Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

LÀNG CỔ DƯƠNG LÔI QUÊ MẸ ĐỨC VUA LÝ CÔNG UẨN
10:57 | 25/01/2021

Làng Dương Lôi nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nằm giữa hai quốc lộ 1A và 1B, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 20 cây số về phía Đông Bắc. Đây là một làng Việt cổ có rất sớm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vùng quê này đất đai màu mỡ, phì nhiêu, dân cư đông đúc, có nhiều thuận lợi cho việc sản xuất, cấy trồng, làm thêm nghề phụ, buôn bán và phát triển về sinh hoạt văn hóa xã hội. Đặc biệt làng Dương Lôi có một vị thế quan trọng gắn bó mật thiết với lịch sử Vương triều Lý, nhất là sự ra đời và tuổi thơ của vua Lý Thái Tổ Công Uẩn. Trải qua hơn một nghìn năm thiên biến, nơi đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện lịch sử lúc sinh Vua đậm màu huyền thoại...

Ngày ấy, làng Diên Uẩn (tên cũ làng Dương Lôi bây giờ) mới có hai xóm nhỏ Tiến Tài, Tiến Lộc và người ở vẫn còn thưa thớt vắng vẻ. Giáp phía Đông Bắc làng là con đường "cái quan" chạy từ phủ Từ Sơn (huyện Đông Ngàn) vào chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự). Ở cái quán nhỏ đầu làng cạnh đường, có một cô thôn nữ trẻ, xinh đẹp bán nước chè xanh và quà bánh vặt. Cô đang mang thai, đi lại nặng nhọc, nước da mai mái, nét mặt hiền từ đôn hậu lúc nào cũng tươi cười cởi mở với mọi người. Nhưng nếu ai tinh ý, sẽ nhận ra trong đôi mắt đen huyền sâu thẳm ấy ẩn chứa một nỗi niềm suy tư lo lắng...
Cô thôn nữ ấy tên Thị Ngà - là con ông bà họ Phạm ở trong làng, từ nhỏ đã nức tiếng nết na xinh đẹp lại hay lam hay làm. Nhà nghèo, mẹ cha già yếu, cô gái phải đi làm thuê, làm mướn cho các nhà giàu có chức sắc ở trong vùng. Sau khi cha mẹ lâm bệnh qua đời, do sự quen biết từ trước, thiền sư Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu Sơn (Thiên Tâm tự) đã nhận cô Ngà vào "làm Thủ hộ trông nom, quét dọn, tưới rau trong chùa"...
Thời gian chưa được bao lâu, đùng một cái bỗng có tin động trời: Cô Thủ hộ ở chùa Tiêu Sơn tự nhiên "không chồng mà chửa"! Dân làng sửng sốt, bàn tán xôn xao. Cô Ngà thì hổ thẹn, tủi cực, chẳng biết phân bua thế nào. Cô đau buồn "cầm lòng ra khỏi mái Tam quan" đành trở về cái quán nhỏ bên đường "cái  quan" lại bán nước chè xanh và quà bánh vặt để kiểm sống nuôi thân và chờ ngày sinh nở...
 Rồi một đêm mưa gió, ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), tại xóm Đường Sau trong túp nhà tranh nhỏ bé bỗng có ánh hào quang sáng rực và tiếng trẻ khóc oa oa át cả tiếng sấm chớp gió mưa. Ba bà hàng xóm vội vã chạy sang, mỗi người một tay cắt rốn, tắm rửa, lấy tã ủ ấm cho cháu bé... Họ mừng rỡ reo lên "con trai" và bế đứa bé lên cái chõng tre cô Ngà nằm. Cô gái khốn khổ mừng rơi nước mắt, đón con ôm chặt vào lòng. Mấy bà hàng xóm vui vẻ giục cô Ngà đặt tên cho con. Cô gái nghẹn ngào xúc động nói trong nước mắt: "Làng ta là làng Diên Uẩn, thôi cứ gọi tên cháu là cu Uẩn cho dễ nhớ các bà ạ!"
Thấm thoắt cậu bé Uẩn đã lên 3 tuổi, năm Đinh Dậu (977) được sư Lý Vạn Hạnh "mách mối", cô gái họ Phạm đưa con sang chùa Cổ Pháp ở làng Nuốn (nay là làng Đại Đình) cho nhà sư chùa này là Lý Khánh Văn làm con nuôi để được ăn mày cửa Phật và theo học võ công, thư pháp... Từ đấy cậu bé được mang tên đây đủ: Lý Công Uẩn. Rồi 27 năm sau, cậu bé được sinh ra ở căn nhà nhỏ xóm Đường, sau làng Diên Uẩn Dương Lôi ngày nay chính là đức Vua Lý Thái Tổ Công Uẩn - Vị vua khởi nghiệp Vương triều Lý, khai sáng nền văn minh Đại Việt và tạo dựng nên kinh thành Thăng Long thủ đô Hà Nội ngày nay.
