Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

MỘT TƯ TƯỞNG LỚN TRONG MỘT CÂU KIỀU
15:15 | 10/01/2020

Mỗi khi trong gia đình hay họ mạc, hoặc giữa các bạn đồng ngũ, đồng môn, đồng hương, đồng tuế... có cuộc tranh luận gay gắt tôi thường lựa lúc xen vào, chậm rãi: Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, câu thứ  ba nghìn một trăm mười bốn (3.114) là : "Mà trong lẽ phải có người có ta". Nghe xong có vẻ như người nào cũng dịu hơn, không khí cuộc tranh luận đỡ căng thẳng.

*

 *       *

Trước và trong khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du (1765 - 1820) đã chứng kiến những biến động lớn của xã hội Việt Nam, từng suy nghĩ rất nhiều về các quan điểm, cách xử thế của những người thân thiết hoặc quen biết: 

- Một người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Quýnh (1759 - 1791) chống Tây Sơn và bị Tây Sơn giết.

- Một người anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ (1761 - 1805) làm quan cho Tây Sơn và từng giúp cho Nguyễn Du ra khỏi trại giam của Tây Sơn.

- Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) một trí thức có tên tuổi, từng ra làm quan dưới nhà Lê sau lại làm quan với Tây Sơn và cả nhà Nguyễn.

- Nguyễn Hành (1771 - 1824) một nhà thơ nổi tiếng khi đó, cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, có cha ông làm quan cho nhà Lê thì nhất định không chịu làm quan với Tây Sơn và cả nhà Nguyễn.

Giữa những người ấy ai đúng, ai sai, ai xử sự hợp lý hơn? 

Nhưng có lẽ gợi ý trực tiếp cho Nguyễn Du viết câu Kiều thứ 3.114 là chuyện về nhân vật lịch sử Lê Quýnh (1750 - 1805): 

Năm 1789 sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị. Một số quan của triều Lê cũng theo Lê Chiêu Thống gồm có: Trường phái hầu Lê Quýnh, Phạm Như Tùng, Nguyễn Quốc Đống... Sang năm 1790 nhà Thanh dụ dỗ Lê Chiêu Thống và những người "tòng vong" cắt tóc, đổi áo như người Thanh; nếu không chịu thì phải tù đày... Một số người, đứng đầu là Lê Quýnh kiên quyết giữ mình là người dân Việt với câu nói nổi tiếng: "Đầu có thể chặt, tóc không thể cắt"; "Da có thể lột, áo mặc không thể đổi", chấp nhận cảnh ngục tù nơi viễn xứ. Nhưng Lê Quýnh không cho cách xử sự của mình là duy nhất đúng. Với những người đã theo Lê Chiêu Thống chịu "cắt tóc đổi áo" như Phạm Như Tùng, Nguyễn Quốc Đống... Lê Quýnh nói: "Các ông... đã không lỗi đạo làm tôi... Nếu ai cũng như tôi thì lấy ai là kẻ hầu vua. Nếu ai cũng như các ông thì ai giữ tiết" (1). 

Việc làm và lời nói của Lê Quýnh được người đời kính phục. Lê Quang Định - viên Chánh sứ của Gia Long sang nhà Thanh cầu phong năm 1803 - có bài thơ "Trường Phái hầu phát" (tức là "Tóc của Lê Quýnh") ca ngợi Lê Quýnh. Xem xong bài thơ này Nguyễn Du bình: "Nhất phát nhất thi giai khả thiên cổ" nghĩa là: Bài thơ và tóc đều sống mãi (2).

Chắc chắn Nguyễn Du tán thành với suy nghĩ của Lê Quýnh nên đã dành cho Kim Trọng phát ngôn mệnh đề: 

"Mà trong lẽ phải có người có ta".

Xin nhắc lại, Kim Trọng là:

"... bậc tài danh

Văn chương nết đất thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tuyệt vời

Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa"

"... kẻ thiên tài" đi thi lần đầu đã "chiếm bảng xuân" và đang là viên quan trị nhậm thành Nam Bình.

