Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CHUYỆN VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN "ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG"
08:13 | 14/07/2021

 Trên thực tế, người có tiềm năng về đất đai, tiền vốn, lại có thâm niên và kinh nghiệm thâm canh cây trồng, vật nuôi… để làm giàu từ nông nghiệp đã là rất hiếm. Và khi nhiều người không còn mặn mà với đồng ruộng, dẫn tới nhiều diện tích canh tác bị bỏ hoang, thì vợ chồng anh nông dân Trần Đức Hướng - Đỗ Thị Thuận ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, chỉ với mấy sào ruộng và hai bàn tay trắng, sau có mấy năm đã là chủ một trang trại VAC lên tới hàng chục nghìn m2, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, lại rất xứng đáng để mọi người trân trọng, coi đó là tấm gương về nghị lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm. 

Từ lâu, tôi đã nghe mọi người kể về mô hình kinh tế trang trại của anh Hướng, chị Thuận, nhưng phải chờ cho dịch Covid - 19 tạm lắng đi đôi chút mới có dịp về thăm. Nhìn từ xa, nổi bật trên những thửa hoa đào đang vào thời điểm phát lộc tươi xanh mơn mởn, là trang trại của gia đình anh Hướng với những rặng bưởi, mít, nhãn… xum xuê tỏa bóng. 
Con đường từ cổng dẫn vào trang trại rộng 4 đến 5m, đủ để các loại xe tải ra vào. Anh Hướng đưa tôi đi thăm khu trồng trọt của gia đình. Hàng nghìn gốc bưởi Diễn được trồng thành từng luống thẳng tắp, cây nào cây nấy xanh mỡ màng, sai trĩu quả. Anh Hướng cho tôi biết: “Gặp thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên bưởi ra hoa và đậu quả rất nhiều. Để bưởi phát triển to và đều tôi đã phải tỉa bớt hàng nghìn quả. Những quả bưởi non này không phải bỏ đi mà mỗi vụ cũng bán được hàng chục triệu đồng, với giá 10 nghìn đồng một quả. Tất cả đều đã có người đặt mua về ghép làm bưởi cảnh”.
Đi mỏi chân mới hết khu trồng bưởi, anh Hướng dẫn tôi tới thăm khu trồng mít. Tại đây, hàng trăm cây mít Thái siêu sớm, chỉ cao 2-3m nhưng nhiều cây quả chen nhau nằm sát mặt đất. Anh tiếc nuối: “Mít đã cho thu hoạch rải rác nhiều tháng nay nên không còn nhiều, nhìn không còn “sướng mắt” bằng những ngày đầu vụ. Qua khu trồng mít, anh Hướng đưa tôi đi thăm các ao thả cá. Trên các bờ ao là những cây nhãn mới bói quả sai lúc lỉu. Anh cho biết, phải đào nhiều ao, xen kẽ với khu trồng trọt để vừa thuận lợi cho việc lấy nước tưới cây, vừa đảm bảo nguồn nước dự trữ. Không chỉ trồng cây ăn quả và thả cá, anh Hướng còn xây chuồng nuôi hàng chục đầu lợn nái và lợn thịt, bên cạnh đó còn nuôi thêm gà, vịt, chim bồ câu… Số lượng tuy chưa lớn, nhưng mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. 
Trên khuôn mặt rạng rỡ nhưng còn chứa ẩn bao nhọc nhằn, gian khó, anh Hướng phấn khởi khoe với tôi là bây giờ tuy có vất vả nhưng đã “mát mặt” lắm rồi. Ngoài việc mỗi năm cho thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt trên dưới 200 triệu đồng, vừa có nguồn vốn tái đầu tư cho sản xuất, vừa có điều kiện sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, trang trại còn cung cấp cho gia đình anh nguồn thực phẩm dồi dào và các loại trái cây mùa nào thức nấy, không chỉ giảm chi tiêu còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng thế mà các con của anh chị chẳng ai ra ăn riêng, ở riêng, thành ra một nhà nhưng có tới 3 hộ gồm 10 nhân khẩu. Bố mẹ, con đẻ, con rể, con dâu cùng các cháu đều ăn chung, ở chung nên vui lắm. 
