Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

XÚC ĐỘNG LÁ THƯ VĨNH BIỆT của ngƯỜI TÙ BINH CỘNG SẢN
10:53 | 05/02/2024

Hiện Bảo tàng Bắc Ninh đang trưng bày một bức thư của người tù binh cộng sản nhà tù Phú Quốc. Đó là bức thư vĩnh biệt của cựu tù binh Đào Văn Kim, thôn Cổ Miếu, xã Phật Tích, huyện Tiên Du viết trước khi nhận nhiệm vụ tự thiêu tại nhà tù Phú Quốc để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù bỏ đói tù nhân cho đến chết. Bức thư xúc động đã lấy đi nước mắt của hàng vạn du khách khi đến tham quan trưng bày. 

Đồng chí Đào Văn Kim sinh năm 1949, tại thôn Cổ Miếu, xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Tháng 3/1967, khi vừa bước sang tuổi 18, đồng chí tình nguyện lên đường nhập ngũ. 

Sau ngày nhập ngũ, chiến sĩ trẻ Đào Văn Kim tham gia khóa huấn luyện trong đội hình Đại đội 3, Tiểu đoàn 331, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330 đóng quân tại huyện Lục Nam, Hà Bắc. Ngày 15/11/1967, đồng chí cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 6 tháng vừa hành quân vừa chiến đấu, đơn vị đến thị xã Hậu Nghĩa (tỉnh Long An), được biên chế trong đội hình chiến đấu của bộ đội tỉnh Long An. Trong thời gian này, đồng chí đã tham gia 18 trận đánh ở thị xã Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa và Đức Huệ lập nhiều chiến công nên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30/3/1968. 

Ngày 30/12/1968, trong một trận càn, đồng chí bị thương và bị địch bắt đưa về Chi khu Đức Huệ. Sau đó, tiếp tục bị đày qua các nhà lao Biên Hòa và nhà tù Phú Quốc. Ngay từ những ngày đầu bị bắt, mặc dù kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai. Ra đến Phú Quốc, đồng chí bị đưa về giam ở khu D5, đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ kiên trung, chống lại mọi thủ đoạn mua chuộc, cưỡng bức của kẻ thù và tham gia các phong trào đấu tranh trong tù như: chống ly khai, chống tố cộng, chống chào cờ ngụy, vượt ngục, tuyệt thực, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ kính yêu… Đồng chí bắt liên lạc được với tổ chức Đảng trong tù và được bầu làm Chi ủy viên kiêm Phó Bí thư Liên chi đoàn tại nhà tù Phú Quốc. Qua mỗi lần đấu tranh, đồng chí lại bị chuyển qua các trại từ D5, B5, A1, C4, C8, B7, C10.

Những trận đòn roi không ngừng cùng với chế độ ăn uống vô cùng tồi tệ của nhà tù đã dần làm cơ thể người tù cộng sản suy sụp một cách nhanh chóng. Để phản đối các chính sách hà khắc, tàn ác của bọn quân cảnh và cai ngục, đồng chí Đào Văn Kim cùng với anh em trại C10 tổ chức tuyệt thực đòi cải thiện chế độ dân sinh dân chủ. Cuộc tuyệt thực bắt đầu diễn ra vào ngày 7/8/1972, thông thường các cuộc tuyệt thực trước đó chỉ 4 đến 5 ngày đã buộc địch phải có những động thái giải quyết nhưng lần này đến ngày thứ 13 mà kẻ thù vẫn không có động thái gì. Trước tình hình đó, Đảng ủy họp và xác định tinh thần quyết tâm tuyệt thực đến cùng dù phải hi sinh. Đồng chí Đào Văn Kim và Hoàng Gia Lượng (Sơn Khoèo, Hà Nội) đã xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ sẵn sàng quyết tử bằng hình thức tự thiêu vì đây là hình thức quyết tử mới chưa có trên đảo, phương án cụ thể: tiến hành hỏa thiêu cả 2 người cùng một lúc, một người đọc bản cáo trạng và người kia cầm đuốc lửa châm sẵn để bọn địch không thể vào được. Để đảm bảo thiêu là chết, mỗi người chuẩn bị 3 bộ quần áo, 40 viên thuốc ngủ và lấy sẵn can dầu 10 lít ở nhà bếp. Khi được lệnh 2 người tiến hành uống thuốc ngủ, đổ dầu vào quần áo và đồng chí Sơn cầm sẵn bản cáo trạng ra trước, đồng chí Kim cầm bó đuốc châm lửa theo sau. Kế hoạch và phương án đưa ra được Chi bộ chấp thuận nhưng chỉ được hành động khi có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Cang - Bí thư Chi bộ. 

