Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NHÂN ĐỌC "NGƯỜI QUẢN CHÙA MẶC TRIỀU PHỤC" CỦA NHÀ VĂN PHẠM THUẬN THÀNH
10:30 | 06/08/2021

Nhìn lại năm 2020, có lẽ đó là một năm đầy thành công của nhà văn Phạm Thuận Thành bởi ông đã trình làng 2 Tuyển tập truyện ngắn Giọt lệ thời gian và tuyển tập truyện ngắn lịch sử Người quản chùa mặc triều phục. Đặc biệt Người quản chùa mặc triều phục đã giành cú đúp giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Những năm gần đây, dòng tiểu thuyết lịch sử hay các truyện ngắn lịch sử nhận được sự quan tâm ưu ái đặc biệt của độc giả. Điều đó được lý giải bởi những chuyển biến trong đời sống xã hội, nhất là sự đổi mới trong tư duy và tinh thần dân chủ ngày càng được khuyến khích, mở rộng; những chính sách ưu tiên phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa kể từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay đã tạo đà cho những sáng tạo nghệ thuật được phát huy tối đa. 

Nhà văn Maksim Gorky đã từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”. Còn nhà thơ Tố Hữu cũng từng nhận định rằng: “Việc nghiên cứu cái hay của văn nghệ cổ truyền giúp cho sự phát triển tính dân tộc của văn nghệ, giúp cho văn nghệ sĩ dễ đại chúng hóa vì đại chúng chính là những kẻ vận tải cái hay ấy qua các thời đại nên họ rất dễ cảm xúc với những hình thức văn nghệ cũ và cảm xúc bình dị của nhân dân đời trước rất quen thuộc với họ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng: “Lịch sử vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ với người Việt. Vì thế, khi nhà văn tiếp cận lịch sử có lợi thế hơn nhà sử học, bởi ở chỗ nào nhà sử học run tay không dám hạ bút thì... nhà văn dám”. Tuyển tập truyện ngắn lịch sử Người quản chùa mặc triều phục của nhà văn Phạm Thuận Thành dường như mang sứ mệnh của một cuốn truyện gồm nhiều câu chuyện lịch sử nhưng lại đi kèm những yếu tố dân gian gắn bó với mảnh đất quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hiến. 

Khi đặt bút viết Người quản chùa mặc triều phục có lẽ nhà văn Phạm Thuận Thành hiểu rõ sứ mệnh của nhà văn là dùng sức mạnh ngòi bút để truyền tải những thông điệp tới độc giả, bởi vậy thông qua lối viết chắc tay, 15 truyện ngắn trong tuyển tập đều đạt đến những thành công nhất định. Mỗi câu chuyện đều xoay quanh những tình tiết, những nhân vật lịch sử có thật và điểm đặc biệt đó là những tình tiết, câu chuyện trong cuốn sách đã được nhà văn dùng những phương thức tiếp cận khác nhau để đem đến cho độc giả các góc nhìn chân thực, khách quan nhất nhưng cũng vô cùng sống động và ý nghĩa. Sinh ra ở mảnh đất đậm đặc hơi thở văn vật, văn hiến lâu đời, bằng tình yêu thương và sự gắn bó sâu sắc với quê hương mà trong từng câu chuyện đều có sự kết nối, có mối quan hệ gắn bó mật thiết đối với vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, cách mạng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chính vì lẽ đó nên “tâm thức lịch sử” dường như luôn thường trực trong suy nghĩ của nhà văn. Và mỗi khi ông đặt bút viết về đề tài lịch sử, ông đã “hòa tan” hẳn vào đời sống xã hội lịch sử thời đó. 

Những tình tiết, những nhân vật có thật trong lịch sử hay truyền thuyết dân gian đã được nhà văn Phạm Thuận Thành làm mới bằng cách dẫn dắt vấn đề trực quan, sinh động, gợi mở, luận bàn những góc nhìn đánh giá tình tiết có thể khác hoàn toàn so với những gì mà lịch sử ghi chép, lưu truyền lại. Tuyển tập truyện ngắn lịch sử của Phạm Thuận Thành vừa mang yếu tố “Tụng sử” lại vừa kết hợp những yếu tố “Luận sử” bởi những trang văn ấy như những trang đời, không chỉ nhằm khỏa lấp khoảng trống, khoảng trắng trong lịch sử người đọc chưa tường tận mà còn thể hiện quan điểm, suy tư cá nhân về một nhân vật lịch sử, về tình tiết hay câu chuyện lịch sử còn lưu truyền. Độc giả như nhìn thấy câu chuyện diễn ra trước mắt một cách sống động nhất, cũng có thể như được chiêm nghiệm, trải qua từng khoảnh khắc lịch sử ấy một cách chân thực nhất.

