Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

NGHỆ SỸ UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
15:25 | 27/10/2021

Ngày 12 tháng 8 âm lịch, vốn là ngày truyền thống của những người làm Sân khấu nhớ đến Tổ nghiệp của mình, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của thế hệ đi sau dành cho các bậc tiền hiền. Những người mở đường cho nghệ thuật Sân khấu phát triển. Những người hoạt động ngành Sân khấu tưng bừng phấn khởi đón nhận kết luận của Ban Bí thư TW Đảng, tại Thông báo số 364-TB/TW ngày 30/7/2010 và Quyết định số 13/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 12/8 âm lịch hàng năm là “Ngày Sân khấu Việt Nam” nhằm “ Động viên đội ngũ Văn nghệ sỹ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng. Đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Với truyền thống yêu nghề và lòng tri ân Tổ nghiệp các nghệ sỹ luôn thắp sáng lên ngọn lửa sáng tạo, làm giàu thêm giá trị nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Ngành Sân khấu Việt Nam được cho là hình thành từ thời nhà Đinh, khi nhà nước Đại Cồ Việt ra đời sau 1000 năm Bắc thuộc. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước tập quyền phong kiến Việt Nam, là nơi khởi nguồn sản sinh nhiều giá trị văn hóa mang bản sắc Việt. Tới thời nhà Trần, các trò diễn nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo, hát Ả đào… thường xuyên được tổ chức trong cung đình và trong dân gian. Nghệ thuật truyền thống cũng đã trải qua bao thăng trầm theo dòng lịch sử. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, nghệ thuật sân khấu bước vào thời kỳ sáng tạo mới. Các nghệ sỹ tài giỏi của các bộ môn nghệ thuật khắp mọi miền quê, được tập hợp vào các đoàn văn công. Từ các phong trào sân khấu quần chúng dân dã nơi thôn xóm, sân khấu phát triển mạnh mẽ, thành lập nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Hàng loạt các vở diễn sân khấu ra đời bước vào hai cuộc kháng chiến. Sau hòa bình, từ sân khấu xóm làng đến các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đội quân sân khấu hùng hậu ra trận, mang lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa, trò diễn, động viên, cổ vũ quân và dân hăng hái lao động sản xuất và chiến đấu. Góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975. Ngày nay tiếp nối lịch sử truyền thống, ngành Sân khấu đã được tạo lên nguồn động lực mới, không chỉ cho sáng tạo nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Nghị quyết 23/2008 của Bộ Chính trị về “Phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới” và Nghị quyết TW9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”

Một số các vị Tiền hiền được tôn vinh là Tổ nghề:

- Tổ của nghệ thuật Tuồng: Liêu Thủ Tâm - Đào Tấn…

- Tổ của hát Chèo:  Phạm Thị Trân…

- Tổ của Cải Lương: Tống Hữu Định…

- Tổ nghề hát Xẩm: Trần Quốc Dĩnh…

- Tổ nghề Ca Trù: Đinh Dự - Phan Tôn Chu - Đào Thị Huệ…

- Tổ nghề Kịch Nói: Vũ Đình Long…

Ngày Sân Khấu Việt Nam (Lễ giỗ Tổ Sân khấu Dân tộc) đã trở thành một ngày thiêng liêng đối với những người làm nghệ thuật. Đây cũng là dịp để mỗi nghệ sỹ nhìn lại những hoạt động đã qua, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa bởi phía trước sẽ có rất nhiều gian nan, thử thách cần sự đam mê, năng động sáng tạo để cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Trong bối cảnh sân khấu bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid. Ngày giỗ Tổ càng trở lên quan trọng về mặt tinh thần, trong ngày lễ các nghệ sỹ thành tâm hướng về Tổ nghiệp “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện niềm tin vào nghề đã chọn, vào con đường nghệ thuật tươi sáng phía trước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các đồng chí Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể hội viên Chi hội; Ban Chấp hành Chi hội Sân khấu đã tổ chức Ngày Sân Khấu Việt Nam hàng năm tại Bắc Ninh, quy tụ các thế hệ hội viên, các đại diện các Câu lạc bộ, Đoàn nghệ thuật truyền thống trong toàn tỉnh về trước Tổ nghiệp, báo công những thành tích trong hoạt động.

Tinh thần Ngày Sân Khấu Việt Nam lần thứ 12 năm 2021 sẽ mãi lan tỏa. Giới nghệ sỹ Sân khấu Bắc Ninh nguyện đoàn kết, đem hết sức mình, cùng nhau nỗ lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng để phục vụ nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh và nghệ thuật Sân khấu Việt Nam./.

                                                                                                                                                                                                                    NGUYỄN ĐỨC TÚ