Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

ĐỌC “TRUYỆN KỂ ĐỀN ĐÔ” THÊM YÊU QUÊ HƯƠNG BẮC NINH KINH BẮC
16:49 | 26/09/2023

Cuốn sách dày 226 trang, khổ 13 x 19, được tác giả bố cục thành 5 phần, bao gồm: “Đền Đô Đình Bảng vang vọng triều Lý”; “Kiến trúc Đền Đô”; “Bia cổ Đền Đô”; “Lễ hội Đền Đô” và “Bác Hồ với Đền Đô”. Ở phần mở đầu, tác giả miêu tả đôi nét về quê hương Đình Bảng giàu truyền thống văn hiến và cách mạng; giới thiệu khái quát về lịch sử vương triều Lý, cùng những dấu ấn nổi bật về cuộc đời của mỗi vị Vua, từ khi lọt lòng, những năm tháng ở ngôi báu trị vì đất nước cho đến khi băng hà.

Đền Đô nguyên là “Thái miếu nhà Lý”, do Lý Thái Tổ khởi dựng từ năm 1019. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, “Thái miếu nhà Lý” đã được tu bổ, nâng cấp nhiều lần, sau này còn có tên gọi là “Cổ Pháp điện”, là nơi thờ tám vị Vua triều Lý. Năm 1952, Đền Đô bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn, năm 1989, cán bộ và nhân dân Đình Bảng đã góp công, góp của phục dựng lại Đền Đô theo nguyên mẫu xưa. Hôm nay, 100% hạng mục công trình của Đền Đô đã được xây mới hoàn toàn, trả lại cho ngôi đền nét đẹp cổ kính, bề thế khang trang vốn có: “Đền Đô kiến trúc tuyệt vời/ Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm”.

Tại Đền Đô hiện nay còn lưu giữ một tấm bia đá cao 190 cm, rộng 103 cm, dày 17 cm, mang tên “Cổ Pháp điện tạo bi”. Tấm bia đá này được khắc dựng vào năm Giáp Thìn - 1604, thời Vua Lê Kính Tông. Văn bia được Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan soạn thảo, được khắc trên nền hoa văn tinh xảo “Lưỡng long, chầu nguyệt”. Năm 1952, khi giặc Pháp phá hoại hoàn toàn Đền Đô, nhưng chỉ duy nhất tấm bia đá chúng không phá được, như một chứng tích lịch sử còn sống mãi với thời gian.

Nói đến Đền Đô là nói đến lễ hội truyền thống của làng, của nước. Trảy hội Đền Đô, du khách khắp mọi miền tổ quốc hội tụ về đây không chỉ tế lễ, dâng hương tưởng nhớ công ơn các vị Vua triều Lý, cầu mong các vị tiền nhân phù hộ độ trì cho cháu con có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui trong cuộc sống, còn có dịp hòa mình vào các trò chơi dân gian như đánh đu, đánh vật, chọi gà, nấu cơm nồi đất, gói bánh phu thê, hát Quan họ trên bến dưới thuyền... Lễ hội thường được tổ chức trong ba ngày, từ 14 đến 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn lượt du khách trên khắp mọi miền đất nước. 

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm Đình Bảng, trong đó có Đền Đô. Lần đầu tiên, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian về Đền Đô dự Lễ kỷ niệm lần thứ 873 ngày hóa Lý Thánh Tông. Người căn dặn cán bộ và nhân dân Đình Bảng: “... Nước nhà còn khó khăn về kinh tế, đồng bào phải hăng hái tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm... Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là làng cách mạng kiểu mẫu...”. Lần thứ 4, ngày 17/12/1955, Bác về thăm Đền Đô, cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Đình Bảng. Thấy giặc Pháp đã phá hủy hoàn toàn Đền Đô, chỉ còn lại tấm bia đá cổ, Người rất buồn và không quên căn dặn nhân dân Đình Bảng phải hết sức giữ gìn những di sản quý báu của ông cha để lại, để khi có điều kiện sẽ xây dựng lại Đền Đô, tỏ lòng thành kính và mãi mãi biết ơn các vị Vua triều Lý.

Một vài trang viết không thể kể hết nội dung cuốn sách “Truyện kể Đền Đô”, với những bài viết liên quan đến Đền Đô lịch sử, ngôi đền được xây đắp lên từ lòng dân, từ hào khí Thăng Long xưa, gắn liền với biết bao biến cố, thăng trầm của dân tộc, của quê hương đất nước, gắn liền với truyền thuyết cùng với những giai thoại tâm linh, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng biệt nhưng cũng rất đặc sắc của dân tộc Việt, của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chúng ta tự hào có Đền Đô lịch sử, và càng tự hào hơn, yêu mến Đền Đô hơn khi được đọc cuốn “Truyện kể Đền Đô”. Là một người con của quê hương Đình Bảng, từng là giáo viên dạy sử, khi về hưu lại gắn bó với Đền Đô từ ngày khởi dựng đến nay, bởi thế, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn yêu mến Đền Đô như máu thịt. Nay đã sang tuổi 83, nhưng ông đã vượt qua giới hạn của tuổi tác và bệnh tật, dành nhiều thời gian công sức, dày công tìm tòi, nghiên cứu và biên soạn để gửi đến mọi người cuốn sách quý này, rất xứng đáng để chúng ta tìm đọc và cảm nhận. Để mỗi lần về với Đền Đô, trong lòng mỗi người ngày thêm thanh thản, thêm yêu quê hương đất nước, cùng hướng tới ngày mai tươi sáng. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 
                                                                                                                                                                                                                             HOÀNG NGỌC BÍNH