Đối với các câu chuyện lịch sử được ghi chép kĩ càng thì khoảng trống cho sự tưởng tượng, hư cấu bị hạn hẹp khá nhiều, nếu không bản lĩnh, người viết rất dễ sa vào lối biên niên sử hay tiểu thuyết hóa lịch sử. Mặt khác, không ít sự kiện, nhân vật lịch sử còn gây tranh cãi, vẫn đang nằm trong quá trình đánh giá, đánh giá lại của giới nghiên cứu. Nhưng đối với Giãi với trời xanh,  Nước mắt thời gian, Đêm cuối ở Côn Sơn, Góc vườn Thượng Uyển hay Người quản chùa mặc triều phục thì dường như đều là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian được tác giả khéo léo khai thác các chất liệu dân gian và lịch sử theo một góc nhìn khác. Có biện giải, giải oan, cũng có tiếp cận vấn đề theo con đường không giống như lịch sử ghi chép lại hoặc đi vào câu chuyện dưới góc quan sát của chính nhân vật nên những giãi bày nội tâm sẽ dễ dàng phô bày hơn là góc nhìn của ngôi thứ ba. Lối dẫn dắt như vậy phần nào cung cấp những dữ liệu chân thực hơn, các tình tiết không bị giới hạn bởi không gian và thời gian một cách khô cứng như lối ghi chép lại sự kiện lịch sử; mở ra hướng đi mới, cách thức giải quyết vấn đề lạ hơn cuốn hút người đọc và khiến ta phải suy ngẫm lại, thậm chí có đôi lúc còn hoài nghi cả tính chân thực của lịch sử?

Khi đọc Người quản chùa mặc triều phục, độc giả có thể thông qua các tình tiết câu chuyện để hiểu hơn về đất và người nơi đây. Chất liệu dân gian như giai điệu của Ca trù, hát Ả đào hay những làn điệu Dân ca Quan họ ngọt ngào say đắm lòng người được tác giả khéo léo lồng ghép qua truyện ngắn Cuộc gặp ở dinh thừa tướng; Cố nhân. Không đơn thuần chỉ là viết lại câu chuyện tình yêu đầy thổn thức của Trương Chi - Mị Nương mà qua đó người đọc sẽ hiểu rõ hơn những hình sông dáng bến, về con người nơi đây và cũng như bao hàm cả tình yêu sâu sắc với Dân ca Quan họ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con xứ Bắc. Rõ ràng, việc mượn những tư liệu dân gian và vận dụng vào tác phẩm khiến tác phẩm trở nên ấn tượng, hấp dẫn người đọc hơn. Thông qua thủ pháp khéo léo, tài tình bằng cách để hiện thực và quá khứ đan xen tựa như trải qua một giấc ngủ mơ, những điều tiếc nuối còn dang dở của quá khứ có thể sẽ có một kết thúc viên mãn bằng cách kết bài vừa đóng vừa mở khi hình bóng của quá khứ tái sinh trong hiện tại của Phạm Thuận Thành. Điều đó khiến tác phẩm gây ấn tượng mạnh hơn với người đọc, hơn nữa người đọc không cần phải quá dụng công mà vẫn dễ dàng phát hiện ra lối viết nhân hóa mượn hình ảnh miêu tả về sen để nói về sự trường tồn của tình yêu, của những làn điệu Dân ca Quan họ sẽ còn mãi “vươn tỏa không ngừng”. 

Với Cuộc gặp ở Dinh Thừa tướng hay Hương sen đều là cùng một môtip dẫn dắt, kể chuyện thực thực ảo ảo đan xen nhưng vẫn có nét riêng khá đặc sắc bởi tình tiết của từng chuyện. Không điều gì chân thực nhất bằng trải nghiệm thực tế. Vừa như hoang đường lại rất chân thực và logic là những điều mà 2 truyện ngắn này mang lại từ tiết tấu nhẹ nhàng, mộng ảo tới những chi tiết nửa mơ nửa thực. Trong Hương sen, tác giả mượn hình ảnh lẫm liệt của Hạng Võ để gắn vào cuộc đời vô cùng lẫm liệt, tráng khí của danh nhân kháng chiến Nguyễn Cao trong phong trào Cần Vương. Và thực tế, chính đề tài về Hạng Võ đã giúp Nguyễn Cao thi đỗ Thủ khoa khoa thi cử nhân ân khoa thời Nguyễn. 

