Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

LÊ QUANG ĐẠO - DANH TƯỚNG TÀI BA NGƯỜI ANH CẢ NGÀNH TUYÊN HUẤN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
08:20 | 14/07/2021

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, liên tục phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, đồng chí cũng là một tướng lĩnh tài ba, Cục trưởng cục Tuyên huấn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lê Quang Đạo tức Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08 tháng 8 năm 1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Đình Bảng - Quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, tiêu biểu cho nền văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đền Đô nơi thờ tám vị vua nhà Lý khai sáng nền văn minh Đại Việt.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Đức Nguyện hưởng ứng hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức rước đèn, đọc bài vè “Hò đi học” cổ động dân làng đi học, với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”.

Từ năm 1937 - 1939, Nguyễn Đức Nguyện học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long -  Hà Nội, tại đây đồng chí đã tham dự những buổi nói chuyện chính trị ở Trụ sở Đảng Xã hội tại Hội quán Trí Tri, phố hàng Quạt, tham gia đoàn thanh niên dân chủ Hà Nội, dự cuộc mít tinh chống thuế ở bờ hồ Hoàn Kiếm (gần cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn)….

Nghỉ hè, Nguyễn Đức Nguyện về quê mở lớp dạy học hè cho một số học sinh trường làng, tham gia tổ chức thanh niên phản đế ở xã Đình Bảng, đồng thời vẫn tiếp tục hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ ở Trường Thăng Long (Hà Nội).

Say mê với sách báo Tiến Bộ, đọc thơ văn của nhà yêu nước Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh, những tác phẩm văn học hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên; Nguyễn Đức Nguyện sớm đến với tư tưởng Mác xít qua đọc Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, truyện “Người mẹ” của Gorky; “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp).

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), đồng chí Nguyễn Đức Nguyện được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày do đồng chí Nguyễn Văn Cừ phụ trách. 

Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, giải tán các tổ chức cách mạng, các hội quần chúng, truy bắt một số đảng viên Cộng sản… Nguyễn Đức Nguyện trở về hoạt động ở quê hương Đình Bảng. Tháng 8/1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm đó được cử làm Bí thư chi bộ Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1940, Đình Bảng được Trung ương chọn làm An toàn khu (ATK) I của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, nhiều hội nghị, lớp tập huấn cán bộ của Đảng, đặc biệt là tháng 11/1940 Hội nghị Trung ương lần thứ 7 được tổ chức ở Đình Bảng. Dự hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu. Hội nghị đã được Nhân dân Đình Bảng bảo vệ chu đáo, an toàn; cũng thời gian này, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện có dịp gặp gỡ, làm việc với các lãnh tụ của Đảng, như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Hoàng Văn Thụ… giữa năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng và chính thức lấy tên là Lê Quang Đạo. 

Cuối năm 1941 đến đầu năm 1942, đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1942 - 1943 đồng chí làm Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 5/1943 đến tháng 10/1944, đồng chí làm Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban Cán sự Đảng thành phố Hà Nội, đồng thời là biên tập viên Báo Cứu quốc; Báo Cờ giải phóng…

Từ  tháng 5 đến tháng 8/1945, đồng chí Lê Quang Đạo phụ trách Báo Quyết Thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở Chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang) đồng chí làm Chính trị viên Chi đội giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Bắc Giang. 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến tháng 6/1946 đồng chí tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Sau đó đồng chí được điều động về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ đến cuối năm 1947, đồng chí Lê Quang Đạo, giữ chức Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư khu ủy Đặc biệt Hà Nội (khu XI), tham gia phái đoàn Chính phủ vào Liên khu I, Hà Nội, động viên Trung đoàn Thủ đô chiến đấu và thăm cán bộ chiến sỹ sau khi Trung đoàn Thủ đô an toàn rút khỏi nội thành. Tháng 11/1947, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Năm 1948, đồng chí Lê Quang Đạo, làm Bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông. Cuối năm 1948, đồng chí tham gia Liên khu ủy Liên khu II, phụ trách công tác tuyên huấn, sau đó làm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. 

