1. TƯỚNG QUÂN PHẠM BAN:
Vào đời vua Lý Thái Tông (1028 -1054) ở làng Cổ Lũng, bến Mắt Rồng, quận Vũ Ninh, trấn Kinh Bắc (Nay là thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) Có gia đình ông bà họ Phạm, vốn là dòng dõi thi thư, tính tình hiền hậu, đức độ nhân từ, ăn ở với dân làng rất trọng tình nặng nghĩa. Nhưng hiềm một nỗi tuổi đã cao mà chưa có một mụn con nên ông bà rất buồn và mong ước khao khát lắm.
Một đêm, có thần linh hiện lên báo mộng: “... Vợ chồng nhà ngươi vốn hiền lành, nhân đức, Ngọc Hoàng thương cho một tướng nhà trời xuống đầu thai...” Quả nhiên, năm sau ông bà họ Phạm sinh được một cậu con trai rất bụ bẫm khôi ngô. Ông bà vui mừng lắm đặt tên cho con là Ban (có ý là trời phật ban phúc cho).
Cậu bé Phạm Ban có trí thông minh, sáng dạ từ thuở nhỏ, học một, biết mười. Dân chúng trong làng thường ngợi khen là “Thánh văn, Thần võ”. Lớn lên, Phạm Ban trở thành một võ tướng tài giỏi phò vua Lý, giúp nước nhà.
Năm Giáp Thân (1044), giặc Chiêm Thành nhiều lần đem quân quấy rối nước Đại Việt. Vua Lý Thái Tông xuống chỉ giao cho tướng quân Phạm Ban hai đạo quân tinh nhuệ đi đánh dẹp. Trận đầu này ông đã chém tướng giặc, đuổi quân gây hấn, lấn chiếm, giữ yên một dải biên thùy. Ông được nhà vua trọng thưởng và phong tặng bốn chữ vàng “Bảo Quốc Bình Chiêm”.
Đất nước bình yên chẳng được bao lâu, giặc Xiêm La lại ồ ạt kéo vào. Tướng quân Phạm Ban một lần nữa lại được cử đi dẹp giặc. Lần này ông lại lập công, thắng lớn và đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước Nam. Vua Lý Thái Tông rất đỗi vui mừng, truyền mở tiệc khao quân và phong chức “Thái Phó Đại Liêu” và tuyên gả con gái yêu quý của mình là Hồng Nương công chúa cho tướng quân Phạm Ban.
Sau lễ tân hôn, tướng quân Phạm Ban và Hồng Nương công chúa xin phép Vua cha cho được “vu quy” hồi hương để ra mắt cha mẹ, họ hàng cùng bà con làng xóm nơi vùng quê Nội Duệ, Cầu Lim. Vua cha vui vẻ chấp thuận. Về tới quê nhà, vợ chồng tướng quân Phạm Ban mở tiệc, mời đông đủ bà con dân làng đến chung vui.
Được hơn một tuần rượu, bỗng nhiên trời tối sầm lại, sấm chớp ầm ầm, gió mưa mù mịt... Lát sau, trời lại quang, mây tạnh, nắng vàng rực rỡ. Mọi người ai nấy đều sửng sốt ngỡ ngàng: Hai vợ chồng Tướng quân Phạm Ban và Hồng Nương công chúa đã cùng bay về trời. Hôm đó đúng vào ngày mồng 3 tháng 9 âm lịch... Vua Lý Thái Tông vô cùng thương tiếc truyền cho dân chúng lập đền thờ và phong cho cả hai ông bà là Thành Hoàng làng. Hiện nay, ở làng Đình Cả (xã Nội Duệ) vẫn còn lưu giữ được một bản “Thần tích” và hai đạo sắc phong:
1 - “... Nhất phong - Bản cảnh Thành hoàng Đại Liêu, ban Thái phó linh ứng Thượng đẳng thần Đai vương” (Cho Tướng quân Phạm Ban) .