Ở Siêu sinh độc giả có cái nhìn chân thực hơn, hiểu rõ hơn về cuộc đời người phụ nữ nổi tiếng xứ Kinh Bắc: “Kinh Bắc hai tướng đàn bà/ Vợ ba Đề Thám, vợ ba Cai Vàng”. Mọi diễn biến về cuộc đời người phụ nữ hào khí khuất phục cả đấng trượng phu dưới thời phong kiến quả khiến chúng ta khâm phục. Tình tiết về sự cố chấp của nàng với việc phục quốc đã ngấm vào máu từ tấm bé cuối cùng được giáo hóa bởi quan điểm nhân sinh mà danh tướng Nguyễn Tri Phương dùng lý dùng tình để thuyết phục dưới ngòi bút của tác giả cũng khiến người đọc nghiền ngẫm, suy tư. Những diễn tiến tâm lý đi từ sự vùng vẫy đến khuất phục trước hàng ngàn, hàng triệu sinh mạng, trước tấm lòng bao dung cao cả đã khiến vị nữ anh hùng ấy chiếm được thiện cảm từ người đọc. Phải chăng, con người đều biết nghĩ cho mình, cho người, đặt bản thân vào vị trí, hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ thì tốt biết bao, đời người như vậy thì đâu còn những đau khổ, chết chóc. Hình ảnh nàng xuống tóc đi tu “Mỗi nhát kéo tóc nàng cụt đi một ít, ý chí nhất thống thiên hạ trong nàng cũng cụt đi một ít. Khi tóc hết thì ý chí nhất thống thiên hạ trong nàng cũng hết. Bây giờ nàng đêm ngày chỉ kinh kệ để siêu sinh cho những người đã chết vì sự ngộ đạo của nàng”. Hình ảnh này như ám ảnh người đọc, khiến chúng ta thấy được giữa mênh mang cõi người, giá trị cốt lõi nhất cuối cùng vẫn là tấm lòng hướng thiện. Không phải “thân gái dù anh hùng đến đâu cũng không thể đoạt nước được...Chiến đấu không phải là việc của đàn bà. Đàn bà là biểu tượng của yên bình” là sự phủ nhận vai trò, khả năng của người phụ nữ trong xã hội không thể làm nên trò trống gì. Bởi lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất về thời đại Bà Trưng, Bà Triệu đã hiệu triệu thiên hạ vùng lên đấu tranh giành quyền tự chủ cho quốc gia, dân tộc. Mà đặt trong hoàn cảnh cụ thể của câu chuyện lịch sử, việc “sục sôi báo thù cha, báo thù chồng, báo thù nghĩa sĩ tử trận”, là lại đem những sinh linh vô tội cuốn vào vòng xoáy của tư thù hay phục dựng lại một giang sơn, gia tộc, một triều đại đổ nát, mục ruỗng, không còn sinh cơ quả thực là điều vô ích và không phù hợp. Với lối viết tài tình, văn phong khoáng đạt, câu chữ ám ảnh, tác giả đã để nhân vật áy náy, thức tỉnh và rồi nàng đạt đến giác ngộ. Siêu sinh tựa như ánh sáng lạ soi chiếu vào cõi tạm, vào cuộc đời đầy sân si cũng trở thành điểm nhấn đặc sắc trong tuyển tập Người quản chùa mặc triều phục.