  Đến cuối triều Lê thì làng Diên Uẩn được đổi tên là Dương Lôi. Cái tên Dương Lôi gắn liền với bối cảnh lịch sử nước ta hồi đó: Năm Bính Ngọ (1006) triều đình nhà Lê ngày một suy đồi, Lê Long Đĩnh giết anh ruột là Lê Long Việt cướp ngôi vua và làm nhiều điều hủ bại tàn ác. Quần thần trong triều bất bình căm tức, dân chúng khắp nơi cực khổ oán hờn. Cùng thời gian này, ở châu Cổ Pháp xứ Đông Ngàn liên tiếp xuất hiện những bài sấm, bài khuyến, bài kệ và thơ phú hò vè nội dung đều ám chỉ "nhà Lê đã suy tàn, nha Lý sẽ lên thay". Tương  truyền rằng: Hồi đó ở hương Diên Uẩn (làng Dương Lôi) xảy ra một hiện tượng kỳ lạ. Giữa ban ngày, trời không mưa không gió, bỗng có một tiếng sét lớn đánh vào cây Gạo cạnh chùa Minh Châu (Cha Lư) tung ra một mảnh vải điều có bài "sấm ngữ", dịch nghĩa như sau:
        Gốc cây thăm thẳm 
        Ngọn cây xanh xanh 
        Cây hòa đao rụng 
        Mười tám hạt thành 
        Cây đâm xuống đất 
        Cành khác lại sinh
        Đông mặt trời mọc 
        Tây sao náu hình 
        Khoảng sáu bảy năm 
        Thiên hạ thái bình.
 Bài "sấm ngữ" trên như "điềm trời" báo trước sự ra đời của nhà Lý. Quả nhiên, năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn chính thức lên ngôi Hoàng đế trị vì thiên hạ. Sau sự kiện này, tên làng Dương Lôi ra đời. Lôi cũng là Sấm nên dân chúng quanh vùng thường gọi nôm na là làng Đình Sấm hay kẻ Đình. 
 Làng Dương Lôi ngày nay là một thôn lớn gồm 5 xóm: Tiến Tài, Tiến Lộc, xóm Đường Sau (Đình), xóm Lẻ (Trung Hòa) và xóm Mới (Cổng Chùa) với 30 dòng họ hơn 800 hộ và gần 4000 nhân khẩu. Những năm gần đây, mật độ dân số tăng, để phù hợp với địa dư và điều kiện thực tế, xóm Trung Hòa đã được trên quyết định lập đơn vị hành chính thành một thôn riêng. Nhưng về mặt tình cảm huyết thống cội nguồn và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh vẫn là anh em con cháu một nhà, mỗi khi lễ hội, việc làng lại chụm lại ghé vai cùng nhau gánh vác.
Làng Dương Lôi hiện có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đậm đặc gồm: Đình, đền, chùa, văn chỉ, nghè, miếu, lăng mộ, sông Tiêu Tương... Rất đáng tiếc trong kháng chiến đã bị phá đi chỉ còn lại một số tư liệu lịch sử. Nhưng hiện tại với những tên làng, tên đất, tên sông, xóm ngõ, cánh đồng vẫn như nhắc nhở người dân Dương Lôi nhớ về mảnh đất quê hương nguồn cội khai hoa một Vương triều vẻ vang cường thịnh. Nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật như: 8 chiếc ngai vua, 8 bài vị cổ, 9 đạo sắc phong, chuông đồng, bia đá, hoành phi, câu đối và các tập sách tạp văn chữ Hán cổ... Đây là những sử liệu vô cùng quý giá để lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Làng Dương Lôi nổi tiếng có một ngôi đình to đẹp. Đình được xây dựng vào thời Lê năm Bính Dần (1626), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6. Đình thờ mẹ sinh Vua Lý Thái Tổ Công Uẩn: "Tuyên Bảo Thái hậu đương cảnh Thành hoàng"... và "Bát vị Tiên Hoàng đế Lý triều" (Tám vị Vua nhà Lý). Ngôi đình dựng trên một dải đất đẹp, cao ráo ở phía Đông Nam làng. Bên phải là dòng Tiêu Tương nước trong vắt bắt nguồn từ Loa Hồ (Đền Đầm) chảy vòng vèo ra sông Thiên Đức (sông Đuống). Phía Bắc là ngọn núi Tiêu Sơn sừng sững tượng Thiền Ông hoài vọng về đền Lý triều Thánh Mẫu. Phía Đông Bắc đình là dãy núi "Đại Sơn long đầu khởi" chạy dài xa xa tới tận chùa Phật Tích trầm mặc uy nghiêm. 