2 - “... Nhất phong - Bản cảnh Thành hoàng Quý Nương trinh hạnh, phu nhân Tôn linh Công Chúa” (Cho Công chúa Hồng Nương).
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 3 tháng 9 âm lịch, nhân dân làng Đình Cả lại tổ chức “húy nhật” hai vợ chồng Tướng quân Phạm Ban và Công chúa Hồng Nương rất uy nghiêm trọng thể. Làng quê Quan họ bên đồi Lim này, rất tự hào có người con một lòng vì nước, vì dân đã đóng góp một phần công lao vào sự cường thịnh của Vương triều Lý!
2. “PHẤN DŨNG TƯỚNG QUÂN” NGUYỄN ĐỨC MỤC:
Ngày xa xưa, vào đầu triều Nguyễn, ở làng Đình Sấm, xứ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (tức khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn ngày nay) có hai vợ chồng người nông dân cuộc sống rất nghèo khổ mà đường con cái lại hiếm muộn. Mong đợi mãi, tới khi về già mới sinh được một mụn con trai. Ông bà mừng lắm đặt tên cho con là Nguyễn Đức Mục. Cậu bé mới sinh ra đã có hình dáng khác thường: Mày rậm, mắt xếch, hàm én, mặt vuông trông dữ như một võ tướng!
Quả như vậy. Khi lớn lên Nguyễn Đức Mục rất hiếu động, nghịch ngợm và thông minh. Nhưng hiềm một nỗi vì nhà nghèo túng nên không được học hành. Suốt ngày cậu bé Mục phải theo cha mẹ đi làm thuê mọi việc như chăn trâu, cắt cỏ, xay lúa, giã gạo... cho các nhà phú hộ và chức sắc ở trong làng, trong xã. Thậm chí có những công việc nặng nhọc quá sức so với tuổi mình, song vì cậu bé Mục sẵn có sức khỏe phi thường nên mọi việc vẫn cứ trôi chảy thuận lợi.
Năm 16 tuổi, Nguyễn Đức Mục đã cao lớn vạm vỡ lực lưỡng như một đô vật. Lúc này, cha mẹ cậu thấy tuổi tác mình đã cao, lại thêm bệnh tật yếu đau nhiều, nên cũng có ý muốn “lo yên bề gia thất” cho cậu con trai. Nhưng liên tục chín lần nhờ người đi mối mai dạm hỏi các đám ở trong làng đều chẳng có chỗ nào ưng thuận. Ông bà buồn tủi và thương con mình lắm, lo nghĩ héo hon cả người. Phần lại vì nhiều năm phải đi làm thuê, làm mướn quá sức nên đổ bệnh lần lượt qua đời. Từ đấy chàng trai Nguyễn Đức Mục bắt đầu một cuộc sống mồ côi, tự lập. Với sức khỏe sẵn có, chàng lao vào mọi công việc, làm đủ mọi nghề, bất kể ngày đêm ở khắp các vùng quê để kiếm sống nuôi thân. Trong lòng chàng rất tủi hận. Không hiểu vì nhà quá nghèo túng hay vì hình dáng mình dữ tợn xấu xí mà không lấy được vợ. Đức Mục thấy hổ thẹn, hận đời và chàng đã rời làng ra đi...
Sau mấy năm lang thang đi kiếm ăn sinh sống khắp nơi, cuộc đời chàng thanh niên Nguyễn Đức Mục đã có một bước ngoặt thay đổi. Vào thời vua Gia Long (1802 - 1819) chàng được xung tuyển vào quân của triều đình. Với tướng mạo oai phong, sức khỏe phi thường và tài trí thông minh sẵn có, Nguyễn Đức Mục đã nhanh chóng trưởng thành, lập nhiều công trạng và được bổ nhiệm chức tước. Rồi ông được vua tín nhiệm liên tục được cử đi dẹp loạn ở khắp nơi trong nước. Đi trấn ải, canh phòng giữ gìn các vùng núi rừng biên cương trọng yếu ở phía Bắc. Sau đó ông được phong chức hiệu úy phụ trách việc quân cơ các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi Hải Dương, Bắc Ninh... Đến làm quan ở tỉnh nào ông cũng làm tốt mọi công việc được giao. Đặc biệt là việc rèn luyện quân sĩ tinh nhuệ, bảo vệ cuộc sống yên bình cho dân chúng.
