Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

VỰC DUỆ ĐÔNG "ĐẢO TỔ CUỐC" TRÊN SÔNG TIÊU TƯƠNG CỔ
15:01 | 06/12/2021

Dòng Tiêu Tương cổ vượt qua vực Đình Bầu cắt đường quốc lộ 1A (cũ) ở địa phận thôn Lộ Bao, lao sang vào thôn Duệ Đông, chảy qua khoảng 1/3 thôn Duệ Đông như hiện nay thì có một cái vực (tương truyền vực nhỏ nhưng rất sâu). Tại đây đã là chân núi Hồng Vân (núi Lim) khoảng gần 500 mét về phía Tây.


Thủy đình Đền Đô, tương truyền được xây dựng trên dấu vết dòng Tiêu Tương.

Khu vực này hiện nay có địa danh là Ao Sông Lớn, nhân dân còn xây bảo quản nơi vực (xưa) một cái giếng giữa lòng sông có tên gọi là Giếng Ao Sông Lớn. Truyền kể chính nơi Ao Sông Lớn (xa xưa) có một cái vực và có một hòn đảo nổi gọi là “Đảo Tổ Cuốc”.

Theo cuốn lịch sử xã Nội Duệ xuất bản năm 1992, tổng Nội Duệ có 6 xã, phường thì Duệ Đông có tên hành chính là Giáo Phường Tiên Du (Phường hát của đình huyện Tiên Du) nhưng đơn vị hành chính ngang với một xã. Song đến thời Nguyễn, tổng Nội Duệ có 10 xã thì Duệ Đông gọi là xã Duệ Đông, nay Duệ Đông là đơn vị thôn thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du.

Duệ Đông có 3 cụm dân nhỏ ở cả hai bờ sông Tiêu Tương. Thời điểm năm 1938 cả thôn có 5 xóm: Vĩnh Linh, Trù Đông, Trù Đoài, Phúc Đàm và Đông Bình. Thời gian sau đó và đến tận bây giờ Duệ Đông gọn lại còn 3 xóm - xóm Bắc Hợp (tả sông), xóm Phúc Đàm và xóm Long Bình (hữu sông).

Từ khi làng có tên là Duệ Đông, các cụ cao niên trong làng kể: Tuy là một làng nhưng cách sinh sống, tục lệ lại khác nhau. Cách nay ngoài 80 năm trở về trước “bờ cách bờ” không có lối sang nhau, không có bến thuyền, bến đậu nhất định nào đó để đi sang nhau bằng thuyền, trai gái hai bên cũng ít lấy nhau. Trong dân gian còn lưu một câu khá oan trái rằng: Cùng làng chẳng bén duyên nhau/ Dòng Tương chia nửa nỗi đau nhân tình.

Sông phần lớn do thiên nhiên tạo hóa. Nhưng để biết tuổi của từng con sông thì thật khó (ngoài sông đào), sông Tiêu Tương đến nay chỉ còn trong ký ức.  

Đầm Loa Hồ, vốn tương truyền là phát tích của sông Tiêu Tương cạn dòng

“để lộc” cho dân Phù Lưu là đoạn phình rộng nhất của dòng Tiêu Tương.

Tại Duệ Đông “Vực Ao Sông Lớn”... “Đảo Tổ Cuốc” ở đoạn trên, “Giếng Ao Tròn” ở đoạn dưới, có hai câu truyện dân gian khác nhau. Đoạn trên thì nói về một cảnh thiên tạo, vẽ một bức tranh thiên nhiên kỳ thú “Bồng Đảo”. “Đảo Tổ Cuốc”... một hình ảnh “tương sinh”, còn đoạn dưới “Giếng Ao Tròn” câu truyền thần bí mang tính thần thánh hóa, ma quỷ... một hình ảnh “kỳ tử”.

Truyền kể, “Vực Ao Sông Lớn”. Tại đây có một cái vực rất sâu, đứng trên bờ nhìn ra giữa dòng thì thấy nước chảy xuôi nhưng sóng thì cuộn đạp lại. Thì ra miệng vực là cả một vầng đá rất lớn (có lẽ vùng này đã là chân núi Lim phía Tây). Miệng của vầng đá tạo nên hình hàm ếch, vì thế nước chảy xuôi vào hàm ếch nhưng không có lối ra đành chảy lộn lại rồi thúc xuống gầm đất, tạo thành một cái vực rất sâu. Một phần nước rất lớn “tòe” ra hàm ếch rồi chảy (cuộn) đã nhào lộn đất đá, phù sa, cây que, rêu tảo sang bên cạnh. Lâu ngày được bồi đắp tự nhiên tạo thành một đảo nổi. Một trái núi “mi ni” thiên tạo hình dáng như hai “bồng đảo” của người phụ nữ - có hình lõm ở giữa, hai quả núi hai bên, có “núm” mọc đầy rêu xanh, phần bên ngoài cây cỏ, dây leo bám nhau chằng chịt. Rồi từ đó các họ nhà cò, vạc, chim các loại trong đó có nhiều là chim Đỗ Quyên dân gian gọi là chim Cuốc, chúng làm tổ và sinh sản rất nhiều, nên dân gọi là “Đảo Tổ Cuốc”. Hình ảnh tự nhiên do trời đất tạo hóa, thực sự là một bức tranh thủy mạc hiếm có trên dòng Tương Giang. Đảo Tổ Cuốc còn tồn tại đến thời hậu Lê thế kỷ thứ XV do dòng Tiêu Tương không được nạo vét và đứt dòng. Thực sự cảnh này bị mất hết vào thời Nguyễn thế kỷ thứ XIX, lúc này dân đã san lấp dòng sông, làm nhà cửa.

