Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGÀY HỘI NON SÔNG
08:32 | 26/04/2021

NHÂN VẬT 

Liên:           Người ứng cử

Hòa:           Anh rể của Liên

Ông Hợp:  Trưởng thôn

Ông Dân:   Người dân

Cô Toe:      Người dân

Cô Thanh: Người dân

Và một số người trong tổ bầu cử, diễn viên múa hát

 

CẢNH 1: TẠI NHÀ ANH HÒA
 
 
Hòa: Hát: Bao nhiêu năm rồi mà vẫn sinh ra, sinh ra sinh ra, sinh toàn thị mẹt.
                 Khi ta ra đi không thằng cầm gậy, thờ cúng mai sau nào biết cậy nhờ.
Ông Dân: Ông chỉ lo bò trắng răng, mình đang sống sờ sờ, lo cho thân mình chẳng xong vội lo chết không có người thờ cúng, thôi uống đi ông cho nó quên hết cái sự đời.
Hòa: Nhưng không có con trai tôi vẫn cay cú, mà nói thế nào con vợ tôi nó cũng không chịu đẻ. 
Ông Dân: Nó không nghe thì tẩn cho nó trận rồi trả về nơi sản xuất, rồi tậu cái máy mới nó khác đẻ con trai cho ông. 
Liên: Này bác Dân, bạn bè với nhau chẳng động viên khuyên giải thì thôi, bác lại xui bác ấy đánh vợ, bỏ vợ là sao? 
Hòa: Dì Liên đấy à? Gớm cô em vợ tôi đi đâu mà diện thế, cứ như đi hội ấy?
Liên: Em sang rủ chị Mai đi bỏ phiếu, mà hôm nay là ngày cả nước đi bầu cử, các anh không đi bầu cử mà vẫn còn rượu chè ở đây? 
Ông Dân: Ai chẳng biết cô có tên trong danh sách ứng cử HĐND xã thì cô mới tích cực đi bầu, còn bọn tôi có bầu rượu đây rồi thì làm gì phải bầu cho ai chứ? 
Hòa: Mà dì đừng tưởng dì ăn mặc đẹp, đi sớm mà người ta bầu cho dì nhé, còn lâu nhé! Mà đàn bà con gái  biết gì việc dân viêc nước mà ứng với chẳng bầu. Này dì cứ giúp anh bảo chị em bầu cho anh thằng con trai là cái bầu quan trọng nhất.
Liên: Giờ là thời nào rồi mà anh vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, con nào chẳng là con miễn là con cái chăm ngoan, con trai như cái nhà ông Nhất đấy 3 thằng thì 2 thằng nghiện, 1 thằng ở tù kia kìa.
Hòa: Không hiểu sao người ta lại giới thiệu dì ra ứng cử, hay là có thằng nào nó muốn đưa dì lên để có cơ hội hú hí? Này có ý định ấy thì dẹp ngay đi, léng phéng tôi nói với chú ấy tẩn cho một trận, anh em cọc chèo chúng tôi phải bảo vệ nhau chứ.
Liên: Chồng em không suy nghĩ thiển cận như anh đâu, mà anh thì lúc nào cũng chỉ nghĩ xấu cho người khác, các anh hãy sờ lên gáy mình xem, có tật xấu nào mà các anh không có lại còn lên mặt dạy người khác chứ?
Ông Dân: Cô Liên này, tôi nghe người ta nói phụ nữ các cô họ đưa vào cho nó đủ chứ các cô chỉ là quân xanh, quân tốt thôi, đừng có vào rừng mơ, hãy tỉnh táo tầu lại đi.
Liên: Các anh chẳng hiểu gì về Luật bầu cử, Luật đã quy định rõ phải đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức là phụ nữ. Mà khóa vừa rồi chủ tịch Quốc hội cũng là phụ nữ các anh không biết hay sao?
Ông Dân: Giờ cô cũng nhiều lý lẽ ra phết, mà phụ nữ lắm lý luận chỉ giỏi cãi chồng chứ được cái gì? Cũng may là vợ tôi vợ ông người ta không giới thiệu ra ứng cử đấy. Thế tôi hỏi cô những người trúng cử thì họ làm cái gì mà mình phải bầu cho họ?
Liên: Những người đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là những người đại diện cho ý chí quyền lợi hợp pháp của Nhân dân và để nói lên tiếng nói và tâm tư nguyện vọng của người dân.
