Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG “BÓNG HỒNG” VẤN VƯƠNG, MỘNG MỴ TRONG ĐỜI NGƯỜI, ĐỜI THƠ HOÀNG CẦM
14:56 | 27/10/2021

Nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt. Ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, nay là thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc của Hoàng Cầm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc Bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc Bắc: Hoàng Cầm.

Năm 1944, chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.

Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.

Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Kịch nói. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản.Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban Chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án Nhân văn Giai phẩm, ông phải rút khỏi Hội Nhà văn vào năm 1958 và về hưu khi đang tuổi 48.

Năm 1982 ông bị bắt giam vào Hỏa lò vì tập thơ Về Kinh Bắc sáng tác năm 1959 - 1960. Năm 1983 ông được tha về khi không có phiên tòa nào xử ông tội chống Đảng, hậu quả của việc này khiến ông mắc bệnh trầm cảm.

Một lần trả lời phỏng vấn của báo chí về câu hỏi: Ông có thể “tổng kết” bao nhiêu “Lá Diêu Bông” đã vương vấn trong đời mình? Nhà thơ Hoàng Cầm tâm sự “Không đếm được. Nếu đếm và kể ra thì liên quan đến đời tư của rất nhiều người. Trong đời tư, tôi yêu nhiều người và cũng có nhiều người yêu tôi. Nhưng không phải mối tình nào cũng suôn sẻ, trọn vẹn. Có rất nhiều thất vọng và thất bại. Tôi là một người rất quý trọng tình yêu, không yêu đương bừa bãi để thoả mãn nhu cầu. Đã gọi là tình yêu thì người đàn bà mình yêu  phải hướng thiện với những gì đẹp đẽ nhất. Khi thực tế ngược lại với mơ ước, tôi thất vọng và thành ra tan vỡ. Mà càng như thế, càng yêu nhiều, tình yêu càng được nhân lên”.

Người vợ đầu tiên gắn bó với  nhà thơ Hoàng Cầm là một phụ nữ cùng quê tên là Hoàng Thị Hoàn, em gái ông Hoàng Hữu Nghị, hiệu trưởng trường La Clarté ở Bắc Giang, cưới năm 1940. Đó là cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt. Bà Hoàng Thị Hoàn tuy không mang lại thi hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm, nhưng sinh cho ông  người con  trai đầu lòng Bùi Hoàng Kỳ (sinh năm 1940), sau đó sinh thêm hai con gái Bùi Hoàng Yến và Bùi Hoàng Oanh. 

Con trai Hoàng Kỳ không nối nghiệp làm thơ như cha, nhiều năm anh làm việc tại thư viện Hà Bắc, những năm cuối đời làm việc tại Báo Sức khoẻ & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Trong con mắt của nhiều người cùng trang lứa, Hoàng Kỳ đẹp trai, thông minh, có chút lãng tử theo gen của cha, luôn khiêm nhường, thân thiện với đồng nghiệp, bè bạn... Sự nghiệp không suôn sẻ, lương duyên không được vẹn toàn. Con gái Bùi Hoàng Yến là một kịch sĩ tài sắc, nhưng bạc mệnh qua đời khi còn rất trẻ. Bùi Hoàng Oanh chết đói cùng mẹ năm 1949. Nhà báo Hoàng Kỳ có lần thổ lộ về mối lương duyên của nhà thơ Hoàng Cầm và bà Hoàng Thị Hoàn: “Chuyện các cụ là bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Hai con người không có tình yêu và cứ xa nhau mãi. Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi, tôi ở với ông bà”.

Sau cái thời “Chị và em” với chị Vinh “Diêu bông” và chị Nghĩa “Tam cúc”, tuy đã lấy vợ nhưng do đang học ở Hà Nội, cậu học trò tú tài Hoàng Cầm vẫn có một mối tình với cô gái nhảy Phương Tuyết. Nàng đã từng nuôi dưỡng chàng đèn sách suốt nửa năm ròng.

