Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

THƠ ĐỐI CON TRÂU ĐÓN XUÂN TÂN SỬU - 2021
10:56 | 25/01/2021

      Thế là năm Canh Tý sắp hết. CLB mười hai con giáp lại chuẩn bị cho đêm thơ đối giao thừa đón xuân con trâu Tân Sửu thật rôm rả. Con trâu đã quá quen thuộc với với mọi người nên đã có rất nhiều người đăng kí có thơ giao lưu. Ban chủ nhiệm đã chọn một số bài đặc sắc nhất để giới thiệu và bình. Đặc biệt các tác giả đều là những người tuổi Sửu cả.

     Đầu tiên một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng dáng dấp còn nhanh nhẹn khỏe mạnh được giới thiệu là cụ tuổi Đinh Sửu - 1937 như vậy đã 85 tuổi rồi. Cụ nói rằng từ khi sáu tuổi đã được cưỡi trâu và rồi lớn lên lại đi cày bừa cùng trâu nên rất yêu mến trâu.

     Cụ đã làm bài thơ với lòng yêu mến trâu như một người bạn. Và cụ đọc rất tha thiết: Bạn của nhà nông 

                                                 Dẫu yếu còn hơn cả khỏe bò

                                                 Quanh năm cần mẫn chả phiền lo

                                                Đồng màu ruộng lúa quen cày kéo

                                                Nền đất gốc đa đủ ngáy khò

                                               Yếm trễ dáng hình đâu gợi cảm

                                              Sách đầy chữ nghĩa chẳng hay ho

                                              Thôi thì quanh quẩn đồng ta vậy

                                              Đàn gảy bài chi chịu tẽn tò.

       Chà! Chà! Bài thơ nói về con trâu thật đầy đủ cả tính cách và ngoại hình một cách tự nhiên mặc dù không có một từ “con trâu” nào nhưng ai cũng hiểu. Hai cặp đối rất chỉnh và còn gài được cái ý của ca dao tục ngữ “trâu ta ăn cỏ đồng ta” hay “đàn gẩy tai trâu”... pha thêm chút hài hước kín đáo cho bài thơ thêm hấp dẫn.

       Một vị khác được mời đọc tiếp. Vị này tuổi Kỷ Sửu - 1949 lên tiếng: 

      Thưa quý vị! Có ai biết Vua trâu không. Tôi đã được thấy nhiều lần rồi và xin “vẽ” chân dung Vua trâu bằng bài thơ Ngưu Ma Vương:

                                             Cưỡi kì lân dạo chín tầng mây

                                             Vua các loài trâu chính lão đây

                                             Chú bé Hồng Hài luôn kính nể

                                             Cô nàng La Sát mãi mê say

                                             Tề Thiên Đại Thánh tầm em út 

                                            Đức Phật Quan Âm mới bậc thầy 

                                            Tân Sửu xuân nay về hạ giới 

                                            Chuột nào tham nhũng sẽ... phanh thây.

     Ôi chao! Bức chân dung Vua trâu thật sống động hiện ra bằng một bài thơ thật tuyệt vời có gắn với những nhân vật khác làm chân dung hiện ra thêm sinh động. Hẳn rằng ai cũng mong ngài giáng trần giúp chống tham nhũng được tốt hơn. Chắc rằng nhiều chuột tham nhũng cũng sợ lắm đây... Mọi người vỗ tay rần rần.

      Một vị tuổi Tân Sửu - 1961 được mời lên tiếp:

     Thưa quý vị! Đã có một con trâu được đi vào hội họa rất nổi tiếng ở làng tranh Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh ta. Tôi cũng xin “vẽ” lại bức tranh này bằng một bài thơ, mong các vị cho ý kiến nhận xét Ai bảo chăn trâu là khổ:

                                             Một lá sen che mát mái đầu

                                             Bé ngồi ngất ngưởng giữa lưng trâu

                                            Làn mây trắng nõn trôi theo gió

                                            Bãi cỏ xanh rờn trải tới đâu...

                                           Tiếng sáo dặt dìu bay khắp nẻo

                                           Tai trâu ve vẩy lắng từng câu

                                           Bức tranh quê đẹp thanh bình quá

                                           Xoa dịu lòng ta những lúc sầu

        Đúng là một bức tranh đồng quê thanh bình được vẽ nên bằng một bài thơ có màu sắc có âm thanh có cậu bé đang vô cùng vui vẻ cùng chú trâu yêu quý của mình. Có lẽ nhà thơ Giang Nam viết nên câu “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” cũng đã được xem bức tranh này mới có cảm hứng vậy chăng. 

