Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Lăng Kinh Dương Vương - Vấn đề "Đất Tổ" và Lễ hội đầu xuân
15:25 | 14/01/2022

* Lăng Kinh Dương Vương:

Khu di tích Đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là di tích lịch sử văn hóa có giá trị vô cùng to lớn và sâu sắc, được Bộ Văn hóa xếp hạng từ năm 1993. Vốn xưa lăng này gọi là mộ, sau được tôn tạo dần, có quy mô hoành tráng hơn - gọi là Lăng.

Việc tu bổ di tích trên trong thời gian vừa qua, được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn, nhưng có đôi điều du khách tham quan không khỏi băn khoăn. Di tích có tấm bia đá cổ “Hạ mã’’ lại đặt ngay đầu khu WC tôn cao ngang mặt đê; đôi rồng đá mới được tạo tác rất hoành tráng nhưng lại đặt ngược theo “phong thủy thông lệ”. Giá như trích “một chút” kinh phí để dựng đặt lại bia đá, đôi rồng đá và di chuyển khu WC ra phía bờ tre thì tốt biết bao? Giá như di tích Thành cổ Luy Lâu và Thành Bắc Ninh cũng được tu bổ như vậy?

- Về nhân vật được thờ ở di tích:

Sử sách xưa dựa theo các truyền thuyết dân gian cho biết: Vua Đế Minh - cháu ba đời của Vua Thần Nông, một hôm đi tuần thú ở Phương Nam, đến núi Nghĩa Lĩnh, gặp một nàng tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, nên kết duyên vợ chồng, sinh được hai người con trai. Sau Vua Đế Minh chia nước làm hai, phong cho người con trưởng làm vua ở Phương Bắc, còn Lộc Tục - con thứ hai làm Vua ở Phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng danh là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Qủy - tiền thân của nước Văn Lang. Về sau Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh được một người con trai tên là Sùng Lãm (Lạc Long Quân). Lạc Long Quân lại lấy con gái của Vua Đế Lai là Âu Cơ. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng rồi nở ra một trăm người con (Vì thế về sau có danh từ là “Đồng bào”). Khi các con đã lớn, một hôm Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không thể ở với nhau lâu dài được. Nay ta đem 50 người con xuống biển, còn nàng đem 50 người con lên rừng núi, chia nhau mà giữ bờ cõi (gọi là Bách Việt). Trong 50 người con theo mẹ lên miền rừng núi, người con cả được phong làm Vua cai quản miền Bắc nước ta gọi là Hùng Vương - người khai sinh ra nước Văn Lang.

Sau này chế độ phong kiến Việt Nam phát triển, để củng cố chế độ Phong kiến tập quyền - với tới tận các làng xã, Nhà nước đã sức cho nhân dân các địa phương phụng thờ các vị thần, ban tặng sắc phong, soạn thảo thần tích (biên soạn thời Lê,  phát hành vào thời Nguyễn). Việc sức cho các làng xã phụng thờ các vị thần cơ bản là phù hợp với “địa văn hóa’’, nhưng có một vài nơi chưa phù hợp lắm. Địa phương thờ Kinh Dương Vương, chỉ có một vài nơi trong nước - nếu đều ở vùng núi cao thì phù hợp hơn.

*Vấn đề “Đất Tổ”:

Từ khi được Nhà nước xếp hạng, lại thêm có những tác phẩm viết về Kinh Dương Vương, về di tích - (mộ tổ ca)... của tác giả vốn không phải là chuyên gia lịch sử (mà là nhà văn), nên dẫn tới “thái quá”. Làm cho không ít người chưa tỏ tường về ý nghĩa lịch sử sâu sắc và nguồn gốc của việc thờ phụng ở di tích này, từ đó mà có sự so sánh “lệch chuẩn” giữa hai khu di tích - Đền Hùng ở Phú Thọ với Đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh. Họ chưa hiểu tại sao Kinh Dương Vương là ông nội của Vua Hùng, mà không được nhiều người xem như “Đất Tổ” của người Việt, mà Đền Hùng - Phú Thọ mới là “Đền thờ Tổ và Đất Tổ”?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo phân tích ở phần trên, nhìn từ góc độ “nguồn gốc của sự thờ phụng thì sẽ thấy việc thờ phụng ở Đền Hùng được xem như “Đất Tổ” là gắn với hai quan niệm - “Nguyên lý thờ mẹ - thờ Mẫu”. Việc thờ phụng ở Đền Hùng khởi thủy từ việc thờ Mẫu - người mẹ mang 50 người con lên rừng sinh cơ lập nghiệp. Sau mới thờ các vị Vua Hùng. Con người ta thời gian lịch sử lấy theo họ mẹ kéo dài không phải là ít. Đền thờ Mẫu, ban thờ Mẫu, điện Mẫu có ở nhiều nơi và luôn được nhiều người quan tâm (hơn thờ cha) mang 50 người con xuống miền biển lập nghiệp. Ngày nay chúng ta chỉ mới thấy có cụm từ “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Quan niệm thứ hai là từ việc nghiên cứu sự phát triển của loài người nói chung, của người Việt nói riêng đều từ vùng núi cao, đến trung du, đồng bằng rồi ra miền biển (chứ không thể phát triển ngược từ vùng đồng bằng (Thuận Thành) lên vùng núi (Phú Thọ) được. Sự ra đời của các kinh đô, thành cổ ở nước ta cũng thể hiện rõ điều này. Từ kinh đô Phong Châu - Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) đến Cổ Loa (Đông Anh), rồi đến Luy Lâu (Bắc Ninh) mới đến Đại La - Thăng Long Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác Cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Chưa thấy ai nói các Vua khác có công dựng nước…

Trong Hội thảo khoa học “Luy Lâu - Kinh Dương Vương” tổ chức tại Bắc Ninh (sau khi tỉnh Bắc Ninh tái lập), Giáo sư sử học hàng đầu Trần Quốc Vượng đã khẳng định: “Không nên tranh cạnh “Đất Tổ” vùng núi trung du Phú Thọ với vùng Luy Lâu; vì lịch sử văn minh nhân loại đều phát triển từ vùng núi trung du xuống vùng châu thổ. Các bác Bắc Ninh chớ có vỗ ngực ta đây - Bắc Ninh còn thờ ông nội Vua Hùng cơ, mà người ta cười cho đấy!”

Còn việc thờ phụng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh chỉ là sự tôn thờ một vị “Thủy tổ” xét về thế thứ gia tộc là bậc trên (hai đời) của “Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng mà thôi, chứ không thể từ thế thứ đó mà kết luận - nơi thờ Kinh Dương Vương là vùng “Đất Tổ” với ý nghĩa có con người Việt cổ định cư trước cả vùng trung du - miền núi thờ Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng được.

Điều nữa là việc thờ phụng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh giống như nhiều địa phương khác ở nước ta - đều do Bộ Lễ trong triều đình phong kiến (thời Lê, thời Nguyễn) soạn thảo sắc phong, thần tích trình Vua phê chuẩn rồi ban cho các địa phương phụng thờ (cả nước có chí ít là ba nơi thờ Kinh Dương Vương). Cho nên các địa phương thờ Vua Hùng hay các bậc bề trên Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng… không địa phương nào tranh cạnh với vùng Đất Tổ thờ Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng (với quốc giỗ và lễ hội cấp quốc gia) được.

Xem xét nhìn nhận vấn đề thờ phụng, cội nguồn của sự thờ phụng, nơi thờ phụng, hay nhân vật (vị thần) được phụng thờ của người Việt từ cổ đến kim, chúng ta cần có cách nhìn sâu sắc theo quan điểm lịch sử, từ góc độ tín ngưỡng “Nguyên lý thờ mẹ - thờ Mẫu”.

Về nhân vật được thờ ở các di tích còn là sự suy tôn các bậc “khai quốc công thần” (có công dựng nước, lập quốc - đánh thắng giặc ngoại xâm lập nên triều đại mới, chứ không chỉ là thắng giặc nội chiến). Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam đã minh chứng điều này - chỉ có những vị Vua như thế mới được gọi là “Thái Tổ” như - Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ… Các vị Vua khác do nội chiến đoạt ngôi lập ra triều Vua khác thì đâu được gọi là Thái Tổ, nên không có Trần Thái Tổ, Nguyễn Thái Tổ... là vậy. 