Người vợ thứ hai của nhà thơ Hoàng Cầm là Tuyết Khanh. Tháng 11 năm 1946,  Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh (nhà viết kịch, đạo diễn) trong Ban kịch Đông Phương dựng vở kịch thơ Kiều Loan do Hoàng Cầm soạn kịch bản từ năm 1942. Nhân vật nữ chính duy nhất là Kiều Loan, người đóng vai này phải là người có tài, có sắc, lại phải am hiểu thơ ca. Ngày đó người diễn viên phải ngâm thơ chứ không đọc thơ như bây giờ. Cũng chính vì ngâm thơ, nên vở kịch kéo dài ngót 4 tiếng đồng hồ. Việc tìm diễn viên đóng vai Kiều Loan cực kỳ vất vả. Ông cùng đạo diễn Hoàng Tích Linh đã tìm 13 người vẫn chưa đạt. Tìm đến Tuyết Khanh là người thứ 14. Và Tuyết Khanh đảm đương vai Kiều Loan rất tuyệt nhờ tài, sắc và sự thông minh vốn có. Tháng 11 năm 1946, Vở Kiều Loan diễn hai đêm ở Nhà hát Lớn. Đêm đầu tiên trọn vẹn. Đêm thứ hai bỏ giữa chừng vì tiếng súng giao tranh giữa ta và quân đội Pháp ngoài phố rát quá. Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng tìm gặp Hoàng Cầm bảo: Tôi tiếc đứt ruột, nhưng đành phải dừng thôi. Giả như đang diễn mà nó (thực dân Pháp) ném cho một quả lựu đạn vào giữa rạp thì khốn. Thế là dừng không diễn nữa.

Không chỉ mê nhân vật Kiều Loan, Tuyết Khanh còn mê cả tài năng của tác giả Hoàng Cầm, người không chỉ làm thơ hay mà còn ngâm thơ rất tuyệt, ông được ví là giọng ngâm vàng, con sơn ca của ngâm thơ thời bấy giờ.

Nữ kịch sĩ Tuyết Khanh là một người phụ nữ đẹp, đa tài, khiến nhiều người si mê, một trong số họ là thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ông đã viết tặng nàng nhiều bài thơ như “Đêm vàng Thủy Tạ” hoặc “Nhớ cố nhân”… Nhưng con đường tình yêu đôi khi không trải hoa hồng, Tuyết Khanh lại đem lòng yêu thi sĩ Hoàng Cầm, trong khi đó ông đã lập gia đình với bà Hoàng Thị Hoàn, nhan sắc của Tuyết Khanh và tài hoa của Hoàng Cầm không ai mai mối cũng đổ ập vào nhau. Một buổi chiều ở Phố Nỉ có sự tham dự của nhạc sĩ Phạm Duy, Hoàng Cầm ngồi rung đùi đọc thơ tạm biệt người vợ trẻ Tuyết Khanh trở về Hải Phòng, vùng bị địch tạm chiếm) để sinh con, Hoàng Cầm ở lại theo chân những đoàn lưu diễn phục vụ kháng chiến. Ông hứa sẽ trở về chăm sóc nàng nhưng cuộc chiến ngày càng khốc liệt đã không chiều lòng người. Không ai ngờ buổi chiều định mệnh ấy là buổi cuối cùng hai vợ chồng gặp mặt nhau. Số phận đẩy đưa để lời hứa năm xưa trở thành thiên cổ hận: “Nếu có ngày mai anh trở gót/ Quay về lãng đãng bến sông xa/ Thì em còn đấy… hay đâu mất/ Cuối xóm buồn teo một tiếng gà”. Bài Nếu anh còn trẻ. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát Tình Cầm.

Bà Tuyết Khanh sống chung với Nhà thơ Hoàng Cầm từ đầu 1947, đến tháng 1/1948, sinh con gái, tên là Kiều Loan. Nhờ có bà Tuyết Khanh mà Hoàng Cầm đã có thời cơ về Bên kia sông Đuống hào sảng rất trữ tình: “Em ơi! Buồn làm chi - Anh đưa em về sông Đuống - Ngày xưa cát trắng phẳng lì”. Sinh hạ được Kiều Loan, bà Tuyết Khanh phải đưa con về Hải Phòng để nuôi dưỡng và chờ ngày thắng lợi đón chồng trở về. Nhưng sức chịu đựng của người đàn bà cũng chỉ có hạn. Sau mấy năm chờ đợi không tin tức, bà đành đi bước nữa, năm 1954 bà cùng Kiều Loan (con riêng) và chồng di cư vào Nam. Năm 1975, khi 2 miền thống nhất, Hoàng Cầm mới được gặp lại con gái tại Sài Gòn. Cuộc hội ngộ vô cùng xúc động trong tiếng khóc nức nở của cô con gái Kiều Loan lúc này đã 28 tuổi, đã lập gia đình và có hai con. Bà Tuyết Khanh, sau khi nuôi dạy con gái trưởng thành, đã qua Mỹ định cư. Về cuối đời, bà chọn con đường tu hành, ăn chay niệm Phật, buông bỏ tơ vương trần thế. Hiện nay, cô con gái Kiều Loan đang sống ở Mỹ. 

