Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

PHẠM QUANG TIẾN, ĐÌNH NGUYÊN THÁM HOA VỐN LÀ THẦN ĐỒNG
11:21 | 05/02/2024

Tiên sinh họ Phạm, tên Tiến, hiệu là Tán Dung, sinh năm Canh Dần (1530) đời Mạc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính năm thứ nhất. Đó chính là năm Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lên làm Thái thượng hoàng.

Quê hương Phạm tiên sinh ở làng Lương Xá, huyện Lang Tài, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh). Làng xã ở vào giữa khoảng trời đất có giang thủy hợp lưu, nên nghiệp văn chương thịnh vượng, đời nào cũng có người khoa danh hiển đạt, làm rạng rỡ vẻ vang cho cả làng cả xứ.

Có thể nói truyền thống khoa bảng vẻ vang của đất Lang Tài xưa được kết tinh từ những vùng quê văn hiến này: đó là Lương Xá, Văn Xá, Lai Xá… Những họ đầu tiên dựng nghiệp khoa bảng ở nơi đây là họ Vũ, họ Lương, họ Phương, họ Đào. Phạm Quang Tiến là người mở đường khoa cử cho gia tộc ở đây. Truyền kể: Khi mới hai tuổi, được mẹ dạy đọc sách, viết ra một dòng, đọc xong rồi đốt đi luôn, bắt ông đọc lại, ông nhớ tường tận. Hai ngày sau hỏi lại ông vẫn nhớ không nhầm. Đến khi đi học, đọc mỗi trang sách một lần, rồi tự châm lửa đốt. Người khác đố ông đọc lại, ông đọc không sai một chữ.

Ngày còn niên thiếu, Phạm tiên sinh đã tỏ ra thông minh hơn người. Tiên sinh đọc rộng thi thư, lớn lên ông thường để tâm vào con đường văn học. Truyền thống quê hương, những tấm gương của các bậc cha anh trong làng xã đã gieo vào lòng người thư sinh họ Phạm một nhiệt tâm học tập quên mình. Đó là các ông: Hoàng giáp Đào Phùng Thái (đỗ năm 1505), Tiến sỹ Phương Kính Trung (đỗ năm 1514), Hoàng giáp Vũ Kính (đỗ năm 1544), Tiến sỹ Lương Phùng Thời (đỗ năm 1553). Chính Hoàng giáp Vũ Kính là người thầy trực tiếp dạy Phạm tiên sinh và bạn ông là Vũ Cẩn. Trong bia còn ở địa phương và truyền kể của nhân dân có nêu rõ điều này.

“Thượng thư Vũ Cẩn đỗ Thám hoa, cùng với bạn là Phạm Quang Tiến thụ nghiệp (học) ở Hoàng giáp Vũ Kính”.

Vũ Kính… là thầy dạy của Trạng nguyên Vũ Giới, Tri phủ huyện Đằng Thủy, Trần Văn Bảo, Tri huyện Chí Linh Phan Huy Ương, Thám hoa Phạm Quang Tiến, Tiến sỹ Vũ Văn Giai, Nguyễn Quang Đình.

Năm Ất Sửu, sau khi đã thi đỗ qua qua kỳ thi Hương, tiên sinh Phạm Quang Tiến bước vào kỳ thi Hội do nhà Mạc mở.

Nhà Mạc mở khoa thi Hội, Phạm Quang Tiến đỗ Tiến sỹ cập đệ, bọn Phạm Hoành Tài 3 người đỗ Tiến sỹ xuất thân, bọn Lại Mãn 12 người đỗ đồng Tiến sỹ xuất thân.

Trong khoa thi Tiến sỹ mà ông Phạm Quang Tiến tham dự, cả nước có 16 vị đỗ, thì Kinh Bắc chiếm tới ¼ và Lang Tài lại chiếm 50% số đỗ của Kinh Bắc. Đặc biệt trong khoa thi này có ông Nguyễn Đình Tú - người Trình Khê cùng huyện đỗ Hoàng Giáp, khi ấy ông mới 24 tuổi, sau làm quan tới chức Hình bộ Tả thị lang. Ông trú tại làng Lương Xá, lấy con gái của quan Thượng thư Vũ Kính, sau có con được làm nội phi và phong làm Lục cung công chúa - do vậy khi mất mộ ông cũng được an táng tại làng Lương Xá.

