Nhà văn Đinh Văn Y khởi đầu viết nhiều thể loại và sớm thành công với thể loại kịch và truyện ngắn. Nhưng càng viết anh lại càng thành công với thể loại thơ. Ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh anh được định danh là Nhà thơ. Anh đã in các tập thơ: Khoảng trời riêng (2005), Lửa gần rơm (2010), Người trong mộng (2013)… Anh đang dần định hình phong cách thơ tình. Một lối đi riêng chân thật chất nhà quê, tinh tế nhưng không ảnh hưởng bởi Nguyễn Bính.
Đang lúc “hăng” anh nộp đơn đi học bồi dưỡng viết văn. Tôi cùng anh theo học Khóa 1, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam. Các thầy Phan Hồng Giang, Ma Văn Kháng, Vũ Quần Phương trong Ban Giám đốc. Bạn học có nhà văn đã rất nổi tiếng từ thời đánh Mỹ là nhà văn Nguyễn Chí Trung, Thiếu tướng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ban cán sự lớp có Vũ Xuân Tửu, Hoàng Quý, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Minh Thông, Dương Thúy Mỹ… Rồi tôi lại cùng anh đi học khóa 1 Lớp thẩm bình truyện ngắn của Khoa báo chí và sáng tác phê bình Văn học nghệ thuật, Đại học Văn hóa Hà Nội. Thêm những bạn mới như Nguyễn Trần Bé, Vũ Minh Nguyệt, Vũ Thanh Lịch… Tôi càng bồi dưỡng thì càng cùn cụt đi, còn anh Y thì viết gì cũng lên tay trông thấy. Nhất là văn xuôi. Truyện mini, truyện ngắn đều có thành tựu. Truyện ngắn “Tiếng trống mở cửa đình” dự thi báo Văn Nghệ vừa in ra đã có ngay bài cảm nhận rất xúc động của bạn đọc sành văn. Rồi truyện cứ sòn sòn đô sòn ra đời thành tập vững vàng. Gần đây nhất là truyện ngắn “Người từ trên trời rơi xuống” viết vừa hóm hỉnh vừa thân phận thời đại.
Đùng một cái như sét đánh giữa trời quang anh dí vào tay tôi bản thảo tập tiểu thuyết dày cộp “Vùng phủ sóng”. Anh nói thẳng: Thành công của cuốn tiểu thuyết này là khắc họa được bằng văn bản chuyện nhà anh và gửi hợp lí vào mồm nhân vật mấy chục bài thơ tâm đắc nhất. Là người đi lại gần gũi với anh chị và các cháu nên việc đọc cũng có cái khó của tôi, đó là việc phân định đâu là nguyên mẫu, đâu là nhân vật. Nhưng vẫn hăm hở đọc để xem cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh có thành hay không. Thành sẽ là động lực để anh đi tiếp vì đã các cách hình dung và viết nên một cuốn tiểu thuyết đầy đặn rồi. Không thành sẽ đưa anh vào thế khó nếu không cháy bỏng khát khao sáng tạo để phá ra làm lại hoặc viết cuốn khác.
Đúng như lời anh nói, “Vùng phủ sóng” lấy nguyên mẫu chính là chuyện nhà anh. Nhưng đấy là với người biết như tôi chẳng hạn. Nhưng tôi đang đọc với danh nghĩa bạn đọc, và nội dung tiểu thuyết xoay quanh chuyện nhà của nhân vật chính, cậu bé Tôn Văn Ùy, lớn lên đổi tên thành Tôn Văn Uy, và “lớn hơn nữa” là tác giả Thi Nguyên. Trình độ văn hóa chính thức chỉ hết cấp 2, lớp 7. Nhưng trình độ tự học thì không biết bằng cấp đạt đến mức nào. Từ Ùy đến Thi Nguyên là quãng thời gian từ khi anh sinh ra đến khi đứa con thứ tư của anh đã có vợ con. Thời gian ấy kéo dài từ Hòa Bình “năm tư” đến thời hội nhập phát triển hiện nay, chừng 65 năm. Vậy là chuyện một nhà mà gắn với chuyện của đất nước qua bao thăng trầm và phát triển. Cậu bé thiếu cha ở với người mẹ nghèo khó. Tấc đất cắm dùi không có. Mấy lần chuyển nhà là mấy lần xê dịch túp lều xiêu vẹo, và càng dịch chuyển thì càng xiêu vẹo hơn. Chỉ có mỗi cái cối đá giã bèo là gần như nguyên vẹn. Đúng lúc nhà Ù Ỳ vào kì bĩ cực thì đất nước bước vào thời kì vận động Hợp tác hóa. Xã viên cơ bản có mức sống bình quân tương đồng. Trẻ con được đi học và chữa bệnh bình đẳng. Sự ưu việt của chế độ mới đào luyện nên con người mới Tôn Văn Uy. Anh học tập, lao động, sinh hoạt với vai trò người chủ, tự tin, tự trọng và phấn đấu chứ không còn đâu sự mặc cảm, cô đơn, tự kỉ ngày nào. Sự ưu việt của chế độ rất âm thầm tác động đến vận mệnh con người, người ta chỉ có thể nói là thần kì, là cổ tích. Rồi khi con cái Tôn Văn Uy đã trưởng thành thì cũng là lúc đất nước bước vào thời hội nhập phát triển. Các con anh được bố mẹ định hướng đã biết chắt chiu cơ hội vượt