Trước khi nhận nhiệm vụ tự thiêu, biết là không còn sống để trở về, đồng chí đã viết một lá thư vĩnh biệt nhờ anh em bạn tù sau này chuyển lời về gia đình. Lá thư được viết vào ngày 20/8/1972 trên tờ giấy carton đóng hàng của Mỹ, bút được chế từ thép gai hàng rào, mực thì được lấy từ con cá mực ở biển. Lá thư viết xong nhanh chóng chuyền tay nhau cho anh em bạn tù học thuộc và phải thiêu hủy để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Trong lá thư có đoạn viết: “Lá thư hôm nay con viết về gia đình cũng là lá thư cuối của đời con, cũng là lần cuối cùng gia đình nghe tiếng con trăng trối. Biết đâu rằng sau một hai năm hay nhiều hơn nữa gia đình mới nhận được thư con… Con sẽ hy sinh cho Đảng, Đảng đang cần con… Ngày thứ 13 rồi con không một hạt cơm trong dạ, địch đã bỏ đói hàng nghìn người như thế. Biết bao đồng chí của con đang nằm chờ chết. Không thể để đồng đội phải hy sinh thêm nữa. Con sẽ hy sinh, con sẽ thiêu mình… Con chết đi để đồng đội khỏi đau thương. Con thiêu mình mãi mãi là bó đuốc, là bản cáo trạng tố cáo chế độ độc tài, đế quốc. Nhiệm vụ con làm chỉ thiệt thòi cho cá nhân mà có lợi cho tập thể thì đây là vinh quang. Con đã hoàn thành nghĩa vụ với non sông, đất nước, xứng đáng là con của bố mẹ, cháu của chú thím, anh của các em. Chào vĩnh biệt! Con rất tự hào và yên tâm, phấn khởi!”. Nhưng chưa kịp thực hiện nhiệm vụ quyết tử, ngày 22/8/1972, sau 15 ngày tuyệt thực, bọn cai ngục đã giải quyết một số yêu sách cho anh em tù nhân. Cuộc đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của nhà tù tại trại C10 giành thắng lợi. 

Suốt 4 năm 3 tháng 14 ngày sống trong nhà tù đế quốc là những năm tháng đầy gian khổ, đồng chí đã sống, chiến đấu tại nơi “địa ngục trần gian” với đôi chân trần, chí thép của người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Ngày 14/3/1973, đồng chí được trao trả tự do, theo điều khoản của Hiệp định Pari và được trở về an dưỡng ở Quảng Ninh. Tại đây, ông đã gặp lại hai người đồng đội Phạm Thanh Minh (Thái Bình) và Hà Văn Tháo (Phạm Văn Tính quê Hưng Yên) cùng phòng giam năm xưa, được 2 người bạn tù đọc chép lại lá thư ông viết trước khi tự thiêu. Lá thư đó được ông trao lại cho Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ và trưng bày. 

Trở về quê hương, đồng chí kết hôn với bà Đào Thị Liên, sau được cử đi học, làm cán bộ Công ty  xây dựng số 18 Bộ Xây dựng, làm Phó Bí thư Đảng uỷ, đồng thời làm Giám đốc Công ty xây dựng số 6 VINACONEX. Có thời gian đồng chí làm Phó đoàn xây dựng ở IRAC, Trưởng đoàn chuyên gia dạy nghề tại Châu Phi. Năm 1999, đồng chí nghỉ hưu và tham gia công tác tại địa phương. Với 12 năm làm Trưởng thôn, 4 năm là Bí thư Chi bộ và 4 năm là Chi hội trưởng Người cao tuổi, 9 năm kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, đồng thời liên tục 25 năm liền là Phó ban, rồi Phó Chủ tịch thường trực Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên minh các HTX Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. 

Hiện nay, ông có cuộc sống yên ấm bên gia đình cùng con cháu và thường xuyên sinh hoạt cùng Hội Cựu chiến binh địa phương. Khi được hỏi về những ngày tháng bị tù đày tra tấn và đấu tranh anh dũng tại nhà tù Phú Quốc, ông Đào Văn Kim chia sẻ: “Dù chưa được hi sinh, nhưng bao nhiêu năm qua cứ nghĩ đến giây phút đó, tôi thấy mình đã xứng đáng với sự tin yêu của đồng chí, đồng đội”.

                                                                                                                                                                                                                PHAN THỊ AN NGỌC