Sau khi dự thi Hội, tiên sinh Phạm Quang Tiến và Nguyễn Đình Tú hồi hộp chờ triều đình làm nghi thức xướng danh Tiến sỹ, đứng trong danh sách những người đậu đại khoa, Phạm tiên sinh được ban mũ, áo, đai theo quy chế của thời Lê quy định; được dự lễ ban yến do triều đình tổ chức cho các vị Tiến sỹ.

Cuối cùng là nghi thức các Tiến sỹ lạy tạ và vinh quy. Thám hoa Phạm Quang Tiến và Hoàng giáp Nguyễn Đình Tú cùng các quan tân khoa khác đã được triều đình cho về quê vinh quy bái tổ.

Dân thôn Lương Xá lại một lần nữa, sau gần 10 năm (kể từ khi ông Vũ Cẩn đỗ  năm 1556) lại được tổ chức lễ hội long trọng để đón rước quan tân khoa vinh quy bái tổ. Phạm Quang Tiến người con ưu tú đã phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh, mang lại vẻ vang cho cả làng cả xứ. Đặc biệt là lần này dân Lương Xá còn được đón tiếp cả quan tân khoa Nguyễn Đình Tú - sau khi về quê Trình Khê bái tổ, đã trở lại nơi quê mình đã gửi gắm bao kỷ niệm những năm tháng dùi mài kinh sử. Cũng vì thế mà ông đã trở thành chàng rể của làng Lương Xá văn hiến và khoa bảng này.

Trở lại triều đường, ông Phạm Quang Tiến và các quan tân khoa khác đều được bổ nhiệm các chức vụ để làm quan phục vụ cho dân cho nước. Không phải vì ông có nhiều vị quan là người cùng quê làm ở trong triều, mà là do tài năng và đức độ của mình. Phạm Quang Tiến đã được triều đình cho giữ chức Đông các Đại học sỹ. Người con gái của ông được tuyển làm nội phi và phong làm Lục cung công chúa.

Ở làng Lương Xá còn truyền kể về chàng tiên sinh họ Phạm này như sau:

“Phạm Quang Tiến, Đông các, làm quan đến Đại học sỹ, hiệu là Tán dung tiến sinh, chức Tả thị lang, trước khi đi thi đã là giám sinh, sau đi sứ, tái trúng Đông các đệ nhất”.

Chức quan Đông các đại học sỹ mà ông Phạm Quang Tiến đảm nhận cũng như chức quan Quốc Tử Giám Tế tửu, thông Chánh sứ, Tham chính, Chỉ huy đồng tri, Tả hữu tán thiện, Chỉ huy Thiên sự, Đô tổng tri, Thiên tổng tri, Tuyên úy thiên sự, Thiên thái giám - đều thuộc hàng tòng Tứ phẩm. Nhưng Thám hoa Phạm Quang Tiến lại còn được ban Tả thị lang nên được hưởng ở hàng tòng Tam phẩm.

Phạm Quý Công còn là người có công trong việc tham gia đoàn sứ thần của triều đình sang nhà Minh làm nhiệm vụ bang giao giữa hai nước. Phạm tướng công là một nho quan thanh liêm, mẫu mực, sau thời gian cư quan nhậm chức, do nhiệm vụ yêu cầu về quan hệ bang giao giữa hai nước Đại Việt và Minh triều, ông đã được triều đình cử đi tham gia trong phái đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Nhưng không may ông bị mất trên đường đi sứ. Triều đình vô cùng thương cảm, đã truy tặng ông là Tả thị lang.

Đình nguyên Thám hoa Phạm Quang Tiến vốn là thần đồng - tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần hiếu học cho thế hệ kế tục học tập và noi theo./.


                                                                                                                                                                                                                                           LÊ VIẾT NGA