Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TÌM THẤY MỘT DỊ BẢN BÀI THƠ THẦN CỦA LÝ THƯỜNG KIỆT
10:17 | 26/04/2022

Bài THƠ THẦN của Thái úy Lý Thường Kiệt được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Bài thơ khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, đó là điều hiển nhiên, thuận lẽ trời, đã được trời phân định và được ghi ở sách trời. Việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là chính nghĩa và bất cứ kẻ thù nào xâm phạm cũng sẽ bị đánh bại.

Bài thơ ấy lúc đầu không có tên, chỉ có 4 câu thơ viết theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Đến năm 1976 những người biên soạn cuốn sách: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Nhà xuất bản Văn học ấn hành) mới đặt tên cho bài thơ là Nam quốc Sơn hà, dựa vào 4 chữ đầu của bài thơ. Nhưng từ lâu nhân dân ta vẫn gọi đó là bài Thơ Thần. Nguyên văn bài thơ như sau: “Nam quốc Sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư’’. Và trong rất nhiều bản dịch thì bản dịch của Trần Trọng Kim được xem là bản dịch hay nhất có vần điệu dễ nhớ, được phổ biến rộng rãi như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời’’. Nếu xét về nội dung của bài thơ không ăn nhập gì với tên bài thơ. Vậy tại sao bài thơ đó lại gọi là bài Thơ Thần. Chúng tôi đã tìm đọc và nêu ra lời giải tên bài thơ bất hủ, đầy hào khí trong sự nghiệp bảo vệ tự cường dân tộc như sau:

Có rất nhiều tài liệu lịch sử nhắc tới bài thơ như: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư và cả thần tích một số đền đình. Theo Bách khoa toàn thư (Wikipedia) thì bài thơ ít nhất có hơn 30 dị bản và 8 dị bản thần tích. 

Hầu hết các thư tịch đó đều nhắc tới bài thơ có yếu tố Thần là vì trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Thời kỳ Lê Đại Hành và thời kỳ Lý Thường Kiệt đều do phúc thần đức thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát ngâm đọc bài thơ và chỉ huy âm binh trợ chiến chống giặc.

Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp xuất hiện rất sớm - thời Trần, có truyện “Hai thần Long Nhãn và Như Nguyệt” chép như sau:

“Vào năm Tân Tỵ, đời Vua Lê Đại Hành, Thiên Phúc nguyên niên Tống Thái tổ sai 2 tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân sang xâm lược Phương Nam đến sông Đại Than. Lê Đại Hành và tướng Quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ (Còn gọi là sông Phủ Lỗ hay Cà Lồ) cự địch. Hai bên đối đầu cầm cự. Đại Hành đêm đến mộng thấy hai thần nhân ở trên sông đến vái mà nói rằng: Anh em thần tên là Trương Hống và Trương Hát xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Sau Lý Nam đế soán ngôi, nghe biết và triệu hai anh em thần về theo. Bọn thần vì nghĩa cũ không thể theo được, uống thuốc độc mà chết. Thượng đế thương anh em thần có công, lại trung nghĩa một lòng, mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh âm binh. Nay thấy quân Tống sang xâm chiếm, khổ hại sinh linh nước ta, cho nên hai anh em thần đến xin yết kiến, nguyện với nhà Vua cùng đánh giặc này để cứu sinh linh.

 Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy hai thần nhân mặc áo mũ Vua ban đến bái tạ. Đêm sau lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỷ áo trắng từ phía Nam sông Bình Giang mà tới. Một người dẫn đoàn quỷ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc. Canh ba đêm 23 tháng 10 trời tối đen mưa to, gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng tan vỡ. Thần nhân giấu mình ở trên không lớn tiếng ngâm rằng: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành phân định tại sách trời/ Nay sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ coi rồi chuốc tả tơi. Quân Tống nghe tiếng xéo đạp vào nhau tán loạn. Ai nấy đều lo chạy thoát thân, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống đại bại mà về Bắc’’ (Lĩnh Nam Chích Quái - chương 16).

Sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên xuất hiện cuối thời Lý đầu thời Trần thế kỷ thứ XIV trong bài “Trương Hống Trương Hát - Khước địch thiện hưu trợ thuận đại vương, Uy địch dũng cảm hiển thắng Đại vương” có đoạn chép:

“Thời Vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống Nam xâm kéo đến biên cảnh. Vua sai Thái úy Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng: Sông núi nhà Nam, Nam đế ở/ Phân minh trời định tại thiên thư/ Cớ sao nghịch Lỗ sang xâm phạm/ Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư. Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng mảy lông, sợi tóc chẳng sai’’.

                                  (Việt điện u linh - Bài Trương Hống, Trương Hát - trang 59).          

Sách Đại Việt sử ký toàn thư do Sử Quán triều Hậu Lê, gồm các Sử quan: Ngô Sỹ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Huy, Nguyễn Quý Đức phát hành năm 1697, có đoạn chép: “Bính Thìn, mùa xuân tháng 3 nhà Tống sai Tuyên phủ xứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo xứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta.

Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phân định tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Như đẳng hành khan thủ bại hư. Sau đó quả nhiên như thế. Hai anh em Trương tướng quân, anh tên là Khiếu(1), em tên là Hát đều là tướng giỏi của Triệu Việt Vương (…) được Nam Tấn Vương nhà Ngô phong cho anh làm Đại đương giang đô hộ quốc Thần vương, lập đền thờ ở cửa sông Nam quận tức là đền thờ này’’.

                                                          (Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, quyển III).

Như vậy qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy bài thơ Nam quốc Sơn hà sở dĩ gọi là Thơ Thần vì trong những lần xuất hiện đều do thần ngâm đọc trong cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân dân Đại Việt với quân xâm lược Tống. Vị thần ngâm đọc thơ trợ chiến cùng quân đội nhà Lý là nhị vị phúc thần Trương Hồng, Trương Hát còn gọi là Đức thánh Tam Giang, từ xưa đã có hơn 300 làng thờ tự. 

Như đã nói ở trên bài thơ Thần có tới hơn 30 dị bản đã được chép trong các sách cổ và ghi ở thần phả đền Cửa sông ngũ huyện Quả Cảm, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, bảng khắc bài thơ ở Phù Khê Đông, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tất cả các dị bản đó đều viết bằng chữ Hán, chỉ khác nhau chút ít về tinh tiết, song khá ổn định về nội dung, kết cấu. 

Gần đây tôi có dịp hành hương về lễ Quốc tổ đền Hùng, tình cờ đọc cuốn sách Truyền thuyết Hùng Vương do tác giả Vũ Kim Biên sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao du lịch tỉnh Phú Thọ xuất bản năm 2013, trong đó có bài Thơ Thần. Tác giả biên soạn dựa theo thần tích đền Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đáng chú ý là vị thần ban bài thơ cho Lý Thường Kiệt là vị thần thờ ở đền Đào Xá, Đức Hải Công con thứ 19 của Đức tổ Lạc Long Quân. Điều chú ý thứ hai là bài thơ do đích thân Thần sáng tác cốt đủ ý tứ, rồi dặn Thường Kiệt là: “Nếu nhà ngươi có tài văn học thì sửa gọt lại, rồi loa truyền cho ba quân và cả người Tống cùng nghe, làm như thế việc đuổi giặc sẽ dễ như chẻ tre vậy’’. 