        Mọi người nghe bài thơ và đôi lời bình đều cảm thấy tâm đắc hết lời khen ngợi.

        Đến lượt vị tuổi Quý Sửu - 1973 tâm sự rằng: 

       Thưa các bác, các bạn! Còn có một con trâu nữa vô cùng đặc biệt. Nơi ấy người ta gọi là “Ông Trâu” một cách rất tôn kính. Đã không phải cày kéo cực nhọc gì mà còn được chăm sóc rất chu đáo bảo vệ kĩ càng như vật quý. Đó là: Trâu chọi

                                            Được người tôn kính gọi bằng Ông 

                                            Trâu hỡi trâu hời có sướng không

                                           Chẳng phải cày bừa trầy trượt cổ

                                           Được lo ăn uống đẫy đà mông 

                                           Hè oi chiều dạo sông xanh tắm

                                          Đông lạnh đêm nằm áo ấm bông 

                                          Tháng tám Đồ Sơn cờ trống rước...

                                          Khua sừng mấy trận thế là... xong.

      Ôi thôi! Chắc mọi người đều biết hội chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng các “ông trâu” được chuẩn bị kĩ lưỡng cho ngày vào sới chọi. Và rồi trận chọi kết thúc thì ôi thôi... chỉ bằng một từ “xong” là ta đã thấy cái kết cục của “ông trâu” đó rồi. Nhưng biết làm sao đó là một tục lệ mà người Đồ Sơn cho là nét đẹp từ bao đời nay. 

       Bài thơ về “ông trâu” chọi thật độc đáo đã ghi lại được một lễ hội cũng rất độc đáo bằng những câu thơ mộc mạc nhưng rất gợi tả, từ ngữ chọn lọc đặc tả rất thành công các cặp đối hay và chỉnh, mọi người đều tấm tắc khen.

       Một vị tuổi Ất Sửu - 1985 được mời tiếp đã nói bằng cái giọng hơi buồn buồn: Thưa các bác, các anh! Con trâu đã bao đời gắn bó với người ta như vậy đã được coi là “đầu cơ nghiệp”, thế mà nay đã có nhiều nơi mọc lên nhà máy, sân golf... nhà nông hết ruộng con trâu cũng đã hết thời. Ôi đành phải chia tay từ đây. Xin có đôi lời: Nỗi niềm ai hay...

                                        Xưa từng dốc sức giúp nhà nông 

                                       Nay lắm làng quê hết ruộng đồng

                                       Xe kéo nữa chi đành xếp xó 

                                      Cày bừa âu vậy cũng đi tong 

                                       Đứng bên nhà máy mà rơi lệ 

                                      Ngắm mãi sân gôn thấy não lòng

                                      Rơm cỏ lấy đâu... thôi hóa kiếp...

                                     Bao đời tình nghĩa... kể như không...

       Mọi người nghe xong cũng thấy đồng cảm với nỗi niềm này. Nhưng thôi biết làm sao, cuộc sống luôn biến động khép chỗ này lại mở chỗ khác chả nên ưu tư mãi làm chi. Dẫu sao bài thơ cũng đã nói lên được một thực tại của xã hội ta gần đây một cách rất văn vẻ với những từ ngữ chọn lọc gợi tả, đăng đối chuẩn xác hẳn người nghe còn mãi nhớ.

        Một cậu tuổi Đinh Sửu - 1997 được mời đã lễ phép lên tiếng: 

        Thưa các ông các bác các anh! Biết cháu được dự buổi vui thơ đối này ông cháu đã cho cháu cặp đối nay xin được đọc:  

                                     Sinh thời vẫn cày ruộng bừa đồng, công sức ấy nhà nông mãi nhớ.

                                     Hóa kiếp dù phơi da lóc thịt, tiếng tăm kia cõi thế còn vang.

        Vừa nghe xong cặp đối mọi người đã bình luận sôi nổi. Quả là cặp đối hay đã khái quát được cuộc đời của con trâu chỉ trong hai câu ngắn gọn xúc tích rất tả thực nhưng còn để lại một vĩ thanh ấy là tiếng trống (dùng da trâu) vang mãi về sau. Hẳn mọi người còn có những suy tưởng thêm.

        Cặp đối này đã kết thúc đêm Giao thừa vui thơ đối mừng xuân Tân Sửu.

        Kìa pháo hoa đã sáng khắp trời mọi người cùng vui đón một mùa xuân mới với bao mơ ước cuộc đời tươi đẹp hơn.

        Nào hãy cùng hân hoan chúc mừng năm mới./.

                                                                                                                                                                                                                     NGUYỄN ĐÌNH TỰ