Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

"Quê nhà tôi ơi" - Tác phẩm mới đầu xuân của Nguyễn Đức Thìn
16:02 | 15/03/2022

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngay từ đầu xuân Nhâm Dần 2022, Nhà giáo - Nhà thơ Nguyễn Đức Thìn tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ “Quê nhà tôi ơi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, nhân dịp Từ Sơn - quê hương ông vừa được công nhận là Thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh, đồng thời cũng là ước nguyện được góp bông hoa nhỏ vào vườn hoa muôn sắc Văn học nghệ thuật tỉnh nhà thiết thực chào mừng 190 năm ngày thành lập và 25 năm tái lập tỉnh. Nếu tôi không nhầm, đây có lẽ là tập thơ 13 và cũng là ấn phẩm thứ 18 mà ông đã cần mẫn lao động bằng cả con tim và sự nhiệt thành bùng cháy trong suốt chặng đường hơn 20 năm qua.

Với dung lượng 160 trang, gần 130 bài trên khổ sách nhỏ nhắn, xinh xắn (13 x 19cm), tác giả đã khéo léo giới thiệu với độc giả bức tranh tổng hợp đa sắc màu về con người, cảnh vật miền đất truyền thống, hiếu học - khoa bảng “Nghìn năm văn hiến” thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, trong đó nổi bật như các bài: “Làng nhà”, “Quê nhà tôi ơi”, “Hoa đẹp Đền Đô”, “Từ Sơn ngày mới”, “Về Từ Sơn hôm nay”, “Quan họ ngày mới”, “Bảo tàng Bắc Ninh”… bằng niềm tự hào, hãnh diện khôn nguôi đối với quê hương - đất mẹ, nơi có cây đa, bến nước, ao làng; nơi mình sinh ra và được nuôi dưỡng lớn lên từng bước trưởng thành đang từng ngày từng giờ đổi mới, chuyển mình nhanh chóng: Cây đa bến nước ao làng/ Càng yêu Đình Bảng thấy càng đẹp hơn (Quê nhà tôi ơi) hay: Về Từ Sơn hôm nay/ Thấy bao điều mới lạ/… Đường làng nghề dài rộng/ Công nghiệp mở rộn ràng… (Về Từ Sơn hôm nay). 

Là Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, lại hoạt động trên lĩnh vực Văn học nghệ thuật sau khi nghỉ hưu nên ông luôn tự ngẫm, răn mình cũng như nhắc nhở con cháu cùng lớp lớp các thế hệ trẻ tiếp nối cần không ngừng tự học, tự rèn để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt: Buổi sáng ôn bài học tính/ Nhớ các cháu ngoan Bác Hồ/ Thi đua làm việc tốt/ Quê nhà ai cũng mến yêu (Ôn bài học tính). Đồng thời sống có hoài bão, lý tưởng, luôn lấy tình yêu quê hương, đất nước và sự cống hiến làm mục tiêu phấn đấu. Nói đi đôi với làm, sống có nhân, có đức để đời: Kính dâng đời chữ Tâm/ Mong được sáng lòng Nhân (Dâng đời chữ Tâm) hay: Gắng là con người tử tế/ Trời ban Phúc - Đức cho nhiều (Chữ Phúc - Đức).

