Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG MÙA ĐÀO GỌI XUÂN
10:47 | 13/01/2020

Quê tôi vốn là một vùng quê thuần nông, giữ được nhiều nét đặc trưng của làng quê vùng Bắc Bộ. Ngoài trồng lúa, người dân quê tôi còn có thêm nghề trồng cây cảnh, cây bonsai, nhất là trồng đào Tết. Nghề trồng đào đã gắn bó với người dân quê từ bao đời nay, cây đào lớn lên cùng bao thế hệ với bao nỗi vui buồn.

Tôi về thăm nhà đúng vào dịp người dân quê tôi bắt đầu bước vào thời điểm tỉa lá cho đào. Về tới đầu làng, lòng tôi xốn xang khi bắt gặp hình ảnh những vườn đào mênh mông hút tầm mắt. Thấp thoáng bóng những người dân đang tỉa lá, bàn tay thoăn thoắt thay màu áo cho cây. Tôi dừng lại hỏi chuyện ông Nhân, người bạn đồng niên của cha tôi và cũng là một người trồng đào có tiếng nơi đây. Ông vừa nói, tay vừa lướt nhanh trên những cành đào, nhẹ nhàng như một người nghệ sĩ. Lá đào lìa cành, chao mình trong gió với niềm tiếc nuối bâng khuâng rồi lặng lẽ trở về đất mẹ. Từ nơi cuống lá, dòng nhựa trong rỉ ra, se lại, rồi ánh lên dưới cái nắng hanh hao tháng mười một. 

- Cả đời tôi gắn bó với cây đào. Ông Nhân dừng tay, quay sang tiếp tục câu chuyện. Với người trồng đào chúng tôi, thời điểm tỉa lá rất quan trọng, quyết định việc ra hoa của cây; đây cũng là lúc đào phải kiên cường vượt qua nỗi đau để lột xác, chịu đựng những cơn đau, chắt chiu từng giọt sống cho nụ hoa bung nở đúng dịp Tết đến xuân về. 

Lá đào được tỉa hết chỉ còn cành trơ trọi, run rẩy trong gió. Tôi lách giữa những luống đào mà đi, cố gắng không để chạm vào những cành khẳng khiu còn đang rỉ máu. Chỉ ít ngày nữa, từ nơi vết thương, nụ hoa sẽ tách lớp vỏ màu nâu tím để vươn lên kiêu hãnh. Mùi hăng hắc của lá đào nằm la liệt dưới đất, mùi nồng của đất, của rơm rạ đã oải mục dưới gốc cây hòa quyện vào nhau thành mùi vị rất riêng, đến nao lòng. Vì cái mùi vị ấy mà hôm nay tôi đã vội vã bắt chuyến xe khách về đây để đứng giữa vườn đào mênh mông mà hít hà. 

Nghề trồng đào nhiều vất vả, nhiều công đoạn, từ việc cắt gốc, ghép mắt, tỉa cành, uốn tạo dáng cho cây đến việc tưới tiêu, chăm bón... đòi hỏi người trồng đào không chỉ cần cù, lam lũ mà còn phải tinh tế. Trong làng, cha tôi là người có nhiều kinh nghiệm. Ông ghép đào rất giỏi, nhất là việc uốn cành tạo thế. Tôi từng rất ngạc nhiên tại sao dưới bàn tay to lớn, đen sần của ông những cây đào cứ từng ngày thay da đổi thịt, lột xác với dáng vẻ độc đáo. Cây thì được tạo thế long chầu, cây thế trực, cây dáng huyền... mỗi cây một vẻ. Có cây đào thất thốn lâu năm, thân cây sần sùi, rêu phủ, cha tôi khéo léo trạm hình vẩy rồng trông lạ mắt. 

- Việc uốn thế cho cây diễn ra khoảng tháng 3 âm lịch. Khi tiết trời ấm áp, cây đã hội tụ tinh hoa trời đất. Uốn tạo thế phải tiến hành đúng thời điểm, sớm hay muộn một chút cũng không được, khó uốn, cố ý sẽ gãy vì cành đào rất giòn. Ông vừa làm vừa tỉ mỉ giảng giải. Uốn thế nào còn tùy thuộc vào dáng cây có sẵn mà lựa. Uốn cây là phải lựa ý theo cây chứ không đơn thuần chỉ theo ý mình. 

