Xuôi theo đê sông Cầu, tính từ cầu Đáp Cầu qua chợ Nội Doi, khoảng một km đến quê tôi, đó là làng Liễn Hạ, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Từ trên đê nhìn xuống con đường bê tông, hiển hiện trông như xa lộ của một vùng trù phú nào đó, ấy là ý tưởng của tôi, vì trước đó là đường cái đất đỏ, xe cộ đi lại nhiều thành ổ trâu, ổ bò, đường nẻo khúc khuỷu, được nắn lại sau khi làm đường mới.
Về đến đầu làng tôi gặp ngay nhóm người tay dắt trẻ nhỏ, tay cầm bát, cạp lồng mỗi người một thứ tíu tít mua đồ ăn sáng.
Bên đường một cô trạc 40 tuổi, có một xe đẩy bán đồ ăn sáng.
Tôi hỏi cô bán hàng: Ở đây em bán có chạy không?
Cũng được anh ạ!
Một người đứng bên cạnh đế vào. Nó là đứa vượt khó được cả làng ta thương và quý nó lắm đấy.
Qua tìm hiểu tôi biết đó là Nguyễn Thị Vụ sinh năm 1977, người làng Việt Vân, xã Việt Thống, huyện Quế Võ. Năm 1997, Vụ xây dựng gia đình với anh Vạn làng ta, gần một năm sau anh chồng phát bệnh, ngày đầu thấy chồng ốm vật vã, vợ sợ quá chỉ biết ngồi mép góc giường khóc suốt đêm. Hạnh phúc chưa thấy đâu thì đã rơi vào hoảng loạn tinh thần. Tính sao đây, về nhà mẹ đẻ ư, hay ở lại. Câu hỏi lặp đi lặp lại chưa biết tính sao.
Bố mẹ đẻ biết chuyện gọi về động viên: Thôi con ạ! Con đã xác định lấy người ta rồi thì cố mà sống, đừng bỏ lại mang tiếng là gái đã có chồng, con sống tốt có phúc khắc có phần. Những lời động viên của bố mẹ, của mọi người đã giúp chị dần lấy lại bình tĩnh, rồi cùng gia đình đưa chồng đi bệnh viện chữa trị, hết bệnh viện cây số 4 Bắc Giang, bệnh viện tâm thần Bắc Ninh, sức khỏe của chồng từng bước hồi phục. Năm 1999 chị sinh cháu Cường đầu lòng, năm 2001 cháu trai kế tiếp, từ đây kinh tế gia đình nhà chị ngày càng bế tắc.
Chị Nguyễn Thị Bẩy, nguyên là Hội trưởng phụ nữ thôn cho biết:
Chả phải nói nhiều thì ai cũng biết, quê tôi làng Liễn Hạ nằm giữa vùng xung quanh là đồng chiêm trũng, có tên nôm là làng Cò Con. Theo các cụ kể lại, ngày xưa làng mình cò về đậu nhiều, sinh sôi nảy nở trắng cả một vùng, hễ động có dông nhẹ thôi, chưa cần phải mưa to thì những nhà có vườn rộng, ra nhặt được cả gánh cò non rơi xuống. Ấy vậy, nhưng là một làng nghèo nhất xã, thậm chí nhất vùng. Cả làng cơ bản là làm nông nghiệp, nghề phụ thì cũng chỉ là mộc, xẻ, phu hồ sau này thêm các nghề hàng xáo, chạy chợ… Các cụ xưa nói “Nhất cận thị, nhị cận lộ, ba cận giang” địa lý của làng tôi thì lại xa tất cả những thứ đó, do vậy việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Công tác phụ nữ của địa phương chúng tôi có nhiều suy nghĩ lắm, cả làng có trên 200 hội viên nữ trong đó có một số chị em chồng chết, chồng bỏ, bỏ chồng hoặc tuổi cao nhưng chưa xây dựng gia đình… Ngày vụ mọi người tập trung ra đồng mùa nào thức ấy, hết vụ sáng sáng từng tốp tấp nập xe máy, xe đạp nối nhau nhập vào dòng đường, người chạy chợ, người đi làm ăn, đông nhất là thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 30 đi làm khu công nghiệp hết. Còn lại phần lớn là chị em, đều phải bươn chải mới có cái ăn, cái mặc, có tiền cho con ăn học, còn vất vả lắm. Chỉ mong chị em làm thế nào phát triển kinh tế vượt khó vươn lên làm giàu.
