Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Một góc nhìn riêng nhân đọc "Còn lại với thời gian" của nhà thơ Nguyễn Tự Lập
15:28 | 14/01/2022

Luôn đau đáu, trăn trở và gắn bó với quê hương, nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã dành không ít những trang viết của mình để diễn tả tình cảm ấy và biểu đạt nó bằng những vần thơ giàu hình ảnh được tập hợp lại trong ấn phẩm Còn lại với thời gian, NXB Hội Nhà văn - năm 2018. Với độ dày ngót 200 trang bao gồm trên 120 bài thơ được viết bằng nhiều thể loại, chủ yếu là thể thơ tự do; tập thơ là bức tranh thu nhỏ, chân thực và sinh động về mảnh đất địa linh nhân kiệt Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến cùng những rung động mãnh liệt trước cảnh sắc tươi đẹp của non sông. 

Đọc và cảm tập thơ mà ông mến tặng, tôi đặc biệt chú ý tới những vần thơ ông viết về người lính. Cuộc chiến tranh vệ quốc đã lùi xa vào quá khứ nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại, cảm hứng anh hùng ca về một thời lửa đạn trong chiến đấu vẫn còn như vẹn nguyên trong trái tim mỗi chúng ta nên khi đọc những vần thơ viết về đề tài này, ta như đang được sống lại quá khứ vàng son của một thời hoa lửa: “Ngày ba mươi tháng tư/ Mốc son mới sáng bừng thế kỷ/ Tổ quốc ơi! Niềm vui nào hơn thế/ Khi non sông, Nam - Bắc một nhà/ Khi cả đất trời trong mỗi trái tim ta… Ngày ba mươi tháng tư/ Trang sử mới diệu kỳ…” (Ngày ba mươi tháng Tư). Cách mạng thắng lợi vẻ vang, non sông đã thu về một mối, có niềm vui nào hơn thế? Và để viết lên trang sử hào hùng của dân tộc, đó là sự hy sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân… của biết bao thế hệ những người lính Cụ Hồ - nhân tố quan trọng góp phần tạo nên những chiến công vang dội.

Thấm đẫm trên những trang thơ luôn chan chứa tình yêu thương, sự trân trọng mà tác giả dành cho những người đồng chí, đồng đội thân yêu. Những người lính Cụ Hồ dù là trong thời chiến hay cả trong thời bình vẫn luôn ghi nhớ lời Bác dặn năm xưa, luôn vững vàng, bền ý chí: “Chiến tranh nay đã lùi xa/ Trở về quê với mái nhà vườn rau/ Vết thương xưa lúc quặn đau/ Nhớ lời Bác dạy, bên nhau vững vàng” (Xuân về nhớ Bác nhiều hơn). Thật vậy, mặc dù con đường có dài với muôn nẻo gian nan, và dẫu có lên ngàn hay xuống biển, những người lính vẫn luôn khắc cốt ghi tâm lời Bác dặn dù là nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Với cách tiếp cận và hướng khai thác riêng, nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã tái hiện lại thời gian, không gian đa chiều từ quá khứ, hiện tại đến cả tương lai.Thời gian trong thơ ông là nơi lưu dấu những kỷ niệm, nơi chứa đựng tình cảm sâu sắc về những người lính.Đọc những vần thơ ông viết về đồng đội, ta thấy ăm ắp những tình cảm yêu thương, trân trọng khó diễn tả hết bằng lời. Sống, chiến đấu và làm việc trong môi trường quân đội đã nhiều năm, Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Tự Lập thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, gian khổ, nỗi vất vả của người lính, đồng thời ông cũng hết lòng cảm thương với họ - Những con người luôn đặt nhiệm vụ lên trên tất thảy. Vì nhiệm vụ chung, những người lính đôi khi lãng quên đi và chẳng còn nhớ rõ mình đã bao năm vắng nhà, thậm chí có những người còn không nhớ chính xác mình đã bao nhiêu tuổi. Nghe thì có vẻ thật nực cười nhưng đó lại là sự thật hiện hữu trong chiến tranh. Đọc những vần thơ ấy, chúng ta không khỏi rưng rưng thương cảm khi được biết có người lính dù tuổi đã ngoại tứ tuần nhưng vẫn chưa có lấy một mảnh tình vắt vai, chưa một lần họ được nếm trải hương vị của tình yêu. Vì nhiệm vụ chung, họ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, đánh đổi cả tính mạng của mình để ngày đêm bám biển, canh giữ nơi đảo xa lắm phong ba bão táp bảo vệ vùng trời, vùng biển thân yêu: “Tình yêu nơi đảo xa không tính tháng, tính ngày/ Không ngào ngạt hương hoa, không tên, không tuổi… Mà cứ mênh mông, dào dạt giữa biển khơi..” (Tình yêu nơi đảo xa).

