Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

LĂNG MỘ THÁI SƯ LÊ VĂN THỊNH
10:40 | 06/08/2021

Trong hành trình làm ký sự truyền hình: “Ký ức bên dòng sông Đuống” cùng với nhà báo Quang Thuận kiêm đạo diễn nổi tiếng của truyền hình Bắc Ninh, chúng tôi đã đến thăm mộ phần Thái sư Lê Văn Thịnh tại xóm Nghè, thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ở đây nhân dân địa phương đã dựng tấm bia với tiêu đề: “Mộ tổ nền khoa bảng Việt Nam”.

Nhân dân địa phương cho biết: Nơi có mộ phần, nay là khu lăng mộ của vị Thái sư Lê Văn Thịnh, vốn là những đầm hồ (thùng đấu) do lấy đất đắp đê sông Thiên Đức (Sông Đuống nay) mà hình thành lên cả vùng đầm hồ nối liền nhau, rồi qua bao đời được dân trồng sen, thả cá. 

Truyền kể: Xưa kia, ở nơi đây vốn có chợ  Điềng (Chợ này xưa thuộc xóm sông, từ lâu rồi đã không còn), khi ấy chợ đang đông, kẻ mua người bán tấp nập, người ta thấy xuất hiện một ông già dáng cao gầy, thân hình tiều tụy đến chợ. Khoảng quá chiều, dân làng thấy ông già nằm chết trên bờ đầm sen cách chợ một quãng xa. Khi ấy vào dịp cuối mùa vụ thu hái sen, những cọng lá sen già nua gẫy gục xuống nước nhìn cảnh tượng càng thêm tiêu điều tàn lụi. Người chết không có tài sản, chỉ duy nhất đeo bên thân một ống quyển, để tránh sự ghê rợn nhìn thi thể người chết thảm không thân nhân nơi vệ đường, dân địa phương lấy cái thuyền nan cũ của chủ đầm sen úp lên thi thể ông lão, rồi báo quan trên. Hôm sau quan về kiểm tra, dân làng đưa ra xem xét thực hư, nhưng đến nơi mối đã đùn đất đắp kín cả thuyền cùng xác chết, họ đều ngạc nhiên, kinh sợ cho đây là điềm lạ và phải chăng được đất mà thiên táng. Ông quan đọc mấy tờ giấy trong ống quyển, giật mình biết người chết chính là Thái sư Lê Văn Thịnh, liền lệnh cho dân địa phương không di chuyển mộ ra chỗ khác mà để nguyên hiện trạng, cho đắp thêm đất to lên, quanh năm hương khói và phụng thờ trong đình làng Đình Tổ. Nhiều triều đại Vua sau này, đều có sắc phong cho làng Đình Tổ thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là Thành hoàng...

Tìm hiểu kỹ thêm và thông qua những ghi chép trong sự tích được lưu giữ và đặt trang trọng trong miếu thờ - Khu lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh, chúng tôi được biết thêm: Ngôi miếu thờ (lăng mộ) Thái sư Lê Văn Thịnh trước đây, qua rất nhiều năm chẳng ai thăm viếng hương khói, lại gặp thời buổi đói kém, loạn lạc, chiến tranh kéo dài và tiếp đến thời kỳ bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ tàn dư thời đế quốc, phong kiến trải mấy chục năm dài… Sau cơn khủng khoảng kinh tế - xã hội đó, người ta như hồi tỉnh lại, mới nghĩ tới âm phần, tâm linh của người xưa và nhất là từ khi quyền tự do tín ngưỡng của người dân được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật... Mộ của vị Thái sư và việc hương khói tâm linh cũng dần được người đời để tâm đến. 

Sau 3 lần tôn tạo, nhờ sự vận động tài trợ của một số doanh nhân có lòng hảo tâm công đức và Hội Khuyến học, Hội Sử học tỉnh Bắc Ninh cùng với sự đóng góp công sức của nhân dân xóm Nghè, thôn Đình Tổ. Ban kiến thiết thôn tổ chức đổ đất tạo khuôn viên rộng khoảng gần 100m2 ở giữa đầm sen, xây một cây cầu vồng rộng 1.2m, dài 15m có hai hàng lan can hai bên, nối phía bờ đường làng qua đầm sen vào sân lăng mộ, tu tạo lại gian miếu thờ trong khuôn viên khu lăng mộ đã được mở rộng thành 10m2 với lối kiến trúc truyền thống, hai tầng tám mái chồng diêm mái cong, mặt tiền viết hàng chứ Hán, dịch là: Lăng mộ Thái Sư Lê Văn Thịnh. Hai bên khắc đôi câu đối: Thi thể siêu trần an bổn táng/ Mộ phần định vị đắc địa linh. Trong miếu có ban thờ, trên đặt một bát hương to, sát tường dựng tấm bia (0,80 x 1,4m) đặt trên lưng rùa, nội dung ghi tóm tắt sự tích ngài Thái sư. Chỉ tiếc bia và rùa đều đắp bằng vữa xi măng sơn giả đá, nhìn tổng thể linh vật trông không mấy thần thái, kém thẩm mỹ. Trán bia tạo hoa văn rồng mây, viết bảy chữ Hán, dịch là: “Mộ tổ nền khoa bảng Việt Nam”, nội dung trong tấm bia viết bằng chữ quốc ngữ:

 “Lê Văn Thịnh  (1050 - 1096), (có tài liệu ghi ông sinh 1038) tại làng Đông Cứu, nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền, cha mẹ ông là người nhân từ, thường hay giúp đỡ những ai khó khăn, hoạn nạn. Cha ông vừa dạy học vừa bốc thuốc. Ngày nhỏ ông được cha mẹ chăm lo dậy dỗ, học hành chu đáo. Lê Văn Thịnh nổi tiếng thông minh, chăm chỉ và thần đồng trong việc học. Ông học đâu nhớ đấy, chong đèn học thâu đêm, nhiều khi thấy con thức quá khuya, mẹ ông thường phải nhắc nhở, bắt con tắt đèn đi ngủ, khi ấy ông mới chịu nghe mẹ rời sách vở. Năm ông 18 tuổi, cả cha lẫn mẹ đều qua đời. Lê Văn Thịnh dời đến sống ở trang Chi Nhị (nay là thôn Chi Nhị, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và mở lớp dạy học ở đấy. Tháng 2 năm Ất Mão (1075) vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi “Minh kinh bác học” Lê Văn Thịnh ứng thí và đỗ đầu. Ban đầu ông được vời vào cung hầu vua học, sau được thăng chức nội cấp sự, rồi thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076)…”

Sử sách cũng còn ghi: Tháng 6 năm Giáp Tý (1084) ông thay mặt nhà nước phong kiến Đại Việt được cử đến trại Vĩnh Bình (Thuộc Cao Bằng ngày nay) để thương thuyết về cương giới với chánh sử nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã phân giải, tranh biện mọi lẽ, nhà Tống hết đường chối cãi, tâm phục khẩu phục, buộc phải trả cho Đại Việt 6 huyện và 3 động thuộc châu Quảng Uyên là phần đất phía Bắc tỉnh Cao Bằng nay, mà nhà Tống (Trung Hoa) đã cố tình lấn chiếm đoạt vùng đất này. Xét thấy ông có công lớn mang về cho quốc gia, dân tộc vùng lãnh thổ bị mất vào tay quân xâm lược mà không tốn xương máu, lại không gây sự bất hòa giữa hai quốc gia. Vua Lý Nhân Tông cất ông lên làm Thái sư vào năm Ất Sửu (1085). Lê Văn Thịnh đã giữ chức Thái sư của triều đại nhà Lý trong suốt 10 năm. Cho đến năm 1096, xảy ra vụ án “Hồ Dâm Đàm”, phải chăng do sự mâu thuẫn phe cánh trong triều đình nhà Lý. Ông bị hàm oan vì cánh quan võ đứng đầu là Mục Thận vu cho ông có mưu đồ giết Vua, cướp ngôi… Câu chuyện ngày ấy, được kể rằng: “Vua cùng một số quan cận thần ngự thuyền rồng ngoạn cảnh hồ Dâm Đàm (Hồ Tây bây giờ) trong khi mặt hồ bao la sương khói mờ ảo, người ta thấy con hổ xuất hiện gần thuyền Vua, cánh võ quan cho quăng lưới vào thuyền nghi có hổ, kéo thuyền vào chẳng thấy hổ đâu, chỉ thấy Thái sư Lê Văn Thịnh. Họ cho ông có phép thuật tàng hình giả hổ dọa Vua. Ông liền bị bắt giam, nghị án khép vào tội chết. Vì từng có công lớn với triều đình và đất nước, lại là người dạy Vua nên Thái sư Lê Văn Thịnh đã thoát án tử, bị đày đến nơi rừng núi Thao Giang (Thuộc Tam Nông, Phú Thọ ngày nay)”.

Ông qua đời bao giờ, cũng không tài liệu nào ghi chép cụ thể, người ta lấy năm ông bị đi đày coi như năm ấy (1096) là năm ông mất. Tại sao ông lại mất ở bờ đầm sen gần chợ Điềng, xóm Nghè, thôn Đình Tổ, cách Đông Cứu quê ông gần 20 cây số. Nhiều đồn đoán cho rằng: Có thể ông được tha tù từ trại Thao Giang, trên đường về quê đi bằng đường sông, thời đó việc giao lưu đi lại giữa các vùng miền bằng đường sông làm chủ đạo, chắc chủ đò dọc thấy ông ốm yếu không đủ sức đi tiếp liền đưa ông lên bờ, tránh người chết trong thuyền sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc cho việc làm ăn trên sông nước. Hoặc ông muốn lên bờ tại đất này hy vọng nương nhờ một người thân quen nào đó chăng? Cái chết của ông còn nhiều uẩn khúc nghi vấn mà đến nay lịch sử chưa thể làm sáng tỏ được...

Thiết nghĩ: Với bao công trạng to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc và là một vị Thái sư của một triều đại vang danh một thời. Đáng ra, nơi ông yên nghỉ phải được xây cất khang trang, với đền đài, tượng đồng, bia đá hoành tráng linh thiêng, xứng tầm để muôn đời ghi nhớ và lưu danh. Nhưng nơi cuối cùng ông yên nghỉ, lại chỉ lớn hơn một chút so với những ngôi mộ của thường dân. Mãi tới năm 2017, lăng mộ của ông mới được tu tạo như hiện tại. Quả thực xót xa cho một bậc vĩ nhân, thiên tài của một đất nước ngàn năm văn hiến - Người con ưu tú của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc!

                                                                                                                                                                                                                     NHO THUẬN