Kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du sở dĩ được mọi tầng lóp nhân dân Việt Nam say mê vì song song với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trác tuyệt của thiên tài, tác phẩm còn là tiếng kêu xé lòng (Đoạn Trường Tân Thanh) làm động lòng trắc ẩn của người dân Việt vốn rất thuần hậu, thương người như thể thương thân. Ngoài biết bao oan ức của nàng Kiều do bị bọn bất lương: Thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh... gieo tai vạ gây nên, nàng Kiều còn chịu nhiều oan khuất do các câu thơ của các nhà biên khảo Truyện Kiều chép sai (vì không có nguyên tác của Nguyễn Du, Nguyên truyện của Thanh Tâm tài nhân và không đọc kỹ các bản Kiều Nôm cổ). Các nhà biên khảo hiện đại thường theo ý mình, tự chữa nhiều câu thơ gây sự hiểu lầm và đánh giá oan sai về phẩm cách của Thúy Kiều.
Để "minh oan" cho nàng Kiều, chúng tôi xin mạnh dạn dựa vào Nguyên truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân và các bản Kiều Nôm cổ nhất hiện có như bản Liễu Văn Đường khắc in 1866, bản Liễu Văn Đường khắc in 1871, bản Hoàng gia Triều Nguyễn, bản Quan Văn Đường khắc in 1879, bản Ấn Thư Hội khắc in năm 1896 và hai bản chép tay ở Diễn Chậu - Nghệ An và Quế Võ - Bắc Ninh cũng trong thế kỷ 19 để khôi phục lại 5 câu Kiều cổ.
1. Phải chăng Thúy Kiểu dệt lụa?
Khi miêu tả nhà Vương ông bị bọn sai nha khám xét và phá phách, các nhà biên khảo hiện đại viết:
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Như vậy phải chăng là nhà Thúy Kiều làm nghề dệt lụa? Nhưng viết như vậy là vô lý vì từ "rụng rời" chỉ có nghĩa là: "Cảm thấy chân tay rã rời thường do quá mệt mỏi hoặc khiếp sợ" (Hoàng Phê - Từ điển Tiếng Việt). Do vậy nghĩa củạ từ "rụng rời" là phản ánh tình cảm của con người, không thể phù hợp với cái "khung dệt" được, vả lại trước cảnh nhà tan hoang như vậy, Vương Ông và Vương Quan bị trói treo lên xà nhà mà mẹ con Vương Bà, Thúy Kiều, Thúy Vân lại chỉ xúc động như bọn đầy tớ trong nhà sao?
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất án ngờ dựng mây.
Thực ra ở các bản Kiều Nôm cổ chép là:
Rụng rời giọt liễu, tan tành cội mai.
Thể hiện đúng sự hoảng hốt kinh hãi bủn rủn, rã rời của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân (giọt liễu) và Vương Bà (cội mai) trước cảnh "Vạ gió tai bay" của gia đình.
2. Thúy Kiểu và Sở Khanh, ai "đeo đai" trước?
Các bản Kiều hiện nay đều chép là:
Bóng nga thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.
Và cách hiểu từ "cũng" là: "Tỏ ý tương tự, để lặp lại một ý ở trên" (Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều) hoặc: "Từ biểu thị ý khẳng định về một sự giống nhau của hiện tượng, trạng thái, hoạt động, tính chất" (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt). Hoặc như Nguyễn Khuyến đã dùng:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Thế này thì việc Sở Khanh "Cũng ra tình đeo đai" lại chỉ là việc "tương tự, lặp lại" việc Kiều đã "đeo đai" từ trước ư?
Không! Thực tế là Sở Khanh "đeo đai" trước bằng việc làm rất cụ thể là:
Cách lầu nghe có tiếng đâu họa vần.
Chính vì thế nên trong các bản Kiều Nôm cổ chép như sau mới là hoàn toàn đúng:
Bóng nga thấp thoáng dưới mành,
Trông chàng, nàng cũng ra tình đeo đai.