Tháng 9/1950, đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương điều động vào Quân đội nhân dân Việt Nam và được cử tham gia chiến dịch Biên giới, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch, đồng thời phụ trách công tác tuyên huấn của chiến dịch.

Giữa tháng 10/1950, thành lập Cục Tuyên huấn, đồng chí được phân công làm Cục trưởng đầu tiên của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồng chí vẫn là Cục trưởng Cục Tuyên huấn, đồng thời trực tiếp làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy chiến dịch, Chính ủy Sư đoàn 308 tham gia suốt chiến dịch.

Hòa bình lập lại, tháng 7/1954 đồng chí làm Phó Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Pháp - Việt.

Tháng 5/1955 đến tháng 8/1978, đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo công tác Tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), đồng chí Lê Quang Đạo được bầu là Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng. Ủy viên quân ủy Trung ương, năm 1961, đồng chí kiêm nhiệm chức Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí vẫn là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên quân ủy Trung ương, đồng thời trực tiếp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặt trận đường 9 - Khe Sanh từ tháng 12/1967 đến tháng 10/1968, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh. Trong thời gian gần một năm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt làm thiệt hại nhiều đơn vị địch, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công chiến lược tết Mậu Thân 1968.

Từ tháng 11/1968 đến tháng 4/1969, đồng chí là Chính ủy Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh 500, đã thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết ách tắc giao thông đoạn Nam Quân khu 4 (Nghệ An - Hà Tĩnh) do địch đánh phá ác liệt, bảo đảm tiếp tục chi viện lớn cho chiến trường miền Nam.

Từ  tháng 01 đến tháng 3/1973, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch Mặt trận đường 9 Nam Lào. Chiến dịch này đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân Ngụy, hòng cắt đứt đường vận chuyển chiến lược phía Tây Trường Sơn của ta. Ta đã tiêu diệt nhiều trung đoàn, lữ đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn hai vạn tên, bắt sống 1.200 tù binh, trong đó có đại tá Nguyễn Văn Thọ. Bước đầu đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Từ tháng 3 đến tháng 10/1972, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9 - Quảng Trị. Chiến dịch này đã tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đến ngày 01/5/1972, đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, cùng với các chiến trường khác, Mặt trận đường 9 - Quảng Trị đã tạo thuận lợi cho Mặt trận ngoại giao buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ngày 27/01/1973, phải ký hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Hội nghị Trung ương lần thứ 20 (khóa III) họp tháng 3/1972 đã quyết định đồng chí Lê Quang Đạo là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 7/1973, khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đồng chí Lê Quang Đạo đã có bài phát biểu quan trọng, thẳng thắn nêu những nhận định đúng và chưa đúng trong chỉ đạo chiến tranh chống thực dân Pháp và đánh Mỹ. Năm 1974, đồng chí Lê Quang Đạo được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1974 - 1975, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian này, đồng chí đã tham dự, đóng góp nhiều ý kiến trong các cuộc họp Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị mở rộng bàn về kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đồng chí Lê Quang Đạo, luôn có mặt ở Tổng hành dinh, tham gia chỉ đạo từ trận mở màn Buôn Mê Thuột đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 30/4/1975.    

Tại Đại hội đại bểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12/1976, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Bí thư Trung ương Đảng.

Để có được những chiến công ấy, cùng với nỗ lực phấn đấu của bản thân, những tố chất chính trị bẩm sinh còn có một bài học lớn, bài học đầu tiên mà đồng chí Lê Quang Đạo được Bác Hồ dạy từ tháng 9/1950 khi tham gia chiến dịch Biên giới đó là: Công tác của một cán bộ chính trị trong quân đội không những phải làm tốt việc giáo dục chính trị tư tưởng, hiểu rõ nhiệm vụ, yêu cầu tác chiến, nâng cao quyết tâm đánh giặc, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết của cán bộ chiến sỹ mà còn phải quan tâm đến mọi sinh hoạt của bộ đội. Trong suốt quá trình tham gia lãnh đạo quân đội, đồng chí luôn quan tâm đến mọi hoạt động của anh em cán bộ chiến sỹ, gần gũi, động viên mọi người nêu cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. 

Năm 1978, khi rời khỏi quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo vẫn là Bí thư Trung ương Đảng và trực tiếp làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Nội.

