Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

HỘI "KHÁN HOA MẪU ĐƠN" VÀ CUỘC THI THƠ CUỐI CÙNG Ở CHÙA PHẬT TÍCH
16:19 | 11/06/2020

Thật khó có miền quê nào đẹp như vùng Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây làng quê trù phú, mượt mà lúa, ngô, chè, sắn và cây lá non tươi tạo nên một màu xanh mát mắt. Dải núi Nguyệt Hằng sừng sững lô nhô liên tiếp lối nhau từ dãy Đại Sơn chạy dài tới chùa Phật Tích trầm mặc uy nghiêm. Chùa có tên “Vạn Phúc tự” tọa lạc bên sườn núi rợp mát rừng thông vi vút gió reo, lặng lẽ nhìn ra dòng sông Đuống “nghiêng nghiêng”. Xa xa là chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành Luy Lâu cổ kính chốn quê hương của Man Nương, Tứ Pháp... Miền quê Tiên Du nơi đây mà mỗi tên làng, tên đồi, tên núi, tên sông cứ gọi lên nghe đã mộng mơ lung linh huyền thoại...

Theo các thư tịch cổ và nghiên cứu của các nhà sử học thì chùa Phật Tích được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XI. Khi đó, đạo Phật vào Trung Quốc còn đang ở vùng Trung Nguyên chưa xuống tới vùng Hoa Nam, thì ở Việt Nam các nhà sư Ấn Độ như Khâu Đà La (Gia La Đô Lê), Ma Ha Kỳ Vực, Mâu Bác... đã có mặt để truyền giáo (đạo Phật) rất sớm ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành). Truyền thuyết Man Nương Tứ Pháp  đã chứng minh rất cụ thể điều đó. 

Dưới triều đại nhà Lý (1010 - 1226) Chùa Phật Tích được mở mang xây dựng rất khang trang. Ngôi chùa đã trở thành thiền viện, đào tạo nhiều tăng ni phật tử. Trong tấm bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” (Bia lớn chùa Vạn Phúc) còn ghi: ... Ngoài các khu tiền đường, đại hùng, bảo điện... còn có tới 300 ngôi nhà (tam bách ốc) mà mỗi ngày phải cần tới 70 người để quét tước, dọn dẹp (tảo đới thất thập phu). Sau chùa, bên sườn núi còn có một khu tháp uy nghi dưới rừng thông gió reo vi vút. Phía trước mặt chùa là hàng linh thú đá như đón chào khách thập phương, càng tạo cho cảnh quan chùa Phật Tích linh thiêng tố hảo. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 4 Tết, các vua Vương triều Lý lại tổ chức mở hội “Khán hoa” (thưởng hoa Mẫu đơn) và thi thơ tại chùa Phật Tích. Nét đẹp văn hóa này được kéo dài đến tận năm 1935 dưới triều Nguyễn. Trong hội thi thơ cuối cùng ở chùa Phật Tích năm ấy, cụ Long Cát Nguyễn Thế Đống người làng Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du đã đoạt giải nhất với bài phú “Tiên Du - Phật Tích”:

