Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

ĐẤT VÀ NGƯỜI QUAN HỌ TRONG TRANH SƠN MÀI TRỊNH LỄ
17:04 | 24/06/2023

Trong nhịp sống hối hả và sôi động của thời kỳ đổi mới, vẫn có một người đêm ngày lặng lẽ, dành tâm huyết và tình cảm  của mình để vẽ hàng trăm bức tranh sơn mài truyền thống, khắc họa nên hình ảnh, cốt cách và vẻ đẹp của những con người cùng quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc… Chị là họa sỹ Trịnh Lễ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Phân hội VHNT thành phố Từ Sơn. 

Họa sỹ Trịnh Lễ quê ở xã Hòa Long, nay là phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Quê chị có núi Quả Cảm từ bao đời đã đi vào cổ tích, có con sông Cầu mềm như dải lụa, những cánh đồng màu mỡ tốt tươi, những vườn cây bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Cảnh vật nên thơ, đẹp như những bức tranh rực rỡ sắc màu ấy đã gieo vào lòng cô bé Lễ ngay từ những ngày cắp sách tới trường, và khi được chiêm ngưỡng những bức tranh sơn mài truyền thống được làm nên bởi những nghệ sỹ tài hoa, Trịnh Lễ đã đặt ra cho mình một hướng đi, đó là quyết tâm học vẽ tranh sơn mài để vẽ về quê hương mình, bày tỏ tình yêu thương đối với mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn. 

Từ đó, cô học sinh 14 tuổi Trịnh Lễ sáng thì cắp sách đến trường, chiều đến lại đạp xe hơn 20 cây số về Từ Sơn học vẽ. Nhờ kiến thức hội họa đã học được từ những nghệ nhân sơn mài ở Từ Sơn, năm 1986 Trịnh Lễ thi đỗ vào Khoa Mỹ thuật, Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc. Và cũng nhờ kiến thức về tranh sơn mài, khi ra trường, chị được phân công về công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Hà Bắc, là người đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà hầu hết là các mặt hàng sơn mài trước khi xuất khẩu sang nước bạn. Năm 2007, Trịnh Lễ trúng tuyển vào Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm I. Sau 5 năm miệt mài đèn sách, chị đã trang bị cho mình vốn kiến thức hội họa vững vàng, làm hành trang trên con đường lập nghiệp. Năm 1993, họa sỹ Trịnh Lễ chuyển về dạy mỹ thuật tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở tại quê chồng ở Từ Sơn. Vừa trực tiếp giảng dạy, vừa làm Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách, Chủ tịch công đoàn nhà trường… nhưng chị luôn dành thời gian và tâm huyết của mình cho hội họa. 

Từ đó đến nay, trải qua gần 50 năm gắn bó với thể loại tranh sơn mài truyền thống, họa sỹ Trịnh Lễ đã sáng tác được hàng trăm tác phẩm, tổ chức hàng chục triển lãm chung và riêng, tham gia rất nhiều cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh tổ chức và giành nhiều giải thưởng. Năm 2004, họa sỹ Trịnh Lễ được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, năm 2017, trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. … 

Ngay từ những ngày đầu học vẽ, cô họa sỹ trẻ Trịnh Lễ đã mê lắm những bức tranh “Phố” của họa sỹ Bùi Xuân Phái, với những căn nhà mái ngói liêu xiêu, những chùm hoa phượng vĩ đỏ rực chùm lên những con đường, những căn nhà cổ kính… Cũng từ những bức tranh “Phố” của Bùi Xuân Phái, chị đã ấp ủ một quyết tâm, đó là đưa hình ảnh phố của quê hương Bắc Ninh vào những bức tranh sơn mài của mình. Để rồi, sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, hàng loạt tác phẩm về phố và các làng quê Quan họ của họa sỹ Trịnh Lễ đã lần lượt ra đời. Bằng lối vẽ vừa tả thực vừa mang tính ước lệ, những bức tranh sơn mài của Trịnh Lễ có thế mạnh riêng, mang sắc thái và phong cách rất riêng, nên được các họa sỹ và giới chuyên môn tranh sơn mài đánh giá cao, nhiều tổ chức, cá nhân còn về tại gia đình đặt hàng, có bức tranh khổ rộng lên tới vài chục mét vuông… 