Mỗi người có một cảm nhận cũng như sở thích khác nhau nhưng từng câu chuyện đều có những điểm nhấn đặc biệt. Đối với Cố nhân, nó ấn tượng bởi từ những dòng mở đầu của câu chuyện tác giả đã mở ra một khung cảnh đẹp tựa thế ngoại đào viên nhưng mang đầy dụng ý nghệ thuật. Có độc giả sẽ thấy sự bình bình thiếu cao trào, thiếu sự kịch tính trong Cố nhân nhưng thực chất đây lại là một câu chuyện tình yêu đầy thổn thức của vị quan ngự sử với nàng ca nương; truyện phản ánh những góc khuất về khoảng cách giữa các giai tầng đã ngăn trở khiến tình yêu trở thành bi kịch. Hóa ra từng dãy đào bích, đào phai “xòe hoa như những đốm lửa nhỏ, từng cây như ngọn lửa lớn đốt cháy cái lạnh đầu xuân” lại chứa đựng những nỗi niềm giấu kín về tình yêu của vị quan tài hoa với nàng ca kỹ ả đào đẹp người đẹp nết. Ký ức của quan Đô Ngự Sử được tái hiện lại về những thăng trầm của tuổi trẻ, mà chính những người ở tầng đáy xã hội lại là người giúp ông theo đuổi thành công, vinh quy bái tổ. Tình yêu của họ tựa như những cánh hoa đào, đẹp rực rỡ nhưng cũng vô cùng mong manh, vừa chớm nở đã vội tàn bởi ngăn cách giữa những gông xiềng, định kiến về thân phận con người trong xã hội phong kiến, cô đào “phận xướng ca vô loài chỉ có thể giúp đỡ chàng lúc hàn vi chứ không thể sánh duyên cầm sắt lâu dài”. Hình ảnh khiến người đọc xót xa là khi “Vũ sinh ngậm ngùi cất kỹ lọn tóc vào túi hương lúc nào cũng đeo bên mình... Ngày vinh quy, Vũ sinh chỉ có lọn tóc của cô đào để cùng vinh quy bái tổ”. Dẫu có là kẻ trọng tình trọng nghĩa, ôm tương tư day dứt hơn ba chục năm dài nhưng mối nhân duyên ấy tựa như câu ca: “Dao vàng cứa ruột không đau/Cắt ra làm chín trao nhau giữ gìn”. Cố nhân không dừng lại ở những ký ức, mà tạo hóa trêu ngươi, dù bỏ ra bao công sức, thời gian tìm kiếm để báo ân và thỏa lòng nguyện ước muốn trọn vẹn tình yêu thì rồi vẫn kết thúc trong sự bẽ bàng bởi đó vẫn không là cái kết có hậu cho một tình yêu đáng ra phải đơm hoa kết trái. Tiếng hát mà hai bóng hình của quá khứ và hiện tại như chập vào nhau vẫn còn văng vẳng bên tai viên quan Đô Ngự Sử:

“Người đi em dặn người rằng

Đâu hơn người lấy, đâu bằng cũng đừng đợi em

Người như tấm vóc đại hồng

Em như chỉ tím thêu rồng nên chăng

Cầu tre ai bắc gập ghềnh

Người đi cho khéo, ngã lấm mình ai thương”...

Con đường hun hút tối hun hút gió giống như duyên kiếp đời người chỉ dừng lại ở mức đối mặt bất tương phùng, cố nhân vẫn chỉ là cố nhân, có lẽ chàng Vũ sinh chỉ sống trong ký ức với hình ảnh của cô đào xinh đẹp thuở xưa mà không nhận ra bà già hát xẩm vào phủ của hiện tại. Viết về ca nữ nên tác giả đã khéo léo mượn lời dân ca Quan họ đưa vào tác phẩm cũng góp phần làm cho tác phẩm mềm mại hơn, dễ đồng cảm và đi vào lòng người hơn.

Sắc bất ba đào hay Sóng nước lục đầu giang, Lời nhắn của Thái Hậu, Quận Cầu Quận Đường là một số câu chuyện giai thoại tái hiện lại những khoảng lịch sử hào hùng của các danh nhân xứ Bắc được Phạm Thuận Thành tái hiện lại vô cùng thu hút. Từ đó chúng ta có thể soi chiếu vào hành vi, phong cách của người xưa để rút ra bài học cho hôm nay. 