Đọc những vần thơ mà ông viết về người lính, những con chữ cùng những vần thơ cứ như đang nhảy múa trong đầu tôi khi liên tưởng tới miền ký ức - nơi chứa chan một thứ tình cảm mà tác giả luôn đề cao và nhắc tới đó là tình anh em, tình đồng chí, đồng đội tuy không cùng quê hương xứ sở “Tôi với anh đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau (Đồng chí - Chính Hữu) nhưng lại luôn tựu nhau ở một điểm chung: chung chí hướng, chung sức, chung lòng, để rồi những bàn tay với những “nắm tay nồng nàn… gắn kết tình duyên” (Bên đồng đội). Những người lính trong chiến tranh anh dũng là vậy, oai hùng là thế, ngày trở về không ít người mang trong mình những nỗi đau, di chứng của chiến tranh… nhưng không vì thế mà họ bi quan, chán trường. Rời tay súng, trở về với quê hương xứ sở, họ lại động viên nhau, hăm hở bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới và làm những việc có ý nghĩa cho đời. Niềm vui mà những người đồng chí, đồng đội năm xưa có được rất đỗi bình dị: đơn giản đó chỉ là những cái nắm tay thật chặt, những nụ cười hạnh phúc, những khuôn mặt rạng rỡ không giấu đi nổi niềm vui khôn tả mỗi khi anh em đồng đội có dịp được tề tựu bên nhau ôn lại kỷ niệm xưa. 

Có thể khẳng định rằng, quá khứ lịch sử hào hùng mà rất đỗi vẻ vang của dân tộc ta chính là minh chứng hùng hồn, tiêu biểu và thuyết phục cho một đất nước Việt Nam kiên cường: “Mấy mươi năm/ Gạn đục, khơi trong/ Từ gian khó… Thênh thang đường hòa nhập” (Đất nước Tiên Rồng). Những sự kiện lịch sử, những trận đánh để đời, những chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như một thiên anh hùng ca ngời sáng mãi khẳng định vững chắc: Một dân tộc “Khi vấp ngã” luôn “Tự mình đứng dậy/ Vững niềm tin…/ Một chí/ Một lòng/ Đất nước thịnh cường/ Rạng rỡ tổ tông” (Đất nước Tiên Rồng). Giọng thơ hào sảng xen lẫn niềm tự hào da diết của nhà thơ cũng như một lời kêu gọi, lời hiệu triệu, giục giã lớp lớp cháu con - những thế hệ kế tiếp hãy noi theo tấm gương anh dũng của thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. 

