Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TỤC TREO CÂU ĐỐI NGÀY TẾT
14:04 | 13/01/2021

Trước đây, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với việc mua sắm hàng Tết, dựng cây nêu, người ta không quên mua thêm vài quả cau, bao chè tới xin câu đối cụ Nghè, cụ Cử. Trong mấy ngày Tết, để trang hoàng nhà cửa và thưởng xuân, từ các nhà Nho cho tới những người bình dân vẫn còn coi trọng tục treo “câu đối đỏ”. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên thường được gọi chung là câu đối đỏ. Ai cũng muốn tìm cho mình những câu đối hay nhất để treo ở nơi trang trọng trong nhà. Đó là một thú chơi tao nhã, một mỹ tục trong ngày tết Nguyên đán, đã và đang được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, truyền lại qua các thế hệ.

Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày tết Nguyên đán, nhà nhà thường treo bùa gỗ có hình hai vị thần (Thần Đồ và Uất Lũy) treo hai bên cửa ngõ. Đó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Độ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào “phá rào” đi làm hại dân thì thần hoá phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ “Đào phù” được thay bằng câu đối hai bên cửa. Đời sống khấm khá dần, mỗi người, tuỳ hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đốỉ những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả câu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Kho tàng giai thoại văn học Việt Nam còn để lại nhiều câu chuyện khá lí thú về việc vua Lê Thánh Tông đi chơi phố phường Thăng Long và làm câu đối Tết cho dân chúng. Tương truyền, vào một năm, sắp tới Giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn Tết. Thấy một nhà không treo câu đối, Vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ goá, con trai đi vắng, Vua bèn lấy giấy bút và viết:

Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ

Triều đình chu tử tổng ngô gia.

(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ/ Đỏ tía triều đình tự cửa ta).

Có thể nói, một trong những truyền thống văn hóa của người Việt chúng ta là truyền thống trọng chữ. Ngày xưa, người Việt sử dụng nhiều loại chữ, nhưng loại chữ được tôn sùng và quý giá nhất là chữ Nho, thường được coi trọng là “chữ Thánh hiền”. Trọng chữ và trọng thầy là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Ở đền Ngọc Sơn (thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và Quan Công), sau khi Nguyễn Siêu đứng ra tu sửa lại đã cho xây một bể dùng để đốt chữ. Hàng ngày có người đi khắp 36 phường ở Thăng Long lượm các giấy có chữ Nho, chữ Nôm mà người ta bỏ đi mang về đốt, vì người ta cho rằng chữ Nho hay chữ Nôm là chữ thánh hiền, không thể để dân chúng giẫm đạp lên.

Trong tất cả các loại câu đối, câu liễn thì nổi bật hơn cả là câu đối Tết. Câu đối Tết trở thành sinh hoạt văn hóa rất phổ biến từ lâu đời. Từ xa xưa và ngày nay cũng vậy, chơi câu đối là một thú chơi tao nhã nhưng rất khó, bởi nó thể hiện trình độ học vấn và chữ nghĩa của cả người chơi và người viết, những người được coi là “có ăn, có học”. Gọi là “câu đối” bởi mỗi câu đối gồm có hai vế và hai vế này phải “đối nhau” một cách tinh tế về cả chữ nghĩa và thanh âm bằng trắc. Người xưa thường lấy câu đối ra để thử tài nhau và lấy việc đối hay, đối dở để đánh giá trình độ học vấn của nhau. 

Ở nước ta, truyền thống viết và chơi câu đối Tết trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn được lưu giữ và có xu hướng ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây, vào dịp Tết đến Xuân về, ở nhiều thành phố và các khu đô thị lại xuất hiện những “ông đồ” thời hiện đại ngồi viết câu đối Tết bằng chữ Hán, chữ Nôm, hoặc bằng chữ Việt hiện đại theo kiểu thư pháp. Nếu có dịp ghé thăm văn miếu Mao Điền vào những ngày tết Nguyên đán, bạn sẽ không thể không bị cuốn hút bởi có rất nhiều “ông đồ” cùng ngồi viết câu đối và tranh chữ phục vụ du khách. Đó là một trong những biểu hiện rõ nhất sự tiếp nối truyền thống và khởi sắc của văn hóa câu đối Tết ở Việt Nam. Câu đối Tết đã trở nên phổ biến trong dân gian. Nó vẫn luôn còn đó và ngày càng được trân trọng, giữ gìn. Ở nhiều miền quê trên khắp cả nước, vào dịp đón đón xuân, vui Tết, nhiều người vẫn đi tìm mua “câu đối đỏ” về treo trong nhà.

Giới trẻ này nay có nhiều người yêu thích câu đối đỏ mỗi độ xuân về.

Tết Nguyên đán là truyền thống lâu đời và có thể được xem là một bản sắc của văn hóa Việt Nam, trong đó câu đối Tết chính là một bản sắc của ngày tết Nguyên đán cổ truyền. Nhiều năm trở lại đây, người dân đã quen thuộc với vẻ đẹp cổ kính của chữ Nho, chữ Nôm qua bút pháp của các “ông đồ”. Một điểm đáng mừng là bây giờ không chỉ có các ông đồ già mà đã xuất hiện nhiều “ông đồ” trẻ, tuổi mới đôi mươi cũng khăn đóng áo dài ngồi viết câu đối Tết. Đó là một biểu hiện sinh động của việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Và hàng năm, như đã thành lệ đẹp vào dịp Tết và hội xuân, tại các di tích lịch sử trong tỉnh như Văn miếu Bắc Ninh, khu di tích Đền Đô, đồi Lim, chùa Dâu, Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương, lại có nhiều ông đồ ngồi viết thư pháp, thư họa. Vẻ xưa khơi dậy đã thu hút hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng./.

                                                                                                                                                                                                                                     NGUYỄN ĐÌNH TRIỂN