nhất định sẽ trở thành diễn viên, nhất định phải được như các cô, các bác để được đắm mình trên sân khấu. Thế rồi “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, CLB Tuồng phải tạm ngừng hoạt động đúng vào giai đoạn cậu học sinh đam mê hát Tuồng Đàm Oai lớn lên rồi trở thành anh bộ đội. Cũng vì niềm đam mê hát Tuồng từ khi còn nhỏ, khi xuất ngũ trở về anh đã hăm hở xung phong gia nhập CLB, thỏa sức thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của mình.
Hăm hở là thế, quyết tâm là thế, nhưng theo nghệ sỹ Đàm Oai kể lại thì những ngày đầu tập luyện khó khăn vất vả vô cùng. Không như các diễn viên khác, 23 tuổi ông mới được làm quen với sân khấu, mới thực sự được trở thành diễn viên đảm nhận các vai diễn. Tuồng là một bộ môn nghệ thuật bác học, từng bước đi, điệu múa cho đến giọng hát đều phải thực hiện một cách chuẩn mực và chính xác đến từng chi tiết. Các vở diễn đều mang nội dung và phong cách biểu diễn truyền thống, nhiều vở đã thành "sách giáo khoa" tại các trường nghệ thuật, nếu không chịu khó luyện tập cho thuần thục thì sẽ không bao giờ được giao vai… bởi thế mà Đàm Oai đã phải học ngày, học đêm, không chỉ cùng các diễn viên tập luyện trên sân khấu, mỗi khi rảnh rang công việc đồng áng hoặc vào các buổi tối, ông lại tự mình tranh thủ luyện tập cho đến khi vai diễn nhuần nhuyễn mới thôi. Là người có tố chất nghệ thuật lại thông minh, sáng dạ, và hình như nghệ thuật Tuồng đã ngấm vào máu từ thời thơ bé, nên Đàm Oai nhập vai tương đối nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã trở thành diễn viên nòng cốt và kép chính của CLB, được giao nhiều vai diễn khó như vai Tạ Ôn Đình trong vở “Sơn Hậu”; vai Bạt Hổ và Tạ Thổ Sư trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa”; vai Từ Hải Thọ trong vở “Bách đao Từ Hải Thọ”; vai Tống Địch Thanh trong vở “Bao Công xử án Bàng Quý Phi”…
Hôm nay, sau gần 40 năm miệt mài, buồn vui gắn bó với nghệ thuật Tuồng truyền thống, nghệ sỹ Đàm Oai đã gặt hái cho mình không ít thành công mà bất cứ diễn viên nghiệp dư nào cũng đều mong muốn. Ông đã trang bị cho mình vài chục vai chính trong nhiều vở diễn, ngoài việc mỗi năm cùng CLB biểu diễn hàng trăm xuất phục bà con địa phương và nhân dân trong tỉnh, còn được nhiều địa phương như Đông Anh, Liên Hà, Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội) cùng nhiều tỉnh bạn mời về biểu diễn. Nghệ sỹ Đàm Oai còn tham gia nhiều hội diễn toàn quốc và của tỉnh, giành 2 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc. Đáng kể nhất phải kể đến những tấm huy chương danh giá ông được trao tặng tại các kỳ hội diễn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức. Tại các hội diễn này, nghệ sỹ Đàm Oai đã phải thi thố tài năng với nhiều diễn viên gạo cội đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các diễn viên dày dạn kinh nghiệm biểu diễn, đến từ các địa phương được coi là cái nôi của nghệ thuật Tuồng như Đà Nẵng hay Bình Định…
Bằng niềm say mê, tâm huyết với nghệ thuật Tuồng truyền thống, nghệ sỹ Đàm Oai đã được Quỹ khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà 2 năm tuyên dương khen thưởng; được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”; Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh và UBND thành phố Từ Sơn nhiều lần tặng Giấy khen. Đặc biệt, năm 2018, nghệ sỹ Đàm Oai đã vinh dự được UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Tuồng”, năm 2022, được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Tôi đã và đang làm nghệ thuật nên rất hiểu, những người làm nghệ thuật không chuyên không bao giờ màng đến vật chất, thù lao hay hưởng thụ, mà trên hết, đó là niềm đam mê, là khát khao cống hiến. Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai cũng không ngoại lệ, ông đã từng phải bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức, miệt mài luyện tập để có rất nhiều vai diễn xuất sắc, rồi tự bỏ số tiền lên tới hàng chục triệu đồng mua sắm trang phục, đạo cụ, đồ dùng hóa trang... phục vụ cho biểu diễn, trong khi mỗi buổi diễn, có nơi cách xa vài chục cây số cũng chỉ được “động viên” trên dưới 300 nghìn đồng. Tôi cho rằng, nếu không có niềm đam mê, không vì cộng đồng, xã hội thì không ai có thể dấn thân...
Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai tâm sự: “Tôi rất vui khi được đứng trên sân khấu biểu diễn Tuồng phục vụ nhân dân, được góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của nghệ thuật Tuồng truyền thống mà ông cha để lại, và sẽ còn cống hiến hết mình cho đến khi nào sức tàn, lực cạn mới thôi...”.
Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập, các loại hình giải trí hiện đại cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ, cuốn hút đông đảo công chúng, đặc biệt là lớp trẻ. Nhưng cho dù các loại hình nghệ thuật hiện đại có phát triển mạnh đến đâu, thì giá trị nghệ thuật, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vẫn luôn được đề cao và giữ nguyên giá trị, mãi mãi trường tồn cùng năm tháng. Tin tưởng rằng, những nghệ sỹ sân khấu không chuyên, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Đàm Oai vẫn luôn thắp lên ngọn lửa đam mê và khát khao cống hiến. Dẫu vẫn còn nhiều lo toan vất vả vì cuộc sống mưu sinh, nhưng ở họ, được đắm mình trong các vai diễn, được mang nghệ thuật Tuồng truyền thống phục vụ nhân dân sẽ trở thành động lực để cháy hết mình, lan tỏa tình yêu thương con người và cuộc sống, rất xứng đáng để chúng ta tôn vinh và trân trọng./.
HOÀNG NGỌC BÍNH