Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

THÁI ĐỘ CỦA DÂN GIAN QUA NHỮNG TRUYỀN THUYẾT ĐỨNG ĐẦU
09:35 | 03/11/2020

Thế giới quan và nhân sinh quan của người đặt truyện bao giờ cũng thể hiện bằng thái độ, tình cảm của mình với các nhân vật. Ta tìm hiểu điều này qua các truyền thuyết đứng đầu. 

Truyện “Đẻ trăm trứng” không đơn thuần giải thích nguồn gốc dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, nó khẳng định đất nước ta là một khối thống nhất, không kẻ thù nào có thể chiếm đoạt và chia cắt. Từ rừng xanh đến đồng bằng, vùng biển đều là đất đai, tài sản của cha ông ta truyền lại cho con cháu muôn đời. Thời kì Bắc thuộc, các đế chế phong kiến Trung Quốc có những âm mưu thủ đoạn khác nhau nhưng đều thống nhất ra sức đồng hóa dân tộc ta. Chúng không thể thực hiện được. Tinh thần đoàn kết toàn dân từ núi rừng đến ven biển, ngoài đảo xa đã đồng lòng phá vỡ âm mưu của các tập đoàn phong kiến phương Bắc. Người dân trên dải đất chữ S đã nêu cao tinh thần muôn nhà như một quyết giữ gìn giang sơn đất nước của con rồng cháu tiên. Cha ông ta từ khi đặt truyện đã ngầm giao cho con cháu muôn đời sau trách nhiệm vinh quang và nặng nề ấy.

Thánh Gióng còn có tên gọi Phù Đổng Thiên Vương. Truyền thuyết tiêu biểu cho tinh thần toàn dân đoàn kết, nêu cao sức mạnh tiêu diệt kẻ thù xâm lược cho dù chúng từ đâu tới. Một bà mẹ nghèo đi hái cà gặp mưa to, gió lớn, ướm bàn chân lạ khổng lồ về sinh ra Gióng. 

 

Chi tiết kì lạ này lại khẳng định mỗi khi dân tộc ta đứng trước những thử thách căm go lại xuất hiện nhân tài kiệt xuất đủ điều kiện đáp ứng đòi hỏi khẩn thiết của đất nước non sông. Suy cho cùng con người tài năng đều sinh ra từ mảnh đất, gắn bó với những cư dân sau lũy tre làng. Con người tài năng xuất chúng được nuôi dưỡng bởi bàn tay bà mẹ và cưu mang đùm bọc của mọi thành viên trên đất nước này. Các ả, các nàng hối hả mang gạo nấu cơm, muối cà nuôi Gióng. Sự đồng lòng góp sức của mọi người làm nên chiến thắng. Người anh hùng không phải đâu xa lạ, từ nhân dân mà ra lại vì dân đánh giặc. Nhìn nhận của cha ông ta tự ngàn xưa thật quý biết bao. Đoàn quân Gióng ra trận có người đang cày ruộng, cắt cỏ, câu cá, đập đất trên cánh đồng... tất cả đều đầu quân theo Gióng. Cha ông ta đã phát động cuộc chiến tranh nhân dân tự ngày ấy. Chi tiết ngài hóa cả người ngựa bay về trời đầy ngưỡng mộ. Nhân dân biết ơn mãi người anh hùng cứu nước.

Truyền thuyết An Dương Vương có nhiều tên gọi khác nhau. Rùa Vàng trong “Lĩnh Nam trích quái”, Thục Kỉ An Dương Vương trong “Thiên Nam ngữ lục”, truyền thuyết “Mỵ Châu, Trọng Thủy” ở vùng Cổ Loa. Các truyện mang tên gọi khác nhau nhưng những chi tiết chính đều thống nhất. Quá trình xây thành chế nỏ của An Dương Vương. An Dương Vương để mất nước. Cách xử sự của An Dương Vương trước cảnh nước mất nhà tan và số phận của các nhân vật. Thái độ và tình cảm của tác giả dân gian là thái độ của người dân trong hoàn cảnh chiến trường. Nhân dân đã mượn chi tiết kì ảo giải  quyết cho từng số phận nhân vật. Vua cha chém đầu Mỵ Châu. Sự lựa chọn quyết liệt giữa một bên là tình nhà, một bên là nghĩa nước. An Dương Vương đã để cái chung trên cái riêng. Trong lòng nhân dân, An Dương Vương không chết. Nhà vua cùng rùa vàng cầm sừng tê bẩy tấc rẽ nước bước vào thủy phủ thế giới vĩnh cửu của thần linh. So với hình ảnh Thánh Gióng về trời, An Dương Vương không rực rỡ bằng. Tác giả dân gian rất công bằng và minh bạch. Phù Đổng thiên Vương bay về trời. Chúng ta phải ngước mắt lên mới nhìn thấy. Với An Dương vương, chúng ta phải cúi xuống thăm thẳm mới nhìn thấy. Bởi An Dương vương đã để mất nước. 

