Đôi nét chấm phá về tác phẩm tác giả là đứa con tinh thần thứ bảy thuộc thể loại Văn học, song lại là “đầu lòng” về Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) của Đại tá - nhà thơ Nguyễn Tự Lập, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh.
Sau những bước thử nghiệm để rồi có được những thành công nhất định về viết trường ca, Nguyễn Tự Lập lại mạnh dạn đặt chân vào con đường viết Lý luận - Phê bình, một thể loại không những tác giả mà rất nhiều người đi trước, đã từng cầm bút lâu năm đều xác định thật sự gian truân, vất vả: đòi hỏi người viết trước hết phải được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản, có tầm nhìn bao quát sâu rộng… đồng thời cũng cần có bản lĩnh nghề nghiệp và mang tính nhân văn sâu sắc! (tr.9). Mặc dù đã được trải nghiệm qua một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, nhưng Nguyễn Tự Lập vẫn luôn xác định và nhận thức rõ: đó chỉ là những kiến thức hết sức sơ đẳng, bước đầu về lý luận, đòi hỏi cần qua thực tiễn sáng tác, tiếp tục vừa làm, vừa học.
Ấn phẩm Đôi nét chấm phá về tác phẩm tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành, ra mắt bạn đọc vào cuối quý III.2020, với gần 200 trang khổ 14,5 x 20,5cm được trình bày khá bắt mắt, bố cục hợp lý qua 24 bài viết. Trong ấn phẩm này, tác giả không đi sâu đề cập những vấn đề lớn mang tính hàn lâm của đời sống, hoạt động VHNT trên mọi lĩnh vực, mà chỉ xoay quanh một số nội dung về: Báo, Tạp chí; Điểm qua một số Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Nhật ký, Tuyển tập văn & thơ, Tập thơ của tập thể và cá nhân; Bình thơ cũng như giới thiệu Chân dung một số tác giả văn học, Lý luận - Phê bình văn học và Sân khấu…
Mỗi tiểu luận, bài phê bình trong Tác phẩm mang nét đặc trưng riêng, có tính cách và tiếng nói riêng, song tựu trung mong muốn chuyển tải một thông điệp nhẹ nhàng, nhân văn và rất đời thường là: Luôn chú trọng, chung tay xây dựng con người, nền văn hóa văn nghệ ở mỗi địa phương cũng như cả nước mang đậm tình quê hương, Tổ quốc; luôn hướng tới cái hay, cái đẹp, tính Chân - Thiện - Mỹ của cuộc sống hiện tại và tương lai.
Trước hết, về cụm bài tham gia hội thảo “Nâng cao chất lượng Báo, Tạp chí…”, tác giả luôn khẳng định: Báo Bắc Ninh (báo viết, truyền hình) cũng như Tạp chí Người Kinh Bắc đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền sâu sắc, định hướng có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là việc tập trung vào thực hiện Nghị quyết Đảng các cấp qua mỗi nhiệm kỳ, thực hiện cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”… cùng nhiều vấn đề khác về đời sống Văn hóa - Xã hội, Quốc phòng - An ninh trong toàn tỉnh cũng như cả nước. Qua đó xây dựng niềm tin, trách nhiệm, động viên đông đảo mọi tập thể cơ quan, địa phương cũng như mỗi cá nhân phát huy truyền thống gia đình, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc Văn hiến ngàn năm trong lao động sản xuất, công tác, đem lại cuộc sống ngày càng bình yên, văn minh, ấm no và hạnh phúc. Cũng qua Báo Bắc Ninh và Tạp chí các loại, hình ảnh về con người, mảnh đất Bắc Ninh giàu đẹp, văn hiến cách mạng và mến khách được chắp cánh, thêm bay cao, bay xa trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Một số hạn chế về chất lượng nội dung, thể loại bài viết; công tác biên tập và kiểm duyệt cũng như quản lý, tổ chức… cũng được tác giả chỉ rõ và thành tâm đề xuất những định hướng trong sáng tác, chọn và đăng bài; công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức cũng như thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ với người làm báo và đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nơi làm việc cho hệ thống cơ quan báo chí trong toàn tỉnh hiện nay cũng như tương lai gần… bảo đảm đủ sức hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ được giao trước yêu cầu cấp bách của tình hình, trong thời đại công nghệ mới hiện nay và tương lai.
Phần Luận & Bình về một số tác phẩm - tác giả là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong ấn phẩm mà Nguyễn Tự Lập muốn giới thiệu với độc giả lần này.
