Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TƯ LIỆU DÂN GIAN VỀ NGUYỄN QUAN QUANG - TRẠNG NGUYÊN ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
16:08 | 20/05/2020

Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam là ai? Xưa nay không ít người tưởng rằng Lê Văn Thịnh quê ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - đỗ trong khoa thi đầu tiên 1075 là Trạng nguyên đầu tiên. Nhưng thực ra không phải chính xác như vậy vì khi ấy triều đình chưa quy định có học vị Trạng nguyên, nên Lê Văn Thịnh chỉ là người đỗ trong khoa thi đầu tiên và đỗ đặc cách (triều đình chỉ tuyển chọn có một người giỏi nhất để vào dạy vua mà thôi). Nếu gọi là đỗ đầu thì liệu có chính xác không? Xưa nay chưa thấy tư liệu nào ghi về người đỗ thứ hai ,thứ ba... cùng khoa với Lê Văn Thịnh. Một số người đỗ đầu khác còn có Mạc Hiển Tích - đỗ năm 1086; Bùi Quốc Khái - đỗ năm 1185; Trương Hanh - đỗ năm 1232... đều được dân gian tôn vinh là Trạng nguyên.

Đến năm Bính Ngọ niên hiệu Thiệu Ứng Chính Bình thứ 15 (1246) vua Trần Thái Tông mới đặt danh hiệu cho người đỗ đầu là Trạng nguyên. Nguyễn Quan Quang, quê ở Tam Sơn, Bắc Ninh đậu Trạng nguyên - là Trạng nguyên đầu tiên của đất nước. Các sử gia gọi là “Khai khoa Trạng nguyên”.

Theo sách Đại Việt lịch triều, sách Liệt truyện đăng khoa, Lịch đại đăng khoa: “Nguyễn Quan Quang người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, đỗ đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Bính Ngọ, niên hiệu Thiên ứng Chính bình thứ 15, đời Trần Thái Tông (1246). Sau Ông làm quan đến chức Bộc Xạ (chỉ sau Tể Tướng), được ban quốc tính là họ Trần (Trần Quan Quang), khi mất được tặng hàm Đại Tư Không, dân xã Tam Sơn tôn ông làm thành hoàng làng bản thổ Đại Vương phúc thần thờ ở Đền Vường và cả ở đình, chùa của làng, hàng năm tổ chức tế lễ vào ngày 22 tháng Chạp âm  lịch (ngày giỗ của ông)”.

Truyền kể: Nguyễn Quan Quang sinh ra trong một gia đình nghèo nên thuở nhỏ không có đủ điều kiện ăn học, nên thường phải lân la ở gần lớp để học lỏm, lấy vật cứng viết chữ trên mặt đất. Một hôm thày đồ nhìn thấy có nhiều chữ viết trên mặt sân đẹp tựa rồng bay phượng múa. Để ý xem mới phát hiện ra đó là chữ của cậu bé Quang chứ không phải của các học trò lớp thầy dạy. Thầy đồ thấy đó có thể là nhân tài về sau, nên cho gọi Quan Quang vào hỏi rõ sự tình rồi cho vào lớp học miễn phí. Chẳng mấy lâu  thầy trò cả lớp đã phải  ngạc nhiên về sự thông minh đến kỳ lạ của Quan Quang. Hầu hết các sách như: Minh đạo gia huấn, Ấu học giáo khoa, luận ngữ đến sách Mạnh Tử, Trung dung, Đại học, Kinh thư, Kinh dịch, Tứ thư Ngũ kinh…Quan Quang đều thông hiểu sâu sắc. Đến kỳ thi hương Nguyễn Quan Quang đậu Giải nguyên, rồi đến kỳ thi hội đậu Hội nguyên và kỳ thi Đại tỷ (sau gọi là thi đình) ông đậu Trạng nguyên. Đó là vị Tam nguyên và Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt. Dân làng tôn vinh ông gọi là Nguyễn Quán Quang.*

Sau khi về quê vinh quy bái tổ, trở lại triều đình, tân Trạng nguyên được vào chầu vua để đăng quan. Thấy tân Trạng nguyên cao lớn khí phách hơn người vua Trần Thái Tông tỏ lòng quý mến  ban cho quốc tính - họ Trần. Khi ấy quân Mông Cổ đang lăm le xâm lược nước ta. Vua Trần cử Trần Quan Quang đi sứ thương nghị với nhà Mông. Chúng cử một viên tướng nổi tiếng kiêu hùng, hống hách và thâm thúy ra ngênh tiếp - áp chế đối phương. Hắn dẫn sứ ta ra một ao bèo, rồi vớt một cây bèo lên tay bóp bẹp, đưa ra trước mặt Quan Quang xem, tỏ ý coi thường nước Nam ta. Quan Quang liền nhặt một hòn đá to ném xuống giữa ao bèo, bèo dạt ra thành một khoảng trống rồi lại nhanh chóng tụm lại như trước. Tướng Mông Cổ mặt thất sắc nghĩ rằng dân Đại Việt rất đoàn kết khó mà khuất phục. Vì thế sau đó chúng phải hoãn binh không dám tiến sang xâm lược nước ta ngay. Quân dân nhà Trần có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến và sau đó đã  đánh thắng giặc Mông Cổ.

Quan Bộc xạ Trần Quan Quang hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách, nhiệm vụ triều đình giao phó, rồi trở về quê hưu trí. Ông mở lớp dạy học cho con cháu quê hương xứ sở đến cuối đời. Sau khi ông mất triều đình truy phong chức Đại tư Không; dân làng Tam Sơn nhớ cảnh sống đạm bạc của ông ngày xưa, đã xây một ngôi chùa (Linh Khánh) và còn lập đền thờ ông trên núi Vường (Viềng), tôn ông làm thành hoàng, gọi ông là “Bản thổ đại vương phúc thần” - Đương cảnh thành hoàng Thống lĩnh đại vương. Đến nay cây hương đá ở chùa xưa dựng khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) vẫn còn. Hàng năm cứ đến ngày 22 tháng Chạp, dân làng Tam Sơn lại tổ chức “Tế phong mã” để tưởng nhớ vị Quan Trạng tài năng đức độ, trung với nước hiếu với dân - tấm gương sáng ngời  mở đường khoa cử vẻ vang cho quê hương đất nước, góp phần to lớn cho Đất Ba Gò trở thành nơi có “của cải vô tận, một kho nhân tài”./.

                                                                                                                                                                                                                                             LÊ VIẾT NGA