Những lúc ấy trông cha tôi như một nghệ sĩ. Ông say sưa, tỉ mẩn với từng cử chỉ, cẩn trọng trong từng động tác và đầy ý tưởng sáng tạo. Tôi biết ông chăm đào không chỉ vì kế mưu sinh mà còn vì niềm đam mê và tình yêu tha thiết với đào. 

Nghề trồng đào phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sợ nhất mùa mưa bão. Mỗi lần nghe tin bão về, người dân quê tôi đứng ngồi không yên. Ai cũng hối hả chằng chống nhà cửa, nhất là chống bão cho đào. Những cọc tre rắn chắc được dùng cố định thân cây, giây quấn quanh thân đào tránh sức tàn phá của gió bão. Không khí khẩn trương, con người chạy đua cùng thiên nhiên dù có khi cuộc chạy đua ấy không ngang tài ngang sức.

Năm ấy bão về đêm, diễn biến nhanh, bất ngờ ngoài dự đoán. Mẹ con tôi lo chằng chống nhà còn cha tôi, dưới ánh sáng chập chờn của cây đèn bão, hối hả chống bão cho đào. Càng về khuya gió càng to, mưa càng lớn, vần vũ trên nóc nhà, vun vút xé qua vườn đào. Bàn tay thần bão cứ thản nhiên tuốt từng nắm lá, ném tung lên bầu trời đêm, tơi tả trong tiếng cười man rợn. Cây đèn bão vụt tắt. Cha tôi lật đật chạy về, khắp người ướt sũng, từng dòng nước chảy trên mái tóc xuống khuôn mặt đã tái đi vì mưa gió, vì những nỗi đau. Cha tôi mệt mỏi tựa lưng vào tường thẫn thờ thả người rơi xuống. Ngoài kia, tiếng bước chân thần bão đã đến thật gần. Đêm đặc quánh. Gió rít. Mưa trút nước. Tôi rùng mình nghĩ tới cái thủa hồng hoang khai thiên lập đất. 

Sáng hôm sau. Cơn bão đi qua. Người dân quê tôi bàng hoàng như vừa qua cơn ác mộng. Tôi theo cha hớt hải chạy ra vườn đào. Chao ôi! Không còn nhận ra khu vườn xanh mơn mởn hôm qua. Giờ đây chỉ còn lại một bãi hoang tàn ngồn ngang gốc cây xác lá. Những cây đào bị nhổ bật gốc nằm ngả nghiêng trên nền đất với tư thế khác nhau, tức tưởi, đớn đau như bị bức tử. Tôi nhìn vườn đào lại nhìn cha. Ông đứng bất động. Khuôn mặt bầm tím, co rúm rồi tái nhợt. Tôi quay đi. Xa xa, thấy thấp thoáng những bóng người. Có người cũng đang đứng bất động như cha tôi, người khác thì lúi húi gom nhặt những gì còn sót lại. Bao nhiêu công sức, bao dự định gửi gắm vào vườn đào sau một đêm đã bị bão cuốn đi. Cơn bão đi qua nhưng tôi biết còn một cơn bão khác trong lòng người sẽ còn vẫn vũ rất lâu. 

Có năm mưa thuận gió hòa, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho quê tôi một mùa đào thắng lợi. Từ trung tuần tháng Chạp không khí trong làng trở lên rộn rã. Những người lái buôn từ khắp nơi đổ về thu mua đào. Người mua kẻ bán ra vào, tiếng nói cười rộn ràng khắp làng xóm. Tưởng như Tết đã đến thật gần. Những đóa hoa bắt đầu bung nở, tươi thắm trong gió xuân. Ngoài hai mươi, công việc hối hả hơn, người dân bắt đầu làm vình, đánh gốc, bó cành và chuyển đào lên những chuyến xe đi các tỉnh. Lúc này đào vẫn còn nụ nhiều, chi chít trên những nhánh cây. Nụ hoa chúm chím như đôi môi thiếu nữ bẽn lẽn trong nắng xuân. Từng gốc đào được đưa lên khỏi mặt đất, chằng bó cẩn thận chuẩn bị cho cuộc hành trình. Mấy bông hoa nở sớm rung rinh trong gió, cánh hoa bung ra nhẹ nhàng rơi trên nền đất ẩm như nụ hôn tạm biệt của cây với đất mẹ trước lúc lên đường. 

