Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CHUYỆN VỀ NGƯỜI BÍ THƯ CHI BỘ
15:06 | 12/05/2021


Thế là đã sáu mươi chín năm, tôi mới trở lại nhà anh. Thời gian như dòng sông, nó cứ mài miệt chảy, còn con người và thời thế cứ ngoan ngoãn chảy theo. Dẫu con người có thể tác động và thời thế có thể xoay vần, nhưng dòng trôi thời gian vẫn vậy, nó tạo nên vô vàn vinh quang, cay đắng và sự xót xa, nuối tiếc, bất ngờ, nhất là trong những bước ngoặt của chiều dài lịch sử…

Anh Lưu Văn Trạm, bí danh Cao Sơn (tôi xin cứ gọi tiếng anh thân thương như ngày xưa…) người làng Điền (còn gọi là Điện Tiền, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Khoảng giữa năm Canh Dần (1950) cấp trên điều anh về làm Bí thư Chi bộ xã tôi - xã Đình Tổ. Dẫu là một xã to của Thuận Thành, cũng chỉ mới có vài chục Đảng viên. Còn Bí thư Chi bộ không phải xã nào muốn bầu mà được. Phải là người có phẩm hạnh, uy tín và năng lực, có thể chèo lái con thuyền cách mạng chống chọi với giặc Pháp, mới được trên giao cương vị Bí thư. Anh về thay ông Bí thư Hoàng Đình Khánh, người tiền nhiệm đã gây dựng được “Địa chỉ đỏ” cho huyện, nay đi làm Bí thư chi bộ xã Hà Mãn - một điểm nóng: Thằng giặc xây tới bốn lô cốt Bảo an phản động, trang bị vũ khí đầy đủ, âm mưu dập tắt phong trào Việt minh ở đấy. Còn xã tôi, tuy địch không dựng được bốt Bảo an, chúng không có chỗ dựa, nhưng bốt Á Lữ, bốt Tiếu, chặn đầu, khóa đuôi, lại có bến đò Bút Tháp - Dền qua lại con sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” và là “Địa chỉ đỏ”. Cơ quan huyện thường đóng ở đây, nghiễm nhiên là mảnh đất vô cùng trọng yếu, nên tình huống luôn căng thẳng, ác liệt. Lúc ấy tôi mới được các chú, các anh tin cẩn, giao cho làm Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính, kiêm liên lạc cho lãnh đạo xã. Anh Trạm về thường lấy tôi đi cùng. Anh thường ở nhà ông Một - chi ủy viên, phụ trách công an xã, người thôn Đại Trạch. Ông Một là người hăng say cách mạng, tuy cụ thân sinh ông, chỉ có một mình ông. Một cán bộ Tuyên huấn tỉnh về công tác đã làm bài thơ: “Người cha có “một” con trai/ Gian lao không quản chông gai không sờn/ Một vì Đảng, một vì dân/ Một diệt quân Pháp tấm thân quản gì/ Một theo kháng chiến trường kỳ…”. Nhà ông Một ở giáp lũy tre làng, nếu có động, Tây đến chỉ cần vọt ra khỏi giặng tre là ra đồng. Cánh đồng này khi lúa xanh ngút ngát, khi lúa chín vàng trĩu hạt, thằng Tây chẳng biết ai là Việt minh, ai là dân thường, muốn săn đuổi cũng làm sao được với cánh đồng rộng mênh mông ấy. Tuy vậy nhà ông Một vẫn có hai cái hầm bí mật sẵn sàng, một cái chìm trong lũy tre, một cái nổi ngay trong nhà. Cái hầm chìm ta dễ hình dung, nghĩa là nó nằm trong lòng đất (có lỗ thông hơi) còn cái hầm nổi thật không dễ hiểu. Căn nhà tre, lợp rạ, xung quanh đắp tường đất. Có 5 gian, ba gian giữa và hai gian trái làm buồng. Bức tường ngăn nhà ngoài với hai gian buồng gọi là bức thuận. Bức này dựng bua, trát vách. Bua dựng bằng tre đan, vách trát rơm trộn bùn. Ta làm hai vách, mỗi vách có từng khoang, rỗng giữa. Chỗ rỗng giữa ấy chính là hầm. Nhìn bên ngoài, bên trong trơ ra, cửa ra vào là một ngăn bua, dương lên, sập xuống, tự nhiên, bất ngờ. Những căn hầm nổi đã cứu sống nhiều cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên anh Trạm ít khi vào hầm, anh bảo vượt ra đồng được sẽ chủ động hơn. Những hôm đi công tác, gặp địch, anh thường kéo tôi chạy xé ra cánh đồng, cũng có hôm bị chúng bắn đuổi khá nguy hiểm, song hai anh em đều an toàn.