Ở lại chiến khu Việt Bắc, năm 1950, Hoàng Cầm đã gặp một thiếu nữ tài sắc tên là Minh Xuân, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy tự nguyện hiến dâng, sẵn sàng bỏ chức vụ đi làm cấp dưỡng cho Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu Việt Bắc của Hoàng Cầm, để giải thoát cho nàng thoát nạn bị gia đình ép lấy một cán bộ chỉ huy nhưng cô không yêu, hơi “xấu trai” một tý. Chiến sự nổ ra, Đoàn văn nghệ được lệnh rút, chiến dịch biên giới đã khiến họ lạc nhau. Không có Hoàng Cầm ở bên, “nàng” vẫn tiếp tục bị ép cho tới khi không chịu nổi đành trẫm mình xuống suối. Thi hài “nàng” đã bị nước cuốn đi cách nơi quyên sinh tới gần chục cây số. Sau này Hoàng Cầm gặp một người bạn thì mới được nghe câu chuyện tang thương về giai nhân bạc mệnh này. 

Người vợ thứ ba của nhà thơ Hoàng Cầm là bà Lê Hoàng Yến, cựu hoa khôi Hà Thành, hai người cưới nhau từ tháng 5 năm 1955, khi cả hai đều đã dang dở hôn nhân và có con riêng, bà Lê Hoàng Yến đã có 6 con riêng, nhiều hơn Hoàng Cầm 2 tuổi. Bà được xem là bờ vai vững chãi trong suốt ba mươi năm có lẻ (từ 1955 cho đến khi bà mất năm 1985). Hoàng Cầm gặp nạn vì tham gia Nhân văn Giai phẩm. Nhà thơ Hoàng Cầm cảm khái về vợ: “Bà là người hiền thục, thật thương yêu chồng con. Tôi đã trao cái gánh nặng cuộc đời cho Hoàng Yến, bà đã giúp tôi đẩy chiếc xe thơ về Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó”. Ông có với bà Lê Hoàng Yến hai người con. Năm 1985, bà Lê Hoàng Yến đột ngột từ trần vì bệnh tăng huyết áp. Đây là nỗi đau vò xé thân xác và tâm hồn nặng nề nhất. Cũng từ biến cố này, hai năm sau ông bị hoảng loạn, nhiều lần chui xuống gầm giường... Rồi trầm uất, cả ngày im lặng. May mà có anh em bè bạn văn chương vẫn thường xuyên qua lại, động viên. Đến năm 1988, nhà văn Hoàng Cầm được phục hồi, ông như “sống lại”, lại viết về yêu, đòi yêu lấp lòng trống vắng…

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Cầm đã có đến 13 “nàng” mà ông cho rằng đó là “những hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu” trong đời người và đời thơ Hoàng Cầm, trong đó 9 nàng đã hiện diện bằng tên, nhưng có tên không phải tên thật của giai nhân, bởi những “bí mật khó nói” của chuyện tình. Cũng vì những “bí mật khó nói” ấy mà có 4 “nàng” chỉ được ông để hiện diện bằng tên viết tắt như Ph.Q,B.Ng, H.Ph, Đ.Đ.

Trong các bài báo “đánh” Hoàng Cầm thời kỳ ông tham gia Nhân văn Giai phẩm, thường quy cho ông hai chữ “đồi trụy” vì ông nghiện thuốc phiện và có nhiều vợ. 

Năm 2003 nhà thơ Hoàng Cầm 81 tuổi, bà Hoàng Yến đã đi xa 18 năm, ông  đăng quảng cáo “tìm vợ” trên báo Phụ nữ. Giá như có hồi âm tích cực, biết đâu ông lại bổ sung được “bóng hồng” vào cuộc đời mình? Ông khoái trá với lối nói soi mói nhưng chân tình của người bạn đồng hương, thủy chung, son sắt, nhà văn Kim Lân: “Tuổi ấy mà nghe Quan họ Thúy Cải, Thúy Hường... tưng tưng nây nẩy - cái mắt lão ta cứ ve vé xanh...”