Nói đến hội viên Hội phụ nữ của làng thì nhiều, kể ra hàng hơn chục, trong đó có chị Nguyễn Thị Vụ là tấm gương người phụ nữ vượt khó, không phải một người yêu chị mà cả làng tôi yêu chị. Năm nay chị Vụ ngoài 40 tuổi, khi xây dựng gia đình tài sản lớn nhất của hai vợ chồng là khu vườn đất trống và ngôi nhà nhỏ các cụ để lại cùng mẹ già. Do thương vợ, thương con, anh Vạn khỏe một chút lại lăn lộn với công việc, mong phụ giúp vợ con đỡ vất vả. Nào ngờ vì làm việc quá sức bệnh tái phát, chị lại cùng gia đình động viên khăn túi quả mướp đèo chồng đi bệnh viện chữa trị. Thời gian khó khăn nhất là từ năm 2001 đến năm 2006 anh đi viện liên miên, có năm chỉ ở nhà từ hai đến ba tháng còn lại chủ yếu là ở viện. Chị và mẹ chồng thay nhau chăm anh, những tưởng anh ngày càng bệnh nặng. Điều đáng mừng là được các y, bác sỹ bệnh viện tận tình chăm sóc, kết hợp thuốc chữa bệnh ngày càng chất lượng, sức khỏe của anh Vạn mỗi ngày một khá hơn. Nhiều hôm chồng đỡ ốm một chút, vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, chị Vụ lại đưa hai con vào viện thăm bố, thấy các cháu ríu rít vui vẻ, mọi người cùng phòng bệnh như vui lây cùng gia đình chị.
Điểm nổi bật là anh chị không sinh thêm con thứ ba nữa mà tập trung phát triển kinh tế gia đình, năm đầu mua được con bê, nuôi lớn thành bò, rồi bán đi tậu được con trâu. Ước muốn của chị là đầu tư máy xát gạo, chủ động kết hợp chăn nuôi lợn, bò sinh sản, phát triển kinh tế gia đình. Để được ngân hàng chấp thuận cho vay tiền đâu phải dễ, chị phải nhờ Hội Phụ nữ thôn đứng ra bảo lãnh cùng chị làm sổ vay vốn. Năm 2006 được ngân hàng chính sách cho vay với số tiền là 5 triệu đồng, chị bán trâu và vay mượn thêm họ hàng để mua máy xát gạo.
Có máy xát rồi, địa điểm lại không có, nhà thì tít trong ngõ, chị lại phải thuê của gia đình khác ở gần trung tâm làng để đặt địa điểm xát gạo cho tiện. Ngày mùa này nối tiếp mùa kia đến, chị gầy lẻo khẻo bước đi xiêu vẹo trông người dẻo như cái lạt, ai nhìn thấy đều thương cảm. Không biết bao nhiêu ngày trong những năm tháng đó, tưởng không còn sức để mà tiếp tục cuộc sống của mình. Chị như một đôi kính đổi màu, thức dậy từ sáng sớm thổi cơm, nấu cám lợn, dọn dẹp nhà cửa, đốc thúc con dậy ăn sáng đi học, đến khi đi làm được thì đã 6 - 7 giờ sáng, rồi tất tả buộc đồ dùng lên xe đi ra đồng gặt lúa, dỡ khoai. Trưa về nghỉ ngơi cơm nước vài tiếng, đầu giờ chiều lại thấy chị dắt xe bò kéo ra đồng chở lúa, chở khoai về nhà, đến tối lại gắn bó với công việc quen thuộc là xát gạo thuê đến 11, 12 giờ đêm.
Thời gian không phải ngày mùa, chị cùng mọi người trong làng lên phố gánh gạch thuê, phu hồ đủ việc. Sáng đi, tối về cứ như vậy gần mười năm trời, cuộc sống của chị gần như bế tắc. Một sự sắp xếp như định kỳ, mỗi khi ngày mùa đến anh chồng thương vợ tham gia công việc nhiều, bệnh lại tái phát, lại đi viện. Mỗi lần ở viện về ít nhất cũng phải hàng tháng, xong về nhà còn phải nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe một thời gian nữa, tính đi tính lại trong năm chỉ được nhờ chồng dài thì được sáu tháng, có năm chỉ được một đến hai tháng. Chị lại phải cáng đáng mọi công việc vừa phải lo tiền viện phí, đảo đi đảo lại trông nom chồng ốm, chăm con nhỏ thơ dại, rồi đồng áng… Không biết thời gian nghỉ ngơi của chị trong một ngày được bao lâu, hạnh phúc thì mong manh.