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quan họ, họa sỹ Trịnh Lễ không chỉ giỏi vẽ tranh mà còn hát Quan họ rất hay, đã có thời điểm chị định gác lại việc vẽ tranh để trở thành diễn viên Quan họ…. Không thể đi theo nghiệp hát, nhưng hình ảnh những chiếc nón thúng quai thao, những tà áo mớ ba, mớ bảy, những cặp mắt lúng liếng của các liền chị Quan họ trong những ngày trẩy hội xuân… đã làm cho nữ họa sỹ rất yêu Quan họ này phải đêm ngày “ra ngẩn vào ngơ”, để rồi Quan họ đã trở thành những đề tài không bao giờ cạn trong tranh sơn mài Trịnh Lễ. Những tác phẩm như “Quan họ ngày xuân”; “Mùa xuân Quan họ”; “Liền chị”; “Nắng mới”; “Thiếu nữ Quan họ và sen”; “Vũ điệu sen”… cùng nhiều tác phẩm khác luôn được họa sỹ thể hiện rất mềm mại thướt tha, vừa ý nghĩa vừa lãng mạn và cũng rất đậm chất thơ…. Dẫu chỉ là hình ảnh, nhưng người xem tranh Quan họ của Trịnh Lễ luôn được sống trong những cung bậc cảm xúc ngọt ngào, tưởng như mình đang được đắm mình trong những canh hát ngày xuân, được nghe những làn điệu Quan họ khi thì khoan thai dìu dặt, lúc lại da diết nhớ thương…  

Hôm nay, nữ họa sỹ tuổi Nhâm Dần 1962 Trịnh Lễ đã được nghỉ hưu, chị  càng có nhiều thời gian dành cho hội họa. Chỉ mấy năm gần đây, họa sỹ Trịnh Lễ đã sáng tác được hàng chục tác phẩm, được các họa sỹ đàn anh và người xem trầm trồ thán phục. Năm 2022, họa sỹ Trịnh Lễ lại giành giải B (không có giải A) tại Triển lãm mỹ thuật Bắc Giang mở rộng, gồm 4 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Lạng Sơn…. Hầu hết những tác phẩm của chị sáng tác gần đây đều đã được nhiều người hỏi mua nhưng chị không bán, với ý định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm cùng với tranh của chồng là họa sỹ Phan Xuân Hùng để tưởng nhớ ngày anh mất. Họa sỹ Phan Xuân Hùng là hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam, người đã gặt hái được rất nhiều thành công trong hội họa, đặc biệt là thể loại tranh sơn mài. Anh đột ngột qua đời khi vừa bước sang tuổi 58, lúc nghiệp vẽ đang vào độ chín.

Họa sỹ Trịnh Lễ tâm sự: “Tôi có may mắn được làm dâu trong một gia đình có chồng và bố chồng đều là họa sỹ vẽ tranh sơn mài, lại được sống trên mảnh đất Từ Sơn, nơi có bề dày về nghệ thuật vẽ tranh sơn mài truyền thống nên đã học hỏi được nhiều điều, từ đó đã có nhiều thuận lợi trong quá trình lao động nghệ thuật. Tôi yêu quê hương mình, yêu những con người và mảnh đất mà tôi đang sống, và vẻ đẹp của những liền anh, liền chị Quan họ, cùng phong cảnh nên thơ, hữu tình của những vùng quê Bắc Ninh Kinh Bắc sẽ mãi là đề tài không bao giờ cạn để tôi gắn bó, nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của mình”. 

Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập, trong lĩnh vực nghệ thuật, hội họa cũng đã và đang được các họa sỹ tìm tòi, khám phá để ngày càng đổi mới, hòa nhập cùng bạn bè Quốc tế. Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì tranh sơn mài cũng sẽ không bao giờ bị phôi phai, lạc lõng giữa cuộc sống đương đại, ngày càng phát huy giá trị, truyền thống quý báu mà ông cha để lại, toát lên vẻ đẹp, giá trị thẩm mỹ, sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Và chắc chắn, bằng tình cảm, niềm đam mê, tâm huyết và sự thăng hoa trong lao động sáng tạo của mình, mảnh đất và con người Quan họ sẽ còn được khắc họa nhiều hơn, sinh động hơn trong tranh sơn mài Trịnh Lễ!

                                                                                                                                                                                                        HOÀNG NGỌC BÍNH