Áp dụng mệnh đề đó, Kim Trọng đưa ra một cách hiểu mới về chữ trinh, khác với cách hiểu của Thuý Kiều, cách hiểu thông thường:

"Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường

Có khi biến có khi thường"

Và:

"Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay"

Lý lẽ ấy đã phần nào thuyết phục Thuý Kiều nên nàng không cự tuyệt làm vợ Kim Trọng nữa: "Hết lời khôn lẽ chối lời".

Nhưng "trong lẽ phải" có Kim Trọng và cũng có cả Thuý Kiều nên cuối cùng Kim Trọng chấp nhận: "Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm" và Kim - Kiều đạt được: "Hai tình vẹn vẻ hoà hai

Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ".

Cuộc "đấu tranh" giữa hai cách nghĩ về liên quan giữa chữ trinh với đạo vợ chồng cuối cùng đi đến thống nhất vì cả hai bên đều biết "trong lẽ phải có người có ta".

Câu Kiều 3.114 đã diễn tả một cách khéo léo tư tưởng "Mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận lẽ phải", mỗi người không nên tự cho là lẽ phải luôn thuộc về mình, không nên tự cho mình độc quyền sở hữu chân lý, không nên cho tín điều của mình là duy nhất đúng, không nên cho cách xử sự của mình là duy nhất hợp lý. 

Mãi đến nửa sau thế kỷ XX, phần lớn nhân loại mới nhận thức được tư tưởng lớn nói trên: Năm 1949 (3) khi phúc đáp thư của Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô X.I.Va-vi-lốp (1891 - 1951) nhà vật lý vĩ đại An-be Anh-xtanh (1879 - 1955) đang sống ở Mỹ - đã viết, đại ý: Lịch sử cho thấy nếu một tôn giáo mà cho rằng chỉ có mình mới là "chính giáo", còn các tôn giáo khác đều là "tà giáo" thì thường dẫn tới những cuộc thảm sát... 

Đoạn thư trên có hàm ý: Không nên cho quan điểm của mình và những người đồng ý với mình là duy nhất đúng, không nên cho rằng chỉ có mình và những người đồng ý với mình mới nắm được chân lý, tiếp cận được lẽ phải. 

Tư tưởng: "Mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận lẽ phải" là sự phát triển tiếp theo của tư tưởng: "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng", "người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi" hoặc "tự do của mỗi người phải dừng lại trước tự do của người khác" đã được nhân loại nhận thức từ thế kỷ XVIII. Phải sau gần hai thế kỷ nhân loại mới thấy được rằng người ta sinh ra không chỉ bình đẳng về quyền lợi, về tự do mà còn bình đẳng cả về nhận thức chân lý. Viết câu Kiều:

"Mà trong lẽ phải có người có ta" vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du đã đi trước thời đại khoảng một thế kỷ rưỡi. Hơn nữa, với cách diễn đạt mềm mại, nhẹ nhàng, nên thơ, tư tưởng "mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận lẽ phải" trở nên dễ tiếp thu và có ý nghĩa lớn lao trong việc giảm bớt mặt tiêu cực của tính hiếu thắng, khơi dậy tính phục thiện trong mỗi người. Tính hiếu thắng có mặt tích cực (chẳng hạn trong thể thao, trong các cuộc thi...) nhưng cũng có mặt tiêu cực (4) là dễ dẫn tới những cuộc tranh luận liên miên, bất phân thắng bại, dẫn tới sự bất hoà, mâu thuẫn, thậm chí xung đột hay chiến tranh (5). 

Nếu mọi người đều ghi nhớ câu: "Mà trong lẽ phải có người có ta" thì những cái đầu sẽ bớt nóng hơn, sẽ giảm đi nhiều cuộc tranh luận vô bổ... cuộc sống sẽ thanh bình, tốt đẹp hơn./. 

                                                                                                                                                                                                                                                 TRẦN TRỌNG THUYẾT