Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

BÓNG XƯA BẢNG LẢNG MỘT TIỂU THUYẾT ĐÍCH THỰC
15:38 | 23/09/2021

Hoàng Giá là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, cho đến nay anh đã sở hữu 11 ấn phẩm, chủ yếu là tiểu thuyết, thơ, khảo luận, có cuốn được giải thưởng cấp Trung ương. Anh vừa cho ra mắt tập tiểu thuyết Bóng xưa bảng lảng (hai tập) khá dày dặn. Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả không chỉ vẽ lên bức tranh khái quát về xã hội Việt Nam trong giai đoạn quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất đất nước mà còn tái hiện lại bức tranh đa màu sắc của cuộc Tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968 ở chiến trường Liên khu 5. Đây là một tác phẩm có tư tưởng và nghệ thuật cao. 

Lật giở từng trang cuốn tiểu thuyết, ta thấy dường như tác giả chủ yếu nói về Gã, nhân vật chính, từ một người lính nghĩa vụ trở thành một chiến sĩ đặc công, tình báo xuất sắc có mối liên hệ với các nhân vật ở cả hai phía địch, ta trong tiểu thuyết. Chuyện bắt đầu từ khi Gã nhập ngũ ở miền Bắc, tham gia chiến dịch tết Mậu Thân 1968 ở khu 5, bị thương, ra Bắc, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, làm quản giáo sĩ quan Ngụy và nhiều chức vụ khác hữu danh vô thực vì bị nghi kỵ về lòng trung thành thời gian đi B. Sau hơn hai mươi năm trong quân đội, Gã được về mất sức với sự cầu khẩn thiết tha và cấp trên đành chấp nhận, Gã có quân hàm đại úy. Trở về quê hương, Gã vẫn có nhiều đóng góp và ở tuổi gần bốn mươi Gã lấy vợ, cô gái làng trẻ trung, đẻ liền tù tì cho Gã ba “con vịt giời”, hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. 

Tiểu thuyết có 11 chương, Gã có mặt ở tất cả các chương ấy với những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Những việc “thắt nút”, “mở nút”, những mâu thuẫn, gay cấn ở mỗi chương, bao giờ cũng có Gã tham gia, thiếu Gã là không xong, Gã là nhân vật “đinh”, còn những nhân vật trong hệ thống chính trị, sĩ quan quân đội, văn công, bác sĩ, kẻ phản bội, tỉnh trưởng Ngụy… chỉ là những người tạo nên chất xúc tác để giải quyết vấn đề. Đó là một sự sắp đặt, bố trí nhân vật khôn khéo của tác giả, không phải người viết tiểu thuyết nào cũng làm được.

Chương 5, 6 là hai chương hay nhất. Ở đây, tác giả đã làm sống lại cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân  - 1968 ác liệt ở liên khu 5 bằng hình ảnh, chân dung  những nhân vật của cả phía ta và địch, nhất là Gã. Sự dũng cảm và yếu hèn, trung thành và phản bội, chính nghĩa và phi nghĩa, chung thủy và bội ước… đều được đem ra thử thách. Gã cũng như vậy. Một lần hoạt động công khai, Gã là tình báo viên của ta, đóng vai thư ký của Giám đốc Công ty, đồng thời là thủ trưởng của Gã. Hai người cùng một số nhân viên công ty từ Nha Trang lên Đà Lạt ký hợp đồng quân sự, bị địch đón đánh do gián điệp địch cài trong nội bộ ta báo. Tất cả mọi người trong đoàn đều bị địch bắt, trừ Gã. Gã trốn được do nhanh trí, liều lĩnh lăn xuống vực sâu, rất nguy hiểm, tỉ lệ sống chỉ là 1/10 nhưng rất may Gã không chết, dường như có Tổ phụ của dòng họ Hoàng phù hộ cho Gã, mỗi khi vượt qua được những khó khăn, nguy hiểm lớn trong cuộc sống gã đều nghĩ như vậy. Về đến đơn vị, Gã tưởng được khen, nào ngờ lại bị truy vấn, tại sao chỉ một mình sống. Gã bị nghi là nội gián, bị kỉ luật nặng, cách ly khỏi đồng đội. Sau một thời gian điều tra kỹ lưỡng bởi An ninh Chính trị thì kết luận Gã vô tội. Gã còn bị án giam quản thúc ba tháng một lần nữa vì tội một mình sống sót trong trận đánh vào Dinh tỉnh trưởng, khi cả đơn vị hy sinh. Cấp trên hỏi tại sao như vậy. Gã phải là người của địch thì mới không bị giết. Gã giải thích rằng, hắn suy luận Dinh tỉnh trưởng phải có đường cống thoát nước, cứ theo đường ấy đến cuối cùng thì lên được mặt đất. Gã đã làm như thế và thoát chết nhưng cấp trên  không tin, hắn vẫn bị kỷ luật.