Có một điều không thể phủ nhận rằng, đọc thơ Nguyễn Tự Lập, dù viết về mảng đề tài nào thì những vần thơ của ông luôn toát lên tinh thần khỏe khoắn, lạc quan, tươi vui, phấn khởi... Đặc điểm đó cũng giống như tính cách con người ông - Một người lính cụ Hồ vui tính, hòa đồng, thân thiện và gần gũi. Điều khiến tôi luôn trân quý ông còn bởi nhìn thấy ông là nhìn thấy tấm lòng của một người nghệ sỹ nhiệt huyết, tận tụy, cần mẫn và khi nào cũng “cháy hết mình” với thơ ca. Phục vụ trong quân ngũ đã nhiều năm, khi về hưu mang quân hàm Đại tá, ai cũng nghĩ rằng khoảng thời gian tiếp theo sẽ là dịp để người sỹ quan quân đội nhân dân được tạm thảnh thơi việc nước, có thời gian nhiều hơn dành cho gia đình, cùng với người vợ thảo hiền tiếp tục chăm lo, vun vén hạnh phúc, sống vui, sống khỏe bên con cháu. Nhưng thực tại lại không hẳn như vậy. Được về nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông lại luôn bận rộn với những hoạt động Văn học nghệ thuật, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… Cũng bởi vậy mà chuyện hàng ngày ông ra khỏi nhà từ sáng sớm nhưng mãi tới tối muộn mới thấy ông trở về nhà là chuyện thường như cơm bữa. Dù giữ cương vị nào, còn đang công tác hay lúc đã nghỉ hưu, ông luôn làm việc với một thái độ nghiêm túc, cần mẫn và 

trách nhiệm. 

Bén duyên với thơ ca từ sớm, lại yêu mến, cháy hết mình với thơ và luôn coi trọng, quý mến bạn thơ khắp trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy mà hễ nơi nào có lời mời tham gia giao lưu, tọa đàm, trao đổi về văn chương là ông đều không vắng mặt. Lắm khi ngồi nói chuyện với ông, chị em trong Hội Văn học nghệ thuật chúng tôi đùa vui: “Bác Lập về hưu rồi nhưng có khi còn bận rộn hơn cả lãnh đạo tỉnh ý nhỉ?”. Chúng tôi bông đùa ông như vậy là cũng có căn nguyên của nó, bởi mặc dù đã về nghỉ hưu nhưng ông vẫn đảm nhiệm khá nhiều chức vụ: Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Phân hội trưởng Phân hội VHNT thành phố Từ Sơn, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ khiêu vũ Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh… Lắm khi ông vui cười trêu đùa lại chúng tôi: “Bác bận lắm, bởi bác toàn giữ những chức vụ “to” - Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nói rồi ông lại cười nụ cười điềm nhiên, tươi vui. Về công tác tại Hội tính đến nay cũng đã ngót một thập niên, được tiếp xúc và nói chuyện với ông cũng tương đối nhiều. Đối với cá nhân tôi, nếu được hỏi cảm nhận của tôi như thế nào về nhà thơ Nguyễn Tự Lập, thì tôi chỉ đơn giản tóm gọn lại bằng mấy cụm từ: Gần gũi - chân thành - nhiệt tình - trách nhiệm.

Nhìn một cách tổng thể thì Còn lại với thời gian là một tập thơ có nội dung phong phú, thể hiện cái nhìn, sự cảm nhận riêng, những suy tư, trăn trở của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống, được cảm nhận bằng không gian đa chiều, nhiều màu sắc. Trong tập thơ, nhà thơ Nguyễn Tự Lập đã khá khéo léo trong việc cụ thể hóa những khái niệm, thi vị và nhân cách hóa những sự vật, hiện tượng đang tồn tại trong thế giới khách quan và thể hiện nó bằng con mắt nhuốm màu thi sỹ, qua đó nhằm biểu đạt những cảm xúc riêng. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà ta thấy thời gian trong thơ ông lúc này không còn là một khái niệm mang tính trừu tượng, khó hiểu, khó nắm bắt mà yếu tố thời gian trong thơ ông đã được thể hiện ở những dạng thức cụ thể, mang đậm yếu tố chủ quan của con người. Những hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong thơ không bóng bẩy, hoa lá, mỹ miều mà nó giản dị, mộc mạc, gần gũi như chính ngôn ngữ khi ông sử dụng để đặt bút viết lên những bài thơ ấy. Song, nếu như tác giả dụng công thêm chút nữa khi phác họa những hình ảnh mang tính biểu trưng có ý nghĩa biểu tượng và khái quát hơn khi viết về đất và người Kinh Bắc thì có lẽ toàn bộ nội dung tác phẩm sẽ có sức nặng thêm nhiều. 