Thế nhưng, với nhà thơ Hoàng Cầm cũng như với đông đảo người yêu thơ ông, thì mối tình ám ảnh nhất vẫn là chuyện Lá Diêu Bông. Ông thổ lộ từ năm 8 tuổi, trái tim ông đã rung động vì một người thiếu nữ. “Chuyện tình chị - em” như một huyền thoại được lưu truyền trong công chúng với sự ngưỡng vọng và không ít ngậm ngùi.

Ngày đó, nhà Việt phía trước quốc lộ 1, đằng sau ga xép Núi Tiết. Nhà có hàng xén của mẹ bên ngoài cửa, bên trong tủ thuốc Bắc của cha. Việt đi học và ở trọ trên Phủ Lạng Thương, chiều thứ bảy về nhà.

Một hôm, cậu học trò bị hút hồn vì dáng hình một cô gái đến mua hàng mặc chiếc váy đen chùng phía trước. Nắng chiều chênh chếch nổi rõ đôi chân thon, tròn, trắng ngần kỳ ảo. Có lẽ cô gái đã linh cảm thấy, đứng thẳng người, quay lại nhìn cậu con trai. Đôi mắt đen thăm thẳm, hàng mi cong dài, đôi má ửng hồng, làn môi tươi đến lạ....

Sau đó, cậu để tâm tìm người đẹp, mới biết là chị Vinh, bán quán nước chếch bên kia  đường. Cậu lân la tìm dịp gần chị. Chị biết cậu mê đắm mình, lại thích trêu chọc, mấy lần làm cho cậu khóc. Kỳ thực, chị cũng quý cậu. Nhưng, buồn cười, chị nhận thư nó viết: Em gửi chị Vinh của em. Chị chị em em, nhưng chả thư tỏ tình thì là gì? Lại là bài thơ lục bát nữa mới ghê chứ! Một trang vở học trò kín thơ, viền quanh là hoa, bướm, vài ngọn núi sông, cả khóm cây đơn độc. Cái thằng có hoa tay, hát hay, có duyên nói chuyện... cả cái phố ga xép này xưa nay chưa ai được như nó.

Chị thì luôn đầu trò rủ bọn trẻ, nam nữ thanh niên tụ tập chỗ bãi trống sau ga vào các dịp Tết, đêm rằm để hát ví, làm liền anh, liền chị, trai gái bóng gió bằng các làn điệu Trống quân, Sa mạc, Quan họ giao duyên... Trong hồi ký của mình, nhà thơ Hoàng Cầm cho biết ông say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ ông đã hiểu thằng con trai đầu lòng của bà đã phải lòng.

Chị Vinh hơn ông 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn ông lên 8. Ông lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có “thiên thần của tôi” đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn ông dạy chị biết thêm một chút tiếng Pháp.

Đặc biệt, chị hát Quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ ông 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ ông may ra được 6 - 7 phần. Cứ thế ông mê đắm chị, cứ theo đuổi. Chị đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga… ông cũng bám theo và không nói gì cả. Khi ông bước sang tuổi 12 thì chị đi lấy chồng.

Một thứ lá của thi ca, của mộng mị được bắt đầu từ những ngày Hoàng Cầm bám theo chị Vinh ra đồng. Nhà thơ Hoàng Cầm kể: “Chị ấy tìm bới thứ gì đó trong những búi cây dại, những búi cỏ to ở những bờ ruộng, những gò nấm mấp mô trên đồng. Khi lên tìm ở một cái gò, chị ấy quay lại, đứng thẳng người lên, mà không phải là nhìn tôi, hai mắt ngó lơ đểnh về phía chân trời như đang ngắm một dải mây nào xa lắm.

Chị ấy mắng tôi: “Ơ, sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”. Đúng ngần ấy chữ, không sai một từ! Gọi là mắng nhưng hình như là chị ấy tự nói với chính mình.

Máu trong người tôi bỗng chảy rất đều, rất mạnh, rất nhịp nhàng từ chân lên tới đầu, rần rật, rần rật. Người tôi ấm lên, nghe như có tiếng reo trong máu.