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Hướng bồi hồi kể: Ngày mới ra ở riêng, hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 8 sào ruộng. Buôn bán không biết, nghề phụ cũng không, tất cả chỉ trông vào cây lúa, chật vật lắm cũng chỉ đủ gạo ăn, còn biết bao khoản chi tiêu như ốm đau, khi giỗ ngày tết, nuôi các con ăn học, rồi thăm viếng bà con làng xóm, họ hàng khi vui khi buồn… nên cuộc sống khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Cái túng, cái nghèo đã làm cho vợ chồng anh đêm ngày không nguôi trăn trở. Anh tự nhủ: Mình là người cần cù chịu khó, lại có sức khỏe thì không thể “chịu thua”, không thể để cái túng, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, khi nhiều người đã có cuộc sống ổn định và làm giàu, đi lên từ đồng ruộng! 
Đầu năm 2015, anh Hướng bàn với vợ và xin ý kiến của chính quyền địa phương, quyết định đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bằng việc xây dựng trang trại theo mô hình VAC khép kín. Cái khó của vợ chồng anh là trồng cây gì, nuôi con gì để sản phẩm đầu ra phù hợp với người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều ngày cân nhắc, anh quyết định đưa giống bưởi Diễn và mít Thái siêu sớm vào làm cây chủ lực, lấy chăn nuôi lợn, gà và đào ao thả cá để lấy ngắn nuôi dài…
Biết tin vợ chồng anh bỏ trồng lúa để làm kinh tế trang trại, nhiều người cho đó là viển vông, là “điếc không sợ súng”. Thời buổi này có là người hâm mới bỏ một đống tiền và công sức ra đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, thà bỏ ruộng hoang còn hơn quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà thu về chẳng được bao nhiêu...
 Dù đặt trọn niềm tin vào khả năng và hướng đi của mình, nhưng khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã đặt ra, vợ chồng anh Hướng vẫn phải đối mặt với biết bao khó khăn thử thách. Nhưng đã quyết là làm, thiếu vốn, anh huy động toàn bộ số tiền tích góp của gia đình và vay thêm anh em bè bạn. Thiếu đất canh tác, anh mượn thêm những thửa ruộng bỏ hoang của người thân. Và để khai hóa hàng nghìn m2 ruộng bỏ hoang đã lâu ngày, nhiều chỗ cỏ dại mọc cao đến thắt lưng, suốt mấy tháng liền vợ chồng anh đã phải sớm tối, quên cả nắng mưa nai lưng ra mà làm. Thế nhưng sức người có hạn, nhiều việc lớn như tân đất làm đường, đào ao, đánh luống trồng cây ăn quả… thì vợ chồng không kham nổi, thế là đành phải thuê máy móc, lại phải tiền… Sức đã mỏi, tiền đã cạn, nhiều khi nản quá tưởng phải bỏ cuộc…
Hôm nay, ruộng hoang đã chẳng phụ công người. Hàng nghìn cây bưởi, 300 cây mít, hàng nghìn m2 ao thả cá, cùng gà, vịt, lợn, chim bồ câu và nhiều loại cây ăn quả khác như ổi, nhãn, chuối, rau mầu các loại… đều đã cho thu hoạch. Nhờ đó, vài ba năm trở lại đây không chỉ có của ăn của để và tiền vốn tái đầu tư cho sản xuất, anh chị còn sắm được nhiều tiện nghi phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Và cũng từ đó, chẳng còn thấy ai bảo anh chị là “hâm”, là ‘điếc không sợ súng”. 
Anh Hướng chia sẻ: “Công sức bỏ ra đã mang lại những kết quả bước đầu, và chắc chắn sẽ còn cho thu nhập cao hơn trong nhiều năm tới. Đây chính là động lực để vợ chồng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Làm kinh tế trang trại không phải ngày một, ngày hai đã có sản phẩm được ngay, nên chỉ mong nhà nước sớm có phương án cụ thể về quy hoạch đất đai, để vợ chồng tôi yên tâm mở rộng, đầu tư cho sản xuất”. 
Dám nghĩ, dám làm, từ những thửa ruộng bỏ hoang và hai bàn tay trắng, anh chị Hướng - Thuận đã lao động không ngừng nghỉ, không chỉ phát triển kinh tế gia đình, còn góp phần cung cấp sản phẩm cho xã hội. Dẫu còn khiêm tốn so với nhiều người, nhưng thành quả lao động của anh chị rất xứng đáng để chúng ta trân trọng!
                                
                                                                                                                                                                                                                                                HOÀNG NGỌC BÍNH