Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Chất trữ tình trong “Trầm tư đá” của Phạm Văn Nam
10:22 | 22/07/2022

Tự nhận mình là “Trầm tư đá” - “Hao hao dáng đá đứng ngồi/ Hom hem, khắc khổ, vụng về”, ẩn sau cái dáng vẻ rủ rỉ rù rì thoạt nhìn khá trầm ngâm, ít gây chú ý với người đối diện bởi vẻ bề ngoài thênh thếch cũ, râu tóc muối tiêu xù xì là một sự sắc sảo, lãng tử, hào hoa, đậm đà thi vị trong từng câu thơ của nhà thơ Phạm Văn Nam. 

Chẳng biết phải lòng thơ hay bập vào thơ tự bao giờ, mãi đến năm 2009, Phạm Văn Nam mới cho ra mắt tập thơ đầu đời Trầm tư đá, NXB Hội Nhà văn; tiếp đến năm 2015 là tuyển tập thơ Lắng khúc ru mình, NXB Hội Nhà văn; tập trường ca Men tình quan họ ra mắt năm 2017 và Thũng thẵng theo mùa xuất bản năm 2020. 

Phạm Văn Nam đã gọi miền thơ là miền yêu, dồn vào đó những ngôn ngữ biểu cảm, ngôn ngữ trữ tình; ở đầu tập thơ Trầm tư đá, bài Miền ta yêu ông viết: “Miền ta yêu/ Những giọt sương rơi vào đêm/ Gọi câu thơ nồng nàn tỉnh giấc/ Giục cánh ve mong manh thoát xác/ Râm ran đập cửa sang ngày/… Miền ta yêu/ Rạo rực ngất ngây/ Thơ rót ánh trăng trong kỳ ảo/ Khiến bông quỳnh run run cởi áo/… Cho mùa thơ khao khát sinh sôi/ Miền ta yêu/ Rực cháy nắng trời/ Ta lầm lũi đi giữa vùng sa mạc/ Cơn khát khô với mịt mờ gió cát/ Lời thơ xanh nhỏ xuống dọc con đường…” Ở Miền ta yêu có hoa cỏ thiên nhiên hòa hợp, có sa mạc mênh mông bão cát khô cằn, có cả dáng mẹ tảo tần “khom người vo gạo/ giọt bình minh vương vào vạt áo/ kẽ tay gầy lấp lánh những câu thơ”, cũng có khi miền yêu ấy là cả những dâu bể lạ lùng, là tháng năm rót nghiêng bình ly rượu mới, là cơn giông từ dĩ vãng nghiêng về, là sắc cầu vồng vũ trụ, là vành nón nhỏ nghiêng che, cũng từ hạt bụi hồng bé nhỏ để vun vào đời nơi ấy “miền thơ”. Những câu thơ đầy chất tình tứ, đậm đà men say của Lắng khúc ru mình, của Trầm tư đá, của Thũng thẵng theo mùa hay Men tình Quan họ ở Phạm Văn Nam.

Trong nghiệp thơ, mỗi người đều mong muốn, chú trọng đến giọng điệu riêng, nỗi niềm yêu quê hương đã truyền dẫn tác giả đến với những câu thơ chan chứa tình thân thuộc, về mẹ già, bát nước chè xanh quê mình. 