Mỵ Châu phải đối mặt với tình và tội. Nàng vô tình đắc tội với non sông. Nàng đã tiết lộ bí mật quốc gia, làm mất tài sản quý báu dẫn đến cảnh đất nước rơi vào tay giặc. Lông ngỗng có thể rắc cùng đường nhưng không ai cứu được Mỵ Châu. Tiếng thét của rùa vàng: Kẻ ngồi sau lưng nhà vua là giặc đó. Tiếng phán quyết mạnh mẽ của cha ông. Tuy nhiên, nhân dân thấu hiểu Mỵ Châu bị người đời lừa dối. Nàng không phải cố ý hại vua cha. Chi tiết ngọc trai mò được ở biển nơi Mỵ Châu bị chém đầu, máu chảy xuống biển trai sò ăn phải biến thành ngọc châu đem ngọc ấy về rửa nước giếng Trọng Thuỷ tự tử thấy sáng trong thêm. Ngọc trai nước giếng không phải thể hiện tình yêu chung thủy. Một chút đền bù của tác giả dân gian với Mỵ Châu. Oan tình của Mỵ Châu được hóa giải.  

Trọng Thủy dưới con mắt của nhân dân là tên gián điệp đội lốt con rể. Cùng cha của mình, hắn muốn thôn tính nước Âu Lạc. Hắn muốn chiếm trái tim người đẹp. Tác giả dân gian không để hắn thực hiện được tham vọng của mình. Mỵ Châu bị trừng trị dưới lưỡi gươm công lí. Trọng Thủy gây ra cảnh nhà tan nước mất, máu đổ, xương tan của bao cư dân Âu Lạc, hắn phải tự tìm đến cái chết với xót thương hối hận dày vò.

Rùa Vàng nhân vật siêu nhiên thần kì được đưa vào truyền thuyết, An Dương Vương nhờ có Rùa Vàng mới xây được thành và chế nỏ hiệu nghiệm bảo vệ vững chắc giang sơn. Rùa vàng là hiện thân của trí tuệ, tài năng. Rùa Vàng gần vua, nhà vua minh mẫn tỉnh táo. Rùa Vàng xa nhà vua dẫn đến sự lơ là mất cảnh giác 

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần sơ ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

                                  (Tố Hữu)

Trong một bài viết của mình đăng trên báo Nhân dân, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: Truyền thuyết của ta đều bắt nguồn từ cái lõi là sự thật lịch sử. Nhân dân qua các thời đại đã gửi gắm vào đó tâm hồn thiết tha của mình cùng với thơ và mộng.

Nhân dân ở vùng Cổ Loa đồn đại Trọng Thủy không lao đầu xuống giếng tự tử. Y bị oan hồn Mỵ Châu lôi xuống dìm chết. Sự căm thù uất ức của nhân dân với kẻ thù xâm lược đã thêu dệt chi tiết này. Kết cục không hợp lý. Cái giếng ấy không liên quan gì đến Mỵ Châu. Nàng không thể xuất hiện ở giếng đó được. Lòng căm thù cao độ của Nhân dân đã gửi vào chi tiết tưởng chừng vô lý. Biết bao cá nhân con người ở mỗi thời đại đều gửi lòng mình. Chu Thần Cao Bá Quát ở thế kỉ XIX hạ bút với đôi câu đối hoành tráng ghi ở đền Sóc: 

Phá tặc đản hiềm tam tuế vãn

Đằng vân do hận cửu thiên đê

(Ba tuổi phá tan giặc vẫn tiếc là muộn. Cưỡi lên chín tầng mây vẫn hận là thấp)

Ở thế kỉ XX, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lắng sâu cảm xúc của mình:

Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Cảm thương Mỵ Châu một nhà thơ cất lên tiếng gọi: 

Bao giờ hết Mỵ Châu ơi!

Cái tình cái tội ở đời ai mang?

(Với Mỵ Châu - NKĐ)

Tâm tình, những suy nghĩ của Nhân dân qua các thời đại với truyền thuyết sẽ không thể nào ghi hết./.

                                                                                                                                                                                                                                          CẨM TÂM