Vào cuối thời triều đình nhà Tiền Lê, khi Đô Thành còn đóng ở Hoa Lư, Ninh Bình. Một năm vào mùa mưa đất nước bị họa trời gây nên những trận mưa rất lớn trong nhiều ngày đêm. Thuở ấy nước các sông đều dâng lên rất cao, nhiều nơi đã xảy ra nạn vỡ đê.
Tại thành Đại La (Hà Nội nay) nước sông Cái (Sông Hồng nay) lên rất to, nguy cơ vỡ đê bên hữu ngạn là rất khẩn cấp. Triều đình lập tức huy động quân lính, dân công cả hai bờ chuẩn bị nhân lực, tài sản, dụng cụ và các phương tiện hộ đê cho tình huống vỡ đê rất lớn. Bên tả ngạn (Bắc sông) có sự cố nhiều, khả năng đê sẽ bị vỡ, các quân binh, dân công đổ về với số lượng người rất đông, nhưng chủ yếu cứu đê bằng sức lao động chân tay. Họ dùng "mẹo" thiết lập những con rồng tre bằng cách buộc chặt từ 7 đến10 cây tre thành một rồng (rồng tre) để sẵn trên bờ vào các đoạn có khả năng bị sạt vỡ. Họ theo dõi liên tục, điểm nào có nguy cơ yếu thì hàng trăm người khiêng rồi lăn rồng tre xuống chỗ đó.
Lúc bấy giờ tại chùa Tiêu Sơn (Thiên Tâm Tự) nay là chùa Tiêu Sơn thuộc phường Tương Giang, Từ Sơn. Sư Vạn Hạnh đang trụ trì tại đó, người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn từ 8 tuổi do Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp, làng Đại Đình giao cho. Lúc này Lý Công Uẩn đang tuổi 16 - 17 thân hình cao to tuấn tú, tướng mạo của một võ sỹ, võ công tuyệt đỉnh có thể vô địch muôn người. Lý Công Uẩn có búi tóc để dài nếu buông xuống đến ngang lưng.
Được tin đê sông Cái sắp bị vỡ, Vạn Hạnh nói với đệ tử:
- Con hãy nghe lời ta: Nhanh chóng đi diệt đại họa giặc nước cứu dân và ngay lập tức ra tả ngạn sông Cái.
- Vâng... con sẽ nghe lời sư phụ.
Vừa đi vừa chạy, chẳng mấy chốc Công Uẩn đã ra tới bờ sông, nhìn quanh trên triền đê, có hàng vạn dân binh nhân dân đang đợi sẵn. Một tình huống xảy ra trên một đoạn bờ sông có vết nứt. Công Uẩn cũng vừa đến... khoảng trên một trăm người mới khiêng rồi lăn nổi một rồng tre xuống sông.
Thấy vậy... Lý Công Uẩn chỉ tay và nói:
- Hãy để cho ta... Rồi chàng thanh niên Công Uẩn cứ lần lượt lăn từng rồng tre xuống đoạn sông chuẩn bị vỡ một cách ngon lành. Khi đến rồng tre cuối cùng (nhỏ hơn), Công Uẩn vác lên vai lẳng xuống rồi xoa tay ngắm nhìn khi điểm vỡ, nước sẽ bị chặn lại, đã cứu được họa cho dân trong khoảnh khắc. Mọi người có mặt đều thán phục, reo hò mừng vui cùng nhau nhấc bổng chàng trai lên cao.
Trong lúc này tại Kinh đô Hoa Lư, Vua nhà Tiền Lê tự nhiên bỗng đau mắt đỏ sưng cả mặt mày. Vua lệnh cho thầy Quỷ Cốc (tức thày bói) độn bấm quẻ bói xem sự thể nguyên nhân; thầy Quỷ Cốc nói:
- Hiện nay tại thành Đại La có một thằng nghịch tặc, nó đã ném rồng tre vào huyệt đạo Đế vương vào "mắt rồng" nên bệ hạ gặp nạn đó (đau mắt đỏ). Vua ra lệnh lập tức:
- Phải truy bắt ngay tên phản tặc đó cho ta để trị tội.
Nhận được lệnh Vua, tướng nhà Tiền Lê tại thành Đại La liền xuất binh. Một đạo quân lớn qua cầu phao vượt sông về phía Bắc, số quân chừng 5000 binh mã để truy đuổi kẻ phản tặc.
Lý Công Uẩn biết tin... vội chạy bộ về hướng núi Tiêu nơi có thầy Vạn Hạnh đang trụ trì. Cứ theo đường thiên lý (quốc lộ cổ) mà chạy... không ngờ tên tóc dài chạy đến đâu cũng đều bị quân triều đình đuổi sát... vì vết chân của Công Uẩn đều có in chữ Vương trên đường chạy.
Tên tóc dài đã bị quân triều đình đuổi chuẩn bị bắt được, thì bỗng có hai con hạc tiên nhảy múa; quân quan triều đình dừng lại quây quần đứng xem... Tên tóc dài chạy thoát. Nay ngoại thành Hà Nội có địa danh Cổ Hạc giáp ranh địa phận Bắc Ninh. Quân triều đình lại đuổi tiếp, nhưng chẳng thấy thằng tóc dài đâu. Tướng chỉ huy cưỡi ngựa hỏi lính:
- Thế bây giờ thằng nghịch tặc nó chạy đâu rồi?.