Với 28 năm (1950 - 1978) hoạt động trong quân đội, đồng chí Trung tướng Lê Quang Đạo được phân công làm công tác Đảng, công tác chính trị, Cục trưởng Cục Tuyên huấn đầu tiên của ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam; là người lãnh đạo thường xuyên có mặt ở những mặt trận nóng bỏng, trực tiếp chỉ huy nhiều mặt trận, chiến dịch lớn (chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ, Khe Sanh, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào), đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Cùng với những chiến công đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần to lớn xây dựng Quân đội nhân dân, Việt Nam vững vàng, kiên định về tư tưởng, chính trị, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, yếu tố cơ bản làm nên sức mạnh của quân đội cách mạng. Về tầm quan trọng của công tác chính trị trong quân đội đồng chí khẳng định: “Sức mạnh chiến đấu của các lực lượng ta là sức mạnh tổng hợp của các mặt chính trị và quân sự, tư tưởng và tổ chức, con người và vũ khí, chiến thuật và kỹ thuật. Nhưng sức mạnh đó chỉ có thể phát huy cao độ trên cơ sở giác ngộ chính trị cao của cán bộ và chiến sỹ”. Đồng chí nêu rõ: “Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo của Đảng và chế độ chỉ huy trong quân đội; làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao ý thức chiến đấu của bộ đội ta; quán triệt quan điểm của Đảng trong việc thực hiện hiện đại hóa quân đội, ra sức nâng cao tinh thần làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại cho cán bộ và chiến sỹ; quán triệt đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội ta trong huấn luyện và tác chiến hiệp đồng binh chủng; nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân của Đảng, đưa trình độ chính quy của quân đội ta lên một bước mới”. (Lê Quang Đạo - tuyển tập, NXB Chính trị Quốc gia - H2009 - T115, 205 - 239).

Những quan điểm đó phản ánh mối quan hệ giữa tính cách mạng triệt để và nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng tiến lên chính quy hiện đại trên nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng. Đồng chí Lê Quang Đạo thật xứng đáng là một danh tướng tài ba, người anh cả ngành Tuyên huấn Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, tháng 3/1981, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương phụ trách công tác dân vận. Đồng chí tham gia xây dựng Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, đồng chí quan tâm đến các ngành khoa học, coi khoa học kỹ thuật là then chốt, nên có cơ chế chính sách trong khoa học công nghệ. Đồng chí đề xuất phải đổi mới, dân chủ trong lĩnh vực khoa học, cần coi trọng bồi dưỡng sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức trẻ.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ban Khoa giáo Trung ương đứng đầu là đồng chí Lê Quang Đạo đã mời các nhà khoa học, các trí thức có tâm huyết đến cơ quan Khoa giáo Trung ương chân tình nói rõ theo yêu cầu của tổ chức, mọi người cần thực sự tự do tư tưởng góp phần giải quyết khó khăn cho đất nước, mạnh dạn thẳng thắn phát biểu ý kiến về tình hình khó khăn của cuộc sống, những nhược điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp và đưa ra những phương sách để đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Ở đây, lần đầu tiên đề cập các vấn đề đổi mới tư duy lý luận, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử dụng nhân tài nhất là đội ngũ trí thức… Đồng chí cùng Ban Khoa giáo Trung ương tổng hợp ý kiến, báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề của báo cáo đã được thể hiện trong Báo cáo Chính trị đổi mới toàn diện đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986 đã thông qua.

