Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

MỘT SỐ VĂN BIA DO NGUYỄN CAO SOẠN VÀ NHUẬN SẮC
11:11 | 05/02/2024

Nguyễn Cao (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Cao) sinh năm Đinh Dậu (1837) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, khoa bảng tại làng Cách Bi, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Cách Bi, thị xã Quế Võ).

Năm 31 tuổi Nguyễn Cao tham dự kỳ thi Hương và đỗ Giải nguyên khoa Đinh Mão (1867) dưới đời vua Tự Đức. Ông là một danh tướng nhà Nguyễn kiên quyết chống thực dân Pháp tới cùng quyết không đầu hàng bọn bè lũ thực dân. Nguyễn Cao lãnh đạo nghĩa quân chống lại quyết liệt quân Pháp tấn công vào Hà Nội, Bắc Ninh vào các năm 1873, 1882, 1883. Ngày 27 tháng 3 năm 1887, tại một trận đánh ở làng Kim Giang (Hà Nội) ông bị quân Pháp bắt. Đối phương dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, nhưng đều bị Nguyễn Cao cự tuyệt. Để giữ tròn khí tiết, ông đã tự rạch bụng, moi ruột, hỏi đối phương: “Ruột gan tao đây, bay xem có khúc nào phản thì bảo”. Biết không thể dụ hàng được, ngày 14 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), quân Pháp đã đem Nguyễn Cao ra chém đầu tại vườn Dừa (gần Hồ Gươm, Hà Nội), lúc ấy ông mới 50 tuổi.

Sinh thời, Nguyễn Cao làm thơ để tỏ rõ chí khí của người quân tử, hiện còn lưu truyền lại một số bài, như: “Khấp ái bộc” (Khóc chú giúp việc thân yêu), “Văn Hà Nội chế đài Hoàng Diệu ai tín” (Nghe tin Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu mất), “Trách dụ xuất thú” (Trách kẻ dụ ra đầu thú)... đặc biệt là bài “Tự phận ca” gồm 58 câu thơ chữ Hán, đó là thiên bi hùng ca viết cho người nằm xuống, là tiếng hát ruột gan của kẻ sĩ chí trai cuối thế kỷ XIX được cất lên giữa khói lửa chập chùng. Trong đó thân phận con người nhập một với ơn nhà nợ nước. Ngoài ra, Nguyễn Cao còn được nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mời soạn hoặc nhuận sắc văn bia. Hiện nay, chúng tôi đã sưu tầm được 6 văn bia, thông qua phần lạc khoản cho biết số văn bia do Giải nguyên Nguyễn Cao trực tiếp soạn là 5 tấm, văn bia do ông nhuận sắc là 1 tấm. Thời gian Nguyễn Cao được mời soạn hoặc nhuận sắc chủ yếu là từ năm 1876 đến năm 1885 tức là sau khi ông đã thi đỗ Giải nguyên và thời kỳ làm quan cho nhà Nguyễn, nội dung cụ thể các văn bia như sau:

- Văn bia “Ký kỵ bi” dựng ở đình khu phố Cách Bi (phường Cách Bi, thị xã Quế Võ), kích thước cao 77cm, rộng 47cm, dầy 12cm khắc ngày 25, tháng Giêng năm Tự Đức 29 (1876). Nội dung chính ghi chép việc gửi giỗ hậu vào đình: “… năm Tự Đức 25 (1872) ấp ta bàn việc sửa sang tòa hữu vu của đình thì gặp khó khăn về kinh phí. Nhân đó cựu Hương lão Tư văn hội Nguyễn Quý công tự Trung Hòa, cùng với bà vợ cả là Nguyễn Thế thị đã bỏ ra 170 quan tiền giúp cho công việc được hoàn thành, cùng đó đem mẫu ruộng cho bản ấp lấy đó làm ruộng gửi giỗ…”. 

- Văn bia “Đồng Nhân tự bi ký” dựng tại chùa Đồng Nhân (khu 3, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh), kích thước cao 135cm, rộng 65cm, dầy 15cm khắc ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức 35 (1882), nội dung chính ghi chép về việc xây dựng chùa Đồng Nhân: “…vào tháng Giêng năm Tự Đức 28 (1875) tại nhà tỉnh đường gồm các vị họ Lê, họ Phan cung kính tuân theo minh chỉ (chỉ dụ của vua Tự Đức) bèn bàn bạc đưa mộ các vị nghĩa sĩ về ở sườn bên trái núi lại xây dựng thêm 1 tòa nhà làm nơi thờ phật cũng như các vị nghĩa sĩ… bèn quyên góp tiền thập phương trợ giúp xây dựng sửa chữa từ tòa nhà cũ chuyển sang mới. Bắt đầu khởi công từ ngày, tháng 2, năm Tự Đức 30 (1877) đến ngày, tháng 11 đã xong xuôi mọi việc chi phí hết tới hơn 5 nghìn, gồm các tòa tam bảo, tiền đường, phật tượng…”