Truyền thuyết về  Giếng Ao Tròn

Theo địa danh Giếng Ao Tròn là danh từ gọi gần đây, bởi khi xây Giếng Tròn ở giữa sông như hiện nay mới gọi là Giếng Ao Tròn. Địa danh này (xa xưa) bên bờ Tiêu Tương (tả ngạn) có một cái giếng được xây bằng đá ong miệng tròn, sâu, gần giếng có một cái miếu (bệ thờ lộ thiên). Người ta truyền miệng nhau giếng này rất linh thiêng. Truyền kể, một hôm có khách người Tầu (chú Tầu) đến gần giếng, cứ loanh quanh như tìm một cái gì đó, rồi đột ngột bị cảm nặng, đành vào một nhà cạnh đó để nương nhờ. Chủ nhà thấy vậy thương xót, nấu cháo, đánh gió trị cảm lo cho ăn ngủ, chăm sóc tận tình chu đáo. Một hồi lâu khi thấy sức khỏe đã khá hơn, song cảm thấy vận hạn khó qua khỏi, chú Tầu nọ thở dài, buột miệng nói với gia đình:

- Ở đây... ông ta chỉ tay ra phía giếng rồi nói “có vàng”, song tôi chưa thể lấy được, nhờ gia đình lấy giúp “tôi sẽ hậu tạ” và dặn tiếp, về ban đêm, vào lúc có trăng sáng, khi bóng trăng lọt vào lòng giếng, thì sẽ đọc câu thần chú. Anh ta ra hiệu cho chủ nhà lại gần và nói nhỏ. Đọc xong... nếu thấy vật gì nổi lên là “chém”.

Đúng là vậy, khi đứng gần giếng nhìn xuống thấy bóng trăng lọt vào trong lòng giếng, ông chủ nhà đọc câu thần chú lần một... ngay lập tức thấy một hài nhi nổi lên đạp chân dưới nước. Ông chủ trong tay đã cầm sẵn một con dao mác cán dài... ông không thể có can đảm “chém được”. Rồi đứa bé lại lặn mất. Lần hai rồi lần ba sự việc đều như thế. Ông chủ nhà không chém và đem dao về nhà cất. “Số không lấy được của” mà nhân đắc mới là “của” để lại cho đời sau. Từ đó chỗ này mọc lên một cái miếu thờ rất linh thiêng, nên ít người dám qua lại, rồi trở thành một vạt cây rậm rạp, ai đi đến đó đều rợn gai ốc.

Truyền kể mang tính hoang đường như vậy. Đến hiện nay, ngay những người cao tuổi tại Duệ Đông, không biết và cũng không hiểu... tại sao? Trước đây, là một làng nhưng trai gái hai bên ít lấy nhau. Phải chăng dòng Tiêu Tương chảy qua Duệ Đông, dòng sông có nhiều vực, xoáy, địa thế đi lại nguy hiểm, hoặc có một sự cố gì trong các mối lương duyên để sự thể có những sự éo le như vậy.

Sông Thiên Đức trước chùa Báo Ân - nơi một nhánh dòng Tiêu Tương đổ ra.

Cách đây trên 70 năm, làng mới đắp một con đường chính giữa làng nối hai bên với nhau, nay đã đổ bê tông (giữa) gianh giới Ao Sông Lớn và Giếng Ao Tròn.

Dòng Tiêu Tương xưa chảy suốt làng Duệ Đông hay Tây Bắc - Nam Đông lượn sát chân núi Hồng Vân (núi Lim), là một làng Quan họ (cổ). Mọi người khắp cả nước mỗi khi về với Hội Lim, chắc không thể quên những trai tài gái sắc - anh Hai chị Ba hát Quan họ trên thuyền đoạn sông Tiêu Tương xưa./. 

                                                                                                                                                                                             DƯƠNG MẠNH NGHĨA