Nhiếp ảnh và Thơ là hai lĩnh vực Văn học nghệ thuật mà ông đam mê như cơm ăn nước uống hằng ngày. Trước đây còn là hội viên thuộc Chi hội Nhiếp ảnh, ở nhà hay đi đâu, lúc nào ông cũng có từ một đến hai chiếc máy thuộc loại du lịch hoặc chuyên nghiệp (bán chuyên nghiệp) bên người. Những năm gần đây do tuổi cao, sức khỏe ngày một hạn chế, không đủ sức đi nghiên cứu, sáng tác ở xa; mặt khác thể theo nguyện vọng… ông được chuyển sang sinh hoạt tại Chi hội Thơ. Luôn năng động, tìm tòi và nhạy bén trước mọi sự đổi thay, diễn biến đến chóng mặt của thời cuộc, của công nghệ 3.0 và 4.0… và lại được con cháu quan tâm trang bị cho ông chiếc điện thoại thông minh (iPhone) ngay từ thời điểm mà những người có tuổi ở thôn quê chưa khi nào nghĩ đến. Thế rồi ông say sưa học hỏi, tìm tòi, sáng tác thơ tự trào, cập nhật những tư duy mới về thời cuộc, về nhân tình thế thái, về quan điểm sống, về trách nhiệm của bản thân, gia đình với đất nước, quê hương, với Đảng và Bác Hồ… cùng trao đổi sâu rộng với bạn bè, người thân, đồng nghiệp qua mạng xã hội Facebook. Thơ Nguyễn Đức Thìn sáng tác xuất phát từ cảm hứng, mang tính cập nhật, thời sự, truyền thông là chủ yếu nên không cầu kỳ, hoa mỹ, thậm chí có phần dễ dãi như ông vẫn thường bộc bạch là “thơ con cóc”. Bỏ qua việc bàn sâu về nghệ thuật, mỗi chúng ta thấy rõ thơ của ông bất luận trong thời điểm nào cũng đậm tính giáo dục, thuyết phục; tính Đảng, tính giai cấp cao, đồng thời luôn thể hiện rõ tình đời, tình người, sự tôn kính đối với các bậc vĩ nhân, lãnh tụ hay hòa đồng gần gụi với bạn bè, đồng nghiệp… Điều đó đã được tác giả thể hiện khá sâu sắc, đậm nét trong tác phẩm của mình qua các bài thơ như: “Nhớ ơn Lý Thái Tổ”, “Học Bác Hồ”, “Người đi đường sáng”, “Trên đất Rồng thiêng”, “Thơ tặng bạn”, “Thơ gửi niềm tin”... Đặc biệt trong 2 bài: “Không khuyết tật tâm hồn” và “Sống để yêu thương”, chúng ta thêm hiểu về con người và nghị lực sống của ông nhiều hơn! Với tuổi đã ngoại bát tuần lại mang thương tật trong mình bởi căn bệnh quái ác đã đằng đẵng đeo bám suốt mấy mươi năm qua, rồi bao thiên biến sự đời… đôi khi ông cũng ngồi ngẫm nghĩ, chạnh lòng. Song dù sao ông vẫn lạc quan yêu đời, xác định cho mình hướng tới là tiếp tục phải vững bước đi lên, không cho phép bất cứ giây phút nào cảm thấy hụt hơi, chùn bước: Khuyết tật về thể xác/ Không khuyết tật tâm hồn/… Niềm tin ngời lấp lánh/ Sáng tạo sống khỏe vui (Không khuyết tật tâm hồn) hay: Có những lúc mình ngồi tư lự/ Ngẫm về đời để tiếp bước đi/… Không để phí phút giây được sống/ Hạnh phúc đời sống để yêu thương (Sống để yêu thương).

Cả ông và bà đều là giáo viên, cùng bao năm gắng sức chăm lo vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”. Đầu năm Nhâm Dần 2022 này đánh dấu một mốc quan trọng là bà bước vào tuổi 80 và cũng là tròn 60 năm hai người nên nghĩa vợ - chồng. Mặc dù giữa thời dịch giã triền miên, nhưng con cháu trong nhà vẫn đoàn tụ khá đông đủ chúc thọ bà, đồng thời cũng là mừng “Lễ cưới Kim cương” cho “đôi tình nhân” Thìn - Dung thật vui vẻ, đầm ấm. Ông luôn nhận thức rõ có được sự nghiệp và niềm vinh hạnh như ngày hôm nay đều luôn luôn có bàn tay chăm lo, nâng giấc của người vợ hiền. Bởi vậy trong các tập thơ trước cũng như tập “Quê nhà tôi ơi” lần này, Nguyễn Đức Thìn vẫn dành cho người bạn đời những bài thơ, câu thơ sâu lắng tình nghĩa vợ chồng, nhất là khi “trái gió trở trời” vợ bị ốm, mệt như qua các bài: “Thơ tình mong Vợ khỏe”, “Yêu”, “Sống đẹp mình ơi”… Trong đó có những câu mỗi khi đọc lên với chúng ta ai ai cũng cảm thấy như có mình trong đó, không thể không tự ngẫm nghĩ: Anh mãi muốn như ngày xưa ấy/ Em yêu mắt long lanh đen huyền/ Nuốt chửng đời anh say đắm đuối… hay: Anh mãi muốn như ngày xưa ấy/ Em là nửa của đời anh…(Thơ tình mong vợ khỏe). Đặc biệt, đã qua tuổi bát tuần rồi mà vẫn có được những lời nói yêu thương bằng cả ruột gan của mình, hay những lời “có cánh” với người vợ hiền như Nguyễn Đức Thìn thế này ắt hẳn ở đời cũng hiếm: Yêu vợ để được vợ chiều/ Chiều yêu hạnh phúc thương yêu suốt đời hay: Ước mong vợ mãi khỏe hiền/ Để tôi được sống như tiên giữa trần… (Yêu)…

Hoạt động Văn học nghệ thuật và sáng tạo là bất luận năm tháng, tuổi tác. Bởi vậy mặc dù đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng chúng ta vẫn vững tin Nhà giáo - Nhà thơ Nguyễn Đức Thìn tiếp tục sẽ có thêm những tác phẩm mới dâng đời. Chúc ông luôn vui, khỏe để có đủ năng lượng thực hiện ý nguyện, niềm tin không khi nào ngừng nghỉ của mình./.

 
                                                                                                                                                                                      NGUYỄN TỰ LẬP