Nhiều người biết đến ông Bí thư chi bộ làng tôi Nghiêm Đình Vườn khi ông được dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V huyện Yên Phong tổ chức ngày 16/6/2020. Nghiêm Xá quê tôi, Chi bộ có hơn 100 đảng viên, dân số hơn 4.000 khẩu, mà có tới 4 đại biểu về dự. Ông Vườn vinh dự là đại biểu của huyện Yên Phong tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của tỉnh Bắc Ninh, tổ chức ngày 23/8/2020 và là đại biểu được mời giao lưu tại Đại hội. Ông Vườn báo cáo về nội dung “Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bài phát biểu của ông ngắn gọn, xúc động gây ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Sau khi phát biểu xong, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Đặng Thị Ngọc Thịnh bắt tay chúc mừng thành tích của ông. Vinh dự thật lớn đến bất ngờ với ông Vườn. Tại Đại hội này ông được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực xây dựng Đảng. Cũng từ đó hình ảnh ông Vườn và làng Nghiêm Xá quê tôi xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi vui và tự hào vì có một người con của quê hương Nghiêm Xá, đảng viên của Chi bộ luôn cùng với nhân dân vượt qua khó khăn thực hiện mục tiêu đề ra với tâm nguyện “vì Đảng vì dân cống hiến”.
Quê hương và những năm tháng quân ngũ
Nằm ở phía Tây Nam thị trấn Chờ, Nghiêm Xá có tên nôm là làng Ngườm hay Kẻ Ngườm, cư dân trong làng chủ yếu họ Nghiêm nên có tên là làng Nghiêm Xá. Diện tích đất tự nhiên có 216,19ha, do chuyển đổi cơ cấu kinh tế đất nông nghiệp hiện có 146,7 ha.
Ông Vườn sinh năm 1949 tuổi Kỷ Sửu, ông thường nói vui với mọi người: Mình cầm tinh con trâu nên cứ nơi nào khó khăn là “cày” mà đã cày là cày tới cày lui, cày ra mùa màng thóc lúa thì thôi”. Là người anh cả trong gia đình đông con, ngay từ tuổi niên thiếu công việc nông gia ông đều thành thạo. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước ngõ Đình nơi ông sinh ra và lớn lên có 15 hộ với 5 dòng họ cùng chung sống đoàn kết trở thành ngõ văn hóa đầu tiên của làng Nghiêm Xá thì đã có tới 12 người trở thành bộ đội cụ Hồ, trong đó có 5 người là liệt sỹ. Truyền thống anh hùng của quê hương như ngấm vào máu chàng trai trẻ Nghiêm Đình Vườn. Năm 1966 khi vừa tốt nghiệp cấp II, anh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và cũng chỉ 2 năm sau được kết nạp Đảng.
Sau những năm tháng chiến đấu ở đơn vị thông tin liên lạc, do ham học hỏi cầu tiến bộ, luôn có sáng kiến kinh nghiệm, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được chuyển về học tập tại Học viện Hậu cần. Năm 1971 ra trường, gắn đào tạo với cuộc sống chiến đấu của nhân dân ta, mùa xuân năm 1972 người thầy giáo đưa học viên về chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Tháng 2/1979, ông lại dẫn học viên đi tham gia chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc ở Cao Lộc (Lạng Sơn).
Xuất thân từ nông thôn, chịu khó thức khuya dậy sớm vừa tham gia giảng dạy, ông còn được phân công theo dõi hoạt động tăng gia sản xuất trong trường, gắn việc học của học viên với tăng gia sản xuất đó cũng là niềm vui của ông. Ông tìm về trường Đại học Nông nghiệp tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mời chuyên gia giúp cho bộ giống tốt, hướng dẫn nuôi cá lồng ghép táo lai, trồng nấm. Ông còn cất công xuống Hải Dương xin giống dứa cao sản, nhờ nỗ lực đó của ông mà cuộc sống của cán bộ học viên được cải thiện.