Thời gian chừng mười tháng, anh làm Bí thư Đình Tổ là quãng thời gian vô cùng đen tối của Thuận Thành nói chung và xã tôi nói riêng. Bốn lô cốt Pháp ở bốn góc huyện và hơn bẩy chục lô cốt Bảo an, nhiều xã mất cả đất phải dạt sang Bắc phần tạm lánh. Địch ra sức vây ráp, săn lùng cán bộ Đảng viên, du kích, khủng bố đàn áp quần chúng, nhân dân. Ta đã không ít đồng chí hy sinh, bị bắt, bị tra tấn… Anh Trạm luôn xứng đáng là con chim đầu đàn, lãnh đạo quân dân Đình Tổ đứng vững. Chiến công lớn nhất là cùng Chi bộ giữ vững được “địa chỉ đỏ” để huyện và một số xã có nơi trú chân. Anh đăc biệt chú ý khâu lãnh đạo đấu tranh chống địch, bằng cách xây dựng chính quyền, các đoàn thể và lực lượng du kích mạnh. Những hôm đội du kích đi xuống bốt Á Lữ gọi loa địch vận hoặc bắn súng răn đe, quấy rối, anh cùng đi để động viên và kịp thời uốn nắn. Cả Xã đội trưởng và anh em rất kính nể. Anh cùng Chủ tịch xã luôn bàn bạc công việc, cứ như răng với môi. Nhiều buổi tối đen như mực, kể cả mưa to, gió lớn anh và Chủ tịch vẫn mò mẫm xuống các thôn họp với các đoàn thể, còn tham gia cả văn nghệ rất sôi nổi. Anh vốn là con một nhà Nho, có chữ nghĩa, nên có biệt tài diễn thuyết. Tôi còn nhớ tháng 3/1951 Đảng ta ra công khai - sau Đại hội II (2/1951) Đảng đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Theo hướng dẫn của huyện, các xã tùy tình hình, có thể tổ chức mít tinh hoành tráng chào mừng Đảng. Nếu khó khăn sẽ mở hội nghị Quân. Dân. Chính. Đảng, thông báo… Anh Trạm quyết định tiến hành phương pháp thứ nhất. Anh nói: “Đảng ra công khai là một sự kiện chính trị vô cùng lớn, ta phải cố gắng công khai mít tinh, biểu dương khí thế…”. Có vài ý kiến lo lắng địch bốt Á - Lữ, bốt Tiếu, bốt Bảo an Trà Lâm, anh nghiêm khắc: “Ban đêm bọn nó không dám đâu. Tuy nhiên Xã đội phải bố phòng cẩn thận, đảm bảo an toàn”. Đề cương tuyên truyền trên gửi về khoảng hai trang đánh máy, anh Trạm biên soạn thêm tình hình và nhiệm vụ trước mắt, giao cho tôi viết lại cho rõ ràng cẩn thận...

