Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NHÀ THỜ VÀ DANH NHÂN VĂN HÓA NGUYỄN GIA THIỀU
10:50 | 14/06/2021

Nguyễn Gia Thiều tự hiệu là Hi Tôn Tử và Như Ý Thiền, sinh ngày 6 tháng 2 năm Tân Dậu (1741), ở thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con của Đạt Vũ hầu Nguyễn Gia Ngô và Quỳnh Liên quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tuân (con gái thứ sáu của chúa Trịnh Cương). Từ nhỏ, ông đã được nuôi dạy ngay trong phủ chúa, theo việc kiếm cung. Khi lớn, lại ham đọc sách, gảy đàn. Nguyễn Gia Thiều sớm bộc lộ là một con người văn võ song toàn, tài năng đa dạng.

Từ năm 18 tuổi, Nguyễn Gia Thiều đã bắt đầu bước vào quan trường, theo ngạch võ. Ông từng được cử giữ các chức hiệu úy, quản trung mã tả đội năm 18 tuổi, tổng binh đồng tri năm 30 tuổi và được phong tước Ôn Như hầu, Đô chỉ huy sứ năm 39 tuổi. Song chính tài năng văn chương, hội họa, kiến trúc, âm nhạc mới đưa ông lên hàng danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Giữa thế kỷ XVII đầy biến động của lịch sử, với cảm quan và nhãn quan đặc biệt của mình, Nguyễn Gia Thiều đã sáng tác hàng nghìn bài thơ chữ Hán (trong “Ôn như thi tập”) và một số bài thơ chữ Nôm; là tác giả của các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng “Sơn trung âm”, “Sở từ điệu” và là người chỉ huy việc trang hoàng phủ chúa, điều khiển xây dựng tháp chùa Tiên Tích… Đặc biệt, với tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”, nhà nghệ thuật cổ điển Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều đã đạt đến sự hoàn mỹ của sáng tạo thơ ca đương thời, vị trí hàng đầu trong số các nhà thơ cổ điển Việt Nam và phương Đông. 

Nguyễn Gia Thiều mất ngày mùng 9 tháng 5 năm Mậu Ngọ, tức ngày 22/6/1798, thọ 58 tuổi. Ngôi mộ của ông được xây cất bề thế, tôn nghiêm tại quê hương ông.

Đã từ lâu, tác phẩm của ông đã được xuất bản, tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giảng dạy trong các trường THPT, đặc biệt là ở bậc cao đẳng và đại học. Tên Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều cũng đã được đặt tên cho nhiều trường học, đường phố ở một số tỉnh, thành phố trong đó có trường THCS, Tiểu học quê hương ông.

Di tích nhà thờ họ Nguyễn Gia được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, do Siêu quận công Nguyễn Gia Châu đứng ra tổ chức quyên góp xây dựng. Năm 1947 công trình này bị giặc Pháp đốt phá. Sau này gia tộc lấy gỗ còn lại của nhà thờ dựng lại 2 nếp nhà cũ thành công trình như hiện nay. Công trình nhà thờ hiện nay kiến trúc theo kiểu chữ nhị, gồm 3 gian 2 dĩ Tiền đường và 3 gian Hậu đường, mặt quay hướng Tây Nam. Bộ vì kiến trúc còn lại theo kiểu con chồng bẩy hiên. Nghệ thuật trang trí tập trung trên con chồng, đầu bẩy, cửa võng, y môn, với các họa tiết trang trí kênh bong hình đầu rồng, mây lửa, đao mác, hình “Lưỡng long chầu nguyệt”…

  Công trình tín ngưỡng này thờ các vị liệt tổ, liệt tông của dòng họ Nguyễn Gia, đặc biệt là thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều. Trong nhà thờ hiện nay còn lưu giữ 2 cuốn gia phả bằng chữ Hán do cụ Nguyễn Gia Bằng soạn năm 1909 và một cuốn “Nguyễn Gia phả ký” và các đồ thờ tự như ngai, bài vị, nồi hương… 

Phần mộ của ông cùng với ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Gia đã được công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1981 và là một trong những di tích lưu niệm danh nhân văn hóa tiêu biểu của cả nước.

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh (1741 - 1991) của ông, lần đầu tiên viện văn học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Thuận Thành tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học rất trọng thể tại quê hương ông. 

Năm 1998, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông, ngày 2/6/1998 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm - Hà Nội) kết hợp với Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều. Cứ theo thường lệ, vào ngày 9 tháng 5 (Âm lịch - Ngày mất của ông) hàng năm, tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Gia ở thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quê hương ông - Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Ngũ Thái và dòng họ Nguyễn Gia đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm ông - một người con ưu tú của dòng họ - danh nhân văn hóa của đất nước nghìn năm văn hiến./.

                                                                                                                                                                                                                                        NHO THUẬN