khó vươn lên với nghề làm răng, “của rề rề không bằng có nghề trong tay” và trở thành những ôn chủ mới. Tồn tại đã là thần kì thì phát triển lại càng thần kì hơn, cổ tích hơn. Tất cả đều sinh ra từ sự ưu việt của chế độ ta. Đây là mạch chính của tiểu thuyết. Mạch chính này lại dựa trên mấy chuyện tình tay ba tay tư khiến cho văn lôi cuốn hơn. Chuyện tình tay ba thời Hợp tác xã Hống - Huyền - Uy khá đơn thuần nhưng lại âm ỉ chi phối suốt những năm tháng sau này, đến tận hiện nay. Chuyện tình tay ba Thi Nguyên - Ngọc Châu - Trần Tuấn và chuyện tình tay ba Uy - Khánh Huyền - Ngọc Châu thời hiện đại đan xen, phức tạp. Đang là thời văn minh hiện đại, gia đình đã khá giả mà Khánh Huyền lại đi tin vào sự mê tín mù quáng, nếu không tìm người tuổi Mão làm vợ hai để gánh tội thay thì sẽ “hết số”. Uy không tin điều đó. Lúc này con người xã hội của anh, cái tên Thi Nguyên lại đang đỉnh cao thành công trên văn đàn. Đặc biệt, anh có sự cộng hưởng mãnh liệt của bạn đọc Ngọc Châu, người đang sống ở Đà Lạt, nhưng có quê gốc Bắc Ninh. Sự cộng hưởng đồng điệu này do cảnh ngộ, do quan niệm thơ ca, đến mức không có thơ anh, đồng nghĩa không có anh thì em thà chết còn hơn. Việc giải cứu sinh mệnh “số” của” Khánh Huyền và sự khát thèm Thi Nguyên của Ngọc Châu dẫn dắt mạch văn đi phăng phăng. Cuối cùng Khánh Huyền dàn mặt Ngọc Châu và phải mang ơn Ngọc Châu, đồng thời biết tình cảm Ngọc Châu dành cho Thi Nguyên chủ yếu là trong thơ, lại đúng người tuổi Mão khiến Khánh huyền bằng lòng đón Ngọc Châu về cùng ở. Nhưng lúc này Ngọc Châu lại chấp nhận tình yêu của Trần Tuấn. Tác giả Thi Nguyên ở làng trở thành kẻ sĩ. Kẻ sĩ phải có cách ứng xử gia đình, bạn bè làng xóm đúng cách kẻ sĩ. Việc giải quyết ổn thỏa hai mối quan hệ chuyện tình tay ba đã làm sáng tỏ nhân cách kẻ sĩ này rồi. Với làng xóm, kẻ sĩ Thi Nguyên đã có những ý tưởng phát triển quê hương khiến chính quyền, mà đại diện là trưởng thôn Xuân tin theo, nhất là việc bầu danh nhân đặt tên đường làng đã thêm phần rạng ngời. Hống với nhiều lợi thế quan hệ, nhiều mưu mẹo lươn lẹo, con trai lại đang là Trưởng thôn tưởng đắc thắng chân danh nhân làng, nhưng cuối cùng những người có học đã phân tích thấu đáo, Thi Nguyên mới đúng là danh nhân làng. Khi dân làng đồng lòng biểu quyết vậy thì Thi Nguyên lại đứng ra từ chối với những lí lẽ đầy sức thuyết phục và dân làng đã theo ý kiến của anh, chọn ba vị Thành hoàng đặt tên cho đường làng. Đó lại càng tôn thêm chất kẻ sĩ trong nhà thơ Thi Nguyên.
Việc dựng chuyện hợp lí, khéo léo đã là một sự thành công cho cuốn tiểu thuyết. Kết cấu đan xen các tuyến nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại phù hợp tâm trạng nhân vật. Những điều đó hợp thành khiến cho bạn đọc như đang xem phim hay xem kịch chứ không phải đọc sách. Đó là thế mạnh khi tác giả đã từng viết kịch bản. Thủ pháp “phục bút” cũng luôn được tác giả sử dụng để kết cấu truyện thêm chặt hơn. Như phần mở đầu là mở ra cuộc bầu chọn “danh nhân làng” để đặt tên đường làng, càng về cuối nhân cách các ứng cử viên càng sáng tỏ, và Kẻ Sĩ đích thực, chân chính sẽ luôn sáng tỏ dù bị người ta chơi xấu, cố tình bôi che thế nào đi chăng nữa. Đây cũng chính là ý nghĩa xã hội sâu sắc của tiểu thuyết này. Về ngôn ngữ cũng là một sự thành công. Với những câu văn mang tính mới mẻ và khái quát cao làm cho người đọc ngạc nhiên, thích thú về sự uyển chuyển của tiếng Việt. Ví như câu văn sau đây: “Câu khen vừa tung lên, câu cám ơn của chồng mình hứng lấy, sao mà nhịp nhàng đến thế”. Hay câu văn này: “Anh nông dân nghèo đông con đó mải mê làm việc đồng, việc nhà chăm chỉ, đêm đêm lại ngồi đọc sách, viết viết, xóa xóa, được chữ nào gói ghém để dành”. Hay câu này: “Chạy đôn chạy đáo khắp nơi kiếm tiền nuôi con ăn học, cho đến khi va vào thế kỉ 21”.
“Vùng phủ sóng” là cuốn tiểu thuyết vừa hay về nghệ thuật, vừa tốt về nội dung. Xin chúc mừng nhà văn Đinh Văn Y. Hy vọng từ thành công này chúng ta sẽ còn đón nhận nhiều sáng tác mới của anh./.
PHẠM THUẬN THÀNH