* Lễ hội đầu xuân:

Khu di tích diễn ra lễ hội xưa bao gồm Đền Thượng, Đền Hạ ở trong đê (phía Tây làng Á Lữ) và Lăng mộ Kinh Dương Vương ở ngoài bờ đê sông Đuống.

Lễ hội Đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ và Lăng Kinh Dương Vương, dân địa phương thường gọi ngắn gọn là Hội làng Á Lữ.

Lễ hội xưa được tổ chức tới 9 ngày vào đầu xuân - từ ngày 16 đến ngày 24 tháng Giêng hàng năm.

Ngày 16, lễ nhập tịch tại Đền Thượng và Đền Hạ, tối làm lễ tập nghi (luyện nghi thức tế lễ, rước…). Ngày 17 dân làng tổ chức rước từ đình sang đền; ba giáp (giáp Đông, Bắc và Đoài). Đoàn trực tiếp tham gia rước toàn nam thanh niên từ 18 đến 45 tuổi, mặc quần áo hai thân màu sắc rực rỡ. Tốp đi trước cầm cờ, bát biểu, lồng đèn, chấp kích; hai kiệu long đình, mỗi kiệu 8 người khênh. Kiệu đi trước rước sắc phong; kiệu sau rước chóe nước cúng có lọng che. Tiếp theo là hai kiệu long đình, cờ, trống, chiêng, bát âm. Sau đến ba kiệu - mỗi kiệu 12 người rước. Kiệu đi trước rước ngai thờ Kinh Dương Vương kiệu thứ hai, thứ ba rước ngai thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ... Đoàn rước vào đền làm lễ an vị, và phong mã. Ngày18, buổi sáng làm lễ phụng nghinh từ đền rước lên đê rồi xuống thuyền ngược dòng sông Đuống, đọc thần chú để lấy nước vào chóe, sau đó rước vào Lăng làm lễ hành tại, rồi rước về đền, đình làm lễ an vị. Ngày 19, 20 các Giáp trong làng hành lễ - ban ngày tế xôi, thịt lợn; ban tối tế xôi gà, và ca hát tuồng, chèo. Ngày 21 làm lễ sát sinh - Cai Đám đem “ông lợn” được làng cử người chăn nuôi béo tốt, sạch sẽ để làm lễ ở đình, đền xong khao dân làng cùng các lễ vật khác. Ngày 22, 23 các chạ, các nóc dân làm lễ chính ngư (gỏi cá mè). Các loại cá có vẩy dân không được dùng trong các ngày lễ hội. Ban tối lại tổ chức hát tuồng, chèo và hát nhà trò phục vụ dân làng và quý khách gần xa về tham dự lễ hội. Ngày 24 làm lễ rước mã từ đình về đền; buổi chiều lễ yên vị xong hóa mã (đốt vàng mã), kết thúc lễ hội...

Như nhiều lễ hội khác, lễ hội Kinh Dương Vương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, phản ánh sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp Lạc Việt vốn có nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên”.

Thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp các di tích của địa phương đã bị tàn phá nặng nề, lễ hội làng Á Lữ không còn được duy trì như trước nữa. Mãi đến khi đất nước được thống nhất - di tích được khôi phục tôn tạo ngày một khang trang, Nhà nước xếp hạng, đầu tư kinh phí, Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức ngày một hoành tráng hơn, mang đậm nét văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc. Lễ hội chỉ tập trung vào ngày chính 18 tháng Giêng âm lịch (xưa là 9 ngày), chủ yếu tế lễ tại đền rồi rước ra Lăng. Sau lễ dâng hương là nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống và hiện đại. Quý khách thập phương ngày một đông hơn, có nhiều đoàn là đại diện lãnh đạo các cấp. Họ đến tham dự lễ hội Kinh Dương Vương đồng thời có thể cùng tua du lịch tới nhiều di tích tiêu biểu khác dọc theo bờ Nam sông Đuống như: Làng tranh dân gian Đông Hồ, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, Thành cổ Luy Lâu… 

                                                                                                                                                                                     LÊ VIẾT NGA