Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NỖI NHỚ CỘI NGUỒN CỦA NGƯỜI LÍNH ĐẢO
14:05 | 25/01/2021

HỮU THỈNH

 

Tiếng gà trên đảo

 

Ai mang quê ra đảo

Ló một tiếng gà trưa 

Bao nhiêu là súng pháo 

Ngây thơ như cày bừa.


Nước dồn trong bi đông

Nằm mơ về mạch đá

Cát sang màu rơm rạ

Đảo lui về thiếu niên…


Biển ở luôn cạnh mình

Bao điều chưa tách bạch

Gió từ nơi xa khuất 

Lại rung về em ơi!


Bàng thiếu trẻ con chơi

Cuối năm không nỡ rụng 

Biển thu bớt sóng về 

Để mênh mông hơn biển. 


Ấy là khi xuân đến

Mơ hồ trong cát bay…  

        
         Đất nước ta vốn biển rộng, sông dài, hải phận mênh mông và đảo thì vô số. Chính những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời, bám trụ trên đảo, đã làm cho đảo nồng ấm tình người. Thế còn những người lính đảo? Giữa muôn trùng sóng gió họ suy nghĩ gì đây? 
         Bài thơ “Tiếng gà trên đảo” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã mở giúp ta một cánh cửa để chiêm ngưỡng đời sống tâm linh của họ. Buổi trưa trên đảo bỗng ló một tiếng gà. Và như có phép nhiệm màu, tất cả bỗng như đổi khác. Dưới mắt người lính đảo gốc làng quê này, súng pháo bỗng hóa thành cày bừa. Cát trắng trên đảo ngả vàng như rơm rạ đang phơi. Đến nước ngọt đựng trong bi đông cũng có tâm hồn, thao thức nhớ về mạch đá, nguồn cội của mình. Và hòn đảo khô cằn, già nua bỗng quay trở lại thời thơ trẻ...
         Phải thấu hiểu nỗi lòng người lính xa nhà, phải đồng cảm sâu xa với tâm hồn họ, mới có thể viết được những câu thơ như thế. Thấu hiểu và đồng cảm như chính họ là anh, như chính anh là họ.
          Liên tưởng tài hoa, câu chữ giản dị, mộc mạc. Mạch thơ chảy khá nhanh như nhịp điệu của biển.
          Nỗi nhớ quê hương, cội nguồn, da diết và chân thành. Lại có gì giống như một giấc mơ. Nhà thơ tiếp tục dòng chảy, khai thác tài tình các độ thẳm sâu, điệp trùng của nỗi nhớ, của tâm hồn người lính: “Gió từ nơi xa khuất. Lại rung về em ơi!”. Câu thơ tiếp tục được đẩy lên tầm triết lý nhân văn đầy sức thuyết phục: Bàng thiếu trẻ con chơi/ Cuối năm không nỡ rụng… 
         Hai lần Hữu Thỉnh tả biển là hai lần anh suy ngẫm và triết lý rất sâu xa. Lần một: “Biển ở luôn cạnh mình - Bao điều chưa tách bạch”. Mà làm sao tách bạch được nếu đã là biển khơi! Nó vốn muôn trùng sóng gió, đầy bí ẩn, vô vàn vẻ đẹp và dữ tợn khôn cùng. Ở cạnh biển, sống với biển đâu có dễ dàng gì. Muốn đứng vững, người lính phải thật sự kiên cường. Lần hai: “Biển thu bớt sóng về - Để mênh mông hơn biển”. Câu thơ đa nghĩa, nhiều tầng triết luận, khái niệm biển đã được mở rộng. Đây là hai câu thơ hay nhất trong bài, thật sâu thẳm...
Cả bài thơ không có câu nào trực tiếp nói về người lính. Nhưng chính họ, hay nói đúng hơn, tâm hồn họ, nồng ấm trong suốt 18 câu thơ, đã nuôi dưỡng cho sức sống của bài thơ này. “Tiếng gà trên đảo” sẽ còn vang vọng mãi, thẳm sâu trong tâm trí người đọc. Nó nhắc chúng ta về biển đảo quê hương, vừa là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ, vừa là khát vọng vươn xa của toàn dân tộc./. 
                                                                                                                                                                                                                      NGUYỄN ANH THUẤN