Từ cán bộ theo dõi tăng gia sản xuất ông được tín nhiệm giao trọng trách Trưởng phòng Kinh tế nhà trường. Đúng lúc ấy, mọi năng lực sản xuất “được bung ra”, nhiều cán bộ ở đây kể lại những mẩu chuyện cảm động. Một lần ông đến Hoa Lư (Ninh Bình) thấy nhân dân ở đấy tự nung vôi xây nhà, ông hỏi han kinh nghiệm, về trường báo cáo lãnh đạo Học viện, xin mở xưởng sản xuất vôi, rồi sau đó sản xuất gạch ép, than tổ ong, với mô hình “ vừa huấn luyện, vừa phát triển kinh tế”. Tiếp đó, ông lại mở xưởng sản xuất rượu, bia, nước giải khát. Công nhân của các xưởng này đều là vợ con, thân nhân của đồng nghệp. Ông về thị trấn Chờ mở xưởng bia Hà Sơn do Hội CCB thị trấn Chờ quản lý có hiệu quả kinh tế cao.
Gắn bó với Học viện Hậu cần gần hết cả cuộc đời binh nghiệp, năm 2008 sau 43 năm phục vụ quân đội, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Nghỉ hưu nhưng người Cựu binh này không nghỉ việc, ông xuống Hải Phòng tìm hiểu máy giặt công nghiệp và ba tháng sau mở công ty cổ phần Wash - Việt Nam do ông làm Giám đốc, xí nghiệp có 50 - 60 công nhân toàn là CCB nghỉ hưu hoặc thanh niên xuất ngũ chưa có việc làm.
Bí thư Chi bộ thôn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ở thôn Nghiêm Xá giai đoạn 2014 - 2017 tình hình địa phương diễn ra phức tạp, nội bộ mất đoàn kết, có lúc cán bộ đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, công tác giải phóng mặt bằng dự án 6,8ha ngưng trệ, đơn thư khiếu kiện nhiều, đòi hỏi lãnh đạo Chi bộ phải đổi mới con người và phương thức lãnh đạo.
Đứng trước tình hình phức tạp ấy các đảng viên cao tuổi của Chi bộ tham gia với Đảng ủy thị trấn Chờ: “Chi bộ có trên 100 đảng viên, một số có năng lực làm ăn ở các công trường xí nghiệp, một số trẻ chưa đủ kinh nghiệm bản lĩnh, tốt nhất gỡ rối trong lúc này mời ông Vườn về chèo lái phong trào của địa phương. Ông ấy tuy tuổi cao nhưng sức khỏe tốt gắn bó với quê hương, am hiểu tình hình địa phương và nhiệt tình công tác có khả năng đoàn kết mọi người”. Đảng ủy tán thành và làm công tác tư tưởng với ông Vườn.
Ông Vườn cũng phải cân nhắc kỹ lắm: “43 năm phục vụ trong quân đội với quân hàm Đại tá, trên thương trường là Giám đốc Công ty đang ăn nên làm ra nay trở về quê hương nhận trọng trách nặng nề này liệu có đưa làng Nghiêm Xá trở lại thời kỳ huy hoàng, là một trong 8 thôn của cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đầu tiên vào năm 2003 không?”.
Rồi ông Vườn tự nhủ mình là đảng viên, trước đây là lính Cụ Hồ trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, luôn trung thành vì Đảng, Bác và Tổ quốc. Ngày nay về với đời thường, về với quê hương thì trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương là cao quý. Người đảng viên với tâm nguyện vì dân cống hiến càng thấy trách nhiệm của mình làm cho quê hương giàu đẹp đổi mới, văn minh. Càng khó lại càng phải trở về quê hương, nhiệt huyết người lính Cụ Hồ vẫn chảy trong huyết quản của ông. Thế là ông Vườn quyết định chuyển sinh hoạt Đảng và chuyển hộ khẩu về quê.