Khi viết tiểu thuyết này, Hoàng Giá đã đi sâu vào tâm lý các nhân vật, tạo cho phần hồn của họ có cốt cách riêng với bút pháp điêu luyện, văn phong sáng sủa, sinh động đôi khi mang tính Liêu Trai. Điều này đã nâng tầm tác phẩm của tác giả lên một bậc. Mặt khác, tác giả dẫn dắt câu chuyện với nhiều đứt quãng một cách có ý thức, người đọc phải ghép nối để  hiểu được thực chất vấn đề. Cách viết này có ưu điểm là tạo hứng thú cho người đọc ở tất cả các chương. Điều đặc biệt ở tác phẩm này là tác giả đã xây dựng thành công nhân vật không có tên, mà chỉ được gọi bằng một đại từ phiếm chỉ là “Gã” đa tài, đa tình, dí dỏm, dũng cảm, trung thành, thông minh, yêu đất nước, quê hương, vợ con, bị oan khuất và chật vật khi vào Đảng. Cách đặt tên cho “Gã” mang tính độc đáo, khái quát cao, dường như Gã là đại diện cho cả một lứa tuổi thanh niên. Đồng thời, qua nhân vật “Gã”, tác giả muốn gián tiếp phản ánh sự trưởng thành của thế hệ  trẻ trong bão táp chiến tranh. 

Những chương đầu tiên được tác giả viết với bút pháp trẻ trung phản ánh rõ nét trạng thái tâm lý của lứa bộ đội trẻ đi lính nghĩa vụ cùng với những cô gái Thái vùng Tây Bắc nhiệt tình xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ Tổ quốc. Sự bố trí các nhân vật ở các chương được tác giả tính toán chu đáo với các tình tiết bất ngờ khiến cho người đọc phải chú ý theo dõi. Sự kiện, chi tiết của chương trước được lý giải và trở thành kết quả ở những chương tiếp theo. Chẳng hạn ở chương 3, Ành - một cô gái Thái hút hồn Gã nhưng tình yêu của họ bị hiểu lầm, Gã  đi B, sau vài năm biệt tin, Ành xin vào chiến trường tìm Gã, có người bảo Gã đã hy sinh, Ành không tin, quyết tìm bằng được, cuối cùng họ đã gặp nhau, được cấp trên cho làm đám cưới. Sau đó không lâu, đạn của kẻ thù đã bắn chết cô dâu. Gã ôm mộ vợ khóc cho đến sáng trước khi lên đường chiến đấu. Sự kiện này xảy ra ở chương 6.

Tác giả sử dụng một số xảo thuật, xảo ngôn “đánh lừa” độc giả. Sau đây là một minh chứng. Tại một làng quê nơi đơn vị đóng quân, Hà - cô gái thôn quê chửa hoang, gia đình và xóm làng quy tội cho Gã, Chính ủy biết Gã vô can, nhưng chưa tìm được cách minh oan. Chỉ khi y sĩ đơn vị cùng hắn “tắm tiên” ở sông, thấy quy đầu của hắn chưa mở, hắn mới được minh oan. Cách xây dựng nhân vật hay như thế này chỉ thấy có ở tiểu thuyết của Hoàng Giá.