Có thể nói, qua bức tranh phác họa về đời người, đời Văn & Thơ từ tập Tiểu luận - Phê bình “Văn chương nghệ thuật & Thẩm mỹ tiếp nhận” của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện; Tự truyện “Chuyện cuộc đời” của NGND - AHLĐ Nguyễn Đức Thìn; “Nhật ký chiến trường” của Nguyễn Tiến Dũng; Tập “Thơ & Văn của tác giả Tân Cương”; “Mênh mang cõi người” của Nguyễn Ngọc Bính hay truyện ngắn “Mầm đắng” của nữ tác giả Tống Ngọc Hân… Nguyễn Tự Lập muốn bày tỏ, gửi gắm tấm lòng tri ân đối với tất cả người thầy, người anh cùng đồng đội, đồng nghiệp - những người qua cuộc sống, hành động thường ngày hay cuộc đời chiến binh... được quyện hòa trong mỗi tác phẩm. Đó cũng là đích hướng tới để Nguyễn Tự Lập học hỏi, noi theo, nhằm từng bước hoàn thiện hơn trong tư duy, nhận thức, chất lượng mỗi bài viết cũng như tác phẩm của mình.
Tôi đặc biệt ấn tượng về quan điểm của Nguyễn Tự Lập qua hai bài thơ mà tác giả đều là cô giáo. Nếu như bài Đất nước mình ngộ quá phải không anh? của Trần Thị Lam, tổ trưởng tổ ngữ văn trường THPT Chuyên Hà Tĩnh ra đời trong khí thế cả nước đang hướng về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng… thì bài Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh, trường THCS Hùng Vương huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai xuất hiện vào lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang “gồng mình” chung tay chống đại dịch Covid -19.
Đứng trên quan điểm VHNT chân chính, nhìn nhận một cách khách quan, logic, không chủ quan, phiến diện, Nguyễn Tự Lập tập trung làm rõ nghịch lý của hai bài thơ nêu trên. Trong đó, phê phán một cách thẳng thắn, sâu sắc sự bi ai, oán thán, bất lực không lối thoát xuyên suốt toàn bộ bài thơ Đất nước mình ngộ quá phải không anh? của Trần Thị Lam, mà ở đó thể hiện một cách rõ nét qua những câu kết: Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh/ … Câu hỏi gửi người sau, người trước/ Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?! (tr.145)… Ngược lại, tác giả đã rất đồng tình, nhất quán với quan điểm nhận thức, tính nghệ thuật trong bài thơ Đất nước ở trong tim của cô giáo Chu Ngọc Thanh. Bài thơ mộc mạc, dung dị, chân tình, nhẹ nhàng như lời truyền dạy hằng ngày trên bục giảng trước các em học sinh thân yêu. Nó vừa gần gụi, lại hết mực yêu thương khi nói về nhân dân, đất nước mình với niềm tự hào, quí trọng từ con tim: Đất nước mình nhỏ bé vậy thôi em/ Nhưng làm được những điều phi thường lắm/ Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm/ Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào… (tr.181). Đáng trân trọng nhất là nội dung bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh chan chứa niềm yêu thương, đồng cảm, biết ơn sâu sắc những tập thể, cá nhân, nhất là các chiến sĩ Áo trắng, Công an, Quân đội; biết ơn Đảng, Nhà nước… vững niềm tin chúng ta nhất định chiến thắng đại dịch vì “Đất nước ở trong tim”. Bài thơ được đông đảo công chúng, và ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời khen, ủng hộ.
Ngoài ra, trong Tiểu luận - Phê bình: Đôi nét chấm phá về tác phẩm tác giả, Nguyễn Tự Lập đã đề cập một số khía cạnh khác về: ảnh hưởng của Văn nghệ dân gian
đến sáng tác thơ văn hiện đại; điểm lại một vài truyện ngắn, tiểu thuyết, tập thơ - văn mới chung và riêng; tập nghiên cứu về Văn nghệ dân gian… đang gây chú ý trong bạn đọc hay chân dung tác giả là những nhà khoa học, viết Lý luận Phê bình VHNT, những cây viết có kỹ năng thâm niên hay diễn viên nhí tài ba, triển vọng như Nguyễn Đức Vĩnh… cũng khá rõ nét, thành công.
Do tiếp cận thể loại còn khá mới mẻ nên trong tác phẩm còn một vài hạn chế về phạm vi, đối tượng tiếp cận Luận & Bình như tác giả đã tự bạch ở Lời mở đầu. Một số bài còn ở dạng đọc và giới thiệu tác phẩm - tác giả là chính, chưa mạnh dạn đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém và đề xuất định hướng tiếp theo. Mặt khác có nội dung còn sơ sài, đôi chỗ ý từ trùng lặp…
“Vạn sự khởi đầu nan”. Bước chập chững bao giờ cũng có lúc chệch choạc, khó tránh khỏi vấp váp, ngỡ ngàng. Song “cứ đi sẽ đến”. Với niềm đam mê và tinh thần cầu thị, lại luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của những người thầy, các bậc tiền nhân và đồng nghiệp… Nguyễn Tự Lập nhất định sẽ có được những gì theo hướng mà mình đã chọn./.
NGÔ GIA SƠN