Cuộc mít tinh toàn xã tổ chức tại sân đình Bút Tháp, có đại biểu các giới, các thành phần, đứng thành các khối: Đại biểu Ủy ban, các ngành và các bô lão, thân hào, thân sĩ ngồi hàng trên, trang nghiêm, long trọng. Anh Trạm - Bí thư chi bộ lên đọc diễn văn. Điều không thể ngờ là anh chỉ đứng nói vo và thuộc lòng bài viết. Năm ấy anh tròn hai mươi nhăm tuổi, da trắng, mắt hơi xanh, mũi dài, nom như người Tây lai, dưới ánh đèn "đất" sáng trắng, anh đẹp trai lồng lộng nói rất trang nghiêm, đĩnh đạc, ví như câu: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng” anh chứng minh sĩ khí của người đảng viên rất hùng hồn, lôi cuốn. Khoảng gần ba trăm người dự, họ rất chú ý lắng nghe, cả các vị chức sắc của chế độ cũ, các thân hào, thân sĩ đều chăm chú, khâm phục và kính nể. Thành ra cả huyện chỉ mỗi xã tôi - Đình Tổ là tổ chức mít tinh, và được huyện đánh giá rất cao… Những người cán bộ thời ấy được đông đảo nhân dân thương yêu, kính trọng và chở che, đùm bọc là vì họ luôn toàn tâm, toàn ý với Đảng với dân, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lại luôn tỏ ra người có khí phách, phong thái, có trí tuệ, làm giỏi nói hay… Họ giành được niềm tin của quảng đại các giai tầng trong xã hội, nên đã lướt qua tất cả, gian lao, sóng gió, hiểm nguy để giành thắng lợi.

Những tháng ngày sau đó Thuận Thành được Trung đoàn 98, Tiểu đoàn Thiên Đức cùng bộ đội địa phương Thuận Thành tiến công dồn dập phá các bốt Trạm Trai, Đậu, Á Lữ và phá tan gần hết số bốt Bảo an, diệt và bắt sống nhiều tên giặc. Tuy nhiên bốt Á Lữ, Đậu, Trạm Trai, ta không giữ được, bị địch tái chiếm, nhưng tinh thần đã rệu rã, đường giao thông từ Đình Tổ về Nguyệt Đức đã dễ dàng. Anh rủ tôi cùng anh về thăm nhà anh, quê anh. Cơm trưa xong hai anh em từ Đại Trạch “hành quân”, cố nhiên là cuốc bộ. Đường xá hồi ấy nhỏ thó, ngoằn ngoèo, nhiều đoạn lội bì bõm, chẳng bằng bờ ruộng bây giờ. Qua đồng Đại Tự anh trỏ: “Kia là đền Tam Á thờ Sĩ Nhiếp. Xưa kia đây là một khu rừng nhỏ”. Rồi anh đọc: “Rừng Tam Á mùi hương thơm cỏ dại/ Đồng Xuân Lâm bao cô gái dịu hiền...”. Tôi buột miệng hỏi: “Thế người Tam Á có đẹp không anh?”. “Thì ông Nguyễn Vinh viết vậy. Chứ anh cũng chưa biết con gái nơi nào đẹp hơn nơi nào”. Khoảng gần 5 giờ chiều mới về tới làng Điền, một làng quê kháng chiến như bao làng quê khác, chỉ cách đường 5 chừng hơn ba cây số, cách bốt Pháp - Cầu Gáy khoảng năm trăm mét. Cái bốt Cầu Gáy ác ôn, luôn cùng các bốt Bảo an như Thư Đôi, Đào Viên thường xuyên càn quét, quấy phá các làng xóm quanh vùng, trong đó có làng Điền, bố mẹ anh luôn là đối tượng để bọn giặc hầm hè, tra hỏi vì có con đi làm Việt minh…

Hôm ấy khi đặt chân tới đầu làng Điền nhìn sang phía Nam, lần đầu tiên tôi nhìn thấy con tàu dài tới hơn trăm mét (người ta bảo nhiều con tàu còn dài hơn thế) đang chạy trên đường 5. Anh Trạm bảo: “Tàu hỏa đấy”. Tôi lấy làm thích thú, đã nhìn rõ tàu hỏa và biết nó chạy bằng than nên gọi là tàu hỏa. 