Tác giả có cuộc sống thực tế da dạng, phong phú cùng với sự trải nghiệm, quan sát tinh tế, đã tạo nên các nhân vật sắc nét, đa chiều. Gã là một điển hình. Gã sinh trưởng trong dòng họ Hoàng có truyền thống khoa bảng, làm lính đặc công với sự thông minh vượt trội, Gã đã vượt qua được những tình huống cực kỳ nguy hiểm nhưng lại bị nghi ngờ là phản động, bị quản thúc. Mặc dù vậy, Gã vẫn giữ được lòng kiên trung với chế độ, xứng đáng với truyền thống tổ tiên. Ở chương đầu, tác giả đã khéo lồng đôi nét về chuyện họ Hoàng của Gã có những người đỗ Tiến sĩ, Trạng nguyên dưới thời Lê - Trịnh rồi đã tham gia khởi nghĩa chống lại những kẻ thống trị phản dân, hại nước. Đó là truyền thống yêu chính nghĩa, kính dân của dòng họ Hoàng mà Tổ phụ vẫn thường xuyên hiện về bằng xương, bằng thịt dùng để khích lệ con cháu, đầu đề tiểu thuyết là “Bóng xưa bảng lảng” có xuất xứ như vậy.

Về ngôn ngữ của tiểu thuyết, tác giả sử dụng ngôn ngữ đất Kinh Bắc, đồng bằng Bắc Bộ trong diễn giải cũng như hội thoại.Tác giả hiểu sâu ngôn ngữ của vùng này, nên đã sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn, tạo hiệu ứng cao:

“Kham! Kham! Dậy đi! Đối phương tấn công. Ra công sự mau! Kham vẫn chưa tỉnh hẳn, ú ớ bảo: - Bọn chúng nó dọa thế thôi, chứ bố bảo… Kham chưa dứt lời thì một loạt 130 ly nổ cách ngôi nhà vài chục mét, mảnh bay rào rào. Lúc đó cu cậu mới bật dậy vơ vội súng, bảo: Làm gì có công sự. Anh theo em. Gã chạy theo Kham. Vừa nhảy vào hành lang thì một loạt đạn bắn trúng ngôi nhà ngủ. Thật. Hú vía”.

Tác giả viết về tình cảm vợ chồng cũng rất dí dỏm. Đây là đoạn nói về việc Gã trở về đơn vị sau đợt nghỉ Tết:

“Mùng 6 Tết, là ngày cuối cùng Gã được ở nhà. Ngày mai, Gã phải có mặt ở Quân khu 1. Ngày mai là mùng 7. Vợ gã bảo:

- Các cụ dặn: Chớ đi ngày Bảy, chớ về ngày Ba. Anh đi em lo lắm. Gã đùa: - Hay là anh đi ngay đêm nay cho được ngày tốt. Lê vùi mặt vào ngực gã, ấm ức khóc. Gã lại phải dỗ dành: - Nín đi. Ai lại đã làm mẹ của bốn đứa con rồi mà lúc nào cũng khóc nhè. Vả lại, ngày mai là Tết khai hạ sao có thể là ngày xấu. Em yên tâm đi”. 

Hoàng Giá là một nhà văn vốn sống phong phú, từng trải nhiều, kiến văn rộng, khắc họa nhân vật theo kiểu chấm phá, tạo nhiều tình huống bất ngờ hợp lý, khiến cho câu chuyện lôi cuốn người đọc. Bóng xưa bảng lảng là một tiểu thuyết lạ về cách viết, đặc sắc về nội dung, tư tưởng, đem lại cho người đọc những cảm xúc đa chiều về thế sự, nhân tình trong chiến tranh và hòa bình./.

                                                                                                                                                                                                                NGUYỄN TIẾN LỘC