Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TẾ TỬU QUỐC TỬ GIÁM - TIẾN SỸ NGUYỄN ĐĂNG MINH
15:30 | 06/09/2023

Tế tửu là chức danh đứng đầu Quốc Tử Giám - nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của cả quốc gia (chức danh Hiệu trưởng ngày nay), mang trọng trách trông coi Văn Miếu, thực hiện việc cúng tế xuân, thu nhị kỳ; tham gia đào tạo, bồi dưỡng những người xuất sắc nhất của các tỉnh, thành trở thành nhân tài cho đất nước. Trong suốt thời kỳ quân chủ, các Tế tửu Quốc Tử Giám đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ, có uy tín, học vấn uyên bác; cùng các học quan trường Giám góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo hiền tài cho đất nước. 

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh (Đăng Triêm) là một trong những Tế tửu tài đức vẹn toàn trong thời Lê Trung Hưng, ông là một nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là tấm gương sáng về trí tuệ, tài năng, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Sinh ra và lớn lên tại làng Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du trong gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Bão có nhiều người làm nghề dạy học; tên tự là Dã Phu tên thụy là Hằng Sơn, là Hiệu sinh ấm phong Đại lý tự, Tự thừa Tham nghị, sau được phong tặng Binh bộ tả thị lang, Thái bảo. Thân mẫu ông họ Nguyễn (người xã Khắc Niệm Thượng), hiệu là Từ Thiện, được phong là Thái Bảo Liệt Phu nhân. Anh trai là Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo; em trai út tự là Nhã Phu, hiệu là Hoa Sơn, thi Hương trúng Tứ trường, nhận chức Tú lâm cục Điển nghĩa. 

Thuở thiếu thời, Nguyễn Đăng Minh đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, lại được sự giáo dục, uốn nắn kèm cặp của cha nên trúng sinh đồ khi mới vừa 16 tuổi. Năm Bính Tuất (1646), cùng với anh trai là Nguyễn Đăng Cảo, ông tới kinh thành Thăng Long tham dự kỳ thi Hội. Tại kỳ thi này, triều đình lựa chọn 17 người vào hạng xuất sắc thì cả hai anh em ông đều trúng cách. Hôm sau, vào thi Điện, hoàng thượng ngự lãm, định thứ tự cao thấp, ban cho Nguyễn Đăng Cảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa), Nguyễn Viết Cử đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) và 15 người đỗ Đồng Tiến sỹ xuất thân, trong đó có Nguyễn Đăng Minh. Sau khoa thi, ông và anh trai Nguyễn Đăng Cảo cùng vinh quy bái tổ. Một gia đình có hai anh em cùng đỗ Tiến sỹ cùng khoa thi, cùng vinh quy bái tổ lại là điều rất hiếm gặp trong lịch sử khoa cử Việt Nam.

Sau khi thi đỗ, chính thức bước vào con đường quan trường, Nguyễn Đăng Minh giữ chức Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo, trật Tòng thất phẩm gần 10 năm (1646 - 1653), thực hiện công việc tu soạn các bộ sử. Với tài năng, phẩm hạnh và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước, Nguyễn Đăng Minh được triều đình phong tặng Quang tiến Thận lộc đại phu, Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Diễn Lộc nam. Hiến sát sứ Sơn Tây, Tả Tham chính Thanh Hoa. Sau khi về trí sĩ, Nguyễn Đăng Minh mở lớp dạy học tại quê hương và đã đào tạo ra nhiều danh nho cho đất nước.

Bút tích để lại của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh là 3 bài soạn trên bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, năm Hoằng Định bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sỹ đề danh kí (1607); Hoằng Định thập nhị niên Canh Tuất khoa Tiến sỹ đề danh ký (1610); Hoằng Định thập tử niên Quý Sửu khoa Tiến sỹ đề danh ký (1613); 1 bia đá Toàn xã đẳng cộng lập/ Huệ hứa bản xã điền/Ngô công tôn thần bi/ Bính Dần niên đông tiết tại đình Dưỡng Mông, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, niên đại bia năm Chính Hoà thứ 7 (1686). Những bài soạn do Nguyễn Đăng Minh chấp bút đó không những cho thấy giá trị văn chương của tác phẩm mà còn thấy giá trị tư tưởng của tác gia và thời đại hết sức sâu sắc. Cùng với anh trai Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo - người soạn bài ký đề danh Tiến sỹ của ba khóa thi: Thuận Bình lục niên Giáp Dần Chế khoa đề danh kí (1554), Chính Trị bát niên Ất Sửu khoa Chế khoa đề danh kí (1565), Gia Thái ngũ niên Đinh Sửu khoa Chế khoa đề danh kí (1577), hai anh em Thám hoa - Tiến sỹ người Hoài Bão, Tiên Du, xứ Kinh Bắc đã để lại những tài liệu quý giá giúp chúng ta ngày nay biết được về chính sách đào tạo, tuyển chọn người tài cho đất nước thời Lê Trung Hưng.