Dù thế nào, cũng không thể phủ nhận một điều rằng: Nguyễn Tự Lập là một cây bút lao động sáng tạo với một tinh thần dẻo dai, bền bỉ và luôn hết lòng với văn chương nghệ thuật. Những giải thưởng về lĩnh vực Văn học mà ông có được: 1 giải do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng (2020); 4 giải thưởng của Ban Chỉ đạo sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT - Báo chí về chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của tỉnh Bắc Ninh trao tặng (giai đoạn 2011- 2015 và 2015 - 2020); 1 giải thưởng về VHNT lần thứ nhất (giai đoạn 2012 - 2017) do tỉnh Bắc Ninh trao tặng; 7 Giải thưởng về thi thơ Đường luật toàn quốc, về bộ đội Trường Sơn và thi thơ ở một số địa phương trong tỉnh (2014 - 2020) và gần đây nhất là Giải Nhì thơ (không có giải Nhất) Cuộc thi sáng tác Văn học chủ đề “Bắc Ninh trong hành trình xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” chính là một trong những minh chứng thuyết phục cho một cây bút luôn cháy hết mình với thơ ca, một tinh thần lao động sáng tạo nghiêm túc, bền bỉ và không biết mệt mỏi. Đối với cá nhân tôi, “sức nặng” của một tác phẩm không nằm ở việc người viết lựa chọn đề tài và khuynh hướng sáng tác nào để khai thác mà điều quan trọng là tác giả đã chuyển tải được đến độc giả những thông điệp mà họ muốn nhắn nhủ và gửi gắm. Tính đến nay, nhà thơ Tự Lập đã được cùng non sông đất nước hưởng niềm vui với hơn 70 xuân, trải dài theo năm tháng, điều mà ông luôn trân quý và nâng niu đó chính là “niềm tin, phẩm giá và tình yêu thương” của con người. Những điều vô hình tưởng chừng như khó nắm bắt ấy lại luôn thường trực và hiện hữu trong mỗi chúng ta. Nó giống như lớp lớp “ngàn chồi lộc ngát xanh” sẽ không ngừng vươn lên để đón lấy những tia nắng ấm áp của bầu trời, chiếu sáng, soi rọi và tỏa đi khắp muôn nơi. 

Năm tháng rồi sẽ trôi đi

Cuộc đời mỗi người ngắn lại

Chỉ là yêu thương mãi mãi

Như ngàn chồi lộc ngát xanh.

                 (Còn lại với thời gian)

Cuộc sống xoay vần đổi thay, vòng xoáy vô hình của thời gian vẫn chảy, cuộc đời con người là hữu hạn, năm tháng trôi qua mang theo cả tuổi thanh xuân… Chỉ có tình yêu thương chân thành thì sẽ còn mãi như lớp chồi lộc mãi trải dài bát ngát màu xanh vô cùng tận. Đó cũng là một trong những thông điệp mà nhà thơ Nguyễn Tự Lập muốn gửi gắm tới bạn đọc: Hãy luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp vốn tiềm tàng và ẩn sâu trong mỗi trái tim và khối óc con người Việt Nam. 

Năm mới Nhâm Dần đang đến cận kề, qua bài viết ngắn ngủi này, xin gửi tới Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Tự Lập cùng gia đình ông lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và phát triển. Chúng ta luôn hy vọng và có niềm tin rằng, trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục tỏa sáng hơn nữa phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ngày càng sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng để đóng góp cho “vựa hoa VHNT Bắc Ninh” nói riêng và “vườn hoa VHNT cả nước” nói chung những “bông hoa” đa sắc mang đậm dấu ấn và bản sắc vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc./.

                                                                                                                                                                              HOÀNG YẾN