Trong 6 truyện mà tác giả Phạm Thuận Thành từng viết về Nguyễn Trãi thì Người quản chùa mặc triều phục là câu chuyện khiến nhà văn cảm thấy tâm đắc nhất. Phải là người vô cùng yêu mến, nghiên cữu kĩ về danh nhân Nguyễn Trãi mới khiến tác giả có thể viết đến 6 truyện ngắn về một nhân vật nguyên mẫu. Truyện đầu tiên Đêm cuối ở Côn Sơn tác phẩm thể hiện khí phách vì dân vì nước của Nguyễn Trãi. Ông được Sư tổ Đạo Khiêm truyền y bát Trúc Lâm nhưng đã từ chối để giúp Lê Lợi đánh tan quân xâm lược và làm quan giúp dân, phát triển một bậc giáo lí Trúc Lâm thành phái “Thượng thừa”, nghĩa là tu tốt nhất là tu tại triều đình, giúp dân giúp nước là chân tu, là đắc đạo, dẫu con đường tu ấy có thể thiệt thân thiệt thế. Đến truyện Người quản chùa mặc triều phục ta lại thấy vẫn con người hết lòng vì dân vì nước ấy nhưng lại bao trùm hơn cả là “con người nghệ sĩ, con người thi sĩ”. Đấy mới là con người thực, bản ngã thực của Nguyễn Trãi. Dân gian đã dựng nên câu chuyện cô gái bán chiếu gon xinh đẹp, thi sĩ để Nguyễn Trãi si mê nhưng gần đây có một số quan điểm “bênh” Nguyễn Trãi nâng tuổi Thị Lộ nhiều vô tình làm hỏng con người thi sĩ Nguyễn Trãi. Dường như, thông những tình cảm mến mộ sâu sắc ấy với thi sĩ Nguyễn Trãi mà nhà văn cảm thấy gần gũi với nhân vật và dường như ông đã đặt mình vào thế giới nội tâm của nhân vật để thấu hiểu cặn kẽ và lý giải mọi điều. Trong thế giới đa chiều ấy, mọi cảm quan, cách nghĩ, hành động, cá tính, phẩm cách của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi như sống lại trong từng trang viết. Với lòng kính ngưỡng một người tài ba nhưng gặp nhiều trắc trở và hàm oan rời xa nhân thế khi biết bao dự định giúp dân giúp nước luôn nung nấu, ấp ủ nhưng đành dang dở, nhà văn khai thác triệt để những tình tiết có liên quan để rồi từ Người quản chùa mặc triều phục độc giả lại liên tưởng tới Đêm cuối ở Côn Sơn vẫn là những trang đời viết về Nguyễn Trãi. Dù ở chùa Thanh Hư cô tịch hay Côn Sơn hữu tình hình ảnh “người quản chùa khoác trên mình bộ triều phục lụa xanh in hình rồng vờn mây trước ngực”, hình ảnh thanh tao, thoát tục, “áo vải bọc tâm sự lớn” ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc cũng như trong tâm trí người đọc. Khi đọc 2 truyện ngắn trên, dường như những dòng trong Bình Ngô đại cáo đều văng vẳng bên tai. Có lẽ bởi vậy mà tác giả đã chọn Người quản chùa mặc triều phục làm tựa đề cho cuốn sách. 

Với lối viết chắc tay, văn phong nhẹ nhàng, bình dị, câu chữ ám ảnh, tình tiết mới mẻ, lối dẫn dắt độc đáo ở 15 câu chuyện là 15 sắc màu khác biệt. Tuyển tập truyện ngắn lịch sử Người quản chùa mặc triều phục dường như mở ra nhiều thế giới thu nhỏ khác nhau, mỗi thế giới là một câu chuyện sống động, chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc cuốn hút độc giả hòa mình trong từng trang viết đầy huyền ảo nhưng vô cùng chân thực, sống động mà khó lòng dứt ra được. Điều mà tuyển tập gây ấn tượng với độc giả có lẽ không chỉ ở nội dung từng tác phẩm mà còn ở nghệ thuật đặt vấn đề, lối dẫn chuyện rất tự nhiên, việc lựa chọn ngôi kể của tác giả cũng vô cùng tinh tế, phù hợp với tình huống truyện cũng như nội dung muốn truyền tải. Tiếp đó là cách vận dụng những tri thức dân gian như ca dao, dân ca trong từng tác phẩm riêng biệt phù hợp về ngữ cảnh và xây dựng nhân vật cũng đem lại thành công không nhỏ cho Người quản chùa mặc triều phục.

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết chưa thể tường tận giới thiệu hết những đặc sắc về cả nghệ thuật lẫn giá trị nội dung của Tuyển tập truyện ngắn lịch sử Người Quản chùa mặc triều phục tới độc giả nhưng hi vọng thông qua những dòng ngắn ngủi này độc giả sẽ có những đánh giá sơ lược về tuyển tập truyện ngắn lịch sử  trên. Mong rằng, sẽ có nhiều độc giả biết đến và thưởng thức, tự mình trải nghiệm, miên man trong thế giới của những câu chuyện đầy huyền sử mà cuốn sách khơi gợi vừa xao xuyến lòng người, vừa thức tỉnh giác ngộ trong mỗi chúng ta./.

                                                                                                                                                                                                                                     THU NGA