Trong đạo sắc phong ngày 20 tháng 5, năm Minh Mệnh thứ 16 (triều Nguyễn) viết rằng: “... Suy tôn Nguyễn Đức Mục là người rõ ràng có trí khí, ngọn kiếm công minh, uy phong mạnh mẽ, gươm giáo phụ vào cùng binh lính ngựa xe, cầm quân theo nguyên huấn, chỉnh tề áo mũ, dọi theo điều ngang trái không e ngại, bèn được ghi lại điều tốt đẹp trong lòng ta (nhà vua) đã giao việc. Nay tiếp tục trao phong Minh Nghĩa Đô úy Bắc Ninh tiền vệ, thưởng hàm “chính tứ phẩm” chủ trì việc binh cơ mạnh mẽ, lòng trung quả quyết được triệu về kinh khen thưởng...”
Còn đạo sắc phong ngày 15 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 6 thì viết rằng: “... Thông tư rộng rãi khen ngợi Hải Dương vệ úy Nguyễn Đức Mục cung tên rắn giỏi, binh thư chuông lệnh cõng nặng, kiếm mã đàng hoàng, mạnh mẽ võ nghệ, dõi theo công việc trong soái phủ. Tham gia quyết định binh pháp, huấn luyện quân quyền được mạnh, trước sau một lòng một dạ, luôn luôn cần mẫn, có tài kham việc ngăn ngừa mọi cái nên được phép chính thưởng công lao. Nay được trao “Phấn Dũng tướng quân” Vệ úy bảo vệ Hải Dương. Ban cho mệnh lệnh. Chuộng khen một lòng, một đức cầm quân không sợ hãi, e ngại nhọc nhằn. Nay rộng rãi tuyên dương phương diện, được báo đền công việc đã giao. Khi vinh chung (lúc chết) mãi được khen ngợi có công. Thật đáng tôn kính vậy thay!...”
Từ khi lập được nhiều công trạng, được vua ban chức tước ân sủng, “Phấn Dũng tướng quân” Nguyễn Đức Mục làm việc ở các tỉnh đến tận cuối đời... Còn một câu chuyện rất thú vị về tình duyên của vị tướng quân này mà dân chúng đến bây giờ vẫn còn lưu truyền kể lại: Khi còn ở quê, bởi vì nhà quá nghèo và tướng mạo ông trông bề ngoài dữ tợn mà cha mẹ đi dạm hỏi đến... 9 lần mà vẫn không lấy được vợ cho ông! Có phải vì “hận” chuyện ấy mà sau này khi được làm quan, ông đã lấy đúng 9 người vợ khắp các tỉnh mà mình đã cai quản.
Phấn Dũng tướng quân Nguyễn Đức Mục tên thụy là Anh Mại (tự Đoan Phủ) chính là thủy tổ dòng họ Nguyễn Đức ở khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Công lao, tài đức của ông đã được nhà vua ra nhiều sắc phong khen ngợi ban thưởng. Được khắc ghi trong bia đá ở văn chỉ đình làng. Tại nhà thờ tổ họ Nguyễn Đức hiện còn lưu giữ được ba đạo sắc phong và một bức trướng bằng gỗ quý khắc chữ Hán Nôm ca tụng công lao của ông và nguồn gốc gia phả dòng họ. Hàng năm, cứ vào ngày 29 tháng 2 âm lịch, dòng họ Nguyễn Đức lại tề tựu đông đủ, tổ chức làm lễ tưởng niệm ông rất tôn nghiêm, long trọng. Lớp lớp hậu duệ con cháu ngày nay rất tự hào về dòng họ mình có một vị tướng quân tài giỏi, một đời tận trung, tận hiếu, hết lòng vì nước vì dân./.
PHÚC TOẢN