Lính trả lời:
- Không thấy tăm hơi nó đâu cả, nhưng nền đất vẫn in dấu chân (chữ Vương) chạy về phía Bắc. Tướng chỉ huy tức giận vô cùng. Đứng trước ngôi chùa nhỏ, nay là địa danh Chùa Giận (Giận dữ).
Lý Công Uẩn chạy càng nhanh theo đường cái quan (đường thiên lý) đến ngang chùa Tiêu Sơn, nhưng chàng không dám về chùa với Vạn Hạnh. Quân triều đình tiếp tục truy sát. Công Uẩn chạy đến một cánh rừng (nay là xóm Rừng, thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, Tiên Du).
Công Uẩn chạy gần đến cửa rừng, bên tay trái có một khu ruộng có một ông nông dân đang cày ruộng đó là ông Trần Quý, bà vợ là Phương Dung đang bán quán nước bên đường cái quan.
Ông Quý ngừng tay cày khi trông thấy một thanh niên cao lớn tóc dài mặt tái xanh thở hổn hển chạy. Ông Quý hỏi:
- Con chạy đi đâu mà có vẻ hoảng sợ vậy? Công Uẩn trả lời:
- Dạ... con đang bị quân triều đình truy sát.
Ông Quý liền bảo:
- Con xuống đây cày ruộng... còn ta sẽ đi phát bờ. Thấy chàng thanh niên tóc dài quá ông bảo:
- Ta sẽ chặt tóc dài này... nói rồi ông lấy dao phạt cỏ bờ, kề tóc trên tảng đá xanh bắc qua mương nước để chặt tóc. Nay địa danh này thuộc Đồng Gốc Chằm thôn Hồi Quan... còn nguyên phiến đá xanh dài khoảng 4 mét rộng 0,80m... người ta gọi là đá chặt tóc.
Từ xa nghe tiếng hò reo vang trời của quân triều đình. Ông Quý đoán là rất nguy cấp rồi... Ông Quý nhanh chóng nhảy lên đường chạy ngược lại để xóa hết những vết chân có chữ Vương rồi nhanh chóng đưa chàng thanh niên nọ đến quán bán nước của vợ mình, cho Công Uẩn giấu xuống hố và đậy ang nước lên trên.
Trời cũng đã chiều, quân triều đình đều mỏi mệt, bộ phận lính chạy ngựa đuổi trước thấy không còn dấu chân chữ Vương nên báo về chủ tướng là đã mất dấu. Đại quân đến vùng Tiêu; tướng ra lệnh "tiêu quân" nay xã Tương Giang có 5 làng Tiêu, có địa danh là Tiêu Rút.
Bộ phận quân đi giữa đến Hồi Lan Trang cạnh ngôi nhà làm bằng đá cạnh đường cái quan. Quân lính kiệt sức... khi nghe lệnh tiêu quân bọn họ vội lăn ra đường ngất xỉu. Nay nơi này có địa danh Cầu Ngả (nằm ngả la liệt) sau dân đổi tên là Cầu Ngã, thôn Hồi Lan Trang đổi thành thôn Hồi Quân, mãi về sau đổi thành Hồi Quan như ngày nay.
Tuy nhiên, bộ phận quân nhà Tiền Lê (bộ phận tiền quân) cưỡi ngựa đi trước vẫn hăng máu, tuy mất dấu chân, vẫn truy đuổi tiếp. Đoàn quân chạy đến sông Thiếp xưa, nay đổi tên là sông Ngũ Huyện Khê. Trước mặt là một dòng sông rộng, nước mênh mông, hết đường đi. Quân cấp báo về chủ tướng rằng vẫn không thấy thằng nghịch tặc tóc dài đâu. Thầy quỷ cốc lại bấm độn một quẻ bói. Trong quẻ nói: "TRẦM TRẦM TẠI HẠ - THỦY TẠI THƯỢNG". Bọn tướng lĩnh cho rằng thằng tóc dài nghịch tặc đã chết chìm dưới nước (trước mặt là sông). Vì vậy quân lính nhà Tiền Lê lệnh thu quân. Thằng tóc dài (nghịch tặc) được cứu sống do vợ chồng Trần Quý - Phương Dung.
Sau khi Công Uẩn lên ngôi, để ghi nhớ công cứu mạng của hai vợ chồng ông Trần Quý và Phương Dung, Vua cho lập đền có tên là Đền Phụ Quốc tại xóm Rừng, thôn Tam Tảo, nay là xóm Rừng, thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh.
Vua phong sắc cho hai ông bà: Ông Trần Quý “Vệ dực bảo quốc Đại vương”; Bà Phương Dung “Phụ thêm minh phúc Phương Quý Phi Hoàng Thái hậu”.
Theo thần phả: Vua cho lập đền gọi là Quốc Tế Từ, nay gọi Đền Hộ Quốc - Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, công nhận ngày 18/01/1988.
Ông Trần Quý và bà Phương Dung quê chính ở trang Quỳnh Khê, huyện Thanh Hương, phủ Kinh Môn, Đạo Hải Dương, trước đó lên cư trú tại xóm Rừng, thôn Tam Tảo./.
DƯƠNG MẠNH NGHĨA