Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NGÔI CHÙA NUÔI DƯỠNG TUỔI THƠ VUA LÝ CÔNG UẨN
15:48 | 18/08/2020

Chùa Cổ Pháp tọa lạc trên khu đất đẹp, cao ráo ở phía Bắc làng Đại Đình, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Đại Đình, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ngày xưa làng Đại Đình có tên nôm là làng Nuốn, thuộc châu Cổ Pháp, huyện Đông Ngàn. 

Theo thư tịch cô,̉ Cổ Pháp tự được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Hiện trên quả chuông đồng của chùa “Cổ Pháp tự chung” (chuông chùa Cổ Pháp) được đúc lại năm Nhâm Dần đời Thiệu Trị thứ 2 (1842) có khắc rõ như sau: “Chùa Cổ Pháp còn có tên là chùa Tương Giang (trước mặt chùa là sông Tiêu Tương) từ xa xưa đã có chuông. Sau sự biến Tây Sơn, chuông bị thất lạc. Mùa xuân năm Nhâm Dần (1842) những người hảo tâm trong làng xã cùng với khách thập phương góp tiền của đúc chuông, cao hai thước năm tấc, rộng một thước bốn tấc rưỡi. Hoàn thành ngày 25 tháng  Hai...” 

 Cổ Pháp tự là một ngôi chùa nổi tiếng từ xưa. Trong sách “Việt sử thông giám cương mục” đã ghi: “Chùa Cổ Pháp là một ngôi chùa danh tiếng ở vùng Bắc Giang” (Ngày xưa vùng Đông Ngàn vẫn thuộc lộ (tỉnh) Bắc Giang. Như vậy, chùa Cổ Pháp ở làng Đại Đình đã được hàng tỉnh biết đến từ hồi ấy. Trên quả chuông đồng “Cổ Pháp tự chung” nặng 330 cân có ghi rõ địa danh nơi chùa tọa lạc: “Bắc Ninh tỉnh, Từ Sơn phủ, Đông Ngàn huyện, Phù Lưu tổng, Đại Đình xã”... Ngoài ra, còn ghi họ tên 189 người đã công đức tổng số là 540 quan tiền để đúc lại chuông. Cuối cùng là bài minh khắc trên chuông ca ngợi cảnh chùa, do Khê Đình Nguyễn Dự Phủ đậu Giải nguyên khoa Tân Sửu (1841) soạn văn nội dung như sau:

Đạo Phật chủ yên tĩnh 

Lại nhờ tiếng chuông ngân 

Chủ đại bi nơi đó 

Tiếng trống vang xa gần.

Thiện tâm đà cảm phát 

Sớm tối đến chiều tà 

Pháp bão hoàn thành đủ 

Vô lượng thọ truyền xa.

              (Cổ Pháp tự chung - 1842)

Ngoài quả chuông đồng, nhân dân làng Đại Đình còn lưu giữ được một tấm bia đá lớn hình trụ vuông, cả ba mặt đều khắc chữ Hán. Bia mang tên “Cổ Pháp tự trùng tu bia ký”. Bia được dựng năm Ất Mùi, trên bia có ghi rất rõ địa danh “Nhất Đại Đình xã thổ bản tự”. Theo cố Giáo sư Chu Quang Chứ (Viện Văn hóa dân gian) thì bia có thể được khắc vào cuối thế kỷ thứ 16 và đầu thế kỷ 17 và Ất Mùi niên ghi trên bia là năm 1595. Đồng thời, còn hai  tấm bia nữa ở chùa Cổ Pháp còn giữ được, phía trên bia có khắc hình Phật  chạm nổi. Song cả hai tấm bia trên đều đã mòn theo mưa nắng thời gian. 

Chỉ qua một số cổ vật còn lại như chuông đồng, bia đá, các nhà nghiên cứu sử học đã khẳng định là chùa Cổ Pháp làng Đại Đình (Tân Hồng) được xây dựng rất sớm từ thế kỷ thứ 8 - 9 cùng thời với các chùa quanh vùng như: Chùa Kiến Sơ ở làng Gióng, Phù Đổng (năm 820), chùa Lục Tổ, Trường Liêu (Tương Giang) và chùa Minh Châu, Tra Lư ở Dương Lôi (Tân Hồng)...