Những ngày giáp Tết, hầu hết các vườn đào đã được thương lái thu mua, chỉ còn lại ít cây nhỏ hay một số cây chủ nhà giữ lại bán lẻ trong vùng. Những người đàn ông lại bắt tay vào dọn vườn, trồng cây non chuẩn bị cho mùa đào mới. Những người phụ nữ, người ở nhà lo gói bánh, người thì chở đào sang phố huyện bên sông bán kiếm thêm tiền sắm Tết. Tôi theo mẹ sang phố huyện. Mới 4 giờ sáng, cha tôi đã trở dậy đánh đào. Mọi công tác gói buộc diễn ra trong khoảng 1 tiếng. Phương tiện cho chuyến đi là những chiếc xe đạp được thiết kế đặc biệt. Hai bên gác ba ga buộc gạc chắc chắn, ghép từ những thanh tre, gỗ làm giá đỡ cho đào. Tùy theo người chở mà một xe có thể mang theo 4 đến 7 cây. Cân bằng hai bên gạc và có thể thêm một cây ở trên gác ba ga. Tôi và mẹ mỗi người một xe. Xe mẹ 5 cây, xe tôi 4 cây nhỏ hơn. 

Đúng 5 giờ xuất phát. Trời còn tờ mờ tối. Tiết trời đã sang xuân nhưng vẫn còn khá lạnh. Tôi so vai khi cơn gió lùa qua. Chúng tôi đi, cứ một đoạn lại gặp vài xe khác từ trong các ngõ đi ra nhập vào đoàn người. Lúc đầu chúng tôi còn hỏi nhau, nói cười í ới. Ra khỏi làng, lên đến triền đê dẫn ra bến đò sang phố huyện không ai bảo ai, tất cả đều im lặng dành sức để vượt qua chặng đường khấp khểnh này. Đoàn xe lặng lẽ đi. Những cây đào cao che khuất người ngồi. Từ xa nhìn chỉ thấy bóng những cây đào nhấp nhô lên xuống kéo dài trên triền đê như một khuông nhạc mùa xuân của trời đất. Bóng đêm tan dần, thấp thoáng ngọn cây gạo nơi bến đò. Những guồng đạp như nhanh hơn, mạnh hơn tiến về phía trước. Làn gió mơn man lọn tóc mai và những gương mặt đã lấm tấm mồ hôi. Gió thổi tung những cánh hoa, bay chấp chới giữa không trung như muôn ngàn cánh bướm. 

Cũng có hôm chúng tôi đi vào ngày mù sương. Sương dày đặc khiến tầm nhìn hạn chế, chúng tôi phải bám sát nhau. Người đi trước làm hoa tiêu cho người đi sau, cần mẫn như đàn kiến tha mồi. Ra đến bến đò, sương từ mặt sông bốc lên dày hơn. Không gian chỉ còn một màu xám bạc. Chúng tôi thận trọng đưa xe xuống thuyền. Thuyền nổ máy rẽ nước đi. Tất cả lặng im chỉ nghe tiếng máy nổ đều đều xen với tiếng sóng nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp. Sương khư khói ùa vào khoang thuyền phả vào mặt người tê tái. Thuyền ra đến giữa dòng, đúng vào chỗ tim sông trong khoảnh khắc con thuyền như dừng lại bất động. Một sự tĩnh lặng đến rợn lòng, chỉ còn sương trắng mênh mông, có cảm giác như con thuyền từ miền liêu trai trôi về. Khoảnh khắc ấy lướt qua nhanh như ảnh ảo. Thuyền tiến gần bờ, lố nhố bóng người xe đang đợi đò sang. Ra khỏi bến, chúng tôi phải đạp thêm một chặng đường nữa mới tới phố huyện. Nắng sớm đã vén màn sương, hắt xuống mặt đất những ánh nắng đầu tiên, xua tan cái lạnh, sưởi ấm lòng người và làm hồng lên những đôi má thắm. Chúng tôi đi lòng phơi phới, vấn vít những cánh đào bay trong gió. Mùa xuân đã ùa về.

Tôi bước đi giữa vườn đào, ánh nắng chảy tràn trên những luống cây. Không gian yên bình quá, tôi như thấy cả tiếng thì thầm của lá, của cây, tiếng nhựa sống tí tách sau lớp vỏ, tiếng nụ hoa cựa mình. Một mùa đào mới đầy hứa hẹn, đang phơi phới cùng những người dân quê tôi./.

                                                                                                                                                                                                                                                         VŨ THỊ NGÁT