Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

GHÉP NHỮNG MẢNH ĐỜI NHÂN ĐỌC "TIẾNG ĐỘNG ĐÊM RỪNG VẦU" - TẬP TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HẢO
15:19 | 12/05/2021

Tôi biết Nguyễn Công Hảo từ khi anh còn ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh. Tôi thấy anh là người vui tính, hoạt ngôn và biết nhiều chuyện. Đến khi anh được điều về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh làm Phó Chủ tịch, chuẩn bị thay thế họa sỹ Nguyễn Văn Triền về hưu thì chúng tôi khá thân nhau. Chỉ dám nói là khá thân thôi vì tôi với anh tuổi tác chênh nhau quá xa, cương vị cũng khác nhau, lại ở hai bên bờ sông Đuống. Tuy vậy, những lúc trà dư tửu hậu cũng hay bộc bạch cho nhau những câu chuyện đời thường, những nghĩ suy về cuộc sống.

Có lần anh hỏi tôi:

- Liệu em viết văn có được không?

Lúc ấy tôi cũng đã ngà ngà say, chẳng cần ý tứ, trả lời vẻ hơi trịch thượng:

- Được quá đi chứ. Những chuyện mà chú kể, sắp xếp lại, bỏ bớt “chất tuyên giáo” thì còn hay gấp vạn những truyện đã in khác.

Anh im lặng. Tôi nghĩ là anh phật ý. Nhưng không. Một tuần sau, anh đưa tôi một truyện ngắn đầu tay. Tôi tủm tỉm cười, nghĩ bụng “Mấy bố Tuyên giáo chỉ giỏi về tuyên truyền chứ văn veo cái gì”, rồi cũng đọc nhưng với thái độ “Chả nhẽ…”

Đọc hết trang đầu, tôi giật mình vì một chi tiết thú vị, độc đáo. Một chiến sỹ giải phóng tha chết cho một tên lính ngụy trong một trận đánh mà đơn vị anh gần như bị xóa sổ, chỉ với một lý do đơn giản “dù sao mày cũng cùng dân tộc tao cả, cho mày sống để có ngày tự sám hối”  và người chiến sỹ ấy còn vứt cho gã “một bình tông còn ít nước và một phong lương khô”… Nhờ thế mà tên lính ngụy ấy đã sống. Và câu chuyện cũng diễn biến ly kỳ từ cái bình tông ấy. Tôi khoái quá, vỗ đùi bảo “Làm gì phải đi tìm “Nỗi buồn chiến tranh”. Bảo Ninh đây chứ đâu?” và chợt nghĩ cái tay Hảo này bao nhiêu năm làm Tuyên giáo mà lại viết khá sống động và uyển chuyển thế này? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đang hứng, lại đọc tiếp. Lại một chi tiết bất ngờ: “Một thương binh nặng, mê man bất tỉnh, không ăn uống được. Một phụ nữ còn rất trẻ, đang nuôi con nhỏ, đã không ngại ngùng cứu chữa cho người thương binh ấy bằng chính dòng sữa của mình, trong điều kiện không gạo, không thuốc, không có đường sữa... đến khi anh tỉnh lại…”

Tôi buông tập giấy ngồi thừ ra. Mình chiến đấu ở Lào, ở miền Nam, lại ra phía Bắc, cả chục năm trời, nay lại chục năm cầm bút mà sao không có được những chi tiết đậm tình người này của Nguyễn Công Hảo. Thì ra, đi nhiều, lăn lộn nhiều mà thiếu tư duy, quan sát, thiếu độ nhạy của người cầm bút thì không vẫn cứ là không…

Từ đó tôi gọi Nguyễn Công Hảo là nhà văn. Anh tếu táo đùa lại “Em chỉ mong được là “lều” là quý rồi. Phấn đấu là “nhà” mệt lắm!”.

Cách đây hơn một tuần, Nguyễn Công Hảo gửi Email cho tôi, bảo anh viết giùm lời giới thiệu cho tập truyện ngắn “Tiếng động đêm rừng vầu”. Tôi OK ngay.

“Tiếng động đêm rừng vầu” chỉ vẻn vẹn có mười hai truyện, thì đã có chín truyện tôi biên tập in ở tạp chí Người Kinh Bắc. Tôi biết anh còn khá nhiều truyện, kể cả một số đã in ở các tạp chí, nhưng không hiểu sao anh chỉ chọn có mười hai.