Dù viết về đề tài gì thì thơ của Phạm Văn Nam đều gắn với chất trữ tình, với “thơ” dựa trên nền tảng mĩ học cổ truyền. Trong thơ của Phạm Văn Nam cũng đôi khi mang tính “gây hấn” ví dụ ở bài Tìm ta nhận ra một cách thức đặt vấn đề vô cùng ấn tượng: “Nghe nói dọc đường đời/ Còn nhiều người tử tế/ Tôi cất công đi tìm/ Giọt sương buổi sớm bảo: - Người tử tế còn ở phía trước/ Ngọn gió ban chiều bảo: - Người tử tế đã ở phía sau/ Và bóng đêm thì thầm: - Người tử tế trong giấc mơ của bạn/ Giật mình nghe tiếng vọng: - Thế “Đấy” có phải người tử tế không?”. Một lối tự sự, hỏi không gian, hỏi thời gian để rồi trăn trở, biết tìm đâu ra người tử tế bây giờ, những băn khoăn ấy thật đa sầu đa cảm biết bao. Hay ở Biến tấu gió ta thấy: “Gió tung ra sự ngây thơ cuồng nhiệt của mình/ Bất chợt nổi – bất chợt chìm/ Cuốn hút dọc đường/ Dọc đường rơi vãi/ Cùng cát bụi vũ vần đùa giỡn/ Dám kéo mây che kín vòm trời/ Dám xua mây xem thăm thẳm bầu trời…”. Viết theo lối tự sự đi kèm những câu hỏi nghi vấn như một yếu tố cần thiết để liên kết nội dung câu chuyện, sự kiện hoặc để đặc tả làm nổi bật chủ thể đối tượng trữ tình trong tác phẩm cũng là một cách khai thác đề tài trong thơ của Phạm Văn Nam. Đó là sự khêu gợi và biểu hiện phẩm chất thi sĩ đặc biệt của tác giả, một nét trữ tình tự sự mang nhiều cung bậc của cảm xúc, của nhân vật, hoàn cảnh và tìm được bài học hay những nét khoái cảm trong nếm trải những tình huống tâm lý như những câu thơ trên. Còn ở Không hiểu, nhà thơ vẫn với lối tự sự đầy triết lý: “Có một cọng cỏ/ Đội trên đầu giọt sương/ thì thầm với tôi/ về bầu trời biển cả/ khốn nỗi những nơi ấy/ cỏ không có chỗ ở/ vậy đất là mênh mông nhất... Thế mà tôi/ sống trên đất như cỏ, nhỏ như cát/ từng bơi trên biển/ từng bay qua những vùng trời/ nhưng không hiểu nổi/ sóng gió là gì/ mặt trời trăng sao là gì/ cơn cớ về đâu?”, thực sự khi đọc những dòng thơ mang tính triết lý như này tôi tự hỏi điều gì đã làm nên chất thơ độc đáo đến vậy. Mọi sự so sánh nằm trong tầm nhận thức, hiểu biết của mỗi chúng ta. Ta thấy vòm trời rộng lớn bao la, thấy biển mênh mông vô tận nhưng vẫn nằm giới hạn ở phía chân trời, phía những bãi cát và sự lý giải của “cỏ, hạt cát” đều là những điều có lý, còn ta, ta thấy gì? Với cỏ thì đất mênh mông nhất, với cát bầu trời cũng chỉ là khung cửa mở ra là ngày, khép lại là đêm, còn với loài người sống trên trái đất, trên “mênh mông của cỏ”, dẫm chân trên cát - thứ có thể “ôm trọn biển” trong vòng tay thì tầm nhìn về trời - đất - biển lại vô cùng rộng lớn đến mức dường như chẳng có giới hạn. Thế nên “Không hiểu” lại chính là những hiểu biết và giới hạn của hiểu biết tựa như câu nói “những gì ta biết chỉ như một giọt nước, còn những điều ta chưa biết tựa cả một đại dương”.

 Ở bài thơ Không lời: “Lẳng lặng/ Người đàn bà đi tiễn cơn mưa/ Tóc xõa vai mềm chở nắng/ Những ánh chuồn phiêu du miền nước lặng/ Bến sông một chuyến đò đầy/ Lẳng lặng/ Người đàn ông mải bắt một màu mây/ Bỏ hóa cánh đồng hạn hán/ Heo hút tiếng chim ráng chiều chạng vạng/ Hoe hoe sắc cỏ ơi hời/ Người tìm mặt trăng người đợi mặt trời/ Đường khát vọng mơ hồ gió thổi/ Lẳng lặng/ Những bóng hình đắm đuối/ Du dương một khoảng không lời”. Dường như nỗi niềm của người đàn bà, người đàn ông cứ chất chứa chẳng bao giờ hết để rồi “người tìm mặt trăng”, kẻ “đợi mặt trời” và thế khoảng cách xa vời bày biện ra trước mắt, mục đích theo đuổi của mỗi giới lại khác nhau kẻ “tiễn cơn mưa, tóc mềm chở nắng” người thì “mải bắt một màu mây”; tại sao có sẵn “sắc cỏ” ở bến sông rồi vẫn còn mải mê đuổi bướm bắt chim mà không trân trọng những thứ mình đang có và sẽ có? Đó cũng là đặc tính cơ bản về sự khác biệt, đối lập ở người phụ nữ và đàn ông, ai cũng nhìn thấy được nhưng chỉ đến khi đọc những vần thơ của “Không lời” ta mới giật mình thấm thía hơn về cái “khoảng không lời” ấy mà thôi. Như vòng lặp của âm dương, tuy đối lập nhưng vẫn luôn gắn bó với nhau chẳng tách rời mới tạo nên sự viên mãn tròn đầy giống như tạo hóa đã tạo nên đàn ông và phụ nữ.  Không cần lên gân, không cần hô hoán nhưng sức gây hấn từ chính những câu thơ thấm đẫm men tình của Phạm Văn Nam vẫn đủ sức lan tỏa những trăn trở, bâng khuâng, những kìm nén, thắc mắc hay hoài nghi được gieo trên từng trang viết mà gọi ra những khao khát, khám phá tìm tòi cái chân thiện mỹ trong cõi nhân sinh đó chăng?