- Văn bia “Từ vũ bi ký” dựng tại chùa làng Quế Ổ, xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ, kích thước cao 1,54m, rộng 80cm, dầy 20cm khắc ngày 25 tháng 11 niên hiệu Tự Đức 35 (1882). Lòng bia 2 mặt khắc chữ Hán thể chân phương, nét chữ sâu còn khá rõ ràng. Trên trán bia hai mặt đều trang trí hoa văn đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, diềm bia xung quanh chạm dây lá và cánh sen cách điệu. Nội dung phần đầu nói về việc xây dựng Từ vũ tổng Đại Toán, huyện Quế Dương, phần sau nói về các điều lệ quy định việc tế lễ vào dịp Xuân, Thu nhị kỳ tại Từ vũ.

- Văn bia “Hậu thần bi ký” dựng tại đình làng Lam Cầu (xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành), kích thước cao 65cm, rộng 37cm, dầy 13cm khắc vào mùa thu năm Ất Dậu, niên hiệu Vua Hàm Nghi (1885). Nội dung chính ghi chép việc hậu thần vào đình làng: “… vị Lý phủ giữ chức Giáo thụ phủ Thuận Thành vì công việc chung đã bỏ ra tài sản riêng của nhà đem cho thôn Lam Cầu sửa sang đình vũ, công việc chung thiếu thốn bèn bỏ ra 300 quan tiền trợ giúp thêm phí tổn dùng vào việc sửa chữa đình… Ông lại bỏ ra thêm 800 quan tiền cùng ruộng đất để cúng lễ vào ngày giỗ các đấng sinh thành tại đình làng…” 

- Văn bia “Bản chi hậu kỵ bi ký” dựng tại nhà thờ chi Ất họ Lê Doãn, thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, kích thước cao 93cm, rộng 55cm, dầy 14cm khắc vào trung tuần, tháng 7, năm Ất Dậu, niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên [1885]. Nội dung chính ghi chép việc giỗ hậu vào nhà thờ Bản chi: “… việc tế lễ tại từ đường là điển tế của tiên tộc, các đời sau đều phải giữ lễ với đấng sinh thành vậy. Sao lại không sùng kính báo đáp? Nay họ Lê có 3 chi Giáp, Ất, Bính, chi kể đây thuộc chi Ất vậy. Hai chi Giáp, Ất đều có các vị đỗ khoa bảng hiện đang được thờ phụng tại từ đường…” 

- Văn bia “Hậu kỵ bi ký” dựng tại nhà thờ chi Giáp họ Lê Doãn, kích thước cao 95cm, rộng 53,5cm, dầy 12cm. Bia do Nguyễn Cao nhuận sắc (đọc duyệt) dựng khắc vào trung tuần tháng 7, năm Ất Dậu, niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên [1885]. Nội dung chính ghi chép việc gửi giỗ hậu vào nhà thờ: “… Ông Hòe trạch công chi Giáp [cháu tằng tôn cụ thủy tổ chi Giáp đỗ Tú tài, làm quan chức Hải Dương Thông phán]… cùng ông Lý Phủ [húy Điều], [cháu tằng tôn thủy tổ chi Ất đỗ Cử nhân giữ chức bản phủ Giáo thụ] người chi Ất chi vậy. Ông là con cụ tổ khảo Ất chi thủy tổ Tiến sĩ thứ công… cùng tra tìm các vị tổ khảo bị mai một tên hiệu đưa về cung kính thờ phụng tại từ đường, nay khắc vào bia đá nhân thêm việc nghĩa khuyến khích đạo hiếu…”.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của hệ thống văn bia do Nguyễn Cao soạn và nhuận sắc là một trong những việc làm thiết thực góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các tư liệu văn từ Hán Nôm hiện còn trong các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Đối với Giải nguyên Nguyễn Cao 06 tác phẩm văn bia này là di văn quý hiếm còn lại của một sĩ phu yêu nước kiên quyết đấu tranh chống lại thực dân Pháp đến hơi thở cuối cùng. Nội dung văn bia còn cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước, địa vị của danh nhân Nguyễn Cao vào cuối thế kỷ XIX. Các tác phẩm văn bia tuy không chứa đựng giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ nhưng hàm chứa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghiên cứu khoa học. Thông qua nội dung cho thấy người soạn văn bia có chủ ý ca ngợi những việc làm thiện, có ý thức giáo dục điều thiện tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội xưa. Việc suy tôn các vị có công với dân làng, dòng họ làm hậu thần, hậu phật, gửi giỗ hậu… và dựng khắc bia đá ghi chép công lao dựng tại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nhà thờ gia tộc được đưa ra bàn bạc rộng rãi trong làng, dòng tộc, điều đó chứng tỏ tính minh bạch, dân chủ trong cộng đồng làng xã, tộc họ ngày xưa rất được coi trọng./. 

                                                                                                                                                                                                              NGUYỄN VĂN AN