Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT "SAO HÔM SAO MAI" CỦA NHÀ VĂN LƯƠNG QUANG ĐÃNG
08:20 | 25/03/2021

Cái khó của người viết tiểu thuyết là xử lí cốt truyện qua sắp xếp, lựa chọn tình tiết, sự việc, thể hiện bằng hệ thống ngôn ngữ và hàng loạt các biện pháp nghệ thuật khác. Nhân vật, chi tiết, sự việc có liên quan, không gian, thời gian được chứng kiến, nghe kể rành rọt nhưng xử lí như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của người viết. Lương Quang Đãng đã vượt lên khó khăn đó để hoàn thành phần một cuốn tiểu thuyết Sao Hôm Sao Mai. Nhân vật của cuốn tiểu thuyết không nhiều. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh các nhân vật: Cầu (Sơn), Khẩn (An Ninh), Duyên và thế hệ con cháu của họ cùng một số nhân vật khác. Mối tình giữa ba người là cả câu chuyện dài thật hấp dẫn. Tuổi mười tám đôi mươi, họ mang hết nhiệt tình của tuổi trẻ xây dựng quê hương và hăm hở lên đường đuổi giặc. Chàng trai đất Hà Nam yêu cô gái Thanh Hà, Hải Dương làm nên câu chuyện tình vừa hiện thực vừa lãng mạn. Cầu và Khẩn sinh ra và lớn lên cùng một làng, theo học một trường: nhớ hôm nhỡ đò, Cầu vẫn kèm Khẩn bơi qua sông. Có lần bớt chợt gặp cơn giông ập tới, may nhờ có tài bơi lội như rái cá của Cầu mà hai thằng thoát chết không đã làm mồi cho Hà Bá. Cả hai đều ở đội xung kích đã từng đổ mồ hôi trên các công trường thủy lợi của huyện, của tỉnh. Năm 1972, Cầu và Khẩn theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1979 lại cùng nhau lên phía Bắc đuổi giặc. Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, Cầu bị thương nặng. Đồng hương lại là đồng chí đã để lại dấu ấn đồng đội thật đẹp: Đêm đó trời không trăng, không sao. Trên đầu mây đen vần vũ. Xung quanh sương mù dày đặc nhờ nhờ như sữa, giá buốt tới tận xương. Những vết thương lâu ngày tấy mủ làm Cầu lên cơn sốt nằm rên khe khẽ. Mảnh đạn cối đã vô tình cướp đi bộ phận sinh dục của Cầu. Khẩn thương bạn không ngủ được. Anh cởi bộ áo ngoài ra đắp cho Cầu, còn mình thì nằm cuộn tròn thu lu người lại cố chống chọi với giá buốt như băng đang bao trùm lên những chiếc lều bạt của bệnh viện dã chiến. Người ta không chỉ sống cho mình mà còn vì người khác. Biết mình không qua khỏi, Cầu đã tâm sự cùng Khẩn bộc lộ tất cả tâm tư nguyện vọng của mình. Cầu tha thiết nhờ Khẩn chăm sóc Duyên và đứa con gái của anh. Cầu nghĩ và đã nói với Khẩn: Có sống mà trở về cũng chỉ đem lại gánh nặng cho gia đình vợ con thì có ích gì? Thôi cứ đi cho khuất mặt, khuất lời còn hơn để khổ cho người khác... Thôi Khẩn ạ! Mình đã nghĩ nát nước mấy đêm nay rồi. Mình sẽ ra đi đến một nơi thật xa và không bao giờ trở về nhà. Trừ khi mình chết nếu cậu biết mình chôn ở đâu thì xin hãy đưa mình về quê với ông bà, ông vải cho nó khỏi tủi cái vong linh. Mình biết ơn cậu lắm. Trận mưa rừng nước lũ đổ về bất ngờ đã cuốn mỗi người đi một ngả. Khẩn tỉnh dậy không thấy Cầu đâu. Anh cho là Cầu đã chết vì vết thương nặng đang lên cơn sốt lại bị nước cuốn đi. Hoàn thành nhiệm vụ, Khẩn trở về, anh được điều động và công tác ở phòng thương binh huyện. Mấy năm sau không thấy tin tức gì của Cầu, Khẩn đã làm đúng theo ủy thác của Cầu. Anh xây dựng gia đình với Duyên. Lấy nhau cho có vợ, có chồng và nuôi đứa con cho bạn, giữa anh và Duyên không thể sinh cho nhau một đứa con nào. Vì Khẩn bị nhiễm chất độc màu da cam hồi ở trong Nam. Cầu không chết. Anh không muốn vì mình mà vợ con phải khổ. Cầu không tìm về xuôi quê hương bản quán. Có thể anh là kẻ gàn dở đáng chê trách. Một người sống sót sau trận chiến, bị thương nặng lại quên đi quê hương, gia đình để sống với một người phụ nữ khác đã có con, chồng cũng là liệt sĩ kể cũng lạ. Đời có những chuyện trớ trêu như vậy biết làm sao. Người phụ nữ đã cứu Cầu ra khỏi hang sâu và sau đó lấy anh làm chồng cũng chấp nhận sự hi sinh. Người đó là Quế Hoa. Về mặt nào đó, Quế Hoa cũng chẳng khác gì Duyên đều phải chấp nhận sự hi sinh thầm lặng. Con riêng của Quế Hoa là Thiện. Thiện là nhà báo có bút danh là Sao Hôm. Thiện trên đường công tác đã gặp Mai con của Cầu và Duyên cũng vào thực tập công việc ở Đà Lạt. Gặp nhau tình cờ và cũng nhiều chi tiết tình cờ, họ đã để ý tới nhau. Tình yêu của họ đã nảy nở. Đám cưới được tổ chức. Đúng lúc long trọng và thiêng liêng nhất của hôn lễ: Khi hai họ cùng đến trao quà cho cô dâu và chú rể thì Khẩn và Cầu đã nhận ra nhau và cùng chết lặng người đi như không dám tin vào sự việc đang bày ra trước mắt họ... ông Khẩn quát vào tai ông Cầu