Vào đình làng Dương Lôi phải qua một tòa ngũ môn quan (5 cửa 3 tầng). Đây là một dãy tòa cổng lớn có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao rất hiếm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng cao hơn 10 mét, 3 tầng cửa vòm, mái ngõa ngói ống, đồng trụ đèn lồng, lưỡng long chầu nguyệt. Đường nét hoa văn chữ Hán cải đắp tinh xảo, các con giống, viền mái đầu trụ, dao cuốn... đạt trình độ điêu luyện khiến du khách tham quan ai cũng phải sửng sốt khâm phục. 
Chếch sau đình là chùa Cha Lư (Minh Châu). Căn cứ vào bia chùa Cha Lư (Cha Lư tự bi) dựng ngày mồng 7 tháng 4 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) cho biết: Chùa khởi công vào ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi, đến tháng Giêng năm sau (Giáp Tý) thì hoàn thành và ngày mồng 3 tháng 3 dựng bia ghi nhận công đức. Nhưng dựa vào lời văn trên quả chuông đồng "Cha Lư tự chung" (chuông chùa Cha Lư) đúc ngày 13 tháng 3 năm Mậu Tý đời vua Minh Mệnh (1828) do cử nhân Trần Lai Phủ soạn, có ghi: "... Dương Lôi là ấp thanh mộc của Thánh Mẫu Lý triều, xa xưa đã có chùa Cha Lư và chùa Càn Nguyên, cả hai chùa đều có bia. Vào năm Bính Ngọ triều Lý đều bị thất lạc"... Như vậy, nếu tính trong 216 năm Vương triều Lý trị vì thì có 3 năm Bính Ngọ (1066, 1126, 1186). Nếu theo như văn chuông đã ghi bia của chùa bị mất một trong 3 năm trên thì năm gần nhất cũng đã cách đây khoảng 800 năm đến 900 năm. Bởi vậy các nhà nghiên cứu sử học đã kết luận: Chùa Cha Lư làng Dương Lôi đã có rất lâu đời và đến thời Lê thì được trùng tu lại. 
Ngoài ra, làng Dương Lôi còn có Đền thờ Lý triều Thánh Mẫu (Đền Miễu) ở ngoài cánh đồng Miễu trong khu "sơn lăng cấm địa". Từ xa xưa dân làng đã lấy ngày sinh của vua Lý Thái Tổ Công Uẩn (12 tháng 2 âm lịch) là ngày hội làng. Ngày xưa, lễ hội làng Dương Lôi tổ chức rất to và kéo dài hàng tuần. Đặc biệt nghi thức tế lễ ở trong đình rấ̉t uy nghiêm long trọng. Tiếng trống tế và cách đánh trống cũng khác biệt với các làng trong vùng. Còn tục lệ rước thì rất đông và hoành tráng. Đoàn người tập hợp gồm nhiều đội hình, kéo dài hơn nửa cây số suốt từ đình ra đền và từ đền về đình (với ý nghĩa là các vua đón rước mẹ về dự hội rồi tan hội lại đưa mẹ ra đền). 
Dương Lôi cũng là làng có truyền thống thượng võ với lò vật nổi tiếng ở vùng Cổ Pháp, Đông Ngàn. Nổi danh với những đô: Vũ Tài Chỉnh, Nguyễn Như Sửu đã đạt danh hiệu "Kiện tướng Quốc gia"... Do vậy,  những ngày hội làng, xới vật vẫn là nơi sôi động nhất, được nhiều đô có tiếng khắp nơi về tranh giải. Tiếng hò reo nơi bãi vật vừa dứt thì tiếng trống chèo đã rộn rã nổi lên. Vốn là "đất chèo" nên ở làng Dương Lôi hầu như ai cũng biết hát và nhiều người hát hay. Có thời điểm làng có tới 4 đội văn nghệ (2 đội chèo, 1 đội cái lương và 1 đội Quan họ). Các "cụ trùm", liền anh, liền chị, các đào kép ở làng Dương Lôi đã từng đi diễn rất nhiều nơi và giúp đỡ, đào tạo xây dựng phong trào cho nhiều địa phương kết nghĩa. Ngoài ra, trong những ngày hội làng còn có nhiều trò vui như: Cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, hát Quan họ trên đình, dưới thuyền, thi làm bánh, nấu cơm niêu, têm trầu cánh phượng... rất vui nhộn, thu hút người quanh vùng đến xem rất đông. Bởi vậy dân gian mới có câu ca "Kéo hội kẻ Đình" (mở hội to như làng Đình Sấm). 