Vẫn là lối tự sự mà như ướp men tình, trong Khúc giao mùa ta thấy một chàng thi sĩ đa tình, đa sầu đa cảm: “Dốc chiều lửng gió nhiêu khê/ Nắng tưng tửng nắng, mây dề dà mây/ Âm dương nóng lạnh vơi đầy/ Biết đâu ai với cỏ cây nổi chìm/ Lắng vào trầm tích lặng im/ Âm i đá hát nỗi niềm phù du/ Nhân gian dọc lối sương mù/ Thoắt không, chợt có, thực hư, dị thường/ Ta đi ngược gió dò đường/ Tìm câu hát ủ sắc hương mùa màng/ Nghe lòng tăn tẳn mang mang/ Núi sông rạo rực tình tang trở mùa”. Với tôi, có thể chưa được tiếp cận quá nhiều tác phẩm của các thi nhân khác nhưng khi đến với những câu thơ đầy đối lập của thi sĩ Phạm Văn Nam lại thấy thán phục sự tài tình trong việc nhả chữ ươm thơ của ông, mỗi câu chữ là lắng đọng vô vàn hình ảnh mà ở đó “có - không”, hiện thực và kỳ ảo vẫn luôn hiện hữu. Và ta thấy gì trong những câu thơ trữ tình ấy? Một hoàng hôn đầy nắng, đầy gió lộng và mây bay, một thiên nhiên hiền hòa nhưng tiềm ẩn bao dữ dội, một nhân gian đầy thế thái, núi sông hùng vĩ hay đơn giản là một câu hát, một hương sắc mùa màng. Đến với những câu thơ ở Tản mạn trước đèn nhà thơ viết: “Thời gian cứ chảy xuôi/ Bao vui buồn đọng lại/ Lòng ta như bờ bãi/ Nhận để rồi sinh sôi… Với không gian, thời gian/ Trăm năm như chốc lát/ Ta vay gì trước mặt/ Ta trả gì sau lưng?/… Rồi lặng lẽ trước đèn/ Ta khơi dòng tản mạn”. Có quá nhiều chất chứa, tâm sự trong những dòng tản mạn trên trang viết ấy nhưng như tác giả đã nói “nhận để rồi sinh sôi”, những câu tự vấn không lời đáp thốt ra từ cõi lòng để mà chênh chao, hụt hẫng rồi khát khao mong đợi và lại chấp nhận như một gã thi nhân khờ khạo mượn nắng lửa mưa giông, mượn bờ bãi, suối sông và biển cả, mượn đất trời để quy chiếu tình yêu của mình luôn nồng nàn với thơ, với đời. Tình yêu ấy cứ lặng thầm dâng hiến, vẫn long lanh, lấp lánh, vẫn chảy tràn những cung bậc của sắc màu, của yêu thương và sáng tạo thi ca.

Tình yêu với thơ như một thứ bùa ngải lôi kéo Phạm Văn Nam đắm chìm trong những câu thơ đậm men tình, như người giữ ngọn hải đăng thắp sáng ngọn đèn dẫn lối chất trữ tình trong chính thơ ông tựa như một người thắp lên những mẩu thơ tình thi vị. Sắc màu trong thơ Phạm Văn Nam là thứ sắc màu chân thật với bản ngã, chẳng chút nào mà không dành nổi chút thiên vị cho những câu thơ tình của Phạm Văn Nam bởi sự riêng biệt trong tứ thơ, ngôn ngữ và hình ảnh thơ cũng như cách kể chuyện bằng thơ của ông. “Tôi kính ngưỡng những mối tình quan họ/ Yêu kiệt cùng mà trong sáng thiêng liêng”, xin mượn những câu thơ trong tập trường ca Men tình Quan họ của nhà thơ để thay lời kết nói nên nỗi niềm về tình cảm sâu sắc với thơ, với quê hương đất nước của riêng ông “yêu đến kiệt cùng mà trong sáng thiêng liêng”./.

 
 
 
                                                                                                                                                                                                            THU NGA