Vườn Tiên chốn cũ 

Làng Phật ngày xưa 

Chùa đó là nơi thắng cảnh 

Huyện nhà nức tiếng danh cư 

Nhìn xem phong cảnh thanh quang còn ghi dấu Tổ 

 Không biết tháng ngày thay đổi 

Đã mấy nhà sư cho thay thợ tạo hóa xây lên 

Mẫu lịch sử ưa nhìn lắm lắm 

Bởi vậy 

Châu Tiên nổi tiếng 

Khách rong chơi dạo gót từ từ 

Nay xem như huyện Tiên Du 

Phong cảnh rất mực bách sắc đằng Tây, Hồng Vân phía trước 

Danh lam nổi tiếng đôi bên núi Khám, núi Bò 

Địa thế khác thường

Hai ngọn sông Thương, sông Thiên Đức 

Đủ vẻ phồn hoa thanh lịch 

Hạt Vũ Ninh cảnh đẹp nào hơn 

Xem chừng hình dáng xưa nay 

Nơi kinh khuyết màu xuân sánh bậc 

Núi Tích đây phong cảnh nhất vùng 

Chùa Tích đó đủ cỏ hoa mọi thức

Có cả chạm giường, vẽ cột điểm phấn tô vàng 

Nhà cao chót vót, miếu cổ nghênh ngang 

Sông Tào Khê  trước mặt, vòng quanh núi in trăng chiếu 

Núi Kha Lĩnh sau lưng, đứng tựa thông mạc gió vang 

Nhà Đá cận kề, lắng kệ chim quanh trước cửa 

Ao Rồng cạnh đó, nghe kinh cá lượn ngoài hay 

Lý Thánh Tôn xây dựng ngàn xưa 

Nền tôn giáo với quy mô rộng mở 

Nguyễn Tử Tấn trùng tu độ trước 

Cửa từ bi do công đức ai đương 

Đẹp lắm thay 

Quang cảnh không ngân trần gian thứ nhất 

Xa ngắm ba nghìn thế giới riêng chiếu góc trời 

Gần trông một dãy lâu đài y như nước Phật

Bàn cờ Tiên rêu phủ, giầy Tiên đi nay vết vẫn còn 

Rìu sắt núi ngấn in, gánh tiền vắng trông đầu non tưởng mất 

Nghi ngút nghìn năm hương lửa, ngất đầu non thấy cảnh thâu thiên 

Đề huề một túi rượu thơ, giục lòng khách chơi ngày tháng nhật 

Lúc bấy giờ có ông Từ Thức 

Huyện nha trọng nhân, chính sự nhu mỳ 

Thích du lịch lãm không phiền lụy chi

Trong vườn đào lý xinh thay 

Buổi công hạn thẳng đường hoa dạo khắp 

Nghe lễ hội Mẫu Đơn vui lắm 

Dạ tầm phương sui gót ngọc ra đi 

May sao ưa cảnh, ưa người duyên Tiên khéo gặp 

Nên vừa đi chùa, vừa lưu tiếng tốt còn ghi...

Vậy nối một bài thơ rằng:

Non Tiên dấu Phật sánh Tây Hồ 

Cảnh đó ngày nay trải mấy thu

Dạt khách vui chơi bao thú lạ 

Vần thơ kỷ niệm buổi sơn du...

                                        (1935 )

Nói đến “Hội khán hoa” ở chùa Phật Tích không mấy người không nhớ đến một mối tình huyền thoại giữa chàng Từ Thức với nàng tiên nữ xinh đẹp Giáng Hương. Trong một ngày hội xuân ở chùa Phật Tích, nàng Tiên nữ Giáng Hương ở trên thượng giới vì say mê cảnh đẹp nơi trần gian, đã biến thành một cô gái xinh đẹp xuống chùa xem hội thưởng hoa Mẫu đơn. Trong lúc cùng cô hầu đi hội xem hoa nàng vô ý làm gãy một cành hoa Mẫu đơn ở vườn và bị nhà chùa giữ phạt. Vừa lúc đó ông quan huyện Từ Thức cũng chợt đến. Thấy vậy, ông cởi áo quan ra nộp phạt cho nhà chùa và giải thoát cho cô gái. Sau đó trọng vì nết, quý vì tài mà nàng tiên nữ Giáng Hương đã yêu tha thiết chàng Từ Thức. Rồi chàng bỏ quan theo nàng lên thượng giới kết duyên. Ở trên trời được mấy năm, chàng thấy buồn tẻ và chán ngán cuộc sống mây gió nơi thiên đình và nhớ quê hương da diết. Chàng xin vua cha Ngọc Hoàng cho về hạ giới thăm lại làng xóm và những người thân. Từ Thức có ngờ đâu sống ở trên trời một năm bằng mấy chục năm ở dưới trần. Khi xuống đến quê thì chẳng còn ai thân thích. Chàng chỉ gặp một lão tiều phu đầu râu tóc bạc kể lại chuyện làng xóm cho chàng nghe. Sau đó Từ Thức sống ở quê và không lên trời nữa.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến năm 2005 cán bộ và nhân dân xã Phật Tích kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã cùng nhà chùa khôi phục lại nét đẹp văn hóa truyền thống: Tổ chức thi thơ vào ngày mồng 4 Tết tại hội chùa Phật Tích. Nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa này cần được cộng đồng làng xã giữ gìn và phát huy truyền thống của lễ hội “Khán hoa Mẫu đơn”./.

                                                                                                                                                                                                                                         PHÚC TOẢN