Năm ấy vợ chồng anh mới có một con gái lên 5 tuổi. Chị bế con dúi vào tay anh, ánh mắt như nắng xuân sưởi ấm. Bố mẹ anh đang ở cùng. Ngôi nhà ngói 4 gian, gia cảnh trang trí đơn sơ nhưng nghiêm túc, nền nếp quí phái. Tối hôm ấy gia đình xum họp vui vẻ, đón anh và tôi là khách. Dân làng vào chơi anh giới thiệu “chú này nhỏ tuổi nhưng là Việt minh chính cống đấy”. Tôi thấy có mấy người dùng vó kéo cá ở cái ao trước cửa nhà. Tối ấy anh mời cả một số bạn thân đến ăn cơm. Tôi còn nhớ anh Tộ, sau làm Bí thư chi bộ xã Nguyệt Đức rồi lên đến Huyện đội trưởng. Anh Tộ cứ yêu cầu tôi hát. Tôi vừa lạ lẫm, vừa bẽn lẽn, hơi chần chừ, anh Trạm bảo: “Chú hát đi, không các anh ấy phê bình là mình kém dân vận”. Tôi liền hát bài “Bội đội về làng”. Bài hát có lời ca và giai điệu hay, nhưng tôi hát không hay. Vậy mà mọi người vỗ tay rôm rả, chắc là mặt tôi sẽ đỏ bừng. Tôi còn nhớ khi anh ở Đại Trạch có một cán bộ Phụ nữ cảm mến anh ra mặt, rất hay tìm cơ hội để gần anh. Chị thường ý tứ qua tôi: “Chú có biết tối nay anh đi đâu không?”; hoặc: “Chắc chú biết vợ anh ấy”. Rồi tôi cũng nói lại cho anh biết, anh bảo: “Lần sau chú cứ bảo anh bận đi đâu đấy”. “Em! Em không quen nói dối”. “Hừ! Chú mày. Anh cho phép cơ mà...!”. Thế là tôi biết anh... lảng.

Vài tháng sau, cấp trên điều anh về làm Bí thư xã Quyết Định. Tôi được điều sang xã Trí Quả, cũng làm Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính xã.

Năm 1954, trong trận chỉ huy chống càn anh bị thương, bị cưa mất một chân. Còn tôi cũng bị bắt, trong trận tham gia chống càn ở Trí Quả. Từ đấy hai anh em xa nhau. Đời người là bể khổ. Là kinh Phật nói thế. Nhưng hình như đời người có thế thật. Hai anh em không bao giờ được gặp nhau nữa.

Anh đã mất hồi tháng 8/1955, trong hoàn cảnh vô cùng đớn đau, thương tiếc, bỏ lại bố mẹ già, vợ trẻ và hai con gái, đứa lên mười, đứa lên năm, bỏ lại bạn bè và bao nhiêu dang dở, cùng những chiến công hiển hách. Theo lịch sử các xã, tôi được biết: Khi anh mới hai mươi tuổi đã làm Đại đội trưởng Tự vệ xã Nguyệt Đức (xã này năm 1999 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân). Hai mươi lăm tuổi làm Bí thư Chi bộ xã Đình Tổ, hai mươi sáu tuổi làm Bí thư chi bộ xã Quyết Định. Đều là những nơi gay go, quyết liệt, sinh tử là lẽ thường. Anh đã làm tròn sứ mệnh, xứng đáng là người quy tụ đảng viên và quần chúng, giữ vững địa bàn “địa chỉ đỏ” ở Đình Tổ và đánh càn thắng lợi ở Quyết Định. Chỉ với ba sự kiện trên, đời anh đã là một khúc tráng ca.

