Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO - GIAI THOẠI THỜI NIÊN THIẾU
09:08 | 19/11/2020

Nguyễn Đăng Đạo là một trong bốn vị lưỡng quốc Trạng nguyên của Việt Nam cùng với Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trực, Nguyễn Nghiêu Tư (*). Ngoài  tư liệu lịch sử, các vị thần đồng này còn được dân gian và gia phả họ lưu truyền nhiều giai thoại đẹp ca ngợi.

Nguyễn Đăng Đạo (1651 - 1719) tên tự là Chắt, thụy Đôn Nhã, trước húy là Đăng Liễn, sau mới đổi thành Đăng Đạo, quê xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão). Tiên sinh là con của tiến sỹ Nguyễn Đăng Tuân, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em ruột Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh. Đăng Đạo sinh năm Tân Mão, xuất thân Sỹ vọng, Viên ngoại lang. Năm 33 tuổi ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Quý Hợi (1683). Cuộc đời ông từ thời niên thiếu đến khi làm quan rồi về hưu đều có nhiều giai thoại đẹp: Giai thoại thời niên thiếu, giai thoại thời kỳ là Giám sinh, giai thoại về việc lấy vợ, giai thoại thời kỳ làm quan đi sứ Tàu. Bài này giới thiệu giai thoại thời niên thiếu:

Truyền kể, từ lúc mới một tuổi, Đăng Đạo thường được bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý, luôn bế bồng cho theo bên mình. Lúc lên ba tuổi, nhân lần đi sứ, người bác cũng cho Đăng Đạo theo cùng, sứ nhà Thanh ra tiếp hỏi chuyện, bé Đạo đều đối đáp rất thông minh, lấy làm ngạc nhiên lắm. Tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo hiện nay vẫn còn câu đối về việc này:

Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc 

Thập niên Tể tướng trọng triều Nam.

Năm lên sáu tuổi Nguyễn Đăng Đạo được gia đình cho đi học, ông nổi tiếng thông minh và học giỏi.Truyền kể một hôm trên đường đi học trời mưa to Đăng Đạo phải trú mưa ở Cầu Chợ (Cầu Giếng). Tình cờ có ông quan huyện đi qua thấy Đăng Đạo đang nằm trú mưa ở đó mà không đứng dậy chào, cho là vô lễ nên tức giận hỏi: Mày là đứa nào mà thấy quan không đứng dậy chào hỏi?

Đăng Đạo đáp: Tôi là học trò.

Quan lại hỏi: Nếu là học trò, dòng dõi nhà nho trong huyện này thì hãy thử làm một bài thơ tả cảnh trời rét xem sao?

Đăng Đạo nhận lời và đọc ngay một bài thơ:

Phù phù gió thổi bụi đường quan

Rét phải nằm co há có cuồng

Cá chửa dương vây miền Bắc Hải

Rồng còn uốn khúc bãi Nam Dương

Cất đầu ngoảnh lại càn khôn đế

Cuốn gió mang chào cảnh thổ vương

Bĩ cực đã rồi thì đến thái

Sang xuân đầm ấm sẽ thung dung.

Quan huyện nghe rồi khen ngợi lắm và nói, kỳ thi tới thế nào Đăng Đạo cũng đậu. Sau quả đúng như vậy.

Lại kể, một hôm đi học ngang qua chùa Phật Tích vào chơi vì nhà sư vốn rất quý Đăng Đạo. Đăng Đạo viết một chữ “hiến” vào đáy hộp rồi đi học. Lúc trở về, nhà sư lại mời vào chùa và bảo rằng: đó là chữ “nam” và chữ “khuyển” hợp lại. Tôi vốn biết nhà thầy sẽ là Trạng nguyên của nước Nam, nhưng thầy có muốn nổi tiếng cả ở bên Tàu nữa không? Đăng Đạo nghe rồi vội sụp lạy xin nhà sư dạy bảo cho. Nhà sư trao cho Đăng Đạo một quyển sách rồi căn dặn: hãy đọc kỹ sẽ thành tài. Vì thế mà Đăng Đạo vốn đã thông minh lại càng biết được nhiều điều  sâu sắc hơn người khác. Quả đúng vậy, sau đó Đăng Đạo đỗ đạt cao nhất tới Trạng nguyên, khi đi sứ Tàu cũng được phong là Trạng nguyên và như vậy ông là một trong hai vị Lưỡng quốc Trạng nguyên tiêu biểu của nước ta.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Đền thờ Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và đình làng Hoài Thượng thờ Nguyễn Đăng Đạo làm thành hoàng đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia (Quyết định số 226 - VH/QĐ ngày 05/02/1994). Đó là di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích phản ánh sâu sắc về truyền thống giáo dục  khoa bảng của quê hương đất nước./.

                                                                                                                                                                                                                                          NGUYỄN DUY NHẤT

(*) Theo lịch sử - Việt Nam chỉ có hai vị Lưỡng quốc Trạng nguyên là: Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Đăng Đạo, còn các vị khác chỉ là theo truyền kể dân gian.