3. Kiều có xin chừa lòng trinh bạch?
Sau khi dùng con bài Sở Khanh lừa Kiều cùng đi trốn, Tú Bà đã tra tấn và bắt Kiều phải chấp nhận làm việc ở lầu xanh, các nhà biên khảo hiện đại đều cho là Kiều đã nói:
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Thực ra Kiều đâu có tụt dốc về nhân phẩm đến nỗi phải xin chừa lòng trinh bạch như vậy. Trong các bản Kiều Nôm cổ chép là:
Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ.
Đây chính là lời tự thán của Thúy Kều, chua xót tiếc nuối cho việc mình đã:
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào đã bẻ cho người tình chung.
Thì ra trong lúc nguy kịch của đời người con gái, Kiều vẫn nhớ đến Kim Trọng và nuối tiếc việc mình đã quá "nắng giữ mưa gìn" để cho đến nỗi ngày nay rơi vào cảnh "Hồng ngâm cho chuột vọc, mình ngọc cho ngâu vầy" mà lẽ ra "nhị đào" phải là để dành cho "người tình chung" Kim Trọng mới đỡ ân hận. Thật là một quan điểm thuỷ chung với tình yêu hiện đại của thi hào Nguyễn Du.
4. Kiều có "dùi mài" ô lầu xanh.
Khi phải chắp nhận làm gái lầu xanh, các nhà biên khảo hiện đại chép tâm tư của Kiều hàng ngày là:
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân.
Và nếu hiểu theo nghĩa thông thường của từ "dùi mài" là: "Cố công kiên nhẫn học tập cho tinh thông" (Hoàng Phê - Từ điển Tiếng Việt) thì thật là quá oan cho Kiều, vì làm sao Kiều lại "cố công học tập cho tinh thông" cái nghề lầu xanh được. Thực ra, câu thơ trên ở các bản Kiều Nôm cổ chép là:
Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân.
Với cách hiểu: Dồi là nhồi đầy; mài là vơi, mòn (theo A. ROHDES và Huỳnh Tịnh Của) Vậy từ "dồi mài" có nghĩa tương tự như "đầy vơi" phản ánh đúng tâm trạng của Kiều và phù hợp với bút pháp của thi hào hay dùng các cặp từ trái nghiã song hành với nhau. Ví dụ như:
Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan.
Này ai vu thác, cho người hợp tan.
Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi.
5. Kiều nói gì với Thúc Sinh?
Các nhà biên khảo hiện đại cho Kiều dặn dò Thúc Sinh, trước khi chàng về với vợ cả Hoạn Thư là:
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Vốn là người thông minh, sắc sảo, không đời nào Thúy Kiều lại xui dại anh chồng hèn về "nói sòng" cái quan hệ "đèo bòng" (tức là khăng khít, gắn bó, say mê với tình lắm) cho vợ cả biết. Nếu có, chỉ có thể là "nói sòng" cái quan hệ bèo bọt, "văn nghệ văn gừng" lồng bồng tạm thời giữa hai người cho họ Hoạn biết mà thôi.
Vậy câu thơ trong các bản Kiều Nôm cổ chép là:
Đôi ta chút nghĩa bèo bồng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Mới thực sự thể hiện sự thông minh trong ứng xử của Thúy Kiều. Vì từ "bèo bồng" chính là một sự sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du khi dịch từ "bình bồng" trong thơ Hán cổ, như thơ của Đỗ Phủ có câu:
Nhân sinh nan định kỳ,
Vãng vãng như bình bồng.
Tạm dịch:
Đời người khó định kỳ ra,
Bèo trôi bồng cuốn biết là về đâu.
Và ngay trong Kiều cũng đã có câu:
Bình bồng còn chút xa xôi,
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an.
Việc tìm được nguyên tác Truyện Kiều là rất khó, nhưng với việc khảo sát kỹ lưỡng các bản Kiều Nôm cổ nhất, lại đối chiếu với Nguyên truyện của Thanh Tâm tài nhân, văn phong của thi hào, văn lý của mạch truyện, chúng tôi tin tưởng 5 câu Kiều hoàn nguyên trên là chân xác, mong góp phần cùng bạn đọc suy ngẫm để nhận định chính xác hơn hình ảnh Thúy Kiều, nhân vật trong kiệt tác bậc nhất của kho tàng văn học nước ta./.
NGUYỄN KHẮC BẢO