Nội dung câu chuyện và dị bản bài Thơ Thần như sau:

Vào đời Vua Lý Nhân Tông, nhà Tống sửa soạn tiến binh xâm lược nước ta. Vua còn nhỏ tuổi (lên 7). Công việc triều chính đều giao cho thái úy Lý Thường Kiệt, gọi là Phụ quốc. Một lần Lý Thường Kiệt đi xem xét địa thế các nơi trong nước, ông sai chèo thuyền đi ngược sông Cái (tức sông Hồng) xem xét trù tính kế hoạch phòng bị các con đường thủy bộ từ Vân Nam sang Thăng Long. Thấy cửa sông Đà là nơi yếu địa, ông rẽ vào đền Đào Xá (Thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ) nghỉ đỗ để khảo sát xung quanh. Bước vào thềm đền bị hai rắn thần chăng ngang cửa đền ngăn lại. Thường Kiệt mật khẩn xin cho quân nhà Vua vào đóng trong đền. Hai rắn thần đều lui.

Thái úy sai quan mời bô lão trong làng ra hỏi. Được biết: Đền thờ đức Hải Công con thứ 19 của Lạc Long Quân. Hải Công sinh ra ba vị đầu rồng mình rắn. Thấy dân bị các tai nạn do thuồng luồng hãm hại, đức Hải Công sai ba con đi đánh dẹp rồi phong cho ông Mãn Linh Lang làm chủ đầm Đào Xá. Ông Đạt Linh Lang làm chủ ở đầm Thọ Xuyên. Ông Uyên Linh Lang làm chủ ở  ghềnh Ngọc Tháp.

Lý Thường Kiệt bèn sai quân sắm lễ vật, đốt hương cầu đảo, xin thần linh hộ quốc. Lễ bái xong ông cho tướng sỹ rút về doanh trại chỉ còn một mình nằm cầu mộng trong đền. Đêm ấy nổi mưa to gió lớn, trong mưa giông có ba chiếc thuyền rồng lướt trên đầm Đào Xá đến trước cửa đền. Ba ông quan tướng mũ áo chỉnh tề bước từ thuyền lên bộ vào đền. Thường Kiệt đốt hương quỳ lạy.

Ông đi giữa nói:

- Phụ thân ta sai ban cho nhà ngươi bài thơ, hãy lấy giấy bút ra ghi. Phụ thân ta nói thơ này làm vội cốt đủ ý tứ. Nếu nhà ngươi có tài văn học thì sửa gọt lại, rồi loa truyền cho ba quân và cả người Tống cùng nghe. Làm như thế thì việc đuổi giặc sẽ dễ như chẻ tre vậy.

Thường Kiệt vội lấy ngay giấy bút, mài mực chầu trực. Ông bên tả lấy cuộn giấy trong ống tay áo giở ra đọc:

Nam thiên di địch đế Nam quân

Đại đức giai do đức nhật tân

Thất quận sơn hà đô nhất thống

Tống binh bất miễn tán như vân

Đọc xong ba ông quay ra ngay, xuống thuyền lướt ra giữa đầm. Thường Kiệt đứng ở thềm chắp tay, nhìn theo cho đến khi đoàn thuyền biến mất. Lát sau giông tố tan dần, trăng tròn vành vạnh đỉnh đầu, mặt hồ lặng sáng như gương.

Thái úy cho gọi các tướng lại hỏi:

- Vừa qua các ngươi có thấy sự gì trong lúc mưa bão không?

Chúng tướng đều nói là từ chập tối đến giờ trời vẫn lặng yên, trăng sáng tỏ không hề thấy có mưa bão gì. Thái úy bảo họ ra xem quanh đền thì đúng là vừa có mưa rào. Người vệ sĩ đứng gác cách đền hai chục bước chân nói rằng mưa gió mù mịt chỉ trong một giải từ đầm vào đền. Chỗ anh ta đứng cũng không ướt. 

Thái úy kể lại đầu đuôi sự việc rồi đem thơ thần ra đọc cho các tướng nghe, dịch là:

Trời Nam đã định Vua Nam ta

Đức lớn ngày thêm đức mới ra

Bảy quận non sông về một mối

Tống binh tan tác tựa mây sa.