Chùa Cổ Pháp không những là ngôi chùa lâu đời danh tiếng về kiến trúc,  đường nét chạm trổ tinh xảo mà còn là ngôi chùa có cảnh quan khuôn viên rộng rãi, cây cối xum xuê, phong cảnh hữu tình. Trước cửa chùa là dòng sông cổ tích Tiêu Tương huyền thoại thơ mộng, nổi tiếng với câu chuyện tình chàng Trương Chi và nàng Mị Nương. Vì chùa  nằm sát ngay bên sông Tiêu Tương nên xa xưa dân chúng còn gọi là chùa Tương Giang. Nơi cửa Phật này, thiền sư Lý Khánh Văn trụ trì đã nhận Lý Công Uẩn làm con nuôi lúc 3 tuổi, rồi chăm chút dưỡng dục đến năm gần 7 tuổi giao cho thiền sư Vạn Hạnh là sư trụ trì chùa Tiêu (Ứng Thiên Tâm) truyền dạy võ công, thư pháp... Sau này Lý Công Uẩn đã trở thành một Minh Quân Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Vương triều Lý - mở đầu một vương triều thịnh vượng lâu dài, thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước với chiều dài hơn 200 năm hùng cường thịnh trị, ghi nhiều mốc son rạng rỡ cho lịch sử nước nhà.

Như vậy, chùa Cổ Pháp còn có giá trị rất lớn về lịch sử đó là sự gắn bó mật thiết giữa ngôi chùa làng Đại Đình với tuổi thơ của vua Lý Thái Tổ:

Lối sang chùa Cổ Pháp 

Mẹ lầm lũi tháng ngày 

Tuổi thơ Lý Công Uẩn 

Chấp cánh từ nơi đây...

Chùa Cổ Pháp đã trải qua hơn 1000 năm thăng trầm, thiên biến và nhiều lần được trùng tu sửa chữa. Đến năm 1952 giặc Pháp đốt phá, nhân dân phải chuyển tạm chùa vào giữa làng để thờ Phật. Sau gần nửa thế kỷ, đến mùa xuân năm Mậu Dần (1998) đã được xây dựng lại theo nguyện vọng tha thiết của đông đảo nhân dân trong làng cũng như khách thập phương. Mọi người ai ai cũng mong ước ngôi chùa Cổ Pháp thật khang trang bề thế, xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có đã được ghi trong lịch sử nước nhà. 

Chùa Cổ Pháp đã được xây dựng lại trên nền đất cũ và được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Những năm qua, chùa đã được cán bộ và nhân dân làng Đại Đình quản lý, trùng tu khang trang tố hảo. Trải bao năm tháng dài, cây Mít hơn 300 năm  tuổi vẫn hiên ngang tồn tại cùng tuế nguyệt, tán lá xum xuê, xanh tươi, bóng trùm che mát rượi làm đẹp thêm cảnh quan ngôi chùa. 

Từ năm 2007, chùa Cổ Pháp đã thực sự có sự đổi mới đáng kể. Được sự quan tâm của nhà chùa và nhân dân địa phương, các cơ quan hữu trách, khuôn viên chùa được phát triển rộng hơn. Giếng chùa xưa bị giặc Pháp lấp, nay được khơi lại, thành giếng xếp bằng đá muối từ đáy lên miệng. Nước giếng trong và uống rất ngon. Tương truyền, khi còn là chú tiểu ở chùa, vua Lý Công Uẩn được thiền sư Lý Khánh Văn vẫn cho ăn uống, tắm rửa bằng nước giếng này. Ngày xưa ở làng Đại Đình có đến gần nửa làng ở phía gần chùa vẫn thường ra chùa Cổ Pháp gánh nước về dùng. Trong chùa có nhiều tượng Phật quý. Đặc biệt có thờ tượng bà Phạm Thị Chiêu Dung - là con gái làng Đại Đình (Quý phi của vua Lý Thánh Tông) và còn rất nhiều bức hoành phi, câu đối nói lên sự gắn bó mật thiết ngôi chùa với tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn. 

Địa linh dưỡng dục danh nhân kiệt

Thiên định sinh thành bậc Đế Vương.

Nghĩa  là:

Đất thiêng nuôi dạy người kiệt xuất 

Trời định sinh ra bậc Đế Vương./.