Sau đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã nhiều lần trực tiếp trình bày hoặc viết thư góp ý kiến với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị về đổi mới kinh tế, thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế nhiều thành phần, củng cố phát triển vững chắc kinh tế nhà nước, tích cực góp sức đẩy mạnh sản xuất.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986 đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1987 tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng, của Nhân dân trong giai đoạn mới. Trong việc xây dựng pháp luật (Quốc hội khóa VIII và Hội đồng Nhà nước đã thông qua 20 Luật và 30 Pháp lệnh), đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội bàn, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đồng chí cũng rất chú trọng đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới, phát huy trí tuệ của các đại biểu tạo được không khí cởi mở, đoàn kết trong Quốc hội.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ III (tháng 11/1988) đã bầu đồng chí vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến đầu năm 1993 đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội chuyên trách, về công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1993, đồng chí đã cùng cán bộ, đảng đoàn Mặt trận tham mưu cho Đảng ra Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị “Về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới” nêu bật quan điểm “Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, vừa là thành viên của Mặt trận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc thực chất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế thừa sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức mặt trận trước đây, tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước theo Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo bước ngoặt cho sự tăng cường đại đoàn kết dân tộc và công tác mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước, tập hợp thêm lực lượng mới, đặc biệt là hàng triệu gia đình trước đây làm việc dưới chế độ Mỹ, Ngụy và trên 2 triệu kiều bào sinh sống và làm ăn ở nước ngoài; Nghị quyết cũng mang tính định hướng cho luật quốc tịch, luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này.

Năm 1993 đến đầu năm 1994 cùng với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã dành nhiều tâm huyết trí tuệ và thời gian vào việc xây dựng Luật Mặt trận và đã được Quốc hội thông qua vào tháng 5/1994. Tháng 8/1994, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực nghiên cứu và ra Thông tri ngày 03/5/1995 “Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Công tác Mặt trận ngày càng hướng về cơ sở xã, phường, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân chủ, tự quản, tinh thần chủ động tích cực của Nhân dân trong việc xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Cuối tháng 6/1999, đã tổ chức hội nghị toàn quốc, biểu dương các khu dân cư hưởng ứng và tích cực thi đua phấn đấu trở thành “Khu dân cư văn hóa” với những nội dung cụ thể, thiết thực. 

Đồng chí Lê Quang Đạo đã dốc hết tâm trí, sức lực, thời gian chuẩn bị tốt cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V, năm 1999. Ngay trong thời gian lâm bệnh nằm điều trị ở bệnh viện đồng chí vẫn suy nghĩ tiếp tục đóng góp ý kiến về nội dung dự thảo báo cáo, về nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận mới, về công tác tổ chức Đại hội sao cho Đại hội V của Mặt trận Tổ quốc đạt kết quả cao nhất. Nhưng trái tim của đồng chí đã ngừng đập lúc 14 giờ, 25 phút, ngày 24/7/1999 trước khi Đại hội V họp ít ngày. Đây là một tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và lực lượng vũ trang, để lại cho gia đình, quê hương Bắc Ninh và Nhân dân niềm tiếc thương sâu sắc.

Với 79 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo, là một cán bộ chính trị tài năng, đức độ, một tướng lĩnh quân đội của bản lĩnh chính trị vững vàng, ham học hỏi, giàu trí tuệ, trung thực, thẳng thắn, rất mực khiêm tốn, luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến, ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Đồng chí sống giản dị, trong sáng, hòa hợp, đoàn kết với mọi người. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đồng chí Lê Quang Đạo đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và nhiều người cùng công tác đánh giá rất cao về tài năng, đức độ, cống hiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng và quân đội ta”.

… Mấy năm hoạt động bí mật ở Hà Nội, trước Tổng khởi nghĩa và hoạt động địch hậu nội thành hồi đầu kháng chiến chống Pháp đã tạo cho Lê Quang Đạo một tác phong bám đất, bám dân… Ông là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của Quân đội và của Đảng... là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí - dũng - nhân - tín - liêm - trung... Cống hiến của ông đối với quân đội là rất lớn cả về hai mặt xây dựng và chiến đấu...

... Hai mươi năm cuối cuộc đời, với độ chín và bề dày kinh nghiệm, Lê Quang Đạo đã phát huy cao độ tài năng và phẩm chất cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo… đã có công lớn trong công cuộc đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Mặt trận dân tộc thống nhất”.

Với những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và  quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo đã được tặng thưởng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Ítxala hạng Nhất do Nhà nước Lào truy tặng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, tại Hà Nội, ngày 27/7/1999, Đảng ta khẳng định: “Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng nhân ái, vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người. Theo gương Bác Hồ, đồng chí đã làm việc đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta”./. 

                                                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN ĐĂNG LÂM