Chúng tướng đều kêu là linh dị và có ý mừng. Thường Kiệt dặn dò phải giữ kín chuyện này để dùng vào việc lớn.

Sau ông ngẫm nghĩ mỗi ngày gọt giũa thêm một vài chữ, cuối cùng bài thơ được viết lại là: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư’’.

Cuối năm 1076 nhà Tống phát ba mươi vạn quân do tướng Quách Qùy chỉ huy tiến đến phòng tuyến sông Cầu thì dừng lại. Hai bên đối lũy, Lý Thường Kiệt cho đem bài thơ vào đền Tam Giang ở bến đò Như Nguyệt đọc to lên, quả nhiên quân Tống khiếp sợ. Quách Quỳ vội xin giảng hoà, rút chạy về nước, đúng như thần bảo. 

                                                (Vũ Kim Biên - dựa theo thần tích đển Đào Xá)

Tìm thấy dị bản bài thơ trên tôi cũng rất ngạc nhiên vì từ xưa các tài liệu đều nói bài thơ là do Đức thánh Tam Giang ngâm đọc, nay lại thấy dị bản do Đức Hải Công con thứ 19 của Lạc Long Quân sáng tác. Tài liệu có nguồn từ thần tích đền Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Song ta cũng biết rằng ngày xưa cách đây hàng nghìn năm chữ viết chưa được phổ biến rộng rãi, tuy Sĩ Nhiếp là Thái thú Nhật Nam được gọi là: “Nam giao học tổ’’ truyền chữ Hán vào nước ta. nhưng dân tộc ta đã phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc nên số người biết chữ là rất ít. Việc sáng tác và sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ yếu là truyền miệng. Mà đã là truyền miệng từ đời này, qua đời khác, từ vùng này sang vùng khác sẽ có những tình tiết khác.

Trở lại dị bản bài bài Thơ Thần và câu chuyện thần ban bài thơ cho Lý Thường Kiệt, thuộc loại văn bản thần phả, thần tích. Câu chuyện được truyền thuyết hóa công đức của các vị thần thánh là nhân thần, khi sống đã là những anh hùng, hào kiệt cứu dân, giúp nước, khi thác là thần bảo trợ an vui cho nhân dân trong vùng. Mặt khác đã là truyền thuyết thuộc thể loại văn học dân gian thường có yếu tố kì dị như: ngựa sắt biết hí ra lửa và xông ra trận tiền đánh giặc. Rùa vàng biết nói rồi trao nỏ thần cho đức Vua An Dương Vương. Trong tín ngưỡng dân gian cũng quan niệm thế giới có bốn phủ: phủ thiên, phủ điạ, phù thủy, và âm phủ. Mỗi phủ đều có Vua quan như cuộc sống con người, nên trong các câu chuyện truyền thuyết thường các nhân vật như người, thần, bụt, tiên đều xuất hiện để đề cao chính nghĩa, trừng phạt kẻ gian tà. Ở câu chuyện này là thể hiện oai Linh của thần thánh, cũng là Linh khí của núi sông, ý chí bất khuất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta. 

Cho dù rất nhiều điều khác biệt, nhưng đến nay tất cả các văn bản cũng như lưu truyền trong nhân dân đều khẳng định bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt và được Lý Thường Kiệt mượn oai linh thần thánh ngâm đọc trong cuộc chiến để cổ vũ sĩ khí quân dân đánh giặc đồng thời làm cho quân thù khiếp sợ mà tháo lui trả lại nền thái bình và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước làm nên một thời đại hưng thịnh rực rỡ trong lịch sử dân tộc./.

 

Ghi chú: 

(1) Đức thánh Tam Giang. Người anh tên là Hống, ở đây ghi là Khiếu. Theo nghĩa Hán, Hống và Khiếu đều có nghĩa là kêu to.

 

                                                                                                                                                                            MAI KHÁNG