Hòa: Dì này, chắc anh chị bận không đi bỏ phiếu được đâu. Đấy nhà có mấy cái thẻ cử tri dì mang đi mà bỏ, bỏ hết cho dì, cho nó nhiều phiếu, biết đâu dì trúng cử có khi anh chị lại được nhờ.
Liên: Đi bỏ phiếu là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, không ai có thể bỏ phiếu thay cho ai được, kể cả những người trong một gia đình.
Ông Dân: Vậy những người già ốm, không đi bỏ phiếu được thì con cháu không bỏ hộ thì ai bỏ cho.
Liên: Người già yếu không thể đi bỏ phiếu được thì tổ bầu cử phải mang hòm phiếu lưu động đến tận nhà để người đó thực hiện quyền công dân bác ạ!
Hòa: Thế còn những trường hợp người ta không biết chữ, không tự gạch được thì sao?
Liên: Những trường hợp đó họ có thể nhờ người khác đọc tiểu sử các ứng viên rồi nhờ người khác gạch giúp theo yêu cầu của họ rồi tự tay mình bỏ phiếu.
Ông Dân: Này cô Liên! Cô cũng là người được dân giới thiệu ra ứng cử HĐND xã thế tôi hỏi cậu Bất em trai tôi lúc trước được giới thiệu nhưng sau lại bị gạch tên là sao?
Hòa: Bác Bất ra ứng cử lại bị gạch tên nhà bác ấy giàu có nhất nhì cái làng này. À chắc là có kẻ ghen ăn tức ở với bác ấy đây.
Ông Dân: Chú nói chí phải, bao nhiêu người ở cái làng này họ nói lãnh đạo thôn trù úm ghanh ghét đã gạch tên em tôi (ông Hợp vào).
Ông Hợp: Về việc này tôi có thể trả lời cho bác Dân, việc anh Bất đã vi phạm luật bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND là đã bôi nhọ nói xấu những ứng viên khác, còn đi vận động hứa hẹn trả tiền cho ai bầu cho anh ấy, mỗi lá phiếu bầu anh ấy trả cho 20 nghìn, việc này đã có nhiều người làm chứng. Tại điểm 1 và điểm 4 điều 68 Luật bầu cừ có quy định rõ:
1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với hiến pháp và pháp luật, hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Và tại điểm 4 điều này ai sử dụng hoặc hứa, tặng, cho ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Vậy nên tại Hội nghị cử tri anh Bất đã nhận lỗi và xin rút khỏi danh sách ứng cử HĐND xã khóa này. 
Hòa: À thì ra là lộ chuyện dùng tiền vận động cừ tri bỏ phiếu cho mình nên phải rút chứ ai trù úm bác ấy đâu hả bác Dân nhỉ?
Ông Dân: Thì tôi nghe thấy sao thì tôi nói vậy.
Ông Hợp: Thôi giờ mời mọi người cùng ra trụ sở thôn đã sắp đến giờ khai mạc rồi, nào ta cùng đi bầu cử nào các bác.
Không khí ngày bầu cử, khắp nơi cờ hoa, tiếng loa truyền thanh vang lên rộn rã
Tiếng loa (Đi bầu cừ đi bà con ơi! Trống thúc loa vang, trống thúc loa vang, xóm thôn tưng bừng).
Hát xẩm xoan: Trống thúc loa vang, xóm thôn vui mừng, làng trên xóm dưới, tưng bừng cờ hoa, lòng vui phơi phới, lợi quyền là đây, cầm phiếu trên tay, chọn người sao đủ, đủ tài. Đủ đức, đủ tài cầm phiếu trên tay, chọn người sao đủ đức, đủ tài, vì dân gánh vác, đâu nài gian lao, chung sức dựng xây, đại diện cho ý chí lợi quyền.
Lời 2: Tiếng hát vang vang, xóm thôn tưng bừng, cùng nhau chung sức, chung lòng dựng xây, tay cầm lá phiếu, đi bầu hôm nay. Hạnh phúc yên vui, cùng dựng xây đất nước mạnh giàu.
 