Chị nghĩ có lẽ đó đã là số mệnh của mình. Khi mô hình hoạt động tốt cả gia đình cùng hăng say lao động, mẹ già thì giúp chăn thả cặp bò sinh sản, cơm nước trong nhà, các con đã biết phụ giúp cho mẹ. Cứ như thế ngày qua ngày công việc đồng áng, máy móc chị là người chủ động, làm ăn có lúc cũng gặp từng thời điểm. Được vài năm làm ăn đang thuận, thu nhập tương đối khá và ổn định. Năm 2008, vợ chồng Vụ quyết định gom góp xây một ngôi nhà, khi xây được hai tầng kiên cố gần 100m2 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Cả làng ai cũng bất ngờ vừa mừng vừa lo cho chị, liệu làm xong nhà chị có phát ốm không? Nhưng không, chị vẫn bình thản cùng năm tháng trôi qua. Đây cũng là lúc một số nhà xung quanh thấy vợ chồng Vụ làm ăn được, gần chục gia đình trong làng đua nhau mua máy xát, tự đi đong thóc về xát gạo. Trong làng người làm hàng xáo thì ít đi, người mua máy xát gạo thì nhiều thêm, công việc khó khăn dần, âu cũng là quy luật bình thường.
Phải thay đổi cách làm ăn, chị nghĩ thế và việc đầu tiên là chuyển máy xát về tại nhà mình để đỡ tiền thuê địa điểm, vì khách đã quen, rồi chị mua xe máy để tự đi đong thóc làm hàng xáo tại máy xát của mình. Mấy năm nay máy xát ít việc, sáng sớm chị đẩy chiếc xe bán hàng rong ra đầu làng bán hàng ăn sáng: Cháo, bánh mỳ, bánh trưng…
Một người kỹ tính trong làng là bà Đông, khi tôi hỏi, cái Vụ sống ở làng ta thế nào, nhất là người phụ nữ vượt khó.
Bà nói ngay: Đứa ấy được, ngày nắng cũng như ngày mưa, nắng thì rúc vào bờ rào của tao, mưa thì nép vào mái hiên nhà thằng Khang, mắng thì nó cười hềnh hệch, chả ghét nó vào đâu được, ngoan ngoãn, tốt nết, không nặng lời với ai, chịu khó làm ăn. Nói về người phụ nữ tôi yêu cơ mà. Ừ thế thì chỉ có nó là nhất.
Trao đổi với Nguyễn Thị Vụ: Tại sao em biết anh Vạn là người bị bệnh thế mà vẫn quyết định lấy?
Vụ gượng cười nói: Khi anh đến hỏi em, em đã tìm hiểu và cũng biết bệnh tình của anh ấy. Em nghĩ nếu không lấy anh thì cuộc đời anh ấy sẽ ra sao? Thế nhưng từ chối anh, em cứ thấy tội nghiệp và thấy thương anh quá nên em đồng ý xây dựng gia đình với anh.
Chỉ cần trả lời từng ấy thôi, đã là quá đủ. Thật là một phụ nữ đôn hậu, một hình ảnh đẹp trong tâm trí tôi. Bây giờ thì tuyệt rồi, các con của chị được giáo dục nền nếp, ngoài việc học hành, biết phụ giúp việc đồng áng với bố mẹ, lại là học sinh học giỏi, năm nào cũng được giấy khen, đặc biệt năm 2010 được hai giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp tỉnh và giỏi toán qua mạng, hiện cháu lớn Nguyễn Văn Cường đang học trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cháu thứ hai Nguyễn Văn Luân đang học Quản trị Kinh doanh, gia đình cơ bản đã thoát nghèo.
Trong công việc, chị không quên mình đang là hội viên Hội Phụ nữ tích cực của làng, luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với địa phương, tham gia sinh hoạt tích cực mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ khi Hội Phụ nữ thôn cần đến.
Là một người dâu thảo, vợ hiền, sống chan hòa với họ hàng làng xóm. Trên gương mặt gầy xương là nụ cười nghẹn ngào rớm lệ. Chị nói với tôi, ngoảnh đi, ngoảnh lại quãng thời gian khắc khoải hơn 20 năm, có lúc tuyệt vọng, em nghĩ không biết cuộc đời này có phép mầu nào không, để cho em mơ một giấc mơ đẹp mà có lẽ ngày hôm nay em vẫn tưởng rằng mình đang trong giấc mơ.
Những lát cắt cuộc đời của mỗi người, để rồi hòa quện gắn bó với nhau. Cơ duyên nào tạo cho hai người xa lạ là chị Nguyễn Thị Vụ gắn bó xây dựng gia đình cùng anh Nguyễn Văn Vạn vào hoàn cảnh như thế. Trong mỗi làng quê của đất nước Việt Nam đều có những con người bình dị, chất phác và mang nặng chữ “Tình”. Làng ta có chị Vụ với anh Vạn. Dù hoàn cảnh thế nào thì vẫn nhất mực yêu thương, tình cảm đó cứ lớn dần, lớn dần tình vợ chồng, sống luôn quan tâm và có trách nhiệm với nhau, họ càng thấu hiểu, yêu thương nhau nhường nào. Chị Vụ xứng đáng là người phụ nữ “Cả làng tôi yêu”./.
LÊ KHAM