Tôi im lặng. Chị ấy lại tiếp tục đi tìm. Đến một cái gò khác, sau khi đã đi qua những mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, tôi hỏi “Chị tìm gì đấy?”. Lần nầy, chị ấy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói rằng: “Chị tìm cái lá… ấy đấy!”.

Tôi nghe chị nói rõ ràng tên lá gồm hai tiếng, sau đó chỉ ít lâu là tôi quên, nhưng tôi đoán cái lá đó là có thật nhưng cực kỳ khó tìm. Phải có thật thì chị ấy mới tìm khổ sở thế chứ ? Cái lá đó có thể chữa được một bệnh hiểm nghèo gì đó, hoặc có tác dụng nào đó tăng thêm nhan sắc chăng? Tôi chỉ nghĩ được đến thế thôi!

Tên lá thì tôi quên rất nhanh, nhưng câu nói của chị thì tôi nhớ rành rọt vì chủ từ nó rất khác nhau: “Chị đi tìm lá... ấy đấy. Đứa nào tìm được lá ấy, ta gọi là chồng”. Không phải tao như nhiều người vẫn nhớ và đọc mà là “ta”. Câu nói ấy của chị làm mặt tôi nóng bừng nhưng chân thì lạnh, lạnh vô cùng”.

Đó là khi Hoàng Cầm còn nhỏ. Mãi đến năm 1959, thì hình ảnh “Lá Diêu Bông” mới xuất hiện trở lại và thành tác phẩm, như lời Hoàng Cầm chia sẻ: “Một đêm, tôi ở Lý Quốc Sư (Hà Nội), có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh...

Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này.

Vậy mà rất trong, rõ ràng, có lên xuống trầm bổng hẳn hoi, không phải như ta nói chuyện thường, cũng không phải giọng mẹ tôi, không phải bất cứ người nào, thánh thót êm ái lắm, giọng đọc chính tả. Rất đều đặn, nhịp nhàng từ đầu đến cuối.

Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi.

Sáng hôm sau, thức dậy tôi lại bàn bật đèn (vì trời đã sáng nhưng trong nhà còn tối) ngồi tách những câu thơ ra, vì ban đêm, viết dưới ngọn đèn ngủ 6 oát mờ mờ, dòng nọ đè lên dòng kia, có khi hai ba dòng đè lên nhau. Mất cả tiếng đồng hồ mới tách chúng ra xong.

Bài thơ Lá Diêu Bông đã ra đời như thế: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều, Cuống rạ/ Chị bảo - Đứa nào tìm được lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày - Đâu phải lá Diêu Bông/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ Trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xoè tay phủ mặt/ Chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hời!.../ Ới Diêu Bông!... Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát Chuyện tình lá diêu bông.

Trước năm 1986, bài thơ chưa được công bố. Trái đất tròn, chị em đã gặp nhau ở Huế, cùng chụp hình, chị ngoài bảy mươi, em tóc bạc trắng...

Thiên phú cho nhà thơ Hoàng Cầm có vẻ đẹp trai lãng tử. Đặc biệt đôi mắt lúc nào cũng long lanh, đôi môi đỏ hồng, giọng trầm ấm, nói chuyện rủ rỉ luôn quyến rũ người nghe.

Vì vậy, những “bóng hồng” vây quanh Hoàng Cầm và nghiêng ngả vì Hoàng Cầm cũng không ít. Thế nhưng, liệt kê một cách chính thống, thì nhà thơ Hoàng Cầm có cả thảy ba người vợ.

Năm Nhà thơ Hoàng Cầm tròn tuổi 75, bè bạn văn chương đã chọn lọc khoảng 300 bài thơ liên quan đến hình ảnh 13 người đẹp đi vào trái tim nhà thơ để xuất bản tập Thơ Hoàng Cầm - 99 tình khúc. Trái tim của “Ông hoàng thơ tình” vẫn trẻ trung rạo rực: “Tôi biết ơn tất cả những người con gái đã đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của riêng tôi”. Những tác phẩm của ông trong đó có Lá Diêu Bông đã làm tên tuổi ông còn mãi ký ức tâm tưởng người Việt./.

                                                                                                                                                                                                                          HỒNG MINH