CẢNH 2: TẠI PHÒNG BỎ PHIẾU
 
Cô Toe: Chào mọi người, tôi cứ tưởng mình đi bỏ phiếu sớm nhất, ai ngờ lại đến sau các bác. Thế cô Thanh đã bỏ phiếu chưa? Phải nghiên cứu kĩ danh sách những người ứng cử đấy nhé.
Cô Thanh: Làm sao phải nghiên cứu họ đã sắp xếp thành tích từ cao xuống thấp rồi, cứ ai ở cuối là em gạch.
Ông Hợp: Ấy cô Thanh này, danh sách ứng cử viên là sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái A, B, C chứ không phải xếp theo thành tích từ cao xuống thấp. Thế bà không nghe loa phổ biến, tuyên truyền à?
Cô Thanh: Thế à bác? Em còn bận chợ búa suốt ngày, kiếm miếng cơm cho các cháu, thời gian đâu mà nghe, thế để em nghiên cứu kĩ đã bác à.
Cô Toe: Các ông các bà ơi sao lại lắm danh sách , lắm người thế này thì biết bầu ai bỏ ai
Ông Hợp: Mọi nguời phải đọc kỹ danh sách bầu cử quốc hội, HĐND, tỉnh, huyện xã đấy ạ.
Cô Toe: Em nói thật những người ở thôn mình thì em biết  còn bảo bầu cho những người ở đẩu đâu thì biết gì về họ mà bầu, theo em không biết thì không bầu.
Cô Thanh: Bà nói cũng phải, mình biết họ là ai mà mình bầu.
Ông Hợp: Mọi người hiểu như vậy là không đúng, mỗi ứng viên dù ở cấp nào, quê quán ở đâu thì cũng đều có tiểu sử rõ ràng được niêm yết trước cả tháng ở những nơi công cộng, nên các cử tri phải đọc và tìm hiểu kỹ tiểu sử các ứng viên, có như vậy ta mới so bó đũa để chọn cột cờ lựa chọn những người có đủ đức tài xứng đáng để mình gửi gắm lòng tin của mình vào đó.
Cô Toe: Em nói vậy thôi em biết đi bầu cử là vô cùng quan trọng chả thế mà em nghỉ việc còn cô Thanh hôm nay nghỉ cả chợ đi bỏ phiếu đấy bác ạ?
Cô Thanh: Nghỉ là nghỉ thế nào, hũ gạo nhà em đấy, thằng Cương nó ra trông hàng lát nữa em bỏ xong thì lại ra trông hàng để cháu nó về nó đi bỏ phiếu của nó, bảo nó đi bỏ cho cả nhà một thể nhất định nó không nghe, nó bảo làm vậy là vi phạm luật.
Cô Toe: Điều này tôi cũng vừa được bác Hợp trưởng thôn nhắc nhở, mà cô vừa bảo thằng Cương nhà cô được đi bầu cử. Thế sao con Hằng nhà tôi nó cũng cùng đẻ dạo ấy với thằng Cương, đâu cách nhau có chục ngày sao người ta không phát thẻ cử tri cho nó nhỉ, các ông, các bà trong tổ bầu cử làm ăn kiểu gì thế? Định tước quyền công dân của con tôi đấy à?
Ông Hợp: Người ta căn cứ vào ngày tháng năm sinh, nếu tính đến ngày bầu cử đã đủ 18 tuổi thì sẽ được đi bầu, thế con bà sinh ngày nào?
Cô Toe: Cháu Hằng nhà em nó sinh 28/5/2003 bác ạ.
Cô Thanh: Còn thằng Cương nhà em nó sinh ngày 18/5/2003.
Ông Hợp: Tổ bầu cử họ làm vậy là đúng, vì bầu cử Quốc hội và HĐND vào ngày 23/5 con nhà cô Thanh sinh ngày 18/5 tính đến ngày bầu cử là 18 tuổi 5 ngày, là đã đủ tuổi, còn cô sinh ngày 28/5 là thiếu mất 5 ngày. Tuy các cháu sinh cách nhau có chục ngày nhưng thằng Cương thì thừa, mà con Hằng thì thiếu, giá 2 đứa này nó bù cho nhau thì cả 2 đứa này vừa khít khịt.
Cô Thanh: Nhưng đã là luật thì mình cũng phải chấp hành cho nghiêm cô ạ.
Cô Toe: Gớm cô Thanh có con ứng cử HĐND xã khóa này thảo nào thông hiểu thế.
Cô Thanh: Cám ơn cô, nhà tôi không có mả làm quan. Tuy được dân tín nhiệm nhưng tôi đã bảo cháu nó rút rồi cô ạ.