Là một viên quan văn lại giữ trọng trách ở một trường đại học lớn duy nhất của triều đình, khi làm Tế Tửu ông rất mực giản dị, liêm khiết, tránh mọi sự phiền nhiễu tới dân chúng. Có lẽ chính những nét đẹp của quê hương Kinh Bắc, của dòng tộc đã có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới ông tạo nên một con người có phong cách sống đức độ, nhân từ bao dung. Người đương thời đều khen và coi ông là người hiền tài và đức độ. 

Tương truyền, những ngày Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh ở kinh sư làm việc, ông thường ăn mặc giản dị, sống hòa đồng với người dân nơi đô hội; người ta thường lẫn ông với người bình dân. Đến nỗi mấy lần bị bắt trói đòi nhầm nợ cũ mà ông vẫn thản nhiên như không, tha thứ và thông cảm cho sự nhầm lẫn của người trót xúc phạm và vô lễ đối với mình, thật quả là một người hiếm có. 

Trong gia đình, đối với các con ông đều yêu quí và giữ lễ cha con, tâm đầu ý hợp với phu nhân - tiểu thư Ngọc Nhĩ, con gái Thượng thư Nguyễn Văn Giai (người Phù Lưu tỉnh Nghệ An) với vợ người Tam Tảo xứ Kinh Bắc. Người con trưởng của ông là Thám Hoa Nguyễn Đăng Tuân là người đứng đầu cơ quan hành chính ở kinh đô, con thứ là Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, con trai thứ ba Nguyễn Đăng Tuyển trúng sinh đồ.

Theo ông Nguyễn Đăng Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc, hậu duệ đời thứ 19 dòng họ Nguyễn Đăng, cho biết: Dòng họ Nguyễn Đăng trước sau có lịch sử 600 năm, bốn vị tổ ban đầu đều dạy học, đời thứ năm trở đi bước vào thời kỳ khoa bảng, kể từ năm 1443 đến năm 1918 trong khoảng 475 năm có 91 người đỗ đạt, trong đó có 6 Tiến sỹ, Thám hoa và Trạng nguyên, 7 Giám sinh, 25 Hiệu sinh, 2 Tú tài, 5 Thiếu khanh, tổng giáo và Huyện thừa. Nhiều người học giỏi tuy không vào đại khoa, nhưng vẫn được bổ nhiệm vào các chức vụ của triều đình. Riêng đời thứ 9 và đời thứ 10 có gia đình Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo thì cả bác cháu, anh em, cha con đều đỗ đạt cao, làm quan lớn trong triều, thực là hiếm có.

Khi nói đến các vị ấy, không thể không nhắc đến vai trò của bà Nguyễn Ngọc Nhĩ, tấm gương mẫu mực của một người vợ hiền. Bà có lòng nhân đức ưu ái đối với mọi người, cứu giúp những ai ốm đau tật bệnh, ai đói nghèo cấp cho tiền gạo chu đáo. Bà lại cúng tiền làm chùa Liên Hoa trong làng Bịu Thượng và 4 lạng vàng để đúc một chuông đồng, đêm khuya thanh vắng, tiếng chuông ngân xa ai ai cũng nghe được. Bà còn cho làm chùa Ngô Linh tự ở thân Thị (tức Bịu Sim) tục gọi chùa Ngô. Tương truyền chùa Ngô rất linh thiêng, mọi việc cầu cúng đều ứng nghiệm không sai. Nhân dân vẫn nhớ công đức này của bà.