Bao thế kỷ qua, Dương Lôi đã được đánh giá là một làng quê có truyền thống Văn hiến cách mạng. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,  hơn 300 người con làng Dương Lôi đã lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, 69 liệt sĩ hiến trọn cuộc đời, 46 thương binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường và 3 người mẹ Việt Nam anh hùng đã dâng hiến những đứa con vô cùng yêu thương của mình cho non sông đất nước. 
Trong lao động sản xuất, thời kỳ nào làng Dương Lôi cũng là "điểm sáng điển hình" về phong trào thâm canh tăng năng xuất lúa. Là lá cờ đầu đạt 8 tấn thóc một héc ta của tỉnh Hà Bắc cũ. Với mục tiêu "Đưa chăn nuôi lên thành ngành chính" Dương Lôi cũng là hợp tác xã điển hình của toàn quốc. Được tặng nhiều Huân chương Lao động, Bằng khen, Giấy khen và vinh dự được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm động viên khen ngợi. 
Sau ngày đất nước thống nhất, chuyển sang nền kinh tế thị trường, Dương Lôi cũng là làng quê đi tiên phong, hòa nhịp vào sự đối mới chung của xã hội. Là một làng thuần nông, chỉ quanh năm làm ruộng độc canh cây lúa, nay ruộng đất còn ít đã phát triển nhiều ngành nghề khác để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống cho nông dân. Số người thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Hàng loạt những người con trong làng đã có hàm cấp, học vị, danh hiệu như: Nhà giáo ưu tú, Nghệ nhân bàn tay vàng, Luật sư, Bác sĩ, Kiến trúc sư... và nhiều người đã trở thành người lãnh đạo chủ chốt các cơ quan đoàn thể ở Trung ương và địa phương. 
 Làng cổ Dương Lôi đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Nhà cao tầng san sát mọc lên. Ban đêm vào làng ngỡ như thành phố. Trên cánh đồng làng xưa, bây giờ dày đặc  những khu công nghiệp. Lúa, khoai, rau màu xanh mướt xen kẽ dưới những mái tôn, lò cao nhà máy. Cả làng không còn một mái nhà tranh, không còn người thiếu bữa. Bây giờ chỉ thấy người người đua nhau xây dựng nhà đẹp và mua sắm tiện nghi sinh hoạt cao cấp văn minh...
Về làng Dương Lôi hôm nay, du khách ngỡ ngàng về sự thay đổi nhanh đến chóng mặt. Nhưng có một điều bất ngờ và lý thú hơn nữa là ở làng cổ Dương Lôi có nhiều sự trùng lặp với kinh thành Thăng Long xưa  - thủ đô Hà Nội ngày nay: Làng Dương Lôi có 5 cổng làng - Hà Nội có 5 cửa ô. Làng Dương Lôi có 3 cây cầu đá sang các xóm  - Hà Nội có 3 cây cầu sang Bắc Ninh. Làng Dương Lôi có 36 ngõ bàn cờ - Hà Nội có 36 phố phường. Làng Dương Lôi có chùa Càn Nguyên (Càn Nguyên tự) - Hà Nội có Càn Nguyên điện... Ngoài ra còn con số 8. Con số 8 rất quen thuộc song cũng rất kỳ lạ huyền bí: Làng Dương Lôi thờ Thánh Mẫu và... 8 vị vua nhà Lý thì cũng có 8 nơi thờ cúng, 8 giáp họ làm giỗ 8 vị vua, 8 phường, 8 hội, 8 cây muỗm ở chùa Càn Nguyên, 8 cây nhãn ở sân đình, cây đa 8 cành cạnh đình làng rồi 8 thứ bánh dân làng làm trong những ngày tiết lệ hội làng...
  Hiện nay, làng cổ Dương Lôi đang tập trung sức người sức của tu bổ và tôn tạo giữ gìn cho quần thể (3 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia) cho ngày thêm khang trang sạch đẹp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội. Đặc biệt, vừa qua ngôi Đền Miễu thờ Thánh Mẫu Lý triều Phạm Thị đã được Nhà nước đầu tư 45 tỷ đồng cho dân làng Dương Lôi cùng các cấp địa phương trùng tu xây dựng theo dự án thiết kế của sở VHTT & DL tỉnh Bắc Ninh. Đây là sự quan tâm của Nhà nước, là niềm vui phấn khởi tự hào của người dân quê mẹ đức vua Lý Thái Tổ Công Uẩn.  
Đất nước như một con Rồng lớn đang bay lên. Làng cổ Dương Lôi cũng đang trong đà đổi mới tiến triển nhanh chóng. Quê hương "Thánh Mẫu Lý triều - Dương Lôi phát tích" sẽ mãi mãi là điểm sáng như huyền thoại lung linh, là làng quê văn hóa giàu đẹp tiêu biểu của miền quê Bắc Ninh  - Kinh Bắc!
                                                                                                                                                                                                                    PHÚC TOẢN