Cô Toe: Ơ! Em vẫn thấy có tên con nhà bác ở danh sách bầu đấy thôi.
Cô Thanh: Phải! Cái Vân chứ gì, nhưng đó là cái Vân nhà bác Khoát.
Cô Toe: Không! Rõ ràng em vừa đọc trong danh sách có cả 2 Vân (Phạm Thị Vân là con nhà bác Khoát, còn Ngô Thanh Vân chẳng con nhà bác thì gì).
Cô Thanh: Thế này thì chết rồi, các ông các bà ở đây đừng ai bỏ cho con Vân nhà tôi đấy nhé. Mà tôi đã bảo nó rút khỏi danh sách rồi mà nó không nghe, con với chả cái.
Ông Hợp: Cô Thanh này, cái Vân nhà bác vừa có học vấn lại có năng lực nên cử tri họ mới giới thiêu để bầu. 
Cô Thanh: Bầu bầu cái gì, đàn bà con gái "ấy" không qua ngọn cỏ thì làm được trò trống gì, mà con nhà tôi đã 25, 26 rồi như quả bom nổ chậm trong nhà giờ lại HĐND rồi cao không tới, thấp không thông, 5 năm 1 khóa hội đồng còn chồng con gì nữa.
Cô Toe: Ấy, sao cô lại hạ thấp cánh đàn bà chúng mình, giờ ối người đứng đầu hàng huyện, hàng tỉnh cũng là phụ nữ đấy thôi, mà cái Vân nhà cô cũng đã có nơi, có chốn rồi, chỉ chờ thằng Tài nhận công tác là chúng nó làm đám cưới.
Cô Thanh: Thôi! Thôi! Các ông các bà trong tổ bầu cử gạch tên con Vân ra khỏi danh sách bầu giúp tôi.
Ông Hợp: Cô Thanh ạ! Cô làm vậy là vi phạm luật bầu cử đấy. Tại điều 95 Luật bầu cử quốc hội, HĐND đã quy định người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép làm chở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân, vi phạm các quy định về vận động bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý, kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đấy.
Cô Thanh: Ô thế là vi phạm hả bác? Tôi không hiểu luật mà tôi cũng chỉ lo cho con Vân nhà tôi thôi, mong bác trưởng thôn và các ông, các bà thông cảm.
Cô Toe: Gớm đẹp người, đẹp nết như con Vân nhà bác lại có năng lực trình độ thì có mà trai nó theo đuổi chẳng hết chứ lo gì ế.
Ông Hợp: Kính thưa bà con! Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là ngày hội lớn, để toàn dân phát huy quyền làm chủ của mình, chúng ta hãy sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức, tài để nói lên tâm tư nguyện vọng, và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của Nhân dân, chính là chúng ta đã góp phần vào công cuộc dựng xây đất nước và thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Liên: Đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân (Kết thúc trên màn múa hát).
Hát lới lơ: Làng quê phơi phới, tưng bừng trong nắng sắc cờ hoa
                  Vui ngày hội lớn, hát lời ca
Khắp nơi vang tiếng hát, nhanh bước trên đường, đi bỏ phiếu hôm nay.
Lời 2: Lòng vui phơi phới, em cầm lá phiếu trên tay, chọn người tài đức em trao
           Góp công xây đất nước, đất nước mạnh giàu theo Đảng, Bác ta đi 
Lời 3: Bắc Ninh quê ta đó, ai về có nhớ những lời ca, sông Cầu soi bóng đôi ta 
           Hát lên khúc hát nghiêng nón ba tầm vui với hội non sông.
 
                                         (MÀN HẠ)
 
                                                                                                                             NGUYỄN CÔNG HOAN