*     *

*

Cuối năm Kỷ Hợi (2019) một người phụ nữ đến nhà tôi: “Chào ông. Cháu là Bình đến thăm ông... và muốn nhờ ông...”. Tôi chưa kịp định thần, người phụ nữ nói tiếp “Cháu là Lưu Thúy Bình con gái ông Lưu Văn Trạm”. Ôi! Con anh Trạm đây ư. Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động. Bé gái - con anh Trạm, năm tuổi ngày xưa... Tôi ân cần thăm hỏi Bình và Bình bùi ngùi kể lại bao chuyện ngọt bùi cay đắng, vui buồn. “Cháu muốn ông xác nhận vài điều về lý lịch cha cháu”.

Tôi thành thực cáo lỗi cùng cháu, đã không gắng sức tìm lại người anh. Và nói với Thúy Bình: “Khi hòa bình lập lại trên đất Bắc tôi bị phiền hà bởi tai ương, sóng gió... Đến chống Mỹ đi tham gia chiến trận. Mười năm sau trở về, vợ con nghèo túng xác xơ vì mười năm con thơ, vợ yếu... Lại biết tin cháu lấy chồng người tận Nghệ An...mọi chuyện đành coi là dĩ vãng. Bây giờ gặp được cháu, chú sẽ làm tất cả những gì có thể...

Và cho đến hôm nay, những sự kiện trọng đại của đất nước, quê hương đang diễn ra tưng bừng, sôi động. Nhớ tới người Bí thư tài ba, trung dũng đã đóng góp công lao với quê hương tôi và với tôi có nhiều kỷ niệm. Nhớ tới nguyện vọng của Lưu Thúy Bình, tôi về thăm lại nhà anh... Ôi! biết bao đổi thay, thay đổi. Căn nhà ngói bốn gian nhỏ hẹp, khiêm nhường khi xưa, được thay bằng ngôi nhà ngói đại khoa đồ sộ, kiểu cổ - năm gian hoành tráng. Cơ ngơi ấy là do vợ chồng Thúy Bình xây dựng. (Anh không có con trai). Tấm hình anh gần bảy mươi năm đã ố vàng, cũ kĩ. Bình bảo: “Cháu đã mấy lần phục dựng, chụp lại từ ảnh cũ, mới được thế này”. Ôi! Người anh kính mến. Tôi kiềm chế sự ngẹn ngào nói với Thúy Bình: “Hẳn là linh hồn ông khôn thiêng, phù hộ cho con cháu có được cuộc sống hạnh phúc này”. Bình đưa tôi xem xét quanh nhà. Cái ao cách đây sáu mươi chín năm về trước và hình ảnh những người kéo vó bắt cá, làm cơm tiếp khách lại hiển hiện trong tôi, bây giờ đã xây thành cái hồ bán nguyệt xung quanh xây xi măng giả đá, khá đẹp. Ông ơi! Chuyện cái ao dài lắm. Đã mất trắng, do người ta trắng trợn chiếm đoạt. May thằng con cháu lớn lên, đi làm việc nhà nước, được cấp trên giúp đỡ mới lấy lại được. Đúng lúc ông Tạ Quang Ẩm người bên Kim Tháp, là người được kết nạp Đảng tại trận đánh càn tháng 3/1954 nay đã 65 năm tuổi Đảng, nghe tin tôi về thăm, ông đến. Chúng tôi bắt chặt tay nhau thân thiết. Ông bảo: “Xã tôi giờ là xã Nông thôn mới kiểu mẫu, giàu có lắm rồi, chỉ thương...”. Ông kịp dừng lại, rồi ghé sát tai tôi: “Anh ấy mất năm hai mươi chín tuổi. Oan khuất và thương tâm lắm”. Tôi gật đầu. Có cái gì buốt nhói trong tim. 

Tôi viết những dòng này trước tiên là nén tâm nhang thắp cho người quá cố, sau là đôi điều giãi bày, góp phần làm sáng tỏ những gì còn khuất lấp về anh - người Bí thư Chi bộ…

                                                                                                                                                                                                                          HOÀNG TIẾN