Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

LƯU HƯƠNG - TUYỂN TẬP CÂU ĐỐI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN ĐÌNH TỰ
08:21 | 25/03/2021

Cách đây ít lâu, tôi hân hạnh được Nguyễn Đình Tự cho xem trước bản thảo tuyển tập câu đối của anh. Tôi hơi bị “ngợp” trước hiện tượng lạ, bởi vì suốt bao nhiêu năm đèn sách, chưa bao giờ được đọc lượng câu đối nhiều như vậy  in trong một tác phẩm.

Thế rồi chỉ vài tháng sau, anh đã mang tặng tôi “Lưu hương, tuyển tập câu đối” do NXB Văn học cấp phép, xuất bản tháng 9/2020. Cuốn sách dày dặn, đẹp mà trang nhã. Xin chúc mừng Nguyễn Đình Tự đã thực hiện được ước nguyện lâu nay của mình. Mừng thơ có thêm một tác phẩm “bình cũ rượu mới” độc đáo. Và không thể không cầm bút viết đôi lời về sách của anh.

Câu đối là thể văn cổ truyền viết theo thể Biền ngẫu, mỗi “tác phẩm” dù ngắn hay dài chỉ có hai câu đăng đối với nhau. Khác với văn biền ngẫu trong Phú và Văn Tế, mỗi bài gồm vài chục cặp câu nói về một đề tài rộng lớn nào đó. Chữ nghĩa trong câu đối được “chưng cất” đậm đặc hơn nhiều. Người viết câu đối, ngoài kỹ năng, phải có đủ vốn ngôn từ và trình độ sử dụng chữ nghĩa điêu luyện.

Viết đã khó, đọc cũng không dễ, nhưng từ xưa đến nay, câu đối lại gần gũi với  cuộc sống hơn một số thể văn khác.

Sinh thời, cố Giáo sư Dương Quảng Hàm viết về câu đối trong cuốn sách “Văn học Việt Nam” đại ý có rất nhiều loại câu đối: Câu đối Thơ, câu đối Phú; câu đối ca tụng danh nhân; câu đối thờ; câu đối mừng chúc; vịnh cảnh. Tả tình; câu đối trào phúng; câu đối chơi chữ, thù tạc...

Ngoài việc chọn đề tài, người viết còn phải nhằm tới đối tượng cụ thể: viết cho ai, đăng hoặc treo ở đâu, và thời gian phải phù hợp với ngữ cảnh, chủ đề.

Câu đối còn là thành phần bắt buộc phải có trong các thể thơ cổ truyền như thơ Đường Luật và Hát nói ca trù.

Trong tập “Lưu hương” Nguyễn Đình Tự trình bày trên 300 cặp câu đối, đủ các thể loại, đủ các đề tài, thực đáng nể trọng bút lực của anh.

 Xin phép được lẩy ra vài câu để chúng ta cùng tham khảo:

Câu đối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chí khí anh hùng lịch sử vĩnh lưu danh Ái Quốc

Minh tinh lãnh tụ nhân dân đồng tác nghiệp Tất Thành  

- Hai chữ đầu của hai vế là Chí Minh, một tên của Bác Hồ

- Cuối vế trên có hai từ Ái Quốc; cuối vế dưới có hai từ Tất Thành, cũng là hai tên khác của Bác Hồ.

- Đôi câu đối này được khắc treo trong gian thờ Bác Hồ ở đền thờ Đức Thánh Trần, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh.

Ca ngợi Đảng:

Chín mươi xuân Đảng Cộng sản quang vinh cờ búa liềm giao hòa bốn bể.

Bảy lăm Tết nước Việt Nam độc lập ánh sao vàng hội nhập năm châu.

Ca ngợi quê hương, đất nước:

Kinh Bắc ngát hương xưa đất văn hiến tạo đà xây hạnh phúc.

Bắc Ninh bừng sắc mới người đức tài chung sức dựng tương lai.

Cung tiến đình làng Thổ Hà, Bắc Giang:

Thổ phát lộc tài thiên hộ an hòa thành lạc thổ. 

Hà sinh cảnh sắc nhất hương trù phú mỹ thanh hà.

Dịch:

Đất phát lộc tài, ngàn hộ yên vui vui mảnh đất

Sông sinh cảnh sắc, một làng giàu đẹp đẹp dòng sông.

  Thổ, Hà: Thủ vĩ cú đồng từ: (Hai chữ “Thổ và “Hà” được lặp lại 2 lần  ở đầu và cuối mỗi câu). Thổ Hà quê tôi ven bờ Sông Cầu là làng cổ với nghề gốm lâu đời, và cũng là làng Quan họ gốc. 

Cặp đối được tôi khắc gỗ sơn son thiếp vàng cung tiến năm 2012.

* Đón xuân sang gói bánh chưng xanh. Bàn tay khéo lá lành đùm lá rách.

   Mừng tết đến treo câu đối đỏ. Nét bút tinh chữ nghĩa quyện chữ tình.

* Tranh Đông Hồ sâu sắc nghĩa nhân văn bừng trên đất Đông Hồ muôn vẻ Tết.

Hội Quan họ mặn mà tình giao cảm vang khắp miền Quan họ vạn lời xuân.

Câu đối thơ:

* Như tia nắng sớm long lanh gọi

   Tựa ánh sao khuya lấp lánh cười

                                                  (Mắt ai)

* Thỏa tình các bố ngày hay tối

   Tràn miệng đàn con cạn lại đầy

                                             (Ấm pha trà)

Ngoài ra Nguyễn Đình Tự đã sưu tầm một số câu đối khó và độc đáo để đối lại  cùng với một số giai thoại xúc tích về câu đối in ở cuối tập sách, bạn đọc hẳn sẽ rất thú vị.

Ông cũng mạnh dạn trưng ra một số giải thưởng đã đạt được trong cuộc chơi chữ nghĩa này. Chứng tỏ người thực sự hết lòng với dòng văn mình yêu thích. 

Câu đối là thể loại văn học rất kén người đọc, song tin rằng sẽ có nhiều người yêu thích vì sự độc đáo về câu đối của Nguyễn Đình Tự./.

                                                                                                                                                                                                                                    HÀ VŨ