- Anh Cầu ơi! Thế này là thế nào? Hóa ra thằng Thiện lại là con anh ư?

Chị Duyên như người trúng gió cứ ú ớ mãi mới thành câu: Ông Cầu ơi là ông Cầu ơi! Có phải chúng là hai chị em không?… Mai chết lặng người đi. Mai chạy đi. Cô đã trẫm mình trong dòng nước sông Hồng. Liền sau đó báo chí đưa tin về đám cưới loạn luân giữa thủ đô Hà Nội. Sự hiểu lầm không thể tránh khỏi ấy đã đem đau khổ đến cho cả bao người. Cầu, Khẩn, Duyên, Quế Hoa, Mai và Thiện nữa. Dựa vào câu chuyện có thật, nhà văn Lương Quang Đãng đã giúp người đọc nhận ra chiến tranh thật tàn ác. Người mẹ và em bé là nạn nhân của bất cứ cuộc chiến tranh nào. Duyên, Quế Hoa, Mai, Phi Nga là nạn nhân của chiến tranh đã đi qua. Thương xót họ bao nhiêu, ta càng lên án chiến tranh xâm lược bấy nhiêu, càng ghê tởm khi trên trái đất này những cái đầu hói của những kẻ luôn có mưu đồ đen tối, dùng đủ thủ đoạn thôn tính các dân tộc khác. Tiểu thuyết của Lương Quang Đãng giúp ta nhận thức sâu sắc về sự thật cuộc đời, nhắc nhở chúng ta đừng quên kẻ thù xâm lược, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay nên ghi nhớ và biết ơn những thế hệ cha ông đã hy sinh thân mình để bảo về nền độc lập của dân tộc.

Người đọc không thể bỏ qua nhân vật Thiện - nhà báo có bút danh Sao Hôm và Phi Nga người đồng nghiệp của anh. Cả hai đã dũng cảm làm tròn nhiệm vụ của một nhà báo thời nay. Họ đã phát hiện ra vụ tiêu cực ở công ti vàng bạc đá quý của Ba Sơn và Quế Hoa. Có lúc họ đã gặp nguy hiểm. Phi Nga bị bắt cóc, suýt bị hại. Cô bị kẻ làm ăn phi pháp đánh cho thâm tím mặt mày. Nhà văn Lương Quang Đãng đã phản ánh nhanh nhạy sự việc xảy ra trong cuộc đời thực lúc này. Nhân vật nhà báo Sao Hôm và Phi Nga từ cuộc đời đã đi vào trang sách và từ trang sách bước ra cuộc đời. 

Nhân vật Cao Thắng và vợ chồng giáo sư Xuân Quỳnh làm nổi bật đường lối nhân đạo của Đảng và nhà nước ta trong chính sách đối nội và đối ngoại. Họ đã thực hiện những ca mổ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các gia đình. 

Gia đình ba chị em Vân, Tuấn, Thanh cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh. Tuấn chữa lành đôi chân là nhờ lòng hảo tâm của công ti vàng bạc Ba Sơn. Anh lại được học tập và đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa. Ca mổ đầu tiên của anh cho bà Duyên mẹ của Mai đã khẳng định tài năng của Tuấn. Tuấn và Phi Nga xây dựng hạnh phúc. Cuộc sống của họ nhiều hứa hẹn. 

