Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NGUYỄN BẠT TỤY - HAI LẦN ĐỖ TIẾN SỸ
15:44 | 15/03/2022

 Nguyễn Bạt Tụy sinh năm Ất Tỵ (1485), người xã Phá Lãng, huyện Thiện Tài (nay thuộc thôn Bùi, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) - nơi có truyền thống khoa bảng vẻ vang, tiêu biểu.  Người mở đầu  là  Nguyễn Tiến Lương, đỗ Tiến sỹ năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), làm quan chức Tham chính. Tiếp đến là nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy.

Nguyễn Bạt Tụy vốn có tư chất thông minh từ thời niên thiếu, năm 24 tuổi đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 6) khoa thi năm Mậu Thìn, niên  hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục. Nhưng ý nguyện của tiên sinh chưa được toại - phải đỗ ở hàng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), nên từ chối  không nhận(1).

Đến khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), đời Vua Lê Tương Dực, ông lại ứng thí, nhưng vẫn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 18). Ông làm quan nhà Mạc đến  chức Thượng thư, Thiếu bảo, Thiếu sư, tước Lương Quận công, được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh hai lần, sau về trí sỹ, tạ thế tại quê nhà, thọ 65 tuổi, được xếp  vào hạng Đồng đức công thần. Ông để lại cho đời một tập thơ “Nhị thập trí hiếu”(2).Nhiều lài liệu, sử sách từ xưa đến nay ghi chép - cả nước có tới 6 nhà khoa bảng hai lần thi đỗ Tiến sỹ: Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chuẩn - hai thầy trò, đỗ năm 1442 và 1448; Nguyễn  Nhân  Bị  đỗ năm và 1481. Riêng khoa thi năm 1508 và 1511 có tới 3 vị đỗ Tiến sỹ hai lần là: Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Duy Tường và Trần Doãn Minh(3).

Trong 6 vị nêu trên, có Nguyễn Nhân Bị theo tư liệu của tôi - chỉ đỗ Tiến sỹ một lần:

Bia đá của họ Nguyễn 18 Tiến sỹ làng Kim Đôi do Trạng nguyên Lương Thế Vinh (đỗ năm 1463) trực tiếp soạn thảo và gia phả  họ Nguyễn, do cụ Nguyễn Sỹ Tần - hậu duệ đời thứ 17 dịch và chú giải: Nguyễn Nhân Bỉ và Nguyễn Nhân Bị là hai người khác nhau (là chú cháu ruột), không có ai thi đỗ Tiến sỹ hai lần.

Theo trên thì ở Bắc Ninh - Kinh Bắc  duy nhất chỉ có nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy, quê huyện Lương Tài hai lần thi đỗ Tiến sỹ.

Khoa thi Tiến sỹ 1511 mà Nguyễn Bạt Tụy tham dự, cả nước có 47 vị, Kinh Bắc có 12 vị, riêng huyện Lương Tài có tới 4 vị, là: Nguyễn Bạt Tụy; Nguyễn Hữu Quan quê xã Văn Xá; Đào Trung Hòa và Nguyễn Thu (đều quê ở xã Lai Xá và là hai thầy trò).

Trong các tài liệu sử sách từ  xưa đến nay viết về Tiến sỹ Nguyễn Bạt Tụy, có sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi chép khá nhiều về Nguyễn Bạt Tụy và có chỗ khác với các tư liệu khác: 

 “Nguyễn Bạt Tụy sinh năm Ất Tỵ (1485),  người xã  Phá  Lãng, huyện Thiện Tài. Năm 24 tuổi, Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 6) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 đời Lê Uy Mục (1508). Nhưng ý nguyện của ông phải đỗ Tam khôi, nên từ chối không nhận. Đến khoa thi Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 đời Lê Tương Dực - 1511, ông lại ứng thí và vẫn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 18). Ông hai lần được cử đi sứ phương Bắc; làm quan đến chức Thượng thư, Thái bảo, Thiếu sư, Lương Quận công. Năm 74 tuổi về chí sỹ, và sau khi mất được dân làng thờ làm Thành hoàng. Các đời Vua đều ban sắc phong”.

Trong các bia đá ghi khắc về Tiến sỹ Nguyễn Bạt Tụy - bia văn chỉ huyện Lương Tài, bia Văn miếu Bắc Ninh, và Văn miếu Quốc Tử Giám, có “Bia đề danh Tiến sỹ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511) ở Quốc Tử Giám (Hà Nội) ghi khắc chi tiết nhất về  Tiến sỹ Nguyễn Bạt Tụy và các vị cùng đỗ khoa thi này. Tấm bia này được khắc dựng ngay sau 3 năm các vị đỗ đại khoa (1513). Xin nêu  nội dung tóm tắt như sau:

“Trời  mở vận trung hưng, năm đúng kỳ mở khoa thi lớn. Mùa xuân năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Bộ Lễ kính theo lệ cũ triệu tập sỹ tử tới kinh đô để đua tài, chọn được hạng ưu tú 47 người.  Ngày 17 tháng 4, Hoàng thượng đích thân ra bài văn sách, hỏi về đạo trị  nước xưa nay...

Ngày mùng 4 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, cho truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Bộ Lại vâng ban ơn mệnh, bộ Lễ vâng rước bảng vàng treo ở ngoài cửa  nhà Thái học. Lại ban áo mũ cân đai cho các vị tân khoa, ban ơn cho dự yến tiệc, lễ đãi hiền đầy đủ cả lễ nhạc...

Bia dựng ngày 15 tháng 3 niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (1513):

Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, 3 người...

Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân, 9 người. Trong số đó có 3 vị quê ở tỉnh Bắc Ninh: Nguyễn Hy Tái, huyện Đông Ngàn; Mai Bang ở huyện Quế Dương; Nguyễn Dực quê huyện Tiên Du.

Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, 35 người; trong đó có 9 vị quê  ở tỉnh Bắc Ninh: Dương Khải, quê huyện Vũ Ninh; Nguyễn Quang, quê huyện Tiên Du; Ngọ Cương Trung, quê huyện Yên Phong; Nguyễn Hữu Quan, quê huyện Lương Tài; Nguyễn Vô Địch, quê huyện huyện Gia Bình; Nguyễn Bạt Tụy, huyện Lương Tài; Ngô Bỉnh Trực, quê huyện Đông Ngàn; Đào Trung Hòa và Nguyễn Thu đều quê ở huyện Lương Tài...

Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Thiếu bảo Thượng thư bộ Lễ Lê Tung  vâng sắc soạn văn bia...”

Các nhà khoa bảng thi đỗ Tiến  sỹ hai lần nêu trên chứng tỏ họ là những  người có tài học xuất sắc, có bản lĩnh, dám coi nhẹ cả học vị Tiến sỹ do triều đình phê chuẩn, có  ý chí phấn đấu cao hơn. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng tiêu biểu cho các thế hệ kế tiếp noi theo. Từ xưa cha ông ta đã xây dựng Văn miếu, Văn từ... và khắc dựng bia đá “kim bảng lưu phương” ở các cấp. Đến nay cái còn cái mất  chưa khôi phục hết được. Nhiều địa phương và gia tộc trong tỉnh  đã tổ chức Hội thảo khoa học, khắc dựng bia đá, biên soạn tiểu sử và sự nghiệp các nhà khoa bảng nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn, tôn vinh họ, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ./.

 

 Ghi chú:

(1); (2) - theo sách “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh”. Lê Viết Nga - chủ biên, tái bản năm 2015.

(3) - Theo Báo Giáo dục ngày 27/07/2014.

 
                                                                                                                                                                                       LÊ VIẾT NGA