Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

LỄ HỘI BẮC NINH - HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA KINH BẮC
16:41 | 10/06/2019

 Bắc Ninh được mệnh danh là vương quốc của lễ hội. Theo thống kê của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có 547 lễ hội truyền thống. Hầu như làng xã nào cũng có lễ hội. Các lễ hội diễn ra suốt năm, nhưng đa số được mở vào mùa xuân. Hầu hết là hội làng, nhưng cũng có lễ hội lớn do hàng xã hoặc hàng tổng tổ chức - như hội Dâu (Thuận Thành), hội Đền Than (Cao Đức - Gia Bình), hội Lim (Tiên Du), hội “Tứ thôn giao kiệt” (Yên Phong)…

Loại hình và tính chất lễ hội của Bắc Ninh khá đa dạng. Đa số là những lễ hội lịch sử nhằm kỷ niệm, tưởng nhớ các danh nhân lịch sử - văn hóa của quê hương đã làm rạng rỡ lịch sử và truyền thống văn hiến Kinh Bắc - Bắc Ninh, tiêu biểu như Kinh Dương Vương, Cao Lỗ Vương, các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng như: Đào Nương, Ả Tắc, Ả Dị, Diệu Tiên, Pháp Hải, Thánh Tam Giang. Đức vua Lý Thái Tổ và các vua Lý, các Danh nhân: Lê Văn Thịnh, Huyền Quang, Hàn Thuyên, Nguyễn Đăng Đạo, các vị Tổ sư nghề đúc đồng Nguyễn Công Nghệ, Nguyễn Công Truyền…Các danh nhân lịch sử văn hóa của quê hương đã được các làng xã tôn thờ làm thần hoàng và hàng năm mở lễ hội kỷ niệm ngày sinh (hoặc ngày hóa) để tỏ lòng nhớ ơn công lao của các danh nhân đối với đất nước, quê hương. Nhiều hội đền, hội chùa đậm nét tín ngưỡng, tôn giáo như hội Dâu, hội đền Phả Lại, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Hàm Long, hội làng Đồng Kỵ, hội chùa Phật Tích… Nhưng cũng không ít lễ hội mang đậm yếu tố văn hóa dân gian như hội làng Yên Vỹ, làng Đông Tiến (Yên Phong), hội Chen làng Nga Hoàng (Quế Võ), nhất là các hội ở các làng Quan họ.
Các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng và diễn xướng văn hóa dân gian trong các lễ hội ở Bắc Ninh thật sự phong phú và đặc sắc.
Hầu như ở lễ hội nào cũng có các cuộc tế lễ trang nghiêm, rước sách rất linh đình và sôi động, thu hút hàng nghìn người tham gia, tiêu biểu như lễ rước trong hội đền Kinh Dương Vương (Á Lữ - Thuận Thành), lễ rước Phật “Tứ Pháp” trong hội Dâu, các cuộc tế lễ, rước kiệu tám vua Lý trong hội Đền Đô, lễ rước của 10 làng trong hội “Thập Đình” ở Bảo Tháp (Gia Bình), lễ rước của các làng thuộc tổng Nội Duệ trong hội Lim (Tiên Du), lễ rước của 7 làng cùng thờ Cao Lỗ Vương trong hội Đền Than (Cao Đức - Gia Bình)… Các lễ rước là sự tái hiện lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh với không khí hùng tráng, náo nhiệt đầy lòng tự hào và thành kính của nhân dân các làng xã.
Cùng với các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, nhiều trò vui, diễn xướng dân gian được tổ chức. Mỗi lễ hội có những đặc sắc riêng, làm nên sự hấp dẫn riêng của lễ hội Bắc Ninh. Hội Dâu có trình diễn Phật “Tứ Pháp” thi cướp nước, múa gậy “hồng côn”; Hội đền Phả Lại có lễ rước nước, các trò vui như múa rối nước, thi bơi thuyền, đốt cây bông, bắt vịt; Hội làng Đồng Kỵ có lễ rước và thi pháo, trò “dô ông đám”, bắt trạch trong chum… Lễ hội Đền Đô thật trang nghiêm với lễ rước và tế các vua Lý, sôi động các trò vui đấu vật, đốt cây bông, thi nấu cơm, diễn tuồng… Hội Đền Than (Cao Đức) nổi tiếng có đấu vật, thi bơi chải trên sông Lục Đầu; Hội làng Yên Vỹ có thi kéo dây lấy lửa. Hội làng Đông Tiến (Yên Phong) có lễ rước lúa, lễ hạ điền. Đặc sắc là Hội Chen làng Nga Hoàng (Quế Võ), Hội khán hoa chùa Phật Tích với việc diễn tích chèo cổ Chàng Từ Thức gặp Tiên Giáng Hương…
Sôi động và hấp dẫn là lễ hội các làng Quan họ với nhiều diễn xướng, trò vui dân gian độc đáo như kéo co trong lễ hội Hữu Chấp, thi bày cỗ “ba tầng” trong lễ hội làng Đào Xá, diễn trò “nam nữ lao đòn đám” trong lễ hội của hai làng Hòa Đình - Đống Cao, lễ rước nước, thi cướp cầu trong lễ hội làng Diềm. Phong phú nhất là lễ hội Lim với các cuộc thi cỗ, thi dệt vải, thi đấu cờ người, đấu vật, đánh tổ tôm điếm, đu tiên…
Đặc biệt thu hút là sinh hoạt văn hóa Quan họ trong lễ hội Lim. Đây là thời khắc người Quan họ Bắc Ninh thể hiện sự chân tình, lịch lãm trong đón bạn, tiếp khách, mà tâm điểm là trình diễn điêu luyện và đặc sắc nghệ thuật ca hát Quan họ, qua đó thể hiện quan niệm nhân sinh đạo “Tứ hải giao tình” “Bốn biển một nhà’ “Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”. Chính với những giá trị nhân văn sâu sắc đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sinh hoạt văn hóa Quan họ là nét đặc sắc nhất trong các lễ hội ở Bắc Ninh, tiêu biểu là hội Lim, hội làng Diềm - một làng Quan họ gốc, nơi duy nhất có đền thờ Vua Bà - Thủy tổ Quan họ vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, Lễ hội Bắc Ninh đã được bảo tồn và phát triển. Những giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống được phát huy. Hội đền Kinh Dương Vương, lễ hội Lim, hội Dâu, hội Diềm được mở rộng quy mô thành lễ hội cấp tỉnh và cấp huyện. Nhiều lễ hội mới như hội thi hát Quan họ đầu xuân, hội Báo xuân, hội thi Sinh vật cảnh, hội chợ Thương mại - Du lịch, các chương trình Festival nghệ thuật Bắc Ninh, Về miền Quan họ… được định kỳ tổ chức, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước tham dự. Sự hấp dẫn là bởi dù là lễ hội truyền thống hay lễ hội mới đều mang bản sắc quê hương và là sự hội tụ tinh hoa nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Lễ hội Bắc Ninh đang trở thành nguồn lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời là điểm hẹn của du khách mỗi khi về thăm vùng quê Quan họ./.
                                                                                                                                                                        TRẦN ĐÌNH LUYỆN