Mở đầu là truyện “Tiếng động đêm rừng vầu” kể về một chuyện tình rất đẹp, nhân văn và cao thượng xảy ra trong thời nếp nghĩ phong kiến còn ăn sâu, cắm rễ trong cách nghĩ của khá nhiều người, trong thời mà chữ “trinh” của người phụ nữ phải được giữ vuông thành sắc cạnh như chữ thánh hiền, như tư tưởng bất di bất dịch của đạo Khổng. Rồi đến truyện “Chiếc kẹp tóc hình lá dừa” tôi vừa đơn cử. Truyện “Cội nguồn vang vọng” kể chuyện công nghiệp về làng kéo theo đầy hệ lụy. Truyện “Lát cắt một phần tư” là chuyện tình đầy nước mắt của một cô gái đẹp mang cái tên Lệ Mây trong thời quá độ nhộn nhạo giữa cũ và mới, giữa tiêu cực và tích cực. Cũng như “Lát cắt một phần tư” các truyện “Cây trừng trị”, “Nỗi đau không đợi”, “Tình tài dễ mấy ai hay”, “Món quà số một”… cũng là những lát cắt vừa mừng, vừa tủi trong quá trình đổi mới. Đặc biệt truyện “Cây bàng bên bến sông” là câu chuyện kéo dài từ thời chiến tranh tới thời hòa bình, là nỗi đau của những người ra trận, là thực tế phũ phàng và bài học cho những người mất cảnh giác trước cái xấu, là câu chuyện buồn, rất buồn. Ngoài đời Nguyễn Công Hảo vui vẻ là vậy, năng động là vậy mà lại lượm lặt khắp xó xỉnh cuộc đời được nhiều những mảnh ghép đau buồn, bất hạnh đến thế. Đọc mà căm, mà giận cho thói đời đen bạc. Càng đọc càng bức xúc. Mô tả cái xấu, cái ác, người đọc càng bức xúc, càng căm tức, chứng tỏ sự thành công của bút pháp khi viết về cái ác, cái xấu. Trong tập truyện có một truyện khiến người ta quên hết nỗi buồn, sống lại một thời thơ trẻ, nghịch ngợm và táo bạo. Đấy là truyện ngắn “Con đường của gió”, vừa là quá khứ, vừa là tương lai, vừa tạo niềm tin, vừa khẳng định mình. Nó là nốt nhạc thăng hoa cao vút, là ánh dương của tiền đồ dân tộc. Cách thể hiện của truyện này cũng khác. Tác giả phân làm ba tiểu đoạn: Máy bay giấy gọi gió, Alô! Nghe rõ không và Cho nhắn vài lời qua gió. Nếu như tôi bảo rằng đây không phải là ba tiểu đoạn mà là ba giai đoạn (hay ba thời đoạn): quá khứ, hiện tại, vị lai thì các bạn nghĩ sao? Lại nữa, Nguyễn Công Hảo còn dụng công viết một truyện theo kiểu kiếm hiệp xưa, phá án nay. Truyện khá hay, ly kỳ và bất ngờ. Mô tuýp không mới nhưng là sự tìm tòi khá độc đáo…

Đọc xong tập truyện này, tôi buông sách, vừa mừng, vừa tiếc. Mừng vì Nguyễn Công Hảo đi nhiều, đã từng trải qua quân đội, đứng trên bục giảng và đứng trên diễn đàn. Anh quan sát giỏi, có tư duy sáng tạo. Anh đã rất thành công trong việc “ghép những mảnh đời” thật vào tác phẩm và cũng phải thừa nhận anh là người “bịa” giỏi. Thế nên người ta mới định nghĩa “Truyện ngắn là chuyện bịa như thật”. Mong anh tiếp tục “bịa”, bịa để có người phát ghen, có người ngây thơ cơm đùm, cơm nắm tìm về các địa danh “bịa” ấy để tìm sự thật.

Còn tiếc, có lẽ là vì căn bệnh nghề nghiệp của những người biên tập mà thôi. Tôi cứ tự hỏi sao Nguyễn Công Hảo gặp toàn những sỹ quan, những người chỉ huy kém bản lĩnh đến thế. Có gì đâu mà Toàn trong “Tiếng động đêm rừng vầu” phải tự sát? Với một cú lừa hai người đứng gần nhau, chưa trai trên gái dưới làm sao Quế đã bị khai trừ Đảng, đã phải bỏ đi mất tích đến nỗi dân làng tưởng là đã chết trong “Cây bàng bên bến sông?” Ít nhất phải có một cú “đà đao” hiểm hóc nữa của cha con thằng Mại, thì người sỹ quan quả cảm ấy mới có thể gục ngã. Còn nữa: Truyện “Góc hoàn lương” có thể là câu chuyện có thật ngoài đời nhưng bạn đọc có quyền nghi ngờ tính “như thật” của nó. Chỉ với một câu nói, một cái xỉa tay mà một kẻ đã mấy chục năm trượt dốc, đầy tội lỗi lại nhanh chóng hoàn lương thì… rất dễ để bị nghi ngờ. Bạn đọc có quyền ấy, các nhà văn phải có trách nhiệm tạo dựng niềm tin, nhất là niềm tin cho độc giả…

Tất nhiên cái xỉa tay ấy trong truyện là của một người đã vào sinh ra tử cứu “Kẻ trượt dốc” sống lại trong chiến tranh mấy chục năm về trước. Câu truyện này chắc chắn nằm trong tư tưởng ước muốn lấy cái đẹp dẹp cái xấu của các nhà văn nói chung và của Nguyễn Công Hảo nói riêng.

Dẫu sao thì “Tiếng động đêm rừng vầu” vẫn là tập truyện ngắn khá hay, rất đáng đọc. 

Xin chúc mừng nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

                                                                                                                                                                                                                           HOÀNG GIÁ