Cách miêu tả nhân vật của Lương Quang Đãng đã tạo được nét riêng. Anh vận dụng quan sát, miêu tả và thủ pháp so sánh, liên tưởng để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật. Có vẻ đẹp tự nhiên của Duyên, kiêu sa của Quế Hoa, thanh tú, mềm mại của Mai của Phi Nga... tất cả giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp và hình dung ra con người càng làm cuốn tiểu thuyết giàu chất thơ. Rất tiếc nếu Quang Đãng đi sâu hơn nữa vào miêu tả tâm lí nhân vật thì tiểu thuyết của anh còn gặt hái được nhiều hơn. 

Không gian thời gian trong cuốn tiểu thuyết của Lương Quang Đãng không bó hẹp. Miền xuôi, miền ngược và những danh lam thắng cảnh của Hà Nội, Đà Lạt... tất cả như hội tụ trong cuốn tiểu thuyết. Những miền quê lam lũ trên đất nước mình thấp thoáng hiện ra. Quang Đãng với tay sang cả nước Đức. Nhà văn chỉ đề cập tới những gì có liên quan tới nhân vật mà thôi. Mẹ con Mai ở nước Đức nương nhờ Tuấn là muốn quên đi những nỗi tủi hờn. Người đọc vẫn nhận ra sự buồn tẻ của cuộc sống người xa xứ. Chẳng đâu bằng đất nước mình. Khi Mai nghe được người đối thoại ở đầu máy bên kia là bà Quế Hoa mẹ chồng của mình, cô đã không nén được cảm xúc: cô bỗng òa lên khóc trong máy....là con đây. Con xin lỗi mế. Con khổ quá mế ơi! Mai đã cùng con trở về đất nước mình sống trong hạnh phúc cùng chồng và bố mẹ hai bên. 

Sự việc và chi tiết trong cuốn tiểu thuyết nhiều nhưng không làm người đọc lẫn lộn. Người đọc không bỏ qua chi tiết nào. Những câu hò lơ của đồng bằng Bắc Bộ hẳn đã làm sống lại nền văn hóa thuở xưa. Lớp trẻ ngày nay sao hiểu hết được. Từ những câu hò trong lao động đã giúp những đôi trai gái tìm đến nhau nên vợ, nên chồng. Chàng trai Cầu đất Hà Nam đã bén duyên cùng với người thiếu nữ có tên là Duyên ở xứ Thanh Hà. Rất tự nhiên, nhà văn đã xây dựng mối tình tay ba. Ngay từ tuổi thanh xuân, Khẩn và Cầu cùng thầm yêu Duyên. Dẫu Khẩn có lặn ngòi, ngoi nước sang tận Thanh Hà, Hải Dương tìm Duyên thì anh chỉ là vai phụ. Bởi Duyên chỉ được phép yêu và lấy một người. Duyên đã nhận lời ngỏ của Cầu. Ban đầu và kết cục, Khẩn chỉ đóng vai phụ. Cầu sau này trở về tìm vợ, con phải chịu nhiều cay đắng, lời trách móc sỉ nhục của con mình. Sự bất hạnh của người này lại là hạnh phúc của người khác. Cả ba nào ai có hạnh phúc hơn ai? Bởi họ đã biết sống vì nhau. Cầu, Duyên, Khẩn như ba nhân vật trong truyện cổ tích Ba ông đầu rau bếp. Dẫu cả ba cùng mất nhưng được hóa thân thành ba ông đầu rau suốt đời đứng cạnh nhau và luôn luôn được sưởi ấm bằng ngọn lửa tình yêu không bao giờ tắt. Cầu, Khẩn, Duyên cũng vậy. 

Quang Đãng có nét độc đáo khi miêu tả tình cảm con người. Những cảm giác bất chợt ở tuổi đôi mươi giữa Mai và Thắng. Tình yêu giữa Thiện và Mai và cả giây phút giữa Cầu và Quế Hoa trong hang lạnh... Nhà văn rất say mê nhưng cũng rất tỉnh táo để làm nên những trang viết vừa chân thật vừa lãng mạn rất đỗi tinh tế, tài hoa. 

Kết truyện của cuốn tiểu thuyết Sao Hôm Sao Mai thật có hậu. Quang Đãng phụ thuộc vào câu chuyện có thật. Người đọc chia sẻ với nhân vật bao cay đắng nhưng cuối cùng vẫn thở phào nhẹ nhõm. Giá như nhà văn dũng cảm để cho thế hệ của Thiện và Mai phải chấp nhận sự hi sinh thì nỗi buồn đau về chiến tranh càng được nhân lên. Nhưng làm sao ta có thể mong muốn được nhiều hơn khi cuộc sống hàng ngày đòi hỏi ở Quang Đãng. Đây là những trang viết giữa bộn bề của cuộc sống vất vả. Ta càng hiểu hơn sức lao động, sáng tạo của nhà văn. Họ không chỉ sống chết cho nhân vật mà còn phải sống cho đời, cho mình nữa./.

                                                                                                                                                                                                                                                         KHẮC ĐÀM