Theo các nguồn tư liệu hiện có, năm sinh của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh có 2 thông tin là năm Quý Mùi (1623) và năm Ất Dậu (1625). Về năm mất của ông có 4 thông tin là: năm Nhâm Thân (1692), năm Giáp Tuất (1694), năm Bính Tí (1696) và năm Mậu Dần (1698), cả ba cuốn gia phả trên đều ghi thông tin Nguyễn Đăng Minh mất ngày 19 tháng Tư. Khi mất, ông được triều đình gia phong chức Hộ bộ Tả Thị lang, Thái bảo. Tên tự của ông là Phác Phu, tên thụy là Hành Sơn.

“Giỏi giang như cụ Cảo, 

Hiền đức như cụ Minh, 

Hiển vinh như cụ Đạo” 

Đó là câu ví mà con cháu dòng họ Nguyễn Đăng nhắc đến khi kể về gia đình Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo - vị quan liêm khiết, đức độ có tiếng; Tế Tửu Nguyễn Đăng Minh - nhà giáo dục tài ba, liêm chính; Lưỡng quốc Trạng nguyên - Tể tướng Nguyễn Đăng Đạo. Hàng năm, tại di tích đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo thường tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng của dòng họ và địa phương. 

Ngày 28 tháng hai năm Quý Mão vừa qua, dòng họ Nguyễn Đăng làng Bịu Thượng tổ chức lễ húy nhật nhân 304 năm ngày giỗ Lưỡng quốc Trạng nguyên, Tể tướng Nguyễn Đăng Đạo gắn với xuân tế, nhớ ơn các vị tiên tổ với sự có mặt của hơn 20 chi họ từ khắp các vùng miền về dự, trong đó có sự hiện diện của đoàn khách gần 30 người phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã minh chứng thêm những công trạng của Tế tửu Nguyễn Đăng Minh - thành hoàng làng Yên Đông phường Yên Hải.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Quang Dự - Trưởng ban quản lý đình làng Yên Đông (di tích văn hóa cấp tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Yên Đông là một làng cổ của tỉnh Quảng Ninh được hình thành từ đời nhà Lê, do các vị tiên công quê kinh thành Thăng Long xưa, vâng mệnh nhà vua đi mở đất, quai đê, lấn biển lập làng. Khi xây dựng đình làng, 41 người làng Yên Đông nguyên là giám sinh Quốc Tử Giám, hiệu sinh và sinh đồ của làng đã tôn thờ Tế tửu Quốc Tử Giám - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh làm Thành hoàng làng Yên Đông. Hiện nay đình làng Yên Đông còn lưu giữ bức tượng thành hoành Nguyễn Đăng Minh bằng gỗ có tuổi đời trên 275 năm. Thần tích, thần sắc và bia đá “Bi ký đăng khoa thi trung” làng Yên Đông còn ghi rõ: Sau khi được tôn làm thành hoành làng, ngài đã tỏ rõ linh ứng, được các triều Vua Nguyễn sắc phong các năm Gia Long thứ 9 (1810) phong Thông đạt Đại vương, sắc ngày mùng 3 tháng 10 năm Tự Đức thứ 10 (1857) gia tăng “Phu Cảm Chính Trực Hiệp Tướng Đôn Ngưng chi thần”; sắc phong chung cùng vị Thành hoàng Linh Ứng năm Tự Đức thứ 33 (1808) và năm Duy Tân thứ 3 (1909). Hàng năm làng Yên Đông đều cử người về Bắc Ninh để dự Xuân tế của dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng.

Có thể khẳng định, với những tư liệu hiện có về Tế tửu Quốc Tử Giám - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh thực sự là tấm gương sáng cho truyền thống khoa cử của người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong bối cảnh mới. Hy vọng trong thời gian không xa, các di tích thờ danh nhân dòng họ Nguyễn Đăng, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và các di tích thờ các vị tiên hiền dòng họ Nguyễn Đăng ở Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh… sẽ là những điểm giáo dục truyền thống lịch sử văn hiến cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Thị Huế, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Sở VHTT Hà Bắc, 1994. 

- Hội thảo khoa học “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh” tại Hà Nội, năm 2017.

- Tư liệu của ông Nguyễn Đăng Hiền - xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du.

                                                                                                                                                                                                                                                                THANH HẢI