Tháng 3/2017 ông Vườn được Đại hội Chi bộ bầu làm Bí thư Chi bộ thôn với tuyệt đại số phiếu tán thành. Chi bộ Nghiêm Xá còn nhớ rõ lúc nhận chức Bí thư Chi bộ, trước cờ Tổ quốc, trước cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Ban Chi ủy ông xin hứa:
- Giữ gìn sự đoàn kết trong Chi bộ, trước hết từ các đồng chí trong Ban Chi ủy, ra tới cả Chi bộ và rộng ra là toàn thể nhân dân trong thôn.
- Giải quyết dứt điểm dự án 6,8 ha đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đã phê duyệt gần 10 năm mà chưa giải phóng mặt bằng được, tiếp tục thực hiện các dự án khác để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Phát triển kinh tế, đa dạng các ngành nghề, đời sống nhân dân trong thôn được cải thiện và nâng cao.
Riêng về phần mình do có lương hưu, ông đã dành khoản phụ cấp chức vụ hàng tháng, chuyển vào quỹ Hội giúp đỡ hỗ trợ tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn…
Ông Vườn thường tâm niệm việc quan trọng đổi mới đầu tiên là làm cho cán bộ đảng viên trong chi bộ: Học tập Chỉ thị nghị quyết nhất là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng (Khóa XI, XII, XIII) trong đó nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Là Bí thư Chi bộ đồng thời nhận nhiều chức vụ khác như Tổ trưởng dân vận của thôn, Trưởng Ban kiểm soát HTX dịch vụ nông nghiệp, ông luôn giữ gìn sự đoàn kết trong Ban Chi ủy, Chi bộ, các đoàn thể quần chúng nhân dân cho tới các xóm ở trong thôn. Ban Chi ủy có 5 người, có 2 người tuổi trẻ, 3 người cao tuổi lại là những người chủ chốt của thôn, ông Vườn Bí thư Chi bộ, ông Nguyễn Văn Miên 65 tuổi cán bộ hưu trí giữ chức Trưởng thôn, bà Nghiêm Thị Nga ngoài 50 tuổi Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp. Ban Chi ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chi bộ trong suốt nhiệm kỳ là “Trong thôn tình hình chính trị an ninh quốc phòng ổn định, các tổ chức quần chúng nhân dân hoạt động mạnh mẽ thiết thực hiệu quả. Về kinh tế, phát triển đa dạng các ngành nghề, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiệm vụ trọng tâm giải quyết các dự án thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất và triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do UBND tỉnh phát động”.
Sản xuất nông nghiệp được coi trọng, vận động nhân dân phục hóa một số diện tích đã bỏ nhiều vụ trước đây, theo phương châm giao cho các hộ gia đình có khả năng canh tác số diện tích lớn chứ không manh mún. Hộ bà Tý cấy 21 mẫu, hộ bà Huệ Mười cấy 15 mẫu, hộ bà Hòa Chi lấy 15 mẫu... Đã 6 vụ nay liên tiếp được mùa, đặc biệt vụ xuân 2021 vừa qua năng xuất 6,9 tạ/ ha cao nhất thị trấn Chờ, HTX dịch vụ nông nghiệp thành nếp, đã thuê máy cày bừa gặt hái giúp bà con cũng như cung ứng giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật... làm lợi hàng năm 1,4 tỷ đồng.
Do có lợi thế giao thông, đường 295 chạy qua làng gần 1,5km cửa hàng cửa hiệu mọc lên san sát. Chợ đình của làng với 363 cầu và gian hàng giá trị kinh tế đạt 37 tỷ đồng/ năm. Nghiêm Xá có tới 378 hộ với 1.160 lao động tham gia làm đồ gỗ xuất khẩu giá trị thu nhập 103,4 tỷ đồng/ năm, bình quân thu nhập đạt 52 triệu/ người/năm. Vào làng bây giờ tiếng máy cưa, tiếng bào rộn rã, nhiều thanh niên lập thân lập nghiệp trở nên giàu có, mỗi năm đến cả 50 ngôi nhà tầng mọc lên chằng kém gì phố thị.
Thực hiện lời hứa trước Chi bộ là thực hiện thành công đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở dự án 6,8ha. Dự án này phê duyệt hơn 10 năm nay mới lại triển khai được. Ông Vườn tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích của dự án, trước hết cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu đồng thời công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận đoàn kết trong dân. Chi bộ thành lập tổ công tác gồm các đồng chí chi ủy viên, trưởng các chi hội đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền vận động mọi người thực hiện. Sau 6 tháng, 100% hộ dân có đất trong dự án nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Bây giờ đến khu dự án 6,8ha ai cũng ngỡ ngàng đường ngang lối dọc đều trải nhựa, đất đã được phân lô, hành lang giao thông đã được xây dựng hoàn chỉnh, những hàng cây xanh đã tỏa bóng mát, điện đã kéo về, đêm đến sáng cả một vùng, 218 hộ đã mua đất, 16 ngôi nhà tầng đã mọc lên theo đúng mẫu thiết kế chuẩn của công ty. Sớm sớm chiều chiều bà con trong thôn đến tập thể dục, thể thao ngắm cảnh và càng thêm yêu quê nhà.
Từ nguồn vốn 40 tỷ đồng đất đấu giá 6,8 ha, cùng với nguồn vốn xã hội hóa khác Nghiêm Xá tổ chức xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi, văn hóa tâm linh, mọi việc đều được bàn bạc công khai dân chủ. Từ quý II năm 2019 đến năm 2020, Nghiêm Xá như một đại công trường xây dựng. Thi công toàn bộ đường làng, ngõ xóm với 76 tuyến đường với diện tích 22.100m2, chiều dài gần 10km. Đào kè 2 hồ sinh thái rộng 4.900m2. Ngoài ra ông Vườn tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp hơn 12 tỷ đồng xây dựng 2 sân văn hóa thể thao, diện tích 4.500m2, xây dựng chùa Đăng Sơn, nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ của làng, đường vào trường tiểu học số 2… Bây giờ ai có dịp qua làng Nghiêm Xá không khỏi tấm tắc khen ngợi phong cảnh nơi đây thật hữu tình. Hồ sinh thái nước trong xanh, được kè đá lại có hàng rào sắt duyên dáng. Mùa hè cũng là nơi thanh thiếu niên tập bơi rộn rã. Xung quanh là đường hoa bốn mùa nở rộ. Các sân vận động rộng rãi thoáng mát tha hồ cho chị em hoạt động bóng truyền hơi, tập múa, tập thể hình... Đường thôn rộng rãi xe pháo đi lại thông thoáng. Bộ mặt của nông thôn Nghiêm Xá thay đổi như một giấc mơ kỳ diệu.
Là Bí thư Chi bộ “miệng nói tay làm”, khi chi bộ giao cho chi hội CCB đảm nhiệm thi công 2 tuyến ngõ tương ứng 490 ngày công để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thị trấn Chờ lần thứ 24 và Đại hội Đảng bộ huyện Yên Phong lần thứ 23, hàng ngày người ta vẫn thấy đồng chí Bí thư Chi bộ đẩy xe rùa, chuyên chở nguyên vật liệu cùng với mọi người. Nơi nào khó, nơi nào có ý kiến của người dân phản ánh là có mặt đồng chí Bí thư ngay để giải quyết, mọi việc sau đó lại êm xuôi tốt đẹp.
Năm 2020 - 2021 cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, làng Nghiêm Xá quyên góp trên 100 triệu đồng để hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế. Làng lập 8 chốt, đồng chí Bí thư Chi bộ vận động một số gia đình có điều kiện nấu ăn bữa trưa miễn phí cho người giữ chốt suốt 20 ngày. CLB thiện nguyện được thành lập, cung cấp 350 suất ăn cho công nhân nghỉ việc đang trọ tại các gia đình trong làng, hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo và 210 công dân do không có việc làm, vận động nhân đạo từ thiện 18 triệu và 4 chuyến ô tô hàng hóa cho đồng bào miền Trung bị bão lũ.
Bằng những việc làm thiết thực cụ thể hàng năm, đã mấy năm nay Nghiêm Xá lấy lại danh hiệu làng văn hóa. Hơn 90% gia đình đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ giàu và khá 80%, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5%, mỗi năm có từ 35 đến 45 em đỗ vào các trường Đại học, nhiều năm có em đỗ Thủ khoa. Chi hội khuyến học của thôn được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2020. Chi bộ đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Tháng 7 năm 2021, ông Vườn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2020.
Làm việc thì hăng say, xong ông Vườn lại rất đam mê văn nghệ. Chính ông là người hồi sinh CLB tuồng thôn Nghiêm Xá. Thời niên thiếu, đêm nào cũng đi xem đội Tuồng cổ của làng tập tành ngay bên nhà hàng xóm, vào năm 1965 đoàn Tuồng Bắc Trung ương sơ tán về làng Nghiêm Xá, nhiều nghệ sĩ cùng ở cùng ăn với nhân dân trong làng. Những “câu hát nam, hát khách”, những ông Hoàng, bà Chúa rồi những vai diễn về Đề Thám về Lý Thường Kiệt cứ ám ảnh mãi. Ngày tiễn ông đi bộ đội làng cũng tổ chức đêm văn nghệ diễn Tuồng, và ông ấp ủ ước mơ xây dựng CLB Tuồng quê nhà. Thế rồi khi được nghỉ hưu trở về quê hương ước mơ ấy trở thành hiện thực. Ông mời các nghệ sỹ làng tụ hội lại, đồng thời gieo mầm đam mê nghệ thuật cho các cháu. Tiếng trống Tuồng tối tối lại vang lên. Ông Vườn cải tạo sân nhà mình để làm địa điểm cho CLB tập luyện. Cứ khi nào làng mở hội, mừng ngày truyền thống... CLB Tuồng của thôn lại sáng ánh đèn để bà con thưởng thức những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Đặc biệt ngày 24/9/2015 đoàn đã vào thành phố Đà Nẵng biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, trong liên hoan “Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Ông Vườn rất thành công trong vai diễn của mình, đoàn đã được tặng nhiều Huy chương Vàng, Bạc...
Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Vườn - Bí thư Chi bộ Nghiêm Xá cũng sắp mãn hạn, lời hứa của ông với Chi bộ đã được thực tế kiểm chứng. Tuổi ông đã cao nhưng được trời phú cho sức khỏe tốt, giọng nói vẫn sang sảng. Nhìn bề ngoài thì đúng ông là con nhà võ, dáng vẻ to lớn, nước da ngăm đen, đôi lông mày rậm và xếch trông giống như đức ông ở chùa, cứ tưởng ông ấy “nói là thét ra lửa” nhưng ngược lại “tướng nhà võ” mà chuyện trò lại rất tình cảm, rất nhân văn. Với số tiền trợ cấp hơn 4 năm được gần 100 triệu đồng. Hàng năm cứ đến tết Nguyên Đán, ông lại tặng quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo. Bà Nghiêm Thị Nhỡ hộ nghèo nuôi con học Đại học, hàng năm thường được nhận quà tết từ tiền phụ cấp của ông Vườn biếu tặng, lần nào cũng xúc động: “Người như ông Vườn lại có tấm lòng từ bi lắm”.
Nghiêm Xá còn đang triển khai dự án 4,6ha và dự án 2,5ha nữa. Ai cũng mong ông Vườn tiếp tục làm khóa nữa, để một làng Nghiêm Xá tươi đẹp, trở thành khu phố văn minh của thị trấn Chờ, khi thị trấn trở thành phường. Nếu không ông cũng phải giúp cho người kế nhiệm mình cầm cân nảy mực, “trí sáng, lòng trong” như ông, Đảng mới tin, dân mới mến.
Những người quen biết ông Vườn gọi vui ông là sỹ quan làm việc bằng hai, người ở Học viện Hậu cần cũ gọi ông là người cựu binh hết lòng vì đồng đội, còn người dân và đảng viên Nghiêm Xá gọi ông là Bí thư Chi